Wednesday, March 25, 2009

Thiên Đường Hạ Giới

Cờ Hung Gia Lợi
Thiên đường không ở đâu xa, ở ngay trong cuộc sống hằng ngày của chúng ta, nhưng chúng ta phải biết chọn nơi để sống. Chuyện thực đấy, không phải chuyện triết học đâu.
Nơi nên chọn sống là ở đâu: Hung Gia Lợi (Hungary). Nhưng cẩn thận, đó là chuyện của thập niên vừa qua, không phải bây giờ.
Trong thập niên vừa qua, Hung Gia Lợi là một trong 10 khu vực có nền kinh tế năng động nhất thế giới, là một trong 15 nơi du khách đến nhiều nhất.
Như thế được kể là thiên đường? Không!
Là thiên đường vì Hung Gia Lợi chỉ có 10 triệu dân mà có đến 3 triệu người lãnh tiền trợ cấp của chính phủ hoặc tiền hưu trí. Số tiền này bằng với tiền lương hồi đi làm. Nếu gia đình bạn có 3 người, và ở Hung Gia Lợi, thế nào chẳng có một người chẳng phải làm gì cả vẫn được lãnh lương.
Báo “The Wall Street Journal” kể rằng: Ngoài chuyện chính phủ Hung Gia Lợi ký checks trả cho người hưu trí, chính phủ này còn cung cấp rất nhiều phúc lợi xã hội cho những nạn nhân các tai nạn, những người tàn tật, cự chiến binh quân đội và lực lượng cảnh sát, các thị trưởng, các người hóa bụa, nông dân, thợ mỏ, và những nghệ sĩ “excellent and recognized”. Trung bình người dân Hung Gia Lợi về hưu ở tuổi 58, và chỉ có 14% những người ở độ tuổi từ 60 đến 64 là còn đi làm (ở Mỹ hơn một nửa số người này còn làm việc).
Bây giờ “thiên đường” đang là gánh nặng cho cộng đồng Âu Châu khi tính chuyện cứu giúp Hung Gia Lợi. Tiền trả trợ cấp xã hội vượt qua 10% tổng sản lượng.
Vậy thì muốn được ở thiên đường, phải chọn đúng chỗ và đúng lúc nữa।

Men Of The Year của Times năm 1957 là “những người chiến đấu cho tự do” trong biến cố 1956.

Tuesday, March 17, 2009

Chị Tôi 6

Đền thờ Cha Trần Lục
Đa số hình trong loạt bài Chị Tôi do Đỗ Việt Anh chụp

Ninh Cường – Phát Diệm

Đỗ Tăng Bí
Ngày xưa khi cầm quyển truyện “Đò Dọc” của Bình Nguyên Lộc, tôi có niềm tự hào nho nhỏ là mình đã từng biết thế nào là “đi đò dọc”। Cái “biết” này chỉ rất mơ hồ, rất lãng đãng, vì đó là vào khoảng cuối năm 1951, khi tôi 8 tuổi, trí óc chưa ghi nhận được nhiều. Tôi không nhớ được là Mẹ tôi, anh Tường và tôi lên đò ở đâu, không biết cuộc hành trình “đò dọc” khởi đầu như thế nào. Gọi là “đò” cũng không đúng. Tôi nghe Mẹ tôi hỏi người ta về “ca nô” đi Nam Định. Rồi tôi lên một chiếc ca nô, được sắp xếp chỗ ngồi. Tôi còn nhớ thành ca nô bằng sắt, và đó cũng là điều mới lạ đối với thằng nhà quê như tôi, tưởng rằng cứ là thuyền, dù gọi là ca nô chăng nữa, bao giờ cũng bằng gỗ (ngoại trừ cái “mũ canô” mấy “ông Tây” hay đội).

Tôi vẫn còn nhớ chuyến “đò” dọc này ngừng nhiều nơi, tiếng người ta lên xuống ca nô, tiếng lợn ủn ỉn, tiếng gà quang quác trộn lẫn tiếng người cãi nhau dành chỗ đứng chỗ ngồi inh ỏi suốt chuyến đi. Lâu lâu Mẹ tôi lại sai anh Tường mua ít quà vặt cho tôi ăn mỗi khi ca nô ghé bến dọc đường. Ít khi nào tôi được ăn luôn miệng như vậy. Đêm về khuya, tiến ồn bớt dần, chỉ còn tiếng máy ca nô sình sịch đều đều trên mặt sông, và tôi chìm vào giấc ngủ (ngồi) lúc nào không biết. Tỉnh dậy, Mẹ tôi dục tôi mau chân bước lên tấm ván bập bềnh bắc từ ca nô lên bờ đất. Tôi bám chặt anh Tường, cố rảo bước nhanh vì người ta xô đẩy, e dè nhìn làn nước lăn tăn phía dưới không biết lúc nào mình rơi xuống. Rồi tôi cũng đi thoát được tấm ván bập bùng lên xuống như lò xo, đặt chân lên mặt đất. Tôi đã đến thành phố Nam Định trên đường đi Phát Diệm, theo như lời Mẹ tôi nói với anh Tường. Tôi không rõ bằng cách nào Mẹ tôi đưa chúng tôi từ Nam Định đi Phát Diệm. Chỉ nhớ rằng bỗng dưng buổi chiều hôm đó, dưới bàu trời xám xịt mùa đông, tôi đứng giữa sân một khu nhà cũng xám xịt như nền trời, giữa mùi nước mắm nồng nặc. Tôi đang đứng giữa dinh cơ nhà ông Chánh Trác, bố chồng chị Thảo.
Rồi những ngày người lớn nói chuyện nhà trên, dưới khu người làm, tôi nhập vào lũ trẻ chơi trò trẻ con। Tôi không nhớ lúc đó anh Tường làm gì, ở đâu. Anh hơn tôi 7 tuổi, tức là anh 15, 16 tuổi. Hình như mẹ tôi sai anh đi thăm anh Đội Hoằng, anh rể chúng tôi, chồng chị Tỵ, con gái của Mẹ Già. Sau này tôi biết lúc đó anh Tường cũng gan thật, vì từ Phát Diệm đi Ninh Cường, nơi anh Hoằng ở, không gần gì. Anh Tường thuê xe đạp để đi lại ở Phát Diệm và Ninh Cường. Anh vác cả xe đạp lên chuyến đò ngang giữa hai vùng đất đó. Phần tôi, Mẹ tôi không có thì giờ nhìn nhỏ đến tôi nhiều vì chuyện người lớn với nhau, chuyện bên nhà anh Chương đưa Mẹ tôi vào thăm chị Thảo ở nhà tu, cho nên đây là lần đầu tiên tôi được tham dự thật đầy đủ, trọn vẹn vào cuộc chơi con nít. Bọn nhỏ bày vẽ chơi trò cưới hỏi, có lẽ vì biết nhà tôi đến đây cũng là do chuyện Chương, chị Thảo। Gọi là bọn nhỏ nhưng trong đám này có cả những cô gái trạc tuổi anh Tường Họ làm cỗ bàn cưới hỏi thực sự chứ không phải chỉ dùng mấy hòn đá, mấy lá cây. Chúng tôi ăn cỗ, có cơm nấu bằng nồi là mấy lon sữa bò, có cả rau luộc, rau xào, cả mấy con dạm, con cua muối. Đùa chơi như thế này thì nhất rồi. Tôi quên cả tôi đang là ai, không còn giữ kẽ gì cả. Ở làng, tôi phải luôn luôn nhớ chị em tôi là cô, là chú của lũ trẻ, không thể tự nhiên chơi đùa chạy nhẩy với chúng. Sẽ có nhiều vị không có cái thú lần đầu được “thả lỏng” trong đời một đưa trẻ. Tôi vẫn hay có những đề nghị vớ vẩn với các bậc Cha Mẹ khép con cái trong vòng kỷ luật rằng đôi khi cũng nên cho bọn trẻ được “thật thoải mái” ít giờ đồng hồ. Chúng sẽ nhớ điều đó đến suốt đời.

Tôi đang nói về chuyện ở Phát Diệm, nơi Mẹ tôi đến để nhất quyết lôi chị Thảo ra khỏi dòng tu kín của mấy Bà Sơ. Về chuyện này chị Thảo kể như sau:
“Chị nhớ mãi hình ảnh Đẻ quay đi khóc khi Chị không chịu về. Chị đã vừa khóc vừa nói với Đẻ:
“Đẻ cứ tưởng như con đã chấm dứt đời rồi. Con không về đâu, Đẻ đừng đợi.
“Rồi Đẻ đưa mấy đứa em đến। Em là đứa chị bế ẵm sái cả tay suốt bao năm trời. Nhìn em khóc mà chị đứt ruột. Không hiểu sao, có sức mạnh nào đó luôn nhắc nhở chị phải giữ vững khiến chị có thể chịu đựng tiếng khóc các em, tiếng khóc của Đẻ suốt 7, 8 tháng trời. Chị tin rằng đã được Chúa ban tiếng gọi thiêng liêng. Không phải ai cũng có ơn phúc đó. Đẻ bảo cả nhà sẽ ở lỳ đây, không về quê nữa. Chị nghĩ chắc là Cụ dọa đấy thôi, không lẽ Đẻ ở lỳ mãi mãi được giữa vùng đất xa lạ này. Vậy mà Đẻ làm thật. Mỗi Thứ Bảy hay Chủ Nhật, Đẻ đều đến nhà dòng xin Mẹ Bề Trên cho gặp chị, lúc đầu còn đi một mình, hoặc với Tường, sau mang cả em. Trời mưa trời nắng cũng vậy, cứ nằng nặc đòi gặp chị. Lâu dần, chị không chịu gặp thì Đẻ đứng lỳ trước cửa, lỳ lợm yêu cầu nhà dòng bắt chị ra gặp. Mẹ Bề Trên nhiều lần dùng quyền chăn dắt nữ tu bắt chị ra. Bà ấy cũng thấy cảm phục đức kiên trì của một bà Mẹ Việt Nam. Bà ấy người ngoại quốc, nói được tiếng Việt.”

Cho đến bây giờ tôi còn nhớ như in hình bóng ba mẹ con chúng tôi trên con đường lầy lội chạy giữa đồng ruộng trắng xóa nước। Mưa phùn gió bấc, con đường “trơn như bôi mỡ” theo cách nói của Mẹ tôi. Cả ba mẹ con phải tháo dép ra, đi chân không, thận trọng từng bước cho khỏi ngã. Mẹ tôi chỉ tôi cách bấm ngón chân xuống lớp bùn nhão nhẹt để giữ vững mỗi bước chân đi. Mấy ngón chân nhỏ bé của tôi bấm thế nào thì bấm cũng chẳng làm hài lòng lớp đất sét đắp mặt đường. Anh Tường phải nắm chặt tay tôi, dắt đi từng bước. Đôi khi gió giật từng cơn, tấm áo tơi (áo mưa) làm bằng lá khoác trên vai như muốn quật tôi ngã xuống. Đoạn đường khổ ải này ám ảnh tôi nhiều tháng trời. Suốt những tháng chờ đợi chị Thảo ra khỏi nhà dòng, ít nhất cũng một chục lần tôi đã qua đoạn đường thê lương đó. Sau này, nhiều lần tôi gặp lại những khúc đường như vậy ở Thanh Cẩm, Thanh Hóa, nhưng do nhiều người qua lại, nhiều vết xe trâu, hoặc do tôi đang ở độ tuổi gần 40, bước chân vững chãi, nên tôi đi qua không mấy khó khăn. Trong mấy bài thơ tôi làm tặng các em Phục Quốc cùng ở Thanh Cẩm, có những câu: “… trên con đường em đi chắc vẫn nhiều lầy lội, bấm ngón chân cho vững hẳn lòng em tự hỏi…”, cũng mang ít nhiều hình ảnh tôi từ mấy chục năm trước. Đêm thật khuya, nhân lúc chị Thảo ngừng kể chuyện, tôi nhắc lại hình ảnh những ngày mùa đông này đã khiến chị khó cầm nước mắt.

Tôi đã kể chị Thảo nghe về giai đoạn sau khi ở nhà ông Chánh Trác hơn tháng trời thuyết phục chị không kết quả, Mẹ tôi quyết định ở lại Ninh Cường để đợi chị. Một buổi tối năm 1951, chúng tôi gồm Mẹ tôi, anh Tường, và tôi đổ bộ lên một bến đò. Tiếng gọi nhau ý ới, Mẹ tôi hỏi thăm đi đâu đó, nhưng người ta bảo đêm rồi đi không được. Tôi không nhớ cuối cùng đêm đó mẹ con tôi ngủ ở đâu, có thể ngủ nhờ mái hiên một nhà nào gần bến đò, sáng hôm sau đón chiếc xe nhà binh đi nhờ vào đồn lính có anh Đội Hoằng. Anh Đội Hoằng là anh rể tôi, chồng chị Đỗ Thị Phương Tỵ. Hình như lần đó có cả chị Tỵ thì phải. Anh Hoằng làm cấp đội, đóng ở Ninh Cường, thuộc về Phát Diệm. Anh ở đó với bà vợ hai, nhà ngay sát với nhà thờ Ninh Cường và trường học của Cha Kiểm. Mẹ con tôi ở với anh ít ngày rồi tìm thuê một căn nhà trong khu nhà dưới của một ông trùm gần bến đò, cạnh chợ Ninh Cường. Mẹ tôi ở đó, buôn bán, và mỗi tuần lại đi đò qua bên kia sông, đi bộ hàng chục cây số, ra tận nhà tu kín Phát Diệm để gặp chị Thảo. Ninh Cường thuộc Phát Diệm là một khu khác hẳn Bắc Ninh. Thế mà mẹ tôi dắt con đến đó, thuê nhà, ra chợ buôn gánh hàng xén। Bây giờ nghe chuyện chị Thảo kể, tôi biết sau khi Thầy tôi mất, vốn liếng Mẹ tôi không có chút gì. Không biết vay mượn đâu để buôn bán. Chắc chắn chuyện ở lại xứ này hoàn toàn bất ngờ. Mẹ bán hàng ngoài chợ, anh Tường và tôi đi học trong trường Cha. Mỗi ngày hai lần lúc vào học, lúc về học, tôi đều đọc kinh. Tôi biết kinh Thiên Chúa Giáo từ đó. Sau này di cư vào Nam, ở trại định cư, tôi không còn bỡ ngỡ với kinh sách nữa.

