Saturday, March 7, 2009

Chị Tôi - 2




Mẹ Đặt Đâu Con Ngồi Đó


Đỗ Tăng Bí
Gia đình chị tôi hiện ở gần Nhà Thờ Ba Chuông trên đường Trương Minh Ký, quận Tân Bình, Sài Gòn. Căn nhà này vốn của chị Quyên và anh Toàn, sau khi anh Toàn và gia đình đi ngoại quốc vào ngày 26 tháng Tư, 1975, chị Thảo đưa gia đình ra ở đó với Mẹ tôi. Khi tôi ra tù vào năm 1984, tôi về đây ở với Mẹ tôi và gia đình chị tôi. Vợ tôi đã đưa hai con vượt biên từ 1979. Về ở với Mẹ và chị, tôi biết rằng căn nhà có lúc tưởng đã bị mất về một anh cán bộ cộng sản nào đó. Nhờ chị Thảo cương quyết “bám trụ”, nhờ sự xuất hiện đúng lúc của một vài cái lon cấp tá từ Bắc vào thăm Mẹ tôi. Đúng ngày tay cán bộ kia định dùng uy quyền cách mạng để đuổi gia đình chị tôi thì mấy người cháu đeo lon tá đến chơi. Lúc đó có lẽ “lon tá Bắc Kỳ” còn có giá trị. Từ đấy chị tôi được yên, nhưng để giữ được căn nhà, chị phải chạy chọt tốn kém mất khá nhiều của cải. Lần đầu từ Mỹ về Việt Nam, tôi ở nhà với chị. Lúc đó, “Việt kiều tôi” chưa bị “hư đốn”, nghĩa là chịu đựng được cái nóng, cái ồn, cái bất tiện của nhà vệ sinh, nên ở với chị suốt mấy ngày ở Sài Gòn. Các lần sau chỉ ở với chị vài ngày để đêm đêm nghe chị kể chuyện ngày xưa, mấy ngày khác tìm cách đi đây đi đó, ở khách sạn có máy lạnh, thoải mái hơn, nghĩa là bừa bãi hơn. Nhưng cái e ngại nhất khiến tôi tránh ở nhà chị là chị vẫn cứ coi tôi như còn bé, chăm sóc từng miếng ăn, thức uống, suốt ngày ăn với uống. Nếu chị bận bịu chuyện nhà thờ, chuyện họ đạo thì bắt các cháu phải lo cho cậu. E ngại đấy, mất tự do đấy, nhưng vẫn thích. Ai cũng thích được chiều chuộng cả. Nhưng nóng quá mặc dù nhà có một căn phòng gắn máy lạnh. Nóng và ồn. Nhân một dịp có ít ngày ở với chị, tôi mang chuyện xóm làng cũ ra nói để gợi lại chuyện đám cưới của chị. Từ lâu tôi vẫn biết nhiều điều trớ trêu về đám cưới này:
“Lần trước em có về quê Đại Mão, thấy ngõ vào nhà mình hình dung vẫn vậy. Có rộng hơn và lát gạch nhưng vẫn những khúc quanh co. Lại còn cả vài bụi dâm bụt nữa. Bên ngõ là cái ao, vẫn còn đó, sau khu nhà mình là nhà cả Sừng, vẫn xao xác tiếng tàu lá chuối, vẫn loáng thoáng hình ảnh mấy cái chum trước hiên nhà. Chỗ chị em mình ở là túp nhà tranh, vách đất ở góc vườn, nối tiếp nhà ngang thì không còn. Cây bưởi trước nhà mình cũng không còn, nhưng bụi chuối thì nhiều vô kể. Nhà trên nơi chị kể ngày xưa Thầy ở, gian chính giữa là chỗ Thầy để án thư dậy học, gian bên dành cho anh cả Sán, vẫn còn đó nhưng thuộc người ngoài. Họ được chia sau năm 1954. Em đứng trong sân gạch, cái sân ngày xưa rộng bao la bát ngát là thế, nay thấy bé tý teo. Đứng giữa sân nhìn lên nhà trên, nhìn bực thềm nơi Đẻ đứng rồi ngã sấp xuống khi nghe tin chị bị bắt, em chợt nghĩ cuộc đời sao lạ thế nhỉ. Số phận những con người xưa nay vốn chung đụng, chia sẻ nhau bao nhiêu may và rủi, vui và buồn trong một xó làng quê Việt Nam, trong một dòng họ bao đời nối tiếp, bây giờ sao lại khác nhau đến thế. Chị em mình đi tận đâu đâu, còn bao nhiêu người trong làng, những người trong gia đình mình nữa chứ, có vẻ như vẫn ì tại một chỗ. Họ vẫn sống đấy chứ, phải không chị. Hay là họ ngủ yên như con gấu vào mùa đông, rồi đợi mình về gặp lại? Già rồi, lẩn thẩn, chị nhỉ.”
