Thursday, March 5, 2009

Chị Tôi - 1

Đình Làng Đại Mão, 2005. Photo DVA




Chị Tôi Thuở 13


Đỗ Tăng Bí

Tính cả dòng con của Mẹ Già và Mẹ tôi, tôi là con thứ 11 và là con út. Bố tôi mất khi tôi vừa hơn một tuổi, nên xưa nay tôi chỉ quen tính gia đình tôi 5 người gồm Mẹ, chị Thảo, anh Tường, anh Toàn, và tôi. Suốt thời thơ ấu tôi ở gần Mẹ mà chúng tôi gọi là Đẻ, và chị Thảo. Bố mất, nhà nghèo, là chị cả nên chị tôi chịu nhiều vất vả thiệt thòi nhất trong số mấy chị em chúng tôi.


Chị tôi tên Đỗ Thị Phương Thảo, sau vào Nam, chị bỏ bớt chữ “Phương”. Bố tôi mất năm chị gần 13 tuổi, ở nhà quê vẫn kể là vào tuổi 13. Mặc dù chỉ hơn tôi 10 tuổi nhưng từ những năm này chị đã oằn lưng vì cõng, vì bế, vì gánh tôi. Từ năm 2000 đến 2005, tôi về Việt Nam vài lần, lần nào tôi cũng gợi lại ký ức của chị những chuyện ngày xưa. Loạt bài này phần lớn ghi chép từ những gì chị kể lại bắt đầu từ năm chị 13 tuổi. Mới 13 tuổi nhưng khi Mẹ chúng tôi đi buôn bán xa, dù Hà Nội chỉ cách làng tôi ở Phủ Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh có hơn 30 cây số nhưng cũng gọi là xa, chị tôi đã phải coi sóc việc nhà như một người phụ nữ chính trong gia đình. Chị kể chuyện đưa tôi đi bú “nhờ” một bà thím, vợ của ông chú em chú bác với Thầy tôi:

Ngày Giỗ Tổ ở Thượng Vũ và Đại Mão, 2005.
Photo DVA

"Có lần, em còn quá nhỏ mà Đẻ thì đi vắng nhà, chị bế em ra xin bú thím hai Bảo. Thím đang nuôi cậu Mật (con của Thím, cùng tuổi tôi), cháu mới bú được một tý là dứt ra, nói thôi no rồi. Em còn đói, khóc quá, chị chẳng biết làm sao. Chị còn nhớ như in chuyện đó."

Bố tôi mất ít lâu, Mẹ tôi gửi anh Toàn đi học ở Cẩm Giàng, sau đó gửi ra Hà Nội ở với cậu Cảo, em của Mẹ tôi. Từ đó anh Toàn đi học ở Hà Nội cho đến ngày di cư vào Nam. Khi Pháp mở rộng vùng kiểm soát ở Bắc Ninh, Mẹ tôi đưa gia đình lên Bắc Giang lánh nạn giặc Pháp. Lúc đó tôi chưa được 4 tuổi. Nghe tin Tây sắp càn đến Thuận Thành, mọi người cuống cuồng chạy ngược lên phía bắc, vào vùng “tự do”. Đêm tối, lũ lượt hàng trăm người chạy trên đê. Chị Thảo gánh tôi ngồi một bên thúng, bên kia là mấy cái bánh chưng, có lần làm đổ cả quang gánh khiến tôi lăn xuống ruộng. May là dịp gần Tết, ruộng khô nên tôi không sao, chỉ bị một mẻ hết hồn. Chị kể:


"Những lúc ở Bắc Giang, mình tứ cố vô thân, ở nhờ đất nhà anh Cử Phách mà anh Thơ làm quản lý, anh Thơ là anh ruột chúng tôi, con Mẹ Già. Hôm đó Đẻ đi Hải Phòng, nói một tuần lễ Đẻ về. Đường tàu hỏa bị bỏ bom, Đẻ không về được mà chẳng tin tức gì. Ba chị em (có cả anh Tường) ở túp lều trên quả đồi, là nhà ông Lý Sâm bị chết nên có ma, đêm ma phá ầm ầm. Chị sợ quá cứ phải cắn răng chịu. Chị mới 14 hay 15 tuổi chứ mấy. Nhà hết gạo đi vay cả ấp đồn điền, không vay được. Bế em qua nhà chị Ba (vợ anh Thơ), phải đi qua cái cầu khỉ, qua một con sông, xin vay chị một đấu gạo. Chị trả lời: Gạo chị không có, mai bế em ra đây tao nấu cho bữa cơm mà ăn. Bế em trở về, vừa đi vừa khóc. Hôm sau làm sao chị có thể ra ngoài đó ăn chực bữa cơm được.