Lúc đó tôi 8 tuổi đầu, người còm cõi. Người ta bảo tạng người như vậy. Bây giờ thì tôi biết chỉ vì thiếu ăn. Thiếu ăn, nên những hình ảnh thật tầm thường với người khác nhưng vẫn in vào đầu óc tôi đến bây giờ. Có một lần, mấy anh lính Tây bị đánh ở đâu đó, chạy bán sống bán chết về đến bến đò, người ta đưa vào nhà của ông chùm, chủ nhà nơi chúng tôi thuê, vì ông ấy nói được tiếng Tây. Ông ấy cho mấy anh lính Tây ngồi trên tràng kỷ ở nhà trên. Lần đâu tiên tôi thấy lính Tây rõ thế. Hôm lên đồn Hồ, Bắc Ninh, trong đám cưới chị Thảo, cũng có mấy “ông Tây”, nhưng hôm đó tôi không có sự bình thản quan sát mặt mũi họ như bây giờ. Ông chủ nhà cho làm cơm để mấy người đó ăn trong khi chờ xe trong đồn ra đón. Tôi kể Mẹ tôi nghe chuyện họ để nguyên một cái đùi gà cho bọn Tây ăn, mà cái đùi nó cầm tay, cứ thế mà ăn, cái đùi vàng tươm, bóng nhẫy. Nghe thế, hôm sau Mẹ tôi mua nửa con gà về rán lên, cho tôi nguyên cái đùi, nhưng cái đùi đã chặt ra làm mấy miếng rồi, và tôi cũng không được cầm tay. Đẻ và anh Tường ăn chỗ ức. Anh Tường suýt soa, sao hôm nay Đẻ hoang thế. Đúng là hoang, đến độ ông chủ nhà thấy vậy cũng phải kêu lên. Chính ông ấy khi nào nhà có việc mới ăn như vậy.
Hay là hôm nay nhà bà có giỗ?
Chẳng giỗ quải gì ông ạ. Cả năm thì cũng cho con nó ăn một lần.
Tuy còn bé, nhưng tôi biết mẹ tôi đã phải tốn kém thế nào để cho con mình đừng bao giờ nhìn người ta ăn nữa. Từ đấy, cho đến những ngày ở trong tù Thanh Hóa, trong khi anh em bạn mỗi tối kể lể nỗi thèm ăn, tôi vẫn dửng dưng. Không dám nói với mọi người là tôi không thèm gì cả. Làm sao ai hiểu nổi. Viết thư về cho nhà cũng không biết phải nói gửi đồ ăn gì. Nhiều người nghĩ mình làm bộ. Trong mấy anh em tôi, tôi ở gần Mẹ nhiều nhất. Tôi ở gần Mẹ tôi, học được rất nhiều điều dù cụ không hề nói, răn, đe. Cụ và chị Thảo kể rất nhiều điều về Thầy, về Đẻ. Và tôi lẳng lặng học. Khi tôi kể chuyện “Nhà tôi năm Ất Dậu”, anh Toàn nói tôi hư cấu. Toàn là chuyện mẹ và chị tôi kể về Thầy tôi. Nghĩ lại, trong rất nhiều ngày tháng khổ cực của gia đình, hầu như đều vắng bóng anh Toàn. Chị tôi là khổ nhất vì phải chăm sóc tôi, phần lo buôn bán, kể cả buôn lậu, để giúp mẹ. Đến hôn nhân khi tuổi mới 16 cũng là vì người khác. Không ở cùng, không sống cùng, làm sao hiểu hết. Đoạn trường ai có qua cầu mới hay. Trong suốt những “cầu” đã qua này, đất Ninh Cường là nơi tôi rất nhớ. Nhớ cả những buổi trưa hè, mẹ tôi từ chợ ngay sát nhà chạy về, pha cho tôi cốc nước chanh, tôi còn nhớ từng câu dục dã: Uống đi con ạ. Nước chanh quả đấy, mà Đẻ pha với đường kính, mát lắm. Hai mẹ con chia nhau cốc nước. Anh Tường ở ngoài chợ trông hàng. Đôi khi Cụ bận việc gì đó vẫn kêu anh Tường ra trông hàng, lâu dần anh hết ngượng, và ngoài chợ biết đến anh rất nhiều. Nhưng cả phố chợ Ninh Cường chắc phải nhớ Mẹ tôi vì chuyện cụ đánh anh Tường.

Một buổi chiều nào đó, anh Tường thuê chiếc xe đạp, chở tôi và một người bạn đi chơi. Người ta gọi là “đèo” hai người. Anh Tường vốn là vua nghịch và liều. Tôi ngồi ngay trên ghi đông, người kia ngồi đằng sau. Đường làng hẹp, chở nặng, gặp một xe đạp đi ngược chiều, anh Tường loạng quạng đâm vào người ta, chúng tôi ngã chổng kềnh. Xe kia bị cong bánh. Vậy mà anh Tường không nói không rằng bợp tai ngay anh chàng lái xe kia, chảy cả máu mũi. Anh kia líu quíu kéo lê xe chạy mất. Gia đình người ta biết được, đến tận chỗ ông chủ nhà tìm. Ông chủ mới nói đó là em ông Đội Hoằng, người ta không muốn dính tới lính tráng, quan quyền, bỏ qua cho. Mẹ tôi nghe lao sao, bỏ chợ về, ông chủ nhà kể chuyện. Cụ vác ngay cái ghế đẩu phang cho anh Tường một trận. Chắc là đau lắm nhưng anh Tường không dám khóc, không dám chạy. Ông chủ nhà phải can,
“Bà đánh thế thì cậu ấy vỡ đầu mất. Thôi bây giờ xin bà tha cho cậu ấy, và bắt cậu ta mang tiền đến nhà người ta đền đi, họ phải sửa cái xe mất bao nhiêu đó”.
Anh Tường phải mang tiền đến nhà người ta xin lỗi। Cụ bắt học từng câu nói (để người ta biết gia đình mình có học). Nhưng rồi bố mẹ anh chàng kia cũng mang tiền trả lại cho Mẹ tôi. Người dân quê mình chỉ muốn hòa bình (với bọn lính tráng), dù mẹ tôi phân bua mãi chúng tôi là gia đình nho học. Các bà mẹ thật khổ. Anh Tường bị nhốt một tuần lễ, đi học về là cấm ra khỏi cửa, và tôi có bổn phận giám sát vì mẹ tôi ở chợ. Dĩ nhiên là làm sao tôi giám sát được. Bao nhiều điều để nhớ về Ninh Cường, nơi sau này tôi biết là ổ Duy Dân.

Có lẽ chúng tôi ở Ninh Cường đến 7, 8 tháng trời, cho đến khi chị Thảo phải bỏ nhà tu, về với thế gian. Nhưng gia đình nhà chồng rất là không bằng lòng. Chị Thảo kể chuyện thế này:
“Không thể có bà mẹ nước nào được như Mẹ chúng Mình। Sao Đẻ có thể kiên trì đến thế. Mùa đông gió lạnh, mùa hè nóng bức, thời tiết thế nào cũng mặc, cứ mỗi tuần cụ đều đến nhà dòng gặp chị. Hơn nửa năm trời, tuần nào cũng nhìn cảnh em khóc, Đẻ khóc quay đi ra cửa, làm sao chị còn sắt đá được. Mẹ Bề Trên thì không thể nói gì với chị, nhưng chị hiểu rằng bà cũng mềm lòng trước Đẻ. Chị lại biết rõ vốn liếng Đẻ vay mượn được đã cạn dần, chưa biết ngày mai các em sống thế nào đây. Chị cầu khấn suốt ngày trước tượng Chúa, tượng Đức Mẹ, xin một lời khuyên giải, một biểu lộ ý Chúa. Cuối cùng chị tự hỏi rằng để Mẹ và các em khổ sở như vậy có phải là điều thiện hay không. Chị xin Mẹ Bề Trên cho xuất. Bà chỉ nói rằng cánh tay Mẹ luôn luôn rộng mở đón con trở lại, sau khi con lo được cho Mẹ con và các em con.

“Chuyện chị xuất khiến nhà anh Chương không hài lòng। Bố chồng chị thông cảm, nhưng mẹ chồng chị thất vọng ra mặt. Không biết có phải vì nếu chị đi tu, của cải của anh Chương, của chị, sẽ chia cho các em bên chồng, nay nếu chị xuất, họ sẽ mất những thứ đó? Hoặc giả, chuyện chị trở thành một Bà Sơ sau này cũng là điều gia đình anh Chương hãnh diện? Để thoát khỏi mọi điều nặng nề, chị cho họ hết mọi thứ, không tha thiết giữ một thứ gì khác. Mọi thứ vàng bạc, dây chuyền cho hết. Cũng để nhà anh Chương bớt đi nỗi ê chề vì chị xuất, chị xin Đẻ cho ở lại bên nhà chồng một thời gian, Đẻ và các em về trước, chị sẽ về sau.

“Trong thời gian chị còn ở lại Phát Diệm, có một lần bà mẹ chồng đưa chị đi Hải Phòng lãnh tiền tử tuất. Lần đầu tiên chị đi máy bay, hình như máy bay trực thăng, chỉ ít phút đồng hồ là từ Nam Định ra đến Hải Phòng. Lãnh xong tiền tử tuất, bà ấy đánh cho chị sợi dây truyền mấy chỉ gì đó để đeo thánh giá. Rồi Ông Bà ấy cũng bỏ Phát Diệm di cư lên Hà Nội vì tình hình chiến sự. Lúc đó là năm 1952 rồi, Việt Minh mỗi ngày một mạnh. Chị xin nhà chồng cho về ở với Đẻ. Trước khi đi, chị cho nhà chồng hết mọi thứ, chỉ giữ mấy bộ quần áo đơn sơ, và sợi dây chuyền treo Thánh Giá. Chị tự nghĩ, họ là nhà buôn bán, tuy giầu có đấy, nhưng nhìn sự đời không qua khỏi bàn tay đeo nhẫn. Của cải này mà làm gì, Đa phần là của anh Chương, cũng do cái chết của anh ấy, để lại cho họ là hơn. Vẫn cái tính nhà nho gàn đó em ạ, và chị đã phải có lúc hối hận đấy.

“Sau này, khi về gặp mẹ, chị mới thấy sao Đẻ nghèo thế, khổ thế। Chị không ngờ Mẹ mình khổ đến thế. Trước khi về nhà, lúc ở Hà Nội, chị đến nhà ông Cảo gặp Tòan. Hai chị em mang nhau ra đầu nhà khóc. Chỉ có Toàn là lúc nào cũng ung dung ở nhà Cậu Cảo, lúc này nhà cậu dọn về phố Hàng Bún Cụt. Hình như số 18 thì phải. Rồi chị đến thăm em, lúc đó em ở với Bác Phiệt, phố Hàng Than. Đang mùa đông, em mặc chiếc áo len xanh sờn rách. Lúc đó mình chợt tỉnh ra, tự sỉ vả mình, sao mình dám bỏ mẹ, bỏ em đi gần hai năm trời như vậy, để mẹ, để em phải cực khổ phân ly. Mẹ bôn ba một nơi, Tường lăn lộn một nơi, còn em bơ vơ hết cửa này đến nhà nọ. Em biết không, khi chị ra khỏi nhà tu Đẻ phải đưa em về trước vì cụ không còn đồng nào cả. Đẻ phải mang anh Tường đi gởi cậu Hiến ở Hài Phòng (Ông Ngô Trọng Hiến, sau này có nhà xuất bản Như Ý), mang em gửi Bác Miện ở phố Khâm Thiên, rồi gửi Bác Phiệt đang tu tại chùa Hàng Than. Phải gửi em vì Đẻ đi buôn, để em ở nhà một mìnhh không được, mà cũng làm gì có chỗ nào gọi là “nhà” để mà ở. Từ năm 1951, cụ đã chủi Hồ Chí Minh toáng lên ở làng rồi, làm sao dám trở về làng với lũ Việt Minh đó. Bây giờ đúng là tha phương cầu thực. Vậy mà suốt thời gian cả nhà khó khăn như vậy, chị cứ lần lữa ở nhà chồng. Chị nghe Bác Phiệt nói Đẻ vẫn đi Bắc Giang mua vỏ chai, tức là đi mua ve chai, rồi chở về Hà Nội bán. Bác Phiệt nói hôm nay Đẻ về, chị ra bến Nứa đón Mẹ. Nhìn Mẹ mà chị đau sót trong lòng, lúc đó chị nghĩ, phải chi mình mang được món tiền tử tuất kia về cho mẹ, mang được chỗ nữ trang anh Chương mua cho chị về với mẹ, thì mẹ đỡ biết bao. Đẻ phải đi vay mượn khắp nơi lấy vốn làm ăn. Nhiều đêm chị nghĩ tự tức mình, giận mình, chỉ biết khóc thầm. Mà mẹ mình không hề hỏi mình tiền bạc đâu. Có đau sót không. Rồi chị theo Đẻ đi Bắc Giang buôn hàng chuyến, có lẽ là cuối năm 1952, đầu 1953.”

Tôi nhớ lại giai đoạn này với một mớ những hình ảnh lộn xộn। Trước hết là chuyện đi Hải Phòng. Có thể hôm đi Hải Phòng là hôm Mẹ tôi đưa anh Tường đến “làm việc” cho cậu Hiến, một người em cùng bố khác mẹ của Mẹ tôi. Lúc đó, Cậu còn nghèo, nhà ở Đường Cát Dài. Lần chị Thảo đi tìm ông chú của anh Chương chắc là chưa đi đến nhà Cậu. Nếu gặp nhà Cậu trước, biết đâu đời chị, cả đời chúng tôi, có khác đi chăng. Tôi vẫn nhớ bữa cơm tối hôm đó ở nhà Cậu Hiến, cả mâm cơm chỉ có một món ốc nấu giả ba ba. Mợ Hiến nói đùa ăn thế này cho đỡ phải rửa bát đĩa nhiều. Cậu thì hơi băn khoăn vì có bà chị và các cháu đến ăn cơm. Mẹ tôi phải nói thực là đối với chúng tôi thế này là ngon lắm rồi. Với tôi, bữa cơm đó ngon thật. Cậu Ngô Trọng Hiến là một nhà kinh doanh giỏi, cậu bắt đầu hồi cư với việc bán thuốc dạo, nhưng cách bán của cậu khác mọi người. Cậu làm thành những câu có vần, có điệu, giới thiệu các món thuốc, nên bán đắt hàng. Rồi Cậu mua được căn nhà nhỏ, mở tiệm sách, rồi in sách. Khi vào Sài Gòn, Cậu có nhà sách lớn ở Phú Nhuận, mở nhà xuất bản Như Ý. Anh Tường ở với Cậu một thời gian, rồi bỏ đi đăng lính dù mới 17 tuổi.

Một hình ảnh khác là nhà Bác Miện ở phố Khâm Thiên, Hà Nội। Mẹ tôi mang tôi đến gửi ở đây. Bac Miện là anh Mẹ tôi. Tôi nhớ những khi chưa ở nhà bác, mỗi lần đến thăm tôi lại chờ đợi một mùi hương rất thơm, mùi thuốc phiện. Bác Miện nghiện thuốc phiện. Hiếm khi nào tôi thấy bác ra khỏi cái sạp kê giữa nhà, trên gác. Bác nằm hút thuốc phiện ở đó. Mỗi lần bác thở ra, khói ngào ngạt mùi thơm. Nhiều ngừoi không chịu được mùi này, riêng tôi lại thích. Sau này khi gia đình tôi ở trong hẻm đường Cao Thắng, ông Tổ Trưởng hút thuốc phiện, mỗi khi đi qua nhà ông mùi thuốc từ trên gác bay xuống thơm lừng một góc hẻm. Khi Mẹ tôi mang tôi đến gửi, bac trai đã mất. Tôi ở với bac gái và các anh chị. Bữa cơm của người dân mới hồi cư ở Hà Nội cũng chỉ có một hoặc 2 món. Các anh chị cứ kêu tôi là “gầy thầy cơm”. Lúc đó chắc tôi gần mười tuổi đầu. Mấy anh chị xin cho tôi đi học một trường tư ở gần nhà. Ở Ninh Cường tôi đã học lớp Tư, nhưng về đây, mấy anh chị cũng chỉ xin cho tôi học lại lớp Tư. Mấy môn khác không sao, riêng cái món Pháp văn thì tôi mù tịt. Trường này dậy tiếng Pháp từ lớp Năm.Lên lớp Ba họ dậy toàn bằng tiếng Pháp. Từ bé đến lớn tôi đã biết tiếng Pháp là cái gì đâu. Lúc đó đi học là một cực hình với tôi.