Chị Thảo cười sặc sụa về câu triết lý vụn của cậu em lúc đó gần 60 tuổi. Rồi chị lại thì thào. “Thì thào” không đúng, chị nói rất khẽ khàng, chậm rãi, như kể chuyện cổ tích cho thằng em 3, 4 tuổi nghe:
“Họ không ngủ đâu. Họ khổ lắm. Từ 1975 mình mới biết chút ít về cái khổ của xã hội cộng sản. Còn quê mình ở ngoài Bắc khổ gấp vạn lần. Cộng sản cũng chẳng làm thay đổi gì được ở cái làng đó. Họ nọ, họ kia vẫn đánh nhau bươu đầu, sứt trán. Mỗi con người vẫn khư khư cái tài sản mình có được. Chỉ thay đổi cái bọn lý trưởng cũ bằng bọn lý trưởng mới thôi. Chú Ninh (em con chú con bác của chúng tôi, nay hơn 90 tuổi) nói chị về xây một căn nhà trong khu nhà mình ngày trước, nói đây là di tích cụ Mền. Con rể anh Thơ, tức chồng con Thanh, nay cũng 60 hơn, cứ sợ mình về đòi đất đòi cát. Con nhà Sán, có 2 đứa, chắc cũng sợ mình đòi đất. Hai đứa bảo, ngày xưa cháu định về quê mẹ cháu xây nhà, nhưng mẹ cháu nói tao lấy chồng ở đây, bây giờ tao cứ ở đây. Chị bảo bọn nó: Mẹ cháu nói vậy đúng đấy. Nhà của Cụ trước, bây giờ các ông các bà đi rồi thì bố mẹ các cháu cứ việc ở, Mẹ chết rồi thì các cháu cứ ở, không ai nói năng gì đâu. Thực sự mình có xây nhà làm gì vì có ở đó được đâu. Có chăng mình tính mua lại cái vườn, xây nhà thờ các Cụ. Chị thấy vẫn còn cái “Ngai”, nhưng bằng sắc, giấy tờ chiếu chỉ vua ban đâu còn gì. Có cái ống đựng bằng sắc để trên ngai đấy. Ngay cả bài vị cũng không còn. Nên chị chỉ nói với con cái nhà chị Kiệm, mấy đứa cũng ngoan, nên mình dễ nói chuyện. Bọn nó bảo để các Cụ vào Hậu (ở chùa) là không được. Đối với những vị không còn con cháu thì mới thế. Còn chúng con tuy là họ ngoại, cũng con cháu các cụ, nên xin cứ để nhà thờ Họ. Chú Bảo (em chú Ninh, ở Hà Nội) nói nếu chị không xây nhà thì cũng bắt bọn nó xây môt cái cột, nói rõ đây là di tích của Cụ Mền để lại. Ông Bảo cũng tốt, khá giả. Hôm gây quĩ xây nhà thờ Thượng Vũ, ông ấy cũng đóng góp 5 triệu, nhiều nhất đấy. Ông ấy có thằng con tên là Yến cũng ở Sài Gòn, hôm qua có qua đây. Em nghĩ kể ra cả họ nhà mình nên xây một cái gì cho làng thì tốt, để cho đỡ mang tiếng dân ngụ cư. Mình là ngụ cư thật, nên mới có cái nhà thờ ở “Nhiều”, chứ gốc nhà mình ở Bình Ngô, Thượng Vũ cơ. Hồi trước chị không biết chuyện Đẻ bị ngã từ thềm xuống sân khi nghe chị bị bọn bên kia sông bắt. Được tha về là hàng trăm chuyện liên tiếp phải lo cho đám cưới, không ai có thì giờ kể cho nhau nghe chuyện ở nhà lúc đó ra sao.”
Đó là chị chuyển qua chuyện bị bọn bên kia sông về bắt, tức là chuyện lấy chồng của chị. Bọn bên kia sông tức là Ủy Ban Hành Chính của Việt Minh đang kiểm soát vài làng bên kia sông, nơi chính quyền quốc gia lúc đó chưa lập được tề. Câu chuyện khởi đầu do sự tình cờ biết chị Thảo, một ông thông dịch viên cho lính Pháp trên bót Hồ, còn gọi là đồn Lạc Thổ, muốn hỏi cưới chị. Tên ông ấy là Phan Huy Chương. Bên Việt Minh biết chuyện, về mang chị đi để làm áp lực đòi thả đám du kích xã bị trên đồn bắt.