"Chị đi tìm thằng Thụ, con nhà anh hai Tháu ở Đại Mão, cũng theo bố lên đồn điền làm tá điền. Chị nói:
"Mày ơi mày, mày cho Cô đi bắt cua với. . .

"Nó bảo: Cô mà dám bắt cua, đỉa nó cắn chết Cô đấy.

"Được rồi, cứ cho Cô đi thử. Bà đi vắng ở nhà tao buồn.




"Ngày đầu, bán số cua đó được 1 đồng rưỡi, ngày hôm sau bán được 2 đồng, sau đó bán được 2 đồng rưỡi. Có tiền đi mua gạo và ngô. Nấu cho em nồi cơm nhỏ xíu, còn hai chị em, chị với Tường cứ bung ngô lên để ăn. Thế là nuôi nhau được hơn một tuần lễ, cho đến lúc Đẻ về còn thừa đuợc 7 đồng.

"Đẻ hỏi, sao con không cho em nó (cậu Tường) ăn cơm luôn thể?

"Chị nói: Con sợ đến lúc không còn cua nữa. Nhưng thực sự lúc đó trong lòng mình lại lo không biết Mẹ mình ra sao? Lỡ Mẹ chết rồi thì sao. Lúc đó nghĩ cuộc đời sao chênh vênh đến thế, không một ai có cái tâm mà thương mình. Chị mới nghiệm được là sao Mẹ mình gan thế, sao cụ khổ cực đến thế. Từ bao lâu nay Đẻ vẫn phải loay hoay chạy gạo như chị mới chạy mấy bữa vừa rồi. Em cứ tưởng tượng, Đẻ địu một tay nải vải đi khắp từ làng này qua làng kia bán từng thước vải, rồi gánh dầu hôi đi rà rã bán khắp xóm cùng làng, đồi núi, suối khe cũng mặc. Có hồi ở Đại Mão, Đẻ đi mua hạt thầu dầu mang về rang, rồi phải mướn người xay ra, làm thành dầu, gánh đi bán. Không còn thiếu việc gì Cụ không làm. Ăn cơm toàn ăn độn sắn (khoai mì), những củ sắn chỉ bằng ngòn tay, trong veo. Ăn bao nhiêu cũng chẳng thấm thía gì. Cơm dành cho con, Mẹ cứ ăn như vậy. Hỏi sao Mẹ không ăn cơm, cụ nói thích ăn sắn. Lúc đó mình cứ nghĩ Mẹ thích ăn thật, không cho con ăn sắn: “Đẻ thích ăn sắn này lắm!” Lúc còn Thầy, nấu cơm độn ngô (bắp), thì lấy cơm để Thầy với các con ăn, còn Đẻ và người làm ăn toàn ngô. Đẻ khổ thật đấy, em ạ."

Đêm hôm khuya khoắt, cả nhà đã ngủ hết, ngoài đường thỉnh thoảng vọng lại tiếng xe máy chạy ào qua. Hai chị em nằm kể chuyện cho nhau nghe, rồi chị kết luận “Đẻ khổ thật đấy, em ạ!” Tôi muốn khóc.