Ở nhà bác Miện, lâu lâu Mẹ tôi ghé về thăm। Mỗi lần về như vậy, Mẹ tôi lại đưa bác tiền và gạo để gửi tôi. Mẹ tôi cũng mang tiền và gạo đến nhà Cậu Cảo, nơi gửi anh Toàn. HÌnh như Cậu Cảo cũng giúp đỡ Mẹ tôi nhiều vì Cậu có việc làm, Mợ buôn bán ở chợ cũng khá. Mỗi lần về, Mẹ tôi lại dắt tôi đi lang thang mấy phố gần Khâm Thiên, mua cho toi miếng giò, miếng chả đứng ăn ngoài đường. Tôi không quen ăn như vậy, cứ chối đây đẩy. Lòng Mẹ sợ con ăn uống thiếu thốn, mà cũng không đủ tiền cho con vào một tiệm ăn nào đó. Sau này, mỗi khi nhớ hình ảnh Mẹ tôi đứng ôm vai con góc phố, cái vai còm cõi của tôi, ép tôi ăn chút gì đó, tôi lại thấy nao nao như mãi mãi đánh mất một thứ gì chẳng bao giờ còn đền bù được. Mẹ tôi khổ thật đấy, như lời chị Thảo từng nói.

Chuyện học lớp Tư ở Khâm Thiên khiến tôi khổ sở, Mẹ tôi bèn đưa tôi đến gửi Bác Phiệt ở phố hàng Than। Bác Phiệt là chị ruột Mẹ tôi। Bác chọn cửa Phật để ẩn náu cuộc đời từ xa xưa। Bác thuê một căn gác ở phố Hàng Than, lập bàn thờ như ở chùa। Những tháng ngày ở với Bác thật bình lặng. Mỗi lần tôi đi học về, bác bắt rửa mặt, rửa tay, rồi ngồi ăn cơm với bác. Cơm chay, phần nhiều gồm một món canh và một bát lạc (đậu phụng) kho, hay một đĩa đậu rán, hoặc đậu trắng luộc. Tôi ăn ngon lành nhưng bác vẫn áy náy, cứ hỏi tôi có cần mua một đồng chả quế về ăn không. Bác không bắt tôi đọc kinh nhưng khuyên tôi nên giữ yên lặng nhưng giờ bac tụng kinh, gõ mõ. Lâu lâu, bác dúi cho một đồng, tôi đi lang thang đến đền Quan Thánh mua một gói phá xa lạc rang của chú Tàu đeo thùng thiếc đi bán dạo. Bác khen như thế là tốt (vì lạc rang vẫn là món chay mà). Rồi một buổi sáng mùa đông, chị Thảo đến tìm tôi. Sau đó ít lâu, đầu năm 1953, Mẹ tôi đón tôi về Mỹ Độ, phủ Lạng Thương, nơi có con sông Thương nuớc chảy hai dòng, bên đục, bên trong. Ba mẹ con ở với nhau cho đến ngày trở lại Hà Nội, chuẩn bị lên đường từ Bắc vào Nam. Lúc đó, lần đầu tiên từ lâu lắm rồi, cả gia đình xum họp để xuống Hải Phòng lên tàu há mồm. Mấy tuần lễ ở Hà Nội, cả nhà ở nhờ khu bếp một biệt thự của người bạn Mẹ tôi trong ngõ Nam Đồng. Anh Tường đua tôi đi ra bờ hồ xem duyệt binh và đốt pháo nhân dịp lễ quốc khánh Pháp, 14 Tháng 7. Anh cho tôi ăn một thứ quà gì đó thật lạ, anh gọi là gỏi sứa. Vừa ăn anh vừa nhìn ráo rác vì sợ lính bắt. Sau tôi biết anh là lính đào ngũ. Phe Quốc gia nướng quá nhiều lính ở Điện Biên Phủ, số đào ngũ rất đông, suốt ngày có ruồng xét trên đường phố. Lúc đó anh Tường 18 tuổi. Chị Thảo cứ mắng anh Tường về tội làm liều, khai gian tuổi đi lính đã liều, đào ngũ lại liều hơn nữa.

Anh Tường còn nhiều chuyện liều lắm, tôi chỉ biết một phần và sẽ kể ở phần “anh tôi”.

Thursday, March 12, 2009

Chị Tôi 5

Suốt Đời Chuyện Buồn Cười

Đỗ Tăng Bí
Nếu chỉ kể 5 người con của Mẹ tôi, chị Thảo là chị cả và tôi là em út. Là em út nên hầu như tôi gần gũi với chị Thảo trong mỗi chặng đời của chị. Nếu không là nhân chứng thì ít nhất ký ức tôi cũng đọng lại hình ảnh về những hoạt động của chị, những cảnh sống của chị, dù rất mơ hồ, dù không liên tục như một cuốn phim. Nhưng toàn bộ ký ức đó vẫn là một cái gì thống nhất, giữ được vẻ liền lạc. Riêng thời gian mấy tháng từ khi chị dọn đi Đồ Sơn, rồi về Hải Phòng, rồi lên Hà Nội ở với họ hàng bên chồng trong khi chờ nhà chồng từ Phát Diệm lên tiếp xúc, tôi hoàn toàn mù tị. Ngay cả chuyện Mẹ tôi có đi Hà Nội gặp gia đình bên chồng của chị Thảo, tôi cũng không hề biết chút gì. Hình như tôi mang máng biết chuyện anh Chương bị chết, nhưng chuyện đó lại có vẻ xa lạ với tôi. Có thể đó là giai đoạn Mẹ tôi vất vả vô cùng, buôn bán xuôi ngược, chẳng mấy khi tôi được nghe mẹ kể chuyện. Có những tháng ngày tôi ở nhờ hết nhà này đến nhà khác ở Hà Nội, những nhà họ hàng bên ngoại. Dăm bữa, nửa tháng Mẹ tôi về thăm tôi một lần, mang theo tiền, gạo gì đó đưa cho ông chú bà bác đang nuôi tôi. Nên những gì chị Thảo kể dưới đây hoàn toàn làm tôi bỡ ngỡ.

“Anh Chương mất đi, bỗng dưng chị rơi vào vực thẳm. Khóc suốt ngày. Nhưng rồi bên quân đội người ta bảo chị phải về nhà thôi, một thời gian sau sẽ lên lãnh tiền tử tuất. Chị quên bẵng khoản tiền này, cả năm sau mẹ anh Chương mới đưa đi lãnh.

“Bên nhà binh người ta không có chỗ nuôi mình mãi, đuổi thì mình phải đi. Có lẽ chỉ độ một tuần sau khi chôn cất anh Chương là chị phải đi rồi. Chị chẳng biết làm thế nào, đi đâu bây giờ. Trong mấy tháng ngắn ngủi sống vối anh Chương, chị biết loáng thoáng là gia đình anh ở Phát Diệm, và anh có họ hàng ở Hải Phòng, ở Hà Nội. Buồn cười một nỗi là từ ngày lấy chồng chị chưa khi nào gặp gia đình chồng. Hôm đón dâu là mấy người lính trên đồn và bạn bè anh là bên nhà trai. Không biết gia đình anh Chương có biết họ có một cô con dâu là chị hay không. Hình như mọi chuyện xẩy ra quá đột ngột, quá gay cấn, anh Chương chưa từng thú nhận với nhà là đã cưới vợ. Nửa thế kỷ trước chuyện lấy vợ không xin bố mẹ đâu phải chuyện đùa. mà họ là gia đình Công giáo nữa chứ. Bây giờ, nếu chị muốn về nhà chồng ở Phát Diệm thì cũng không biết làm sao mà đi, làm sao tìm ra nhà chồng. Quay về quê ở với Đẻ ư, thì cũng phải giữ trọn vẹn đạo làm con với nhà chồng đã chứ. Thầy mình nói hoài mà, “Xuất giá tòng phu,...”, rồi “dâu là con, rể là khách”. Cậu thấy có buồn cười không?”
Lúc chị Thảo kể chuyện này là lúc chuông nhà thờ Ba Chuông báo lễ nhất. Hôm đó cả hai chị em cùng dậy sớm. Đêm qua nóng quá, quạt chạy vù vù cả đêm cũng không giúp tôi ngủ được thẳng giấc. Chỉ Thảo nói anh Thiên, chồng chị đi lễ trước, chị sẽ đi lễ sau lúc 5 giờ rưỡi. Chị em lại tiếp tục câu chuyện tình thời ly loạn. Có điều, tôi không thể thấy buồn cười như chị cảm thấy. Có thể khi đã đến cùng cực của sự khổ đau, người ta bỗng thấy mọi chuyện trở thành vô nghĩa, thành buồn cười chăng. và với nụ cười dễ dãi trên môi, chị kể tiếp:

“Trước đó anh Chương nói có một người chú ở đường Cát Dài, Hải Phòng. Thế là, ôm gói quần áo gồm mấy cái quơ vội, chị lên đường đi khắp thành phố Hải Phòng tìm ông chú anh Chương. Còn đồ đạc ở Đồ Sơn người ta thu vén về, vẫn gửi trong kho quân đội. Chị lần mò tìm được đến đường Cát Dài. Cứ thế, với tấm ảnh anh Chương trong tay, chị vào từng nhà trên con đường đó, nhà nào chị cũng vào hỏi nhà ông Tư."

Ở đây tôi là người viết lại chuyện chị Thảo, phải nói ngay những điều viết ra này hoàn toàn dựa trên lời kể của chị Thảo. Xin đừng nghĩ là tôi hư cấu. nếu có hư cấu là do chị Thảo. Mà một chuyện đời như vậy, cả làng đều biết, ngay chị tôi giờ này, Tháng Hai năm 2009, vẫn còn sống ở Sài Gòn. Ai nghi, tôi xin đưa điện thoại hoặc địa chỉ về hỏi tận nơi cho ra nhẽ. Đôi khi, có những người cả cuộc đời êm ấm, không cảm được nỗi khổ đau của người khác, không tin trên đời có những cảnh khổ như vậy, nên cho là hư cấu. Thôi, hãy nghe chị Thảo kể tiếp:

“Suốt mấy tiếng đồng hồ, chị lê chân như vậy trên đường phố Hải Phòng, rồi phố Đường Cát Dài, trong lòng thầm khấn anh Chương giúp chị tìm ra ông chú. Đến một nhà kia, khi xem ảnh, thì đứa em con ông chú nhận ra, đem ảnh vào hỏi bố: Có một chị cầm ảnh anh Chương chụp với hai anh em con, chị ấy nói là vợ anh Chương. Gia đình họ mới mời chị vào hỏi chuyện, rồi ông chú đánh điện lên hỏi ở Hà Nội. Ông Tư mà anh Chương nói ở Hà Nội chứ không ở Hải Phòng. Ở Hà Nội anh Chương còn bà bác, gọi là bác Thịnh thì giầu lắm. Bà ta làm chủ hơn ba chục căn nhà ở Hà Nội, phố Lương Ngọc Quyến, có cả mấy tiệm vàng. Còn ông Tư chỉ có một tiệm vàng thôi. Mới nghe ông chú ở Hải Phòng nói chuyện là mình đã thấy nản rồi. Nhà mình vốn nhà nho, nghèo nàn, không quen lối hợm của nhà giầu. Tự dưng lọt vào mấy nhà này, không nhận nhà chồng không được, mà nhận thì người ta nghĩ sao đây.

“Thế là mình lại từ bỡ ngỡ này sang bỡ ngỡ kia, từ hoang mang này đến hoang mang nọ. Mới bỡ ngỡ vì cả làng, cả tổng ép đi lấy chồng, rồi đến bỡ ngỡ về đời sống vợ lính, chưa quen, nay lại lọt vào cái bỡ ngỡ bên nhà chồng. Sau khi đánh điện qua lại, có người từ Hà Nội xuống Hải Phòng đón chị. Ông giáo Khuê là chú anh Chương đưa chị từ Hải Phòng về thẳng số 105 phố Hàng Bạc, Hà Nội. Lần đầu tiên ờ Hà Nội chị được đi xe tay, nhưng không có thì giờ để nhớ xem nó làm sao. Suốt chặng đường Hải Phòng, Hà nội, ông giáo Khuê đã gạn hỏi chị đủ thứ chuyện. Rõ ràng là chị chẳng biết gì về bố mẹ chồng cả. Tính ra từ ngày lên đồn Hồ lấy anh Chương là giữa Tháng 11 âm lịch, đến ngày anh Chương mất là ngay sau Tết, không biết có đủ ba tháng hay không. Suốt thời gian đó anh Chương cũng vắng nhà, hai vợ chồng không biết nói chuyện với nhau được bao nhiêu ngày, đã nói với nhau được bao nhiêu chuyện? Chị đã được nghe nhiều về nhà chồng đâu. Nghe ông chú chép miệng chị hiểu rằng ông đang nghĩ gì. Như thế này thì đâu có phải vợ thằng Chương. Con dâu mà không biết gia đình chồng ra sao, bố mẹ chồng là ai. Chị đã nói em là chuyện buồn cười mà, cả đời chị chỉ toàn những chuyện buồn cười thôi. Đến Hà Nội, người ta đưa chị vào nhà ở phố Hàng Bạc nói là “để ở tạm”, bây giờ chị em mình phải thêm mấy chữ “ở tạm trong khi chờ điều tra!”. Đó là nhà bà chị cả của mấy ông chú, bà bác gia đình anh Chương. Bà lấy cái quyền chị cả nên mọi chuyện phải có ý kiến bà ấy.
“Thế là mình rơi vào tình trạng người ta nhìn mình như một thứ gái lăng nhăng. Người ta cứ nghĩ mình bám vào con cháu người ta vì tiền. Chị cứ im lặng vậy thôi. Những tháng ngày này chị chỉ biết khấn Thầy, khấn anh Chương giúp chị tìm được sự bình an, giúp chị tìm được gia đình chồng, để sau đó xin về với Đẻ, với các em. Đôi lúc, chị cũng muốn bỏ cuộc, về thẳng nhà quê rồi ra sao thì ra. Ngày xưa Thầy nói theo tử vi chị khổ suốt đời vì bướng bỉnh, nên tính bướng bỉnh bắt chị ở lại nhà chồng xem ra sao. Khi ở phố Hàng Bạc, mỗi ngày chị xin phép bà bác chồng cho đi bộ đến nhà cậu Cảo, lúc đó ở phố Cửa Bắc. Đến đó rủ cậu Toàn ra góc phố cạnh nhà. Hai chị em cứ lóng ngóng góc phố, và chị khóc. Đó là lúc đợi chờ bố anh Chương từ Phát Diệm ra. Bố anh ấy có thuyền buôn chở cua, nước mắm, mắm tôm ở Phát Diệm ra Hải Phòng, Hà Nội bán. Lúc đó mấy bà, mấy ông bên anh Chương và Đẻ, họ hàng bên mình, bắt đầu gặp nhau. Em thấy hay không, chú rể chết rồi hai bên họ hàng nhà trai, nhà gái mới gặp nhau tìm hiểu, tìm hiểu với đầy nỗi nghi hoặc trong từng lời nói, từng cử chỉ.”