“Chị bị bắt vào một đêm tháng Mười Một ta, gần Tết. Chị bị bắt, nhốt trong cái hang nào đó 3 ngày thì nó thả về. Con ông Cả Ngoan, bây giờ nó cũng ở dưới này này (khu chợ Trương Minh Giảng). Nó kể lại là
“Hôm bắt Bà, con cũng theo về, con là giao liên.
“Nó theo cộng sản, chỉ là du kích thôi.
“Cái chuyện anh Chương muốn cưới, chị có biết gì đâu. Mấy lần chị theo Đẻ đi Hà Nội lấy hàng. Hôm nào cụ không đi được, sai chị đi một mình. Cụ bảo cứ đến chỗ đó, chỗ đó, chị vẫn đi lấy sợi cho cụ. Năm đó chị mới 16 tuổi. Một hôm sửa soạn đi lấy sợi, mới ra đầu làng thì lính vây cổng làng, xua hết cả về. Mọi người về chỗ đầu làng, chỗ dậy học, một bên là điếm canh, giữa là đình, một bên là văn chỉ thờ các danh nhân. Bọn lính xua mọi người vào văn chỉ ngồi. Bọn con gái làng mình xưa nay có bao giờ được đi Hà Nội, thấy mình đi Hà Nội hoài, mới ngồi tụm lại, nói:
“Cô ơi cô, cô kể chuyện Hà Nội cho chúng con nghe.
“Mình từng đi Hà Nội rồi thì cũng chẳng sợ gì lính, còn mấy người nhà quê thì sợ lính lắm. Thành ra mình cứ nói chuyện với chúng nó, cô cháu nói cười rúc rích với nhau, chẳng còn biết sợ gì cả. Sau này chị biết anh Chương lúc đó đứng ngoài gốc nhãn, nhìn qua hàng rào tre, thấy mấy cô gái nói chuyện hồn nhiên mà cười rúc rích. Anh ấy thấy có mình chị để răng trắng. Hôm đó kiểm mục (còn gọi là điểm mục), 19 người trong làng bị bắt.
“Về đồn, anh Chương nhờ lính hỏi các người bị bắt về cô răng trắng. Những người bị bắt lại hỏi thân nhân lên đồn thăm nuôi xem cô gái đó là ai. Mấy ngày, các ông ấy nghĩ không ra ai. Rồi ông Lý Quỹ có con bị bắt, mới đoán ra chắc là cô Thảo rồi. Làng mình chỉ có con cái cụ Mền có người không nhuộm răng. Chị Thiện, Kiệm nhuộm hết, chỉ có mình chị không nhuộm.
“19 người bị bắt không oan chút nào, toàn là du kích xã, nên rất khó được tha. Trong đó có con ông Lý Quỹ, con ông Lý Tẩm, tất cả đều là con học trò Thầy. Anh Chương hồi đó hình như chỉ là thư ký hay thông ngôn, rất thân với viên xếp bốt là tên quan ba Tây. Hôm đó nó rủ anh Chương đi về làng chơi chứ không phải việc của anh ấy. Sau này anh ấy bảo là do duyên số, lúc nghe thằng xếp rủ, anh không muốn đi, vì đi xuống làng mình anh ấy sợ lắm.
“Lần hồi, anh ấy hỏi được ông Lý Quỹ. Ông ấy nói rằng
“Cô này thì tôi biết là ai rồi. Nhưng bây giờ ông muốn lấy cô ấy thì không có dễ, vì cô ấy là con của ông thầy dậy chúng tôi. Nếu ông muốn, ông phải làm tờ khai như là khai tam đại.
“Ông Lý Quỹ về kể cho mình nghe nguyên văn mấy chuyện ông ấy sỏ lá trên đồn. Ông Lý Quỹ bắt anh Chương làm bản khai, phải trả lời mấy điều sau: Trước đây ông nội ông làm gì, bố ông làm gì, gia đình ông ở đâu, rồi chuyện này chuyện nọ phải khai hết ra giấy. Sau anh Chương kể lại: Anh ấy cũng khai, nhưng khai không đúng. Thí dụ biết nhà mình là nhà giáo, thì khai bố anh ấy dậy học. Thực ra bố anh ấy không dậy học, chỉ có đi buôn thôi, làm chủ thuyền buôn thôi. Anh ấy giận ông chú bà bác ở Hà Nội, không dám khai có người ở Hà Nội. Họ là những nhà buôn Bảo Thịnh ở Hà Nội. Anh ấy giận họ nên bỏ đi lính. Rồi anh ấy tính lấy vợ nhưng không muốn nhờ mấy người đó.”