Ký ức tôi còn ghi lại hình ảnh mờ nhạt, mờ nhạt nhưng không bao giờ mất được, cái đêm chạy loạn trên đê. Còn nhỏ lắm nhưng tôi vẫn ghi nhận tiếng chị Thảo hốt hoảng gọi “Bí ơi” sau khi quang gánh đổ kềnh, tôi lăn xuống ruộng. Tìm được tôi thì chị lạc Mẹ, lạc anh Tường tôi. Chợp tối, cả đoàn người chạy loạn đông lắm. Nghe tiếng máy bay, tiếng đạn bắn, cả đoàn đổ xô vào một bên đê. Xong đợt bắn đầu, mọi người tiếp tục chạy, chưa được mấy bước, máy bay vòng lại, bắn từ bờ đê bên kia, lại lăn xuống bờ đê bên này. Cứ thế mấy lần, vừa chạy vừa lăn, quay lại chị Thảo không thấy Mẹ tôi đâu, anh Tường cũng lạc. Trong đêm, tiếng chị gọi “Đẻ ơi, Tường ơi” chìm trong hàng ngàn tiếng động, tiếng gọi của những gia đình lạc nhau. Vào đến một làng nào đó, tối lắm rồi, thì chị tìm được Đẻ. Bây giờ tiếng Đẻ lại vang lên, “Tường ơi!” Rồi cả nhà cũng xum họp. Không hiểu sao ký ức một đưa trẻ gần 4 tuổi như tôi còn loáng thoáng mãi cái đêm hôm đó.
Không rõ mẹ con chúng tôi ở Bắc Giang bao lâu, có lẽ độ nửa năm, nhưng ký ức non nớt của tôi còn ghi lại mơ hồ hình ảnh ngọn núi Và, những ngày tôi theo anh Tường cùng những người họ hàng trạc tuổi anh tôi lên núi chơi. Ngay cả những ngày chạy loạn tạm bợ này chị Thảo cũng không hề được đi rong chơi như anh em tôi. Leo núi, mấy anh lớn đi bắn chim bằng súng cao su, còn tôi và một hai cô gái trạc 5, 6 tuổi đi hái quả sim. Màu tím hoa sim còn theo mãi tôi những năm tháng sau này và bừng dậy khi tôi ở Đà Lạt, khoảng 12 tuổi, được đọc bài thơ Màu Tím Hoa Sim của Hữu Loan. Năm 2002, tôi trở lại vùng đồi núi Bắc Ninh để thăm ngôi chùa Hàm Long nơi có thờ tượng ông nội tôi là Cụ Đỗ Trọng Vĩ, có thấy lác đác, xa xa mấy đốm màu tím. Họ nhà tôi gốc ở Bình Ngô, Thượng Vũ, Bắc Ninh. Trong họ kể lại đã nhiều lần cử người lên chùa xin rước tượng cụ về để thờ trong nhà thờ họ. Nhưng chùa từ chối vì dân làng Thái Bảo nói cụ có quá nhiều công đức đối với làng, nên không thể cho di dời tượng cụ đi nơi khác, vả chăng tượng là do dân làng tạc chứ không phải do trong họ làm. Cuối cùng hai bên thỏa thuận thờ tượng cụ trong hậu liêu của chùa.
Làng Đại Mão đã lập tề, tức là thuộc chính quyền quốc gia. Tuy nhiên, chỉ cách một con sông, làng Quảng Lãm bên kia vẫn thuộc vùng Việt Minh. Đại Mão trở thành vùng sau này gọi là vùng xôi đậu, ngày thuộc quốc gia, đêm thuộc Việt Minh. Thời gian trở về Đại Mão, tôi khoảng 5 tuổi, chị Thảo khoảng 15, tuổi. Mẹ tôi bắt đầu cho tôi đi học. Cả làng chỉ có một ngôi trường gồm 3 gian nhà thông nhau. Thầy giáo là ông Giáo Đĩnh, là em họ tôi. Chú dậy đủ các lớp của trường làng, có lẽ từ vỡ lòng đến lớp ba, lớp tư. Tất cả học sinh có mặt cùng lúc, chia thành từng nhóm ngồi theo lớp. Anh Tường chắc học lớp tư, lớp ba, còn tôi bắt đầu a, b, c. . Chị Thảo tự học ở nhà. Chị phải lo việc nhà giúp Đẻ, hoặc có khi ở nhà quê, con gái lớn không ra trường học nữa.

Đến năm 1949, tôi 6 tuổi, chị Thảo 16 tuổi, thì xẩy ra chuyện rắc rối trong việc cưới hỏi của chị. Khi Bố tôi sắp mất, có yêu cầu Mẹ tôi cho ông Chánh Giáp dạm ngõ chị Thảo cho con trai của ông ấy. “Cho Thầy yên lòng ra đi,” theo lời Mẹ tôi kể lại. Nhưng mọi chuyện bỗng thay đổi hẳn, trở thành một “truyện tình ly kỳ thời chinh chiến.”

No comments:

Post a Comment