“Thực tình, sau khi ở với nhau được hơn một tháng chị đã bắt đầu thương anh Chương. Anh ấy là người có ăn, có học, đối xử tử tế, ngay một người chồng không phải là lính cũng chưa chắc có đuợc sự tử tế như vậy. Anh ấy được đào tạo từ chủng sinh, sống nội trú, nên rất mẫu mực, khuôn khổ. Từ cách ăn, cách mặc. Ngay chuyện chải đầu chẳng hạn. Chải đầu xong, anh ấy lấy một cái bàn chải riêng, chải hết tóc đi, mới cắm cái lược vào đúng chỗ của nó. Cho nên thấy thương anh ấy, chị cũng muốn về quê anh ấy một lần cho biết. Nên chị mới xin với Đẻ, xin cho chị theo về gia đình chồng. Cả họ nhà mình nói sao Đẻ dại thế, nhưng lúc đó thì Đẻ cũng thương anh Chương. Đẻ nói, dù sao một ngày cũng nên nghĩa. Bọn nó chính thức lấy nhau, có lễ nghi đàng hoàng, có hôn thú đàng hoàng, nó muốn về nhà chồng thì làm sao mình cấm được.

“Đến lúc bên nhà anh Chương đã tìm hiểu xong nhà mình. Họ đã dò hỏi về họ hàng mình ở Hà Nội. Không biết họ có cho ai về quê tìm hiểu nhà mình không. Rồi đến lúc cả nhà mấy ông chú, bà bác quyết định thu thập đồ đạc của anh Chương, mở ra xem có những gì. Cho đến lúc đó, chị cũng chưa hề sờ đến đống đồ đạc này. Họ lục mở valy anh Chương, bắt được nhật ký của anh ấy. Anh Chương ghi nhật ký từng ngày, kể chuyện anh ấy gặp chị như thế nào, anh ấy tả hình dạng chị, tả tình cảm của anh ấy. Cho đến cả chuyện anh ấy nhờ ông Lý Quỹ, chuyện anh Thơ nhà mình lên tận chỗ anh ấy ở, xem xét mọi thứ. Người làng vẫn gọi anh Thơ là ông Đám. Anh ấy ghi ngày nào ông Đám lên chơi, chuyện gì, ngày nào làm gì, ngày nào gặp chuyện này chuyện nọ, ngày nào cưới. Mọi sự anh ấy ghi hết trong quyển sổ. Bấy nhờ người ta mới biết mình là người thế nào. Lúc đó họ mới coi chị là dâu.
“Lúc này họ mới hỏi chị có muốn về thăm quê chồng không. Chị bằng lòng về. Chị đã tính trước chuyện này, đã xin phép Đẻ. Mà chuyện về nhà chồng cũng buồn cười lắm. Ông bố chồng trông còn trẻ măng, đẹp trai hơn anh Chương. Ông ta trông như Tây, ở thành thị chứ không ở thôn quê. Họ ngoại nhà ông ấy cũng làm quan, ông nọ ông kia. Chị không hiểu sao một ông “lái nước mắm” trông lại sang cả thế, cứ như người làm chức này, chức nọ đàng hoàng. Bố chồng lên Hà Nội đón chị, đưa về Phát Diệm. Đến Phát Diệm, chị ngồi xe kéo, vừa đỗ xe xuống là bà vợ ông ấy bỗng chau mày nhìn. Sau nghe ông bố chồng chị giới thiệu đây là vợ của Chương, bà ấy mới có vẻ yên tâm. Sau này mấy bà trong nhà kể lại mình mới biết: Lúc em về, mợ tưởng em là nhân tình của cậu. Lúc đó mình vừa mới mười bảy tuổi chứ bao nhiêu. Mới 17 tuổi nhưng đã chít giải khăn đen trên trán, lúc nào cũng giải khăn đen.
“Mình là con nhà nho, cái gì cũng nền nếp, lạc vào sống trong một khu vực toàn họ đạo, lại gia đình buôn bán, chị thêm một lần rơi vào bỡ ngỡ. Chị loay hoay tìm cách thích hợp với nếp sống gia đình chồng, với mấy người anh chị em anh Chương. Cuối cùng chị nghĩ cách hay nhất là lấy cớ học đạo, suốt ngày chị đi nhà thờ, suốt ngày đọc kinh. Rồi ơn trên bỗng dưng đến, chị ước muốn đi tu.

“Xin được sống trong dòng tu kín ở Phát Diệm, lại thêm một lần chị làm Đẻ và các em khổ khi từ xóm làng Bắc Ninh về nhẫn nhịn sống ở vùng Ninh Cường để gần chị. Sắp lễ hai rồi đấy, chị đi nhà thờ đây”.
Người con chiên ngoan đạo suốt cuộc đời chỉ thấy toàn chuyện buồn cười lặng lẽ đi bộ đến nhà thờ. May ra chỉ khi được “hưởng nhan thánh Chúa”, lúc đó chị mới thấy quả thực trên đời cũng có chuyện nghiêm chỉnh chăng.

Wednesday, March 11, 2009

Chị Tôi - 4

Tượng trưng bày tại Viện Bảo Tàng Chiến Tranh Việt Nam ở Chicago
100 Ngày
Đỗ Tăng Bí
Ngày 9 Tháng 11 âm lịch, năm 1949, tôi đóng vai cô dâu thay chị tôi trong đám rước dâu về bốt Hồ. Lúc đó chị tôi còn bị Ủy Ban Hành Chánh, đúng ra là “Hành Chính”, nhốt bên làng Quảng Lãm vì tội lấy chồng là địch. Bây giờ ngồi ngẫm nghĩ lại, hóa ra những nhóm chữ (mà người ta gọi là cụm từ) “Cuộc Chiến Việt Nam” với tôi không chỉ là những chữ vu vơ, vô tri vô giác. Nhiều người có thể đọc những tài liệu về cuộc chiến Việt Nam một cách bình thản, đôi khi vô tâm. Riêng với tôi, những chữ “Cuộc Chiến Việt Nam” lại quá liên quan mật thiết đến cuộc đời tôi, gia đình tôi. Cũng trong cuộc chiến Việt Nam chị tôi được gả bán để cứu một số người Việt Minh (không rõ có đảng viên Cộng Sản nào không?) Cũng trong cuộc chiến Việt Nam, Mẹ tôi sau bao nỗi uất ức của một “Bà Mẹ Chiến Sĩ” đã cúng hầu hết của cải cho kháng chiến vẫn bị o ép đủ điều, một buổi sáng năm 1951, bắc ghế, trèo lên đứng giữa sân chửi tuốt tuột cả Hồ Chí Minh, cả Bảo Đại, rồi dắt tôi băng ngang nhiều thửa ruộng, chạy trốn khỏi làng. Tôi còn nhớ rõ sáng hôm đó trời âm u, cái âm u của bầu trời Tháng Mười, cuối thu, Mẹ tôi lôi hết chăn, màn, chiếu ra giặt và phơi đầy sân. Sau này Mẹ tôi cho biết phải làm bộ như vậy để “bọn nó” không nghi rằng mình đi trốn. Mọi khi đi buôn bán đều để thằng con ở nhà, hôm nay tự nhiên dắt con đi theo, dễ bị nghi ngờ, ngăn chặn. Cũng trong cuộc chiến Việt Nam, ở ngoài Bắc, anh Thừa Niệm tôi bị thanh toán rồi được trao giấy liệt sĩ, anh Thơ tôi bị bắn chết trên đê với tội danh vu cho là Quốc Dân Đảng. Ở trong Nam, Anh Tường tôi không chịu vào đảng Cần Lao, bị tống đi chết ở tiền đồn khi mới 27 tuổi đầu. Tấ cả đều trong cuộc chiến Việt Nam. Và tôi, 6 tuổi đầu ngồi ăn mấy cái “bánh Tây” giữa đồn Hồ, Bắc Ninh, cũng trong cuộc chiến Việt Nam. Cũng trong cuộc chiến này, một thanh niên tử tế trong bọn lính tráng ở đồn đến ngồi cạnh tôi, lấy cho tôi đủ thứ đồ ăn. Đó là anh Chương, Phan Huy Chương, chồng chị Thảo tôi.

Chị kể về anh Chương:
“Anh Chương vì bực mình ông chú, bà bác ở Hà Nội nên đăng lính. Anh ấy chỉ là trung sĩ, nhưng vì học trường chủng sinh nên giỏi tiếng Pháp. Bọn đồng đội dù cấp cao cấp thấp muốn làm giấy tờ gì bằng tiếng Pháp đề phải nhờ anh ấy. Nên chuyện anh ấy muốn cưới chị được cả bọn Tây lẫn bọn người Việt mình trên đồn lo tận tình. Vì thế khi bọn Việt Minh giữ chị bên kia sông, trên đồn mới có lời dọa đưa cho làng Đại Mão và mấy làng chung quanh là nếu trong vòng 48 giờ nữa, không đón được cô Thảo lên đồn, cả mấy làng sẽ bị bỏ bom. Dọa thôi, cùng lắm là đốt làng mình chứ lấy đâu ra máy bay mà thả bom. Nhưng bọn Ủy Ban Hành Chánh vẫn sợ, phải thả chị, và một tiểu đội lính về đón chị lên đồn Hố.

“Còn chị, lên đến bốt Hồ, tâm trạng chị lúc bấy giờ rất khó diễn tả. Chị cứ tưởng như mình là một kẻ tù tội chưa bị đưa ra xử án. Chị không hề nghĩ đến chuyện phải chung sống với một người đàn ông. Ở quê thì 16 tuổi cũng kể là lớn, nhưng nhà mình khác, 16 tuổi mà chị như vẫn sống trong vòng tay Mẹ. Mấy hôm liền chị im lặng. Anh Chương săn đón hỏi. Lúc nào cũng ôn tồn. Anh ấy bảo nếu vậy là mấy ông ở làng em thêu dệt ra, ông Lý Quỹ chắc là nói không đúng. Anh cứ tưởng là em bằng lòng, nhà em bằng lòng anh mới xin cưới. Nếu vậy thì hay là thôi đi. Vì nếu mà lấy ép uổng thì cũng không phải là vợ. Về sau anh cho biết là người Công giáo, tuy chưa làm phép nhà thờ, nhưng theo luật bên anh thì hai người phải thương nhau mới có thể là vợ chồng. Còn nếu như vậy… Nói đến đó anh bỏ lửng, có lẽ câu tiếp theo phải là “anh đành trả lại em cho gia đình”. Nhưng anh không nói như thế, mà nói tiếp: Anh phải thú thật với em là anh rất yêu em.
Hình trưng bày tại Viện Bảo Tàng
Chiến Tranh Việt Nam ở Chicago
“Suốt mấy đêm liền chị chỉ nằm quay lưng lại anh ấy và khóc. Đến lúc anh ấy nói như vậy, chị mới nghĩ thân phận mình là con gái làng quê, bây giờ đã lên cái đồn này ngủ mấy đêm rồi, đối với xóm làng dù mình có về nhà chăng nữa cũng còn là cái quái gì. Nhưng quả thật anh ấy không dám đụng đến người chị. Con cháu Thanh chị còn bắt nó ngủ chung phòng mà.
“Cuối cùng, chị bắt đầu thấy thương anh Chương, cũng là lúc anh đổi đi Hải Phòng. Trong suốt thời gian điều đình với nhà mình qua mấy ông già ở làng, lúc có vẻ được, anh ấy lẳng lặng xin đổi đi. Anh ấy định về sẽ về ở Hải Phòng, nhưng trước đó về ở Hà Nội. Anh ấy có anh bạn là anh Đàm Quang Đột, hai người thuê nhà chung ở Hà Nội. Hai người cùng học một khóa sĩ quan đầu tiên ở Huế. Hình như vì anh Chương còn nhỏ quá, tuổi khai sao đó, nên chỉ được đeo lon trung sĩ tạm, đợi khi đủ tuổi mới là sĩ quan, chị chẳng biết có đúng không. Khóa đó chỉ có mấy người ra chuẩn úy như anh Đàm Quang Yêu là anh của
anh Đột. Chị về Hà Nội được ít ngày thì Tết. Lúc đổi đi, Đẻ có
mua cho mấy con gà. Mấy con gà nhốt vào lồng đưa lên xe, anh ấy cứ cằn nhằn sao em xin Đẻ mấy con gà này làm gì, chật xe. Chị bảo em có xin đâu, Đẻ thương Đẻ mua cho. Như thế chị ở bốt Hồ hơn một tháng, khoảng ngày 25 Tháng Chạp âm lịch, chị lên Hà Nội, ở phố Ngọc Hà. Lên Hà Nội, ăn tết xong 3 ngày thì anh ấy phải đi xuống Hải Phòng trình diện. Chị ở nhà một mình, vẫn chưa quen được với đời sống vợ lính. Lúc đó cậu Tòan ở trên Cậu Cảo, có mấy hôm cũng xuống ở với chị. Lúc Đẻ ra ở mấy bữa, cũng đỡ buồn.”

Về chuyện này tôi nhớ anh Đột có cái xe “bình bịch”, phun khói dầy đặc, tiếng nổ om xòm. Những khi theo Đẻ lên chơi chị Thảo, tôi lại được anh Đột cho lên yên sau, “đèo tôi đi chơi một vòng”, theo cách chị Đột nói. Tôi nhớ trong ánh chiều tà, nghe tiếng xe bình bịch nổ từ xa, tôi biết anh Đột đi làm về. Tôi hồi hộp chờ đợi xem hôm nay có được ngồi trên xe chạy vù vù hay không. Tôi vẫn nhớ bụi bay mù mịt, thứ bụi vàng, từ cuối dốc bay lên. Trong bụi có mùi thơm của xăng, mùi thơm của phố phường ngoại ô Hà Nội, mùi thơm của tỉnh thành mà ở quê không tài nào có được. Chỉ riêng chuyện được ngửi mùi thơm đó cũng khiến tôi thầm hãnh diện khi nhìn lũ trẻ đồng lứa tuổi ở quê. Nhưng hãy nghe chị Thảo kể tiếp về cuộc đời chị:

“Chừng một tháng sau anh Chương về. Suốt tháng đó anh vẫn viết thư về, nói anh sẽ thu xếp ổn định ở đây thì đón em. Đồn chính của anh ở Đồ Sơn, nhưng anh được đưa đi một nơi là Phúc Xá để đón đồng bào hồi cư. Trong thư anh kể rằng ở đây anh cũng có dịp làm việc nghĩa. Đồng bào về đây gặp bọn lính Tây, ngôn ngữ bất đồng, nếu không có mình họ sẽ khổ nhiều. Bọn Tây đen hơi một tí là dùng vũ lực. Có anh, vì anh biết tiếng Pháp, bọn nó cũng sợ anh báo cáo cấp trên, không dám hiếp đáp đồng bào mình. Trong thư, anh Chương viết rằng đồng bào thấy anh giúp đỡ, cho tiền cho bạc nhưng anh không nhận, vì anh nghĩ anh được làm việc nghĩa thế này là tốt cho anh. Có một người cố nài ép, họ cho anh cái đàn măng đô lin, có cái đàn anh cũng đỡ buồn.