“Thế rồi cả tháng trời, thấy Đẻ, Chị Tú, anh Thơ, cứ buổi sáng thì lên trên bốt, buổi chiều về nhà mình, thì thào chuyện gì mà chị không biết. Cho đến một hôm anh Thơ mới gọi chị nói:
“Này em ơi, anh hỏi này, bây giờ có người muốn hỏi cưới em thì em nghĩ sao?”
“Em nghĩ sao ạ. Em còn bé thế này biết gì chuyện đó. Nhưng mà em mà đi rồi lấy ai trông nom các em cho Đẻ em?
“Đó là cuối năm 1949. Nghe chị trả lời xong, lại thấy anh ấy nói: Thôi em ạ.
“Mình cũng lấy làm lạ. Anh hỏi mình xong lại nói thôi. Ngay từ năm 13 tuổi, ông Hai Giáp đã hỏi chị cho con ông ấy rồi. Lúc Thầy mất xong, mấy mẹ con dắt díu nhau chạy loạn, cũng là cách tha phương cầu thực vì ở nhà quê loạn lạc luôn, mình không biết làm gì để sống. Khi đi Đẻ có nói chuyện với ông Hai Giáp:
“Lúc trước tôi nhận lời thì cũng là chiều ý Cụ nhà tôi. Bây giờ mấy mẹ con tôi đi thế này biết sẽ ra sao. Thôi ông ở nhà cứ lo chuyện vợ con cho cậu ấy đi.
“Bây giờ trở lại làng, chị cứ tưởng hay là ông Hai Giáp lại đòi cưới vợ cho con. Thành ra mới nói với anh Thơ:
“Thằng bé đó nó kém em hai tuổi. Lúc đó, Thầy coi tử vi cứ sợ số em gian truân nên bắt Đẻ em phải bằng lòng đấy chứ.
“Nghe vậy anh Thơ cũng ừ hử. Hôm sau, anh Thơ lại gọi chị, đưa chị cái ảnh của một người lính. Thực sự anh ấy mặc quần áo thường dân thôi, nhưng có đeo môt cái gì đó mà chị nhận ra là lính. Chị mói hỏi:
“Thế này là thế nào hở anh?
“Anh Thơ nói: người đàn ông này muốn kết bạn với em.
“Chị lại hỏi: Thế người ở đâu vậy anh?
“Anh chỉ lắc đầu nhè nhẹ: Sau này anh sẽ nói.
“Thành ra các ông các bà ấy bàn chuyện chồng con của mình cho chín muồi rồi mới cho mình biết.
“Mấy hôm sau, mùa lạnh, đêm nằm bên cạnh mẹ, Đẻ mới nói chuyện với chị. Chị cũng thủ thỉ với Mẹ:
“Đẻ ạ, bây giờ Đẻ bảo con lấy người đó, mà người ở xa tận đẩu tận đâu, không biết gốc gác ra sao, người ta lấy con xong người ta mang con đi mất, Đẻ biết đâu mà tìm. Rồi lính tráng đấy, Đẻ thấy mấy đứa lính bốn năm vợ, làm sao con biết được.
“Đẻ mới nói: Ông Lý Quỹ nói với Đẻ thế này: Hạnh phúc của em ấy là hạnh phúc của chúng con. Chúng con đã xem kỹ rồi, đã điều tra tông chi họ hàng rồi. Ông này cũng là người có ăn có học đàng hoàng, mà tử tế lắm. Con xin Cô cứu lấy các cháu. Con đã hứa là nếu làm mai được con sẽ xin cho 19 người bị bắt về. Bây giờ Đẻ cũng chẳng biết quyế định làm sao. Đẻ, anh Thơ, Chị Tú bàn tính, thấy nó cũng là người con nhà tử tế, viết cái thư về kể gia đình nó như vậy, như vậy, thì thấy cũng được. Đẻ đã quyết định rồi, trả lời bằng lòng gả cho nó rồi. Con để Đẻ lo, đừng có lo. Nhà mình có con Khẩn cũng bị bắt, chẳng biết làm sao.
“Được vài hôm, thấy ông Lý Quỹ nói dẫn tiền về để Cụ đi mua sắm cho cô dâu, còn phần lễ nghi, trên đó nhờ các ông ấy hết. Các ông ấy sẽ mua trầu, mua cau mang đến.
“Đúng là chị khóc hết nước mắt. Em thì còn bé, mẹ thì vất vả quá. Bây giờ rồi biết mình đi đâu. Mai kia làm sao còn liên lạc với nhau. Lúc đó người dân mình ghét lính lắm, nhất là mình con nhà nho, càng ghét bọn họ tợn. Nhà mình có chị Tỵ (con Mẹ