“Ngày mùng 5 TếT anh Chương đi Hải Phòng thì cũng đúng ngày 5 Tháng Hai âm lịch, anh ấy về Ngọc Hà. Hình như hôm đó là khoảng 23, 24 Tháng Ba dương lịch. Mấy hôm sau anh ấy đưa chị đi Hải Phòng, gọi là về nhà mới. Chẳng biết nhà mới ở đâu, chỉ thấy mình lọt vào giữa một trại cau, gần đồn lính, chờ anh đi làm giấy tờ ở những đâu chả biết. Lúc đó chị mới thực sự thấy mình là vợ lính. Chán ngán, chị ngồi khóc tỉ tê một mình. Bây giờ thì thực sự xa Mẹ, xa em, cả nhà có biết mình đi đâu. Ngồi giữa trại, bao nhiêu cặp mắt nhìn mình, thân phận vợ lính, tự nhiên mình thấy cô đơn, trơ trẽn trước cái nhìn của mọi người. Ngay cả những người vợ lính khác, cả thằng Tây đi qua nhìn mình, mình cũng thấy xấu hổ. Mình còn bé tí thế này sao cũng đi làm vợ người ta. Chị cứ thế mà khóc. Anh Chương phải an ủi. Anh ấy còn hỏi: Giờ này mà em còn khóc nữa sao? Chắc bây giờ em mới nhận biết em là vợ lính phải không? Anh ấy tinh lắm. Chị phải nói tránh ra là em đang nhớ Đẻ, nhớ em.

“Mãi rồi anh ấy mới được cấp xe chở xuống Đồ Sơn, lên ở trên một đỉnh núi. Lính phải xuống chuyển đồ lên cho chị. Anh chị được cấp cho một căn phòng giống như biệt thự, trông ra biển. Tối đó ăn bữa cơm đầu tiên ở Đồ Sơn, ăn với cá biển. Mấy chị vợ lính họ nấu nướng dùm mình. Anh ấy nói mấy hôm đầu mình cứ nhờ các chị ấy. Nhưng nào có được mấy hôm đâu.
“Ở được đúng một đêm, sáng hôm sau, lúc khoảng 3 giờ, 4 giờ sáng anh ấy phải đi hành quân. Đêm hôm trước, cái anh hạ sĩ quan khác, cấp dưới anh ấy, không biết có phải họ bố trí với nhau hay không, nghĩa là bố trí với bọn du kích ấy, anh ta mới nói rằng khi xếp đi vắng, em làm mọi chuyện của xếp, ngày mai em phải đi tuần, xếp đi dùm em, ngày mai nhà em có giỗ, em phải về nhà. Thế là anh ta bỏ đi. Sáng hôm sau, anh Chương đem lính đi. Anh ấy còn nói chị là anh đi thế này giống như đi chơi, ở đây an ninh lắm. Anh sẽ ra mấy chỗ bờ biển, sẽ ra chỗ dân chài, mua cho em con cá thu tươi.

“Anh Chương đi môt lúc, thì nghe tiếng súng bắn. Mình còn bé quá, đã biết gì là đời lính, có hiểu tiếng súng đấy là cái gì đâu. Nhưng nghe tiến súng bắn xong tự nhiên chị thấy choáng váng mặt mày, mới vào giường nằm. Chỉ một lúc ngắn ngủi sau, thấy hai thằng lính chạy về nói là chúng nó bắn chết hết chúng tôi rồi, ở trong đồn nghe tiếng súng mà không cho yểm trợ. Về lúc này, đầu óc chị hoàn toàn trống rỗng. Hình như lúc đó trí óc mình không còn khả năng ghi nhận gì cả. Chỉ nghe ai bảo làm gì thì làm cái đó. Vậy mà chị về được Hải Phòng.
“Lúc ngồi trong nhà xác ở Hải Phòng, chị nhớ lại chuyện cũ. Sau khi lấy nhau được một tháng ba ngày anh ấy mới nói thế này: Thảo ạ, anh xin thú thật với em anh là người Công giáo, gia đình anh ở Phát Diệm. Bây giờ đã thông thương được với Phát Diệm rồi, anh định mọi chuyện yên ổn, chừng một năm, anh sẽ đưa em về làm lễ ở nhà thờ để hợp thức hóa. Chị mới hỏi anh ấy: Sao anh không nói ngay từ lúc đầu. Anh ấy bảo nếu nói là Công giáo thì gia đình sẽ từ chối. Anh ấy đâu biết rằng gia đình mình sợ thấy mồ, vì cả làng năn nỉ, vì 19 người bị bắt kia, mà nhà mình phải gả chị. Chị còn nhớ đám chánh lý đến đứng chật nhà, họ không dám ngồi vì đều là học trò Thầy, Thầy mất rồi thì Đẻ vẫn là “Cô” của họ. Đẻ ngồi trên cái ghế giữa nhà và nói. “Con tôi đẻ ra, lúc bé là con tôi, bây giờ nó lớn rồi nó là người làng người nước. Bây giờ làng nước muốn thế nào thì tùy các anh, các anh phải nhớ nó là em các anh. Chỉ xin các anh một điều, làm giấy tờ đàng hoàng là mọi chuyện do các anh định đoạt, bên nọ, bên kia có về không được đổ vấy cho gia đình chúng tôi. Không biết nếu còn cụ ông nhà tôi các anh có dám đến đứng cả lũ thế này không?” Phải nói là Đẻ đáo để lắm, vừa chửi họ bất tài, chuyện làng nước không dám đương đầu, chỉ trông vào thân một đứa con gái, vừa bắt họ chịu trách nhiệm hết chuyện mình phải gả con cho lính. Cũng chính vì vậy, khi chị bị bên kia sông bắt, Đẻ nhất định không qua năn nỉ “Bố bọn nó, chú bác bọn nó còn là học trò Thầy, tại sao tôi phải năn nỉ mấy đứa đó” Cụ nói cứng như vậy mà trong lòng thì như lửa đốt. Chị còn nhớ rõ mà, mấy ông kia năn nỉ Đẻ, xin Cô thương các cháu, xin Cô cứu các cháu. Chức việc trong làng, rồi bố mẹ 19 người thanh niên bị bắt thay nhau đến chật nhà mình. Nên lúc nghe anh Chương nói không dám nói là người Công giáo vì sợ bị từ chối, chị bật cười nhưng không dám nói, sợ anh ấy khổ tâm. Mà quả thực, sau đám cưới mấy ngày, anh ấy xin trên đồn tha cho cả 19 người. Anh ấy đã xin cho rồi, đã cứu rồi, mà bọn chúng còn quay lại bắt anh ấy làm nội tuyến, anh ấy xin đổi đi chỗ khác ngay. Có phải vì vậy mà anh ấy bị giết?

“Không bao giờ bọn bên kia sông nói về chuyện này. Họ làm như đây là cuộc hôn nhân bình thường, nhà mình gả con gái cho lính. Nhưng dân làng họ biết cả. Trong làng có con dâu anh Bôn, là cháu ngoại anh Biểu Chăn, một trong mấy ông hồi đó thu xếp chuyện gả cưới chị, nói rằng anh Biểu Chăn sau này cứ dằn vặt mãi về chuyện bắt chị đi lấy chồng. Anh ấy rất tôn trọng Thầy. Thu xếp ép con gái Thầy đi lấy chồng, để chỉ mấy tháng sau, mới 16 tuổi đã thành hóa phụ, điều đó làm anh ấy đau khổ. Mấy năm trước khi chị về thăm được làng thì anh ấy đã mất. Nếu gặp được thì mình cũng an ủi anh ấy vài câu. Còn anh Lý Quỹ, thực sự chị không biết tên anh ấy là gì, tên Quỹ là lấy tên đứa con ra mà gọi theo kiểu các cụ nhà mình. Anh ấy có mấy thằng cháu nội cũng làm ăn ở Sài Gòn này, vẫn đến đây, tự xưng danh con là cháu nội ông Lý Quỹ. Sau họ về Bắc, không thấy vào. Suốt từ ngày Miền Nam sụp đổ đến bây giờ, bao nhiêu người họ hàng làng nước đã vào cái nhà này, chị nghe biết bao nhiêu chuyện. Họ nhà mình bị họ trù dập. Anh Thừa Niệm, rồi anh Thơ, cũng bị giết. Còn họ nhà mình bao nhiêu người bị hại. Cứ nghe anh Ngột kể truyện đủ rùng mình. Bây giờ anh Ngột vẫn hay ghé nhà mình, mỗi lần ghé, chẳng ai hỏi gì cũng tự dưng ngồi khai ra hết. Anh Ngột, hồi mới di cư vào Nam, ở Đà lạt, bị bắt, Đẻ cũng xin cho.”

Chuyện này thì tôi biết. Lúc đó là những năm 1956 cho đến 1960, tôi học trường Trần Hưng Đạo, có người bạn học tên là Ngọc, hình như Nguyễn Văn Ngọc. Ngọc có ông bố làm trong ngành cảnh sát. Một hôm ông Bố của Ngọc cho gọi tôi đến, nói muốn gặp Mẹ tôi vì có người bị bắt khai thân nhân ở số 2 Ngô Quyền. Đó là anh Ngột. Ông Bố của Ngọc cho biết anh này chuyên đi đánh bả chó về làm thịt rồi bán, bi bắt. Mẹ tôi phải nhận là thân nhân để xin cho về. Thực ra Ngột chỉ là người làng, không biết có được gài vào nam công tác không.

Lúc chị tôi kể chuyện, anh Ngột cũng đã gần 70 tuổi rồi. Chị tôi nói rằng bay giờ anh Ngột lấy một người vợ công giáo, ông bố vợ bắt theo đạo. Anh ta cũng theo đấy nhưng có giữ đạo đâu. Khi ghé nhà mình chơi vẫn lễ phép như xưa. Rồi cứ thế mà khai ra đủ chuyện:
“Hồi về bắt Bà con cũng có về.
Rồi anh kể chuyện mấy năm đó chuyên môn đi theo thằng Khoan, chứng kiến những vụ giết người,
“Bây giờ nghĩ lại con vẫn còn sợ”, anh Ngột nói.
“Bọn nó đánh người ta, rồi chém đầu người ta, máu phọt ra văng lên tường.”
Anh Ngột nói là cán bộ khu vực đó giết người như giết ngóe, không gớm tay.
“Thằng Tứ nhà anh Cử Phách cũng bị giết như vậy.”

Chị Thảo trở lại chuyện anh Chương bị phục kích:
“Những người vợ lính có chồng bị chết hôm đó nói rõ ràng là có nội tuyến. Mọi khi những khi đi tuần thường là vào lúc tờ mờ sáng, chưa rõ mặt người nhưng trông xa xa đường đất còn thấy. Hôm đó, đi quãng hơn 4 giờ sáng, trời tối om om làm sao bọn du kích biết được mà phục kích. Nghĩ lại, chị thấy quả thực cái anh hạ sỹ quan kia có thái độ kỳ lạ thế nào đấy. Anh ta cứ nằ g nặc đòi anh Chương đi thay và phải đi từ lúc trời còn tối đen như vậy, lại còn lấy cớ giỗ chạp để bỏ đi trước khi mọi sự xẩy ra, trong đồn không có ai đem quân tiếp viện. Không lẽ từ Thuận Thành, quê mình, mà bọn Việt Minh còn theo anh Chương đến tận Đồ Sơn mà giết, để dấu nhẹm những tên nội tuyến ở đồn Hồ. Đó là sau này ngồi nghĩ lại, chứ lúc ở Đồ Sơn, như chị đã nói, chị không còn biết gì nữa, ai nói sao làm vậy. Thành ra chẳng hiểu sao chị đưa được anh Chương về Hải Phòng để chôn. Đúng ra bọn nhà binh chở tất cả 8 người bị chết hôm đó về nhà xác ở Hải Phòng. Tất cả. Họ đưa chị vào để nhận xác, anh ấy nằm quan tài cuối cùng, bên trong cùng, chưa đậy nắp. Chị như người mê, không biết gì. Mấy người lính gác không biết còn chị ở trong, cứ thế đóng cửa lại. Chị ngồi cạnh quan tài anh ấy, nghĩ miên man những chuyện mấy tháng vừa qua, không biết chuyện nào là thực, chuyện nào là hư. Lâu lâu lại chồm lên sờ vào người anh Chương, thấy lạnh ngắt, mới tin rằng anh chết thật rồi. Căn nhà xác rộng khoảng chừng 4 mét nhân 8 mét. Chị ở trong nhà xác đó với 8 cái quan tài, 2 xác chết để nằm trên cái băng ca, một người đàn bà, một người tây đen. Họ đóng cửa rồi, chị vẫn ngồi trong đó từ 8 giờ sáng, đến 6 giờ chiều họ lại mở cửa nhà xác cho ai đó vào nhận diện người chết. Lúc đó mấy người lính mới biết có chị ở trong. Mới đầu, họ hốt hoảng, tưởng chị là ma. Rồi họ mang chị ra nhà thương, chích thuốc, cho uống sữa. Hôm đi chôn họ đưa chị ra đi theo. Chôn ngay nghĩa địa ở Hải Phòng.

Lấy nhau được hơn ba tháng (không biết có đủ 100 ngày?) chồng chị đã chết:
“Anh Chương mất đi, bỗng dưng chị rơi vào vực thẳm. Khóc suốt ngày”.

Sunday, March 8, 2009

Chị Tôi - 3



Đón Dâu Lần 2

Đỗ Tăng Bí
Lúc đó tôi được 6 tuổi. Đã đi học trường làng nhưng tuổi thơ không lưu lại chút ký ức gì về chuyện đánh đinh, đánh đáo, bắt dế, thả diều. Có một lần nghe xúi dại của cậu em họ lớn tuổi, tôi và Mật, cũng là em họ bằng tuổi tôi, leo lên bè chuối để họ đẩy ra giữa ao. Nghe tiếng Mẹ tôi thất thanh kêu cứu, gọi người kéo bè chuối vào, từ đấy tôi không đi chơi lang thang nữa. Mẹ còn đánh Chị Thảo, anh Tường mấy roi về tội không trông em, càng làm tôi thương anh chị, cứ ru rú trong nhà. Sau này, Mẹ tôi gửi anh Tường đi Hòn Gay học, ở nhà bác Khâm thì phải. Còn 3 mẹ con ở quê, sống chật chội trong túp lều tranh góc vườn chuối. Túp lều chỉ kê vừa đủ một chiếc giường tre, góc nhà để một cái hòm (rương) bằng gỗ tạp, có khóa. Ba mẹ con ngủ chung trên giường, nên hôm chị Thảo bị bên kia sông về bắt, tôi bị dựng dậy để gửi lên nhà trên vì Mẹ tôi hôm đó đi Hà Nội. Tôi không chịu ngủ nơi khác, chị Thảo phải gọi mấy đứa cháu xuống ngủ với chú.
Tôi nhớ rất rõ cái đêm hôm đó. Nửa đêm, vẫn là mấy người quen về vào lúc ban đêm, dăm bữa nửa tháng họ thường về gặp mẹ tôi, lúc thì lấy tiền, lúc lấy gạo, lấy vải nhựa, quần áo, thuốc men. Sau này tôi hiểu Mẹ tôi là “Mẹ chiến sĩ”. Đêm đó họ cũng về nhưng thái độ hung hăng. Những lần trước họ bế tôi lên, có khi cúi đầu làm ngựa cho tôi cưỡi dù tính tôi xưa nay không quen kiểu chơi đó. Họ thường thân mật hỏi tôi học hành ra sao, sau này lớn lên có đi kháng chiến không. Lần này khi thấy tôi khóc bám lấy chị Thảo, họ dằng tôi ra, quát lên bảo tôi im, quẳng tôi vào giường. Họ không còn gọi tôi là chú mà nói thằng bé này có yên không thì bảo. Bố họ thường là học trò Thầy tôi. Học trò coi con thầy như em, con của học trò phải gọi chúng tôi là cô, chú. Hôm đó tôi là “thằng bé này”. Chị Thảo kể chuyện đêm đó như sau:

“Mấy hôm sau cái đêm nói đã quyết định gả chị cho người ta, Đẻ đi Hà Nội để mua vải may quần áo. Ngay cái đêm Đẻ đi, bọn nó ập vào bắt chị. Đẻ tính đi mua vải về may vội mấy cái áo cho mọi người. Đó là đêm mùng 7 tháng 11 ta, mà ngày đón dâu là ngày 9, tức là chỉ còn 2 ngày. Nửa đêm nó về bắt chị. Đúng là thật hoang mang sợ hãi. Nhưng chị cũng gan lắm, chẳng khóc gì cả, nhưng thương em vì em khóc quá, sau phải gọi anh Thơ hay là mấy đứa cháu Cần, Kiệm, Thiện gì đó xuống với chú. Bọn du kích đưa chị ra đò, đi qua ngay bờ sông bên kia, ngay làng Quảng Lãm bên kia sông. Đó là sông Hồ. Đi qua bến đò Dậu, còn gọi là bến đò Thị Mão. Qua đến bên kia sông là mấy thằng du kích, có con thằng Mõ, nó cũng gọi mình là chị. Gọi chị, xưng tôi. Mình tức quá, chẳng thằng nào còn gọi mình là cô nữa, không thằng nào còn xưng con, cháu với mình nữa. Đó là điều rất sỉ nhục mình. Thế mới biết đầu óc mình ngày xưa phong kiến. Đến nơi, thằng con bà Đáng, thằng Liêm, nó là chủ tịch xã. Mình nhìn thấy nó thì biết nó con nhà ai, cũng biết nó là con rể ông Phó Chiên. Ông Đáng là em anh chánh Đền, chánh Đền thì là học trò Thầy. Bà Đáng thì là chị của bà hai Lâm, cả nhà ấy dòng họ Lê Doãn, vốn mang mối hận họ Đỗ. Họ đã từng cưới con gái họ Đỗ về để hành hạ. Đó là con Yến, con chị cả Tú nhà mình (Anh Cả Tú là con đầu lòng của Mẹ Già, chánh thất của Bố tôi, cũng đậu tú tài, đã mất). Chị cả Tú đến thăm con, thấy con mặt mày xưng tím, thì nhà nó nói là con Yến lấy ghế phơi quần áo rồi bị ngã. Nó còn chửi con Yến trước mặt mẹ là chị Tú. Chị Tú về khóc với Đẻ. Đẻ nghe vậy giả vờ đến thăm cháu. Bọn nhà nó cũng kể chuyện như kể với chị Tú. Đẻ nói thế này:

“Tôi cũng có nghe chuyện chị Tú nói. Biêt cháu nó đau nên tôi phải đến thăm. Nhưng mà tôi nói cho bà nghe này, cháu nó đã đuợc gả bán. Ở nhà, cả nhà nâng niu chiều chuộng, về đây là con dâu bà. Nó khôn thì bà dậy ít, dại thì bà dậy nhiều, còn nếu nó lỡ làm điều gì thì bà có chửi, hãy chửi bố mẹ chồng nó chứ bố mẹ đẻ nó đã hết bổn phận rồi.
“Cả nhà nó bị Đẻ cho một trận. Cánh nhà đó bọn nó tai ác lắm, cậy giầu.

Chị kể tiếp chuyện chị:
“Con nhà Đáng ngồi ghế chủ tịch xã, thì nó cứ để chị nghỉ 2 tiếng đồng hồ lại hỏi cung. Hỏi đi hỏi lại: Cô đã quen anh đó bao giờ, cô đã kể những chuyện gì trong làng cho anh ấy nghe, đã tiết lộ những gì? Mặt nó lạnh như tiền. Cũng đôi lần ban đêm nó về gặp Đẻ. Đó là những lúc nó cần xin cái gì quan trọng, còn bình thường nó cho du kích về thôi. Vậy mà hôm đó nó làm như người lạ vậy. Có điều nó còn gọi mình là “Cô”. Nó cũng nói vài ba câu chuyện muốn đàn áp tinh thần mình, nào là liên lạc với địch có thể bị nhân dân cho tử hình hoặc lao tù nhiều năm ở tận Phú Thọ, Đồng Đăng… Ngày xưa chị vẫn nghe lóm Thầy giảng bài cho học trò, có cả bác thằng Đáng này chứ đâu, như là “uy vũ bất năng khuất, bần tiện bất năng di,…”, thành ra mình cứ theo đó, nhất định không để lộ sợ hãi. Thực ra, mấy ngày bị bắt, chị không còn nhớ đến chuyện sợ nữa, chỉ lo không biết em ra sao, rồi Đẻ đi Hà Nội về sẽ xoay xở ra sao, còn chuyện người ta đến rước dâu? Không sợ, chị dõng dạc trả lời nó:
“Các anh hỏi những điều đó cũng bằng thừa. Nếu có tiết lộ gì thì các anh cũng đã biết. Mà người ta cũng có cần tôi tiết lộ đâu, người ta cũng biết.
“Lúc đó mình mới 16 tuổi mà sao cứng cáp thế. Bọn nó mới bảo nhau: Cô này kinh thật đấy. Nếu được đào tạo cô ấy sẽ thành một cán bộ giỏi. Cứ thế nó hỏi đi hỏi lại. Chị chỉ một điều là tôi không biết gì hết. Tôi cũng chưa biết mặt người ta nữa. Còn các anh muốn biết về người ta thì cứ về làng hỏi ông Lý Quỹ, hỏi ông Biểu Chăn đấy. Thế là mấy ngày chị chỉ có khóc, không ăn uống gì cả. Bọn nó nói cô không ăn thì cô sẽ chết, còn chúng tôi, việc chúng tôi phải làm thì cứ làm. Chị nhớ là ở cái nhà đó 3 đêm 2 ngày, cũng không rõ là nhà hay hang, lạnh lẽo lắm. Ngày cũng như đêm, 2 tiếng hỏi cung một lần. Đến đêm thứ hai, đang hỏi cung thì du kích bên làng mang qua một tờ giấy, qua vách lá chị nghe bọn nói với nhau là giấy của dân làng xin cho chị về. Giấy nói bảo đảm với nhà nước cho cô ấy về. nếu nhà nước không muốn làng tôi tan nát thì cho cô Thảo về. Chị còn nhớ thằng Đáng đọc cái gì như “Thập Bát Dĩ Thượng, Thất Thập Dĩ Hạ…”, nghĩa là dân làng từ 18 tuổi trở lên, 70 tuổi trở xuống, làm giấy này xin chính phủ… Đêm thứ 3, bọn chúng cho mang chị về. Cả đi, cả về, chúng bịt mắt chị một quãng, chẳng biết là mình đi đâu, ở đâu, chỉ đến bến đò thì mình biết là bến đò nào.”
Tôi vẫn nhớ một số một số hình ảnh ở nhà vào những ngày chị bị bắt. Buổi trưa sau đêm chị bị bắt, Mẹ tôi từ Hà Nội về. Đang đứng trên hè, nghe anh chị Thơ nói bọn nó về bắt cô Thảo đêm qua, Mẹ tôi, từ trên bậc thềm, ngã sấp xuống, đè cả vào con chó đang lẩn quẩn dưới sân. Tôi cũng còn nhớ như in chuyện tôi lần đầu tiên được ngồi xe nhà binh, mùi xăng thật thơm tho, hình như là mùi của thứ xăng chứa nhiều chì, hoặc pha nhiều dầu. Mấy chục năm sau đôi khi tôi gặp lại mùi xăng đó. Tôi nghe loáng thoáng là tôi đi thay cô dâu vì chị tôi đang bị bên kia sông bắt giữ. Tôi thành nhân vật chính vì mẹ tôi không đưa con gái về nhà chồng. Tôi chẳng rõ ý nghĩa chuyện này là gì. Lên đến đồn, tôi được mời ngồi vào một bàn tiệc chạy dài trong căn nhà lớn. Tiệc trà, tiệc rượu gì đó tôi không biết, chỉ biết tôi được ép ăn nhiều thứ, uống máy thứ nước ngọt. Tôi chưa từng bao giờ uống mấy thứ nước ngọt này nên không chịu uống. Tôi cũng không còn nhớ chuyện ăn uống ra sao, chỉ nhớ là mấy cái bánh ngọt nói là của Tây, và cảm thấy được chú ý đặc biệt vì là em ruột cô dâu. Còn bé quá, biết gì là ngon đâu. Chỉ nghe mấy ông người lớn đi theo suýt soa rượu ngon, bánh ngon. Cả đời dân làng chưa chắc bao giờ được ăn mấy thứ bánh đó. Xe nhà binh đưa đi, rồi đưa về. Lúc về trên xe, ai cũng có vẻ buồn và lo. Sau này tôi biết là vì không có chị tôi, và trên đồn đe dọa gì đó với làng. Tôi nghe những câu như cả làng sẽ chết hết, cả làng sẽ ra tro. Có người nói đùa: Phải nói chú Bí qua xin cho cô Thảo về mới được. Anh Chương sau này cho chị Thảo biết, chính ra bọn Tây đã định đốt làng ngay hôm đón dâu mà không có cô dâu. Anh phải đứng ra xin mãi. Chuyện bây giờ không còn là chuyện của riêng anh nữa, trở thành chuyện đối đầu giữa bên đồn bót và Việt Minh ở địa phương.
Sau khi chị Thảo được thả về, trên đồn cho lính về đón chị. Tôi nhớ cả cái hôm chị tôi đi bộ ra đê, tức là hôm người ta “rước dâu” lần sau. Khi đến cái nghè còn cách mặt đê một quãng, mấy anh chị bảo tôi đứng ngay dưới bóng cây đa trên nghè cho mát, còn chị tôi cứ đi tiép tục lên đê. Tôi khóc đòi theo, mọi người bảo bao giờ đón được xe chạy qua, sẽ cho tôi lên xe. Lúc gặp chiếc xe nhà binh ngừng lại, mấy người lính đưa chị tôi lên xe, tôi vùng chạy lên thì bị mấy anh chị giữ lại. Tôi khóc mãi, biết mang máng là chị đi lấy chồng, mà chị đã hứa cho tôi đi theo rồi mà. Chỉ có mấy ông lớn tuổi, rồi đứa cháu gái, con anh Thơ, cũng trạc tuổi chị tôi, đi theo. Tôi nghe chị Thảo kể là lúc đó họ đang hành quân, anh Chương không mượn được xe, chỉ có tiểu đội lính đi bộ về đón, sau đợi quá giang một chiéc xe nhà binh về đồn.

Chị Thảo kể lại ngay lúc về làng rồi cũng còn rắc rối.
“Bọn chính quyền Việt Minh đòi Đẻ phải làm giấy cam đoan bắt con gái không được theo giặc. Đẻ không chịu ký giấy. Đẻ nói rằng con tôi đẻ ra, bây giờ nó lớn nó là con của làng của nước, Mọi chuyện về nó làng nước chịu trách nhiệm, tôi không còn chịu trách nhiệm nữa. Chuyện cưới hỏi nó do làng nước định đoạt, tôi có được định đoạt đâu. Bọn Việt Minh cũng bắt chị ký giấy đòi chồng phải làm việc cho họ. Chị bảo rằng các anh có 19 người bị bắt không cứu nổi, nay phải nhờ đến thân tôi, tôi chưa bắt các anh cam đoan gì với tôi là đã quá tốt rồi. Tôi còn nhỏ, không muốn lấy chồng. Tôi còn muốn ở nhà giúp mẹ chăm sóc các em. Nếu các anh dây dưa mãi, tôi sẽ không đi lấy chồng cho các anh biết, muốn làm gì tôi thì làm. Thấy mình làm dữ, cuối cùng thì họ phải thôi. Ngay cả bố mẹ mấy thằng Việt Minh trong làng cũng nói con cái họ phải bớt đòi hỏi nhà mình đi. Họ không dám la mắng gì con cái cả, chỉ nói nhỏ hẹ hơn thua thôi. Họ cũng sợ ban đêm bọn Việt Minh về kêu đi chùm bao tải, thả xuống sông một cái là xong. Con hay cháu gì cũng thế, có còn kể ai là bố mẹ nữa đâu. Nhưng theo chị chuyện làm khó dễ sau này là do hiềm khích mấy họ kia trong làng đối với họ nhà mình thôi. Họ muốn ràng buộc nhà mình đủ thứ để sau này dễ tính chuyện.

“Thế là người ta đã cưới chị. Khi lên đến đồn chị cứ nghĩ hoài, bây giờ mình phải làm gì. Mọi khi chuyện gì cũng hỏi mẹ. Rồi mấy người lớn cũng về làng. Chị giữ con Thanh, con anh Thơ, ở lại.”
Đêm khuya, hai chị em đi ngủ. Bâng khuâng hoài chuyện xưa, đã chắc gì chị ngủ được.

Saturday, March 7, 2009

Chị Tôi - 2




Mẹ Đặt Đâu Con Ngồi Đó


Đỗ Tăng Bí
Gia đình chị tôi hiện ở gần Nhà Thờ Ba Chuông trên đường Trương Minh Ký, quận Tân Bình, Sài Gòn. Căn nhà này vốn của chị Quyên và anh Toàn, sau khi anh Toàn và gia đình đi ngoại quốc vào ngày 26 tháng Tư, 1975, chị Thảo đưa gia đình ra ở đó với Mẹ tôi. Khi tôi ra tù vào năm 1984, tôi về đây ở với Mẹ tôi và gia đình chị tôi. Vợ tôi đã đưa hai con vượt biên từ 1979. Về ở với Mẹ và chị, tôi biết rằng căn nhà có lúc tưởng đã bị mất về một anh cán bộ cộng sản nào đó. Nhờ chị Thảo cương quyết “bám trụ”, nhờ sự xuất hiện đúng lúc của một vài cái lon cấp tá từ Bắc vào thăm Mẹ tôi. Đúng ngày tay cán bộ kia định dùng uy quyền cách mạng để đuổi gia đình chị tôi thì mấy người cháu đeo lon tá đến chơi. Lúc đó có lẽ “lon tá Bắc Kỳ” còn có giá trị. Từ đấy chị tôi được yên, nhưng để giữ được căn nhà, chị phải chạy chọt tốn kém mất khá nhiều của cải. Lần đầu từ Mỹ về Việt Nam, tôi ở nhà với chị. Lúc đó, “Việt kiều tôi” chưa bị “hư đốn”, nghĩa là chịu đựng được cái nóng, cái ồn, cái bất tiện của nhà vệ sinh, nên ở với chị suốt mấy ngày ở Sài Gòn. Các lần sau chỉ ở với chị vài ngày để đêm đêm nghe chị kể chuyện ngày xưa, mấy ngày khác tìm cách đi đây đi đó, ở khách sạn có máy lạnh, thoải mái hơn, nghĩa là bừa bãi hơn. Nhưng cái e ngại nhất khiến tôi tránh ở nhà chị là chị vẫn cứ coi tôi như còn bé, chăm sóc từng miếng ăn, thức uống, suốt ngày ăn với uống. Nếu chị bận bịu chuyện nhà thờ, chuyện họ đạo thì bắt các cháu phải lo cho cậu. E ngại đấy, mất tự do đấy, nhưng vẫn thích. Ai cũng thích được chiều chuộng cả. Nhưng nóng quá mặc dù nhà có một căn phòng gắn máy lạnh. Nóng và ồn. Nhân một dịp có ít ngày ở với chị, tôi mang chuyện xóm làng cũ ra nói để gợi lại chuyện đám cưới của chị. Từ lâu tôi vẫn biết nhiều điều trớ trêu về đám cưới này:
“Lần trước em có về quê Đại Mão, thấy ngõ vào nhà mình hình dung vẫn vậy. Có rộng hơn và lát gạch nhưng vẫn những khúc quanh co. Lại còn cả vài bụi dâm bụt nữa. Bên ngõ là cái ao, vẫn còn đó, sau khu nhà mình là nhà cả Sừng, vẫn xao xác tiếng tàu lá chuối, vẫn loáng thoáng hình ảnh mấy cái chum trước hiên nhà. Chỗ chị em mình ở là túp nhà tranh, vách đất ở góc vườn, nối tiếp nhà ngang thì không còn. Cây bưởi trước nhà mình cũng không còn, nhưng bụi chuối thì nhiều vô kể. Nhà trên nơi chị kể ngày xưa Thầy ở, gian chính giữa là chỗ Thầy để án thư dậy học, gian bên dành cho anh cả Sán, vẫn còn đó nhưng thuộc người ngoài. Họ được chia sau năm 1954. Em đứng trong sân gạch, cái sân ngày xưa rộng bao la bát ngát là thế, nay thấy bé tý teo. Đứng giữa sân nhìn lên nhà trên, nhìn bực thềm nơi Đẻ đứng rồi ngã sấp xuống khi nghe tin chị bị bắt, em chợt nghĩ cuộc đời sao lạ thế nhỉ. Số phận những con người xưa nay vốn chung đụng, chia sẻ nhau bao nhiêu may và rủi, vui và buồn trong một xó làng quê Việt Nam, trong một dòng họ bao đời nối tiếp, bây giờ sao lại khác nhau đến thế. Chị em mình đi tận đâu đâu, còn bao nhiêu người trong làng, những người trong gia đình mình nữa chứ, có vẻ như vẫn ì tại một chỗ. Họ vẫn sống đấy chứ, phải không chị. Hay là họ ngủ yên như con gấu vào mùa đông, rồi đợi mình về gặp lại? Già rồi, lẩn thẩn, chị nhỉ.”
Chị Thảo cười sặc sụa về câu triết lý vụn của cậu em lúc đó gần 60 tuổi. Rồi chị lại thì thào. “Thì thào” không đúng, chị nói rất khẽ khàng, chậm rãi, như kể chuyện cổ tích cho thằng em 3, 4 tuổi nghe:
“Họ không ngủ đâu. Họ khổ lắm. Từ 1975 mình mới biết chút ít về cái khổ của xã hội cộng sản. Còn quê mình ở ngoài Bắc khổ gấp vạn lần. Cộng sản cũng chẳng làm thay đổi gì được ở cái làng đó. Họ nọ, họ kia vẫn đánh nhau bươu đầu, sứt trán. Mỗi con người vẫn khư khư cái tài sản mình có được. Chỉ thay đổi cái bọn lý trưởng cũ bằng bọn lý trưởng mới thôi. Chú Ninh (em con chú con bác của chúng tôi, nay hơn 90 tuổi) nói chị về xây một căn nhà trong khu nhà mình ngày trước, nói đây là di tích cụ Mền. Con rể anh Thơ, tức chồng con Thanh, nay cũng 60 hơn, cứ sợ mình về đòi đất đòi cát. Con nhà Sán, có 2 đứa, chắc cũng sợ mình đòi đất. Hai đứa bảo, ngày xưa cháu định về quê mẹ cháu xây nhà, nhưng mẹ cháu nói tao lấy chồng ở đây, bây giờ tao cứ ở đây. Chị bảo bọn nó: Mẹ cháu nói vậy đúng đấy. Nhà của Cụ trước, bây giờ các ông các bà đi rồi thì bố mẹ các cháu cứ việc ở, Mẹ chết rồi thì các cháu cứ ở, không ai nói năng gì đâu. Thực sự mình có xây nhà làm gì vì có ở đó được đâu. Có chăng mình tính mua lại cái vườn, xây nhà thờ các Cụ. Chị thấy vẫn còn cái “Ngai”, nhưng bằng sắc, giấy tờ chiếu chỉ vua ban đâu còn gì. Có cái ống đựng bằng sắc để trên ngai đấy. Ngay cả bài vị cũng không còn. Nên chị chỉ nói với con cái nhà chị Kiệm, mấy đứa cũng ngoan, nên mình dễ nói chuyện. Bọn nó bảo để các Cụ vào Hậu (ở chùa) là không được. Đối với những vị không còn con cháu thì mới thế. Còn chúng con tuy là họ ngoại, cũng con cháu các cụ, nên xin cứ để nhà thờ Họ. Chú Bảo (em chú Ninh, ở Hà Nội) nói nếu chị không xây nhà thì cũng bắt bọn nó xây môt cái cột, nói rõ đây là di tích của Cụ Mền để lại. Ông Bảo cũng tốt, khá giả. Hôm gây quĩ xây nhà thờ Thượng Vũ, ông ấy cũng đóng góp 5 triệu, nhiều nhất đấy. Ông ấy có thằng con tên là Yến cũng ở Sài Gòn, hôm qua có qua đây. Em nghĩ kể ra cả họ nhà mình nên xây một cái gì cho làng thì tốt, để cho đỡ mang tiếng dân ngụ cư. Mình là ngụ cư thật, nên mới có cái nhà thờ ở “Nhiều”, chứ gốc nhà mình ở Bình Ngô, Thượng Vũ cơ. Hồi trước chị không biết chuyện Đẻ bị ngã từ thềm xuống sân khi nghe chị bị bọn bên kia sông bắt. Được tha về là hàng trăm chuyện liên tiếp phải lo cho đám cưới, không ai có thì giờ kể cho nhau nghe chuyện ở nhà lúc đó ra sao.”
Đó là chị chuyển qua chuyện bị bọn bên kia sông về bắt, tức là chuyện lấy chồng của chị. Bọn bên kia sông tức là Ủy Ban Hành Chính của Việt Minh đang kiểm soát vài làng bên kia sông, nơi chính quyền quốc gia lúc đó chưa lập được tề. Câu chuyện khởi đầu do sự tình cờ biết chị Thảo, một ông thông dịch viên cho lính Pháp trên bót Hồ, còn gọi là đồn Lạc Thổ, muốn hỏi cưới chị. Tên ông ấy là Phan Huy Chương. Bên Việt Minh biết chuyện, về mang chị đi để làm áp lực đòi thả đám du kích xã bị trên đồn bắt.
“Chị bị bắt vào một đêm tháng Mười Một ta, gần Tết. Chị bị bắt, nhốt trong cái hang nào đó 3 ngày thì nó thả về. Con ông Cả Ngoan, bây giờ nó cũng ở dưới này này (khu chợ Trương Minh Giảng). Nó kể lại là
“Hôm bắt Bà, con cũng theo về, con là giao liên.
“Nó theo cộng sản, chỉ là du kích thôi.
“Cái chuyện anh Chương muốn cưới, chị có biết gì đâu. Mấy lần chị theo Đẻ đi Hà Nội lấy hàng. Hôm nào cụ không đi được, sai chị đi một mình. Cụ bảo cứ đến chỗ đó, chỗ đó, chị vẫn đi lấy sợi cho cụ. Năm đó chị mới 16 tuổi. Một hôm sửa soạn đi lấy sợi, mới ra đầu làng thì lính vây cổng làng, xua hết cả về. Mọi người về chỗ đầu làng, chỗ dậy học, một bên là điếm canh, giữa là đình, một bên là văn chỉ thờ các danh nhân. Bọn lính xua mọi người vào văn chỉ ngồi. Bọn con gái làng mình xưa nay có bao giờ được đi Hà Nội, thấy mình đi Hà Nội hoài, mới ngồi tụm lại, nói:
“Cô ơi cô, cô kể chuyện Hà Nội cho chúng con nghe.
“Mình từng đi Hà Nội rồi thì cũng chẳng sợ gì lính, còn mấy người nhà quê thì sợ lính lắm. Thành ra mình cứ nói chuyện với chúng nó, cô cháu nói cười rúc rích với nhau, chẳng còn biết sợ gì cả. Sau này chị biết anh Chương lúc đó đứng ngoài gốc nhãn, nhìn qua hàng rào tre, thấy mấy cô gái nói chuyện hồn nhiên mà cười rúc rích. Anh ấy thấy có mình chị để răng trắng. Hôm đó kiểm mục (còn gọi là điểm mục), 19 người trong làng bị bắt.
“Về đồn, anh Chương nhờ lính hỏi các người bị bắt về cô răng trắng. Những người bị bắt lại hỏi thân nhân lên đồn thăm nuôi xem cô gái đó là ai. Mấy ngày, các ông ấy nghĩ không ra ai. Rồi ông Lý Quỹ có con bị bắt, mới đoán ra chắc là cô Thảo rồi. Làng mình chỉ có con cái cụ Mền có người không nhuộm răng. Chị Thiện, Kiệm nhuộm hết, chỉ có mình chị không nhuộm.
“19 người bị bắt không oan chút nào, toàn là du kích xã, nên rất khó được tha. Trong đó có con ông Lý Quỹ, con ông Lý Tẩm, tất cả đều là con học trò Thầy. Anh Chương hồi đó hình như chỉ là thư ký hay thông ngôn, rất thân với viên xếp bốt là tên quan ba Tây. Hôm đó nó rủ anh Chương đi về làng chơi chứ không phải việc của anh ấy. Sau này anh ấy bảo là do duyên số, lúc nghe thằng xếp rủ, anh không muốn đi, vì đi xuống làng mình anh ấy sợ lắm.
“Lần hồi, anh ấy hỏi được ông Lý Quỹ. Ông ấy nói rằng
“Cô này thì tôi biết là ai rồi. Nhưng bây giờ ông muốn lấy cô ấy thì không có dễ, vì cô ấy là con của ông thầy dậy chúng tôi. Nếu ông muốn, ông phải làm tờ khai như là khai tam đại.
“Ông Lý Quỹ về kể cho mình nghe nguyên văn mấy chuyện ông ấy sỏ lá trên đồn. Ông Lý Quỹ bắt anh Chương làm bản khai, phải trả lời mấy điều sau: Trước đây ông nội ông làm gì, bố ông làm gì, gia đình ông ở đâu, rồi chuyện này chuyện nọ phải khai hết ra giấy. Sau anh Chương kể lại: Anh ấy cũng khai, nhưng khai không đúng. Thí dụ biết nhà mình là nhà giáo, thì khai bố anh ấy dậy học. Thực ra bố anh ấy không dậy học, chỉ có đi buôn thôi, làm chủ thuyền buôn thôi. Anh ấy giận ông chú bà bác ở Hà Nội, không dám khai có người ở Hà Nội. Họ là những nhà buôn Bảo Thịnh ở Hà Nội. Anh ấy giận họ nên bỏ đi lính. Rồi anh ấy tính lấy vợ nhưng không muốn nhờ mấy người đó.”
“Thế rồi cả tháng trời, thấy Đẻ, Chị Tú, anh Thơ, cứ buổi sáng thì lên trên bốt, buổi chiều về nhà mình, thì thào chuyện gì mà chị không biết. Cho đến một hôm anh Thơ mới gọi chị nói:
“Này em ơi, anh hỏi này, bây giờ có người muốn hỏi cưới em thì em nghĩ sao?”
“Em nghĩ sao ạ. Em còn bé thế này biết gì chuyện đó. Nhưng mà em mà đi rồi lấy ai trông nom các em cho Đẻ em?
“Đó là cuối năm 1949. Nghe chị trả lời xong, lại thấy anh ấy nói: Thôi em ạ.
“Mình cũng lấy làm lạ. Anh hỏi mình xong lại nói thôi. Ngay từ năm 13 tuổi, ông Hai Giáp đã hỏi chị cho con ông ấy rồi. Lúc Thầy mất xong, mấy mẹ con dắt díu nhau chạy loạn, cũng là cách tha phương cầu thực vì ở nhà quê loạn lạc luôn, mình không biết làm gì để sống. Khi đi Đẻ có nói chuyện với ông Hai Giáp:
“Lúc trước tôi nhận lời thì cũng là chiều ý Cụ nhà tôi. Bây giờ mấy mẹ con tôi đi thế này biết sẽ ra sao. Thôi ông ở nhà cứ lo chuyện vợ con cho cậu ấy đi.
“Bây giờ trở lại làng, chị cứ tưởng hay là ông Hai Giáp lại đòi cưới vợ cho con. Thành ra mới nói với anh Thơ:
“Thằng bé đó nó kém em hai tuổi. Lúc đó, Thầy coi tử vi cứ sợ số em gian truân nên bắt Đẻ em phải bằng lòng đấy chứ.
“Nghe vậy anh Thơ cũng ừ hử. Hôm sau, anh Thơ lại gọi chị, đưa chị cái ảnh của một người lính. Thực sự anh ấy mặc quần áo thường dân thôi, nhưng có đeo môt cái gì đó mà chị nhận ra là lính. Chị mói hỏi:
“Thế này là thế nào hở anh?
“Anh Thơ nói: người đàn ông này muốn kết bạn với em.
“Chị lại hỏi: Thế người ở đâu vậy anh?
“Anh chỉ lắc đầu nhè nhẹ: Sau này anh sẽ nói.
“Thành ra các ông các bà ấy bàn chuyện chồng con của mình cho chín muồi rồi mới cho mình biết.
“Mấy hôm sau, mùa lạnh, đêm nằm bên cạnh mẹ, Đẻ mới nói chuyện với chị. Chị cũng thủ thỉ với Mẹ:
“Đẻ ạ, bây giờ Đẻ bảo con lấy người đó, mà người ở xa tận đẩu tận đâu, không biết gốc gác ra sao, người ta lấy con xong người ta mang con đi mất, Đẻ biết đâu mà tìm. Rồi lính tráng đấy, Đẻ thấy mấy đứa lính bốn năm vợ, làm sao con biết được.
“Đẻ mới nói: Ông Lý Quỹ nói với Đẻ thế này: Hạnh phúc của em ấy là hạnh phúc của chúng con. Chúng con đã xem kỹ rồi, đã điều tra tông chi họ hàng rồi. Ông này cũng là người có ăn có học đàng hoàng, mà tử tế lắm. Con xin Cô cứu lấy các cháu. Con đã hứa là nếu làm mai được con sẽ xin cho 19 người bị bắt về. Bây giờ Đẻ cũng chẳng biết quyế định làm sao. Đẻ, anh Thơ, Chị Tú bàn tính, thấy nó cũng là người con nhà tử tế, viết cái thư về kể gia đình nó như vậy, như vậy, thì thấy cũng được. Đẻ đã quyết định rồi, trả lời bằng lòng gả cho nó rồi. Con để Đẻ lo, đừng có lo. Nhà mình có con Khẩn cũng bị bắt, chẳng biết làm sao.
“Được vài hôm, thấy ông Lý Quỹ nói dẫn tiền về để Cụ đi mua sắm cho cô dâu, còn phần lễ nghi, trên đó nhờ các ông ấy hết. Các ông ấy sẽ mua trầu, mua cau mang đến.
“Đúng là chị khóc hết nước mắt. Em thì còn bé, mẹ thì vất vả quá. Bây giờ rồi biết mình đi đâu. Mai kia làm sao còn liên lạc với nhau. Lúc đó người dân mình ghét lính lắm, nhất là mình con nhà nho, càng ghét bọn họ tợn. Nhà mình có chị Tỵ (con Mẹ Già) lấy ông Đội Hoằng, cả họ chế riễu. Lúc chị lấy anh Chương xong, chị Hoằng có làm mấy câu thơ gửi cho chị:
“Chị em ta là gái, Chí chẳng khác gì trai, chán nỗi đời ngang trái, nên đặt bước lạc loài. Vui lòng theo thời thế. Có một hóa nên hai. Bước đường ta phải để, tạo hóa tính không sai.”
Lúc đó chị còn nhỏ lắm nhưng cũng hiểu được ý chị muốn nói gì. Trước đây tưởng chỉ có mình chị ấy lấy lính, bây giờ hóa ra hai người.

Thursday, March 5, 2009

Chị Tôi - 1

Đình Làng Đại Mão, 2005. Photo DVA




Chị Tôi Thuở 13


Đỗ Tăng Bí

Tính cả dòng con của Mẹ Già và Mẹ tôi, tôi là con thứ 11 và là con út. Bố tôi mất khi tôi vừa hơn một tuổi, nên xưa nay tôi chỉ quen tính gia đình tôi 5 người gồm Mẹ, chị Thảo, anh Tường, anh Toàn, và tôi. Suốt thời thơ ấu tôi ở gần Mẹ mà chúng tôi gọi là Đẻ, và chị Thảo. Bố mất, nhà nghèo, là chị cả nên chị tôi chịu nhiều vất vả thiệt thòi nhất trong số mấy chị em chúng tôi.


Chị tôi tên Đỗ Thị Phương Thảo, sau vào Nam, chị bỏ bớt chữ “Phương”. Bố tôi mất năm chị gần 13 tuổi, ở nhà quê vẫn kể là vào tuổi 13. Mặc dù chỉ hơn tôi 10 tuổi nhưng từ những năm này chị đã oằn lưng vì cõng, vì bế, vì gánh tôi. Từ năm 2000 đến 2005, tôi về Việt Nam vài lần, lần nào tôi cũng gợi lại ký ức của chị những chuyện ngày xưa. Loạt bài này phần lớn ghi chép từ những gì chị kể lại bắt đầu từ năm chị 13 tuổi. Mới 13 tuổi nhưng khi Mẹ chúng tôi đi buôn bán xa, dù Hà Nội chỉ cách làng tôi ở Phủ Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh có hơn 30 cây số nhưng cũng gọi là xa, chị tôi đã phải coi sóc việc nhà như một người phụ nữ chính trong gia đình. Chị kể chuyện đưa tôi đi bú “nhờ” một bà thím, vợ của ông chú em chú bác với Thầy tôi:

Ngày Giỗ Tổ ở Thượng Vũ và Đại Mão, 2005.
Photo DVA

"Có lần, em còn quá nhỏ mà Đẻ thì đi vắng nhà, chị bế em ra xin bú thím hai Bảo. Thím đang nuôi cậu Mật (con của Thím, cùng tuổi tôi), cháu mới bú được một tý là dứt ra, nói thôi no rồi. Em còn đói, khóc quá, chị chẳng biết làm sao. Chị còn nhớ như in chuyện đó."

Bố tôi mất ít lâu, Mẹ tôi gửi anh Toàn đi học ở Cẩm Giàng, sau đó gửi ra Hà Nội ở với cậu Cảo, em của Mẹ tôi. Từ đó anh Toàn đi học ở Hà Nội cho đến ngày di cư vào Nam. Khi Pháp mở rộng vùng kiểm soát ở Bắc Ninh, Mẹ tôi đưa gia đình lên Bắc Giang lánh nạn giặc Pháp. Lúc đó tôi chưa được 4 tuổi. Nghe tin Tây sắp càn đến Thuận Thành, mọi người cuống cuồng chạy ngược lên phía bắc, vào vùng “tự do”. Đêm tối, lũ lượt hàng trăm người chạy trên đê. Chị Thảo gánh tôi ngồi một bên thúng, bên kia là mấy cái bánh chưng, có lần làm đổ cả quang gánh khiến tôi lăn xuống ruộng. May là dịp gần Tết, ruộng khô nên tôi không sao, chỉ bị một mẻ hết hồn. Chị kể:


"Những lúc ở Bắc Giang, mình tứ cố vô thân, ở nhờ đất nhà anh Cử Phách mà anh Thơ làm quản lý, anh Thơ là anh ruột chúng tôi, con Mẹ Già. Hôm đó Đẻ đi Hải Phòng, nói một tuần lễ Đẻ về. Đường tàu hỏa bị bỏ bom, Đẻ không về được mà chẳng tin tức gì. Ba chị em (có cả anh Tường) ở túp lều trên quả đồi, là nhà ông Lý Sâm bị chết nên có ma, đêm ma phá ầm ầm. Chị sợ quá cứ phải cắn răng chịu. Chị mới 14 hay 15 tuổi chứ mấy. Nhà hết gạo đi vay cả ấp đồn điền, không vay được. Bế em qua nhà chị Ba (vợ anh Thơ), phải đi qua cái cầu khỉ, qua một con sông, xin vay chị một đấu gạo. Chị trả lời: Gạo chị không có, mai bế em ra đây tao nấu cho bữa cơm mà ăn. Bế em trở về, vừa đi vừa khóc. Hôm sau làm sao chị có thể ra ngoài đó ăn chực bữa cơm được.

"Chị đi tìm thằng Thụ, con nhà anh hai Tháu ở Đại Mão, cũng theo bố lên đồn điền làm tá điền. Chị nói:
"Mày ơi mày, mày cho Cô đi bắt cua với. . .

"Nó bảo: Cô mà dám bắt cua, đỉa nó cắn chết Cô đấy.

"Được rồi, cứ cho Cô đi thử. Bà đi vắng ở nhà tao buồn.




"Ngày đầu, bán số cua đó được 1 đồng rưỡi, ngày hôm sau bán được 2 đồng, sau đó bán được 2 đồng rưỡi. Có tiền đi mua gạo và ngô. Nấu cho em nồi cơm nhỏ xíu, còn hai chị em, chị với Tường cứ bung ngô lên để ăn. Thế là nuôi nhau được hơn một tuần lễ, cho đến lúc Đẻ về còn thừa đuợc 7 đồng.

"Đẻ hỏi, sao con không cho em nó (cậu Tường) ăn cơm luôn thể?

"Chị nói: Con sợ đến lúc không còn cua nữa. Nhưng thực sự lúc đó trong lòng mình lại lo không biết Mẹ mình ra sao? Lỡ Mẹ chết rồi thì sao. Lúc đó nghĩ cuộc đời sao chênh vênh đến thế, không một ai có cái tâm mà thương mình. Chị mới nghiệm được là sao Mẹ mình gan thế, sao cụ khổ cực đến thế. Từ bao lâu nay Đẻ vẫn phải loay hoay chạy gạo như chị mới chạy mấy bữa vừa rồi. Em cứ tưởng tượng, Đẻ địu một tay nải vải đi khắp từ làng này qua làng kia bán từng thước vải, rồi gánh dầu hôi đi rà rã bán khắp xóm cùng làng, đồi núi, suối khe cũng mặc. Có hồi ở Đại Mão, Đẻ đi mua hạt thầu dầu mang về rang, rồi phải mướn người xay ra, làm thành dầu, gánh đi bán. Không còn thiếu việc gì Cụ không làm. Ăn cơm toàn ăn độn sắn (khoai mì), những củ sắn chỉ bằng ngòn tay, trong veo. Ăn bao nhiêu cũng chẳng thấm thía gì. Cơm dành cho con, Mẹ cứ ăn như vậy. Hỏi sao Mẹ không ăn cơm, cụ nói thích ăn sắn. Lúc đó mình cứ nghĩ Mẹ thích ăn thật, không cho con ăn sắn: “Đẻ thích ăn sắn này lắm!” Lúc còn Thầy, nấu cơm độn ngô (bắp), thì lấy cơm để Thầy với các con ăn, còn Đẻ và người làm ăn toàn ngô. Đẻ khổ thật đấy, em ạ."

Đêm hôm khuya khoắt, cả nhà đã ngủ hết, ngoài đường thỉnh thoảng vọng lại tiếng xe máy chạy ào qua. Hai chị em nằm kể chuyện cho nhau nghe, rồi chị kết luận “Đẻ khổ thật đấy, em ạ!” Tôi muốn khóc.

Ký ức tôi còn ghi lại hình ảnh mờ nhạt, mờ nhạt nhưng không bao giờ mất được, cái đêm chạy loạn trên đê. Còn nhỏ lắm nhưng tôi vẫn ghi nhận tiếng chị Thảo hốt hoảng gọi “Bí ơi” sau khi quang gánh đổ kềnh, tôi lăn xuống ruộng. Tìm được tôi thì chị lạc Mẹ, lạc anh Tường tôi. Chợp tối, cả đoàn người chạy loạn đông lắm. Nghe tiếng máy bay, tiếng đạn bắn, cả đoàn đổ xô vào một bên đê. Xong đợt bắn đầu, mọi người tiếp tục chạy, chưa được mấy bước, máy bay vòng lại, bắn từ bờ đê bên kia, lại lăn xuống bờ đê bên này. Cứ thế mấy lần, vừa chạy vừa lăn, quay lại chị Thảo không thấy Mẹ tôi đâu, anh Tường cũng lạc. Trong đêm, tiếng chị gọi “Đẻ ơi, Tường ơi” chìm trong hàng ngàn tiếng động, tiếng gọi của những gia đình lạc nhau. Vào đến một làng nào đó, tối lắm rồi, thì chị tìm được Đẻ. Bây giờ tiếng Đẻ lại vang lên, “Tường ơi!” Rồi cả nhà cũng xum họp. Không hiểu sao ký ức một đưa trẻ gần 4 tuổi như tôi còn loáng thoáng mãi cái đêm hôm đó.
Không rõ mẹ con chúng tôi ở Bắc Giang bao lâu, có lẽ độ nửa năm, nhưng ký ức non nớt của tôi còn ghi lại mơ hồ hình ảnh ngọn núi Và, những ngày tôi theo anh Tường cùng những người họ hàng trạc tuổi anh tôi lên núi chơi. Ngay cả những ngày chạy loạn tạm bợ này chị Thảo cũng không hề được đi rong chơi như anh em tôi. Leo núi, mấy anh lớn đi bắn chim bằng súng cao su, còn tôi và một hai cô gái trạc 5, 6 tuổi đi hái quả sim. Màu tím hoa sim còn theo mãi tôi những năm tháng sau này và bừng dậy khi tôi ở Đà Lạt, khoảng 12 tuổi, được đọc bài thơ Màu Tím Hoa Sim của Hữu Loan. Năm 2002, tôi trở lại vùng đồi núi Bắc Ninh để thăm ngôi chùa Hàm Long nơi có thờ tượng ông nội tôi là Cụ Đỗ Trọng Vĩ, có thấy lác đác, xa xa mấy đốm màu tím. Họ nhà tôi gốc ở Bình Ngô, Thượng Vũ, Bắc Ninh. Trong họ kể lại đã nhiều lần cử người lên chùa xin rước tượng cụ về để thờ trong nhà thờ họ. Nhưng chùa từ chối vì dân làng Thái Bảo nói cụ có quá nhiều công đức đối với làng, nên không thể cho di dời tượng cụ đi nơi khác, vả chăng tượng là do dân làng tạc chứ không phải do trong họ làm. Cuối cùng hai bên thỏa thuận thờ tượng cụ trong hậu liêu của chùa.
Làng Đại Mão đã lập tề, tức là thuộc chính quyền quốc gia. Tuy nhiên, chỉ cách một con sông, làng Quảng Lãm bên kia vẫn thuộc vùng Việt Minh. Đại Mão trở thành vùng sau này gọi là vùng xôi đậu, ngày thuộc quốc gia, đêm thuộc Việt Minh. Thời gian trở về Đại Mão, tôi khoảng 5 tuổi, chị Thảo khoảng 15, tuổi. Mẹ tôi bắt đầu cho tôi đi học. Cả làng chỉ có một ngôi trường gồm 3 gian nhà thông nhau. Thầy giáo là ông Giáo Đĩnh, là em họ tôi. Chú dậy đủ các lớp của trường làng, có lẽ từ vỡ lòng đến lớp ba, lớp tư. Tất cả học sinh có mặt cùng lúc, chia thành từng nhóm ngồi theo lớp. Anh Tường chắc học lớp tư, lớp ba, còn tôi bắt đầu a, b, c. . Chị Thảo tự học ở nhà. Chị phải lo việc nhà giúp Đẻ, hoặc có khi ở nhà quê, con gái lớn không ra trường học nữa.

Đến năm 1949, tôi 6 tuổi, chị Thảo 16 tuổi, thì xẩy ra chuyện rắc rối trong việc cưới hỏi của chị. Khi Bố tôi sắp mất, có yêu cầu Mẹ tôi cho ông Chánh Giáp dạm ngõ chị Thảo cho con trai của ông ấy. “Cho Thầy yên lòng ra đi,” theo lời Mẹ tôi kể lại. Nhưng mọi chuyện bỗng thay đổi hẳn, trở thành một “truyện tình ly kỳ thời chinh chiến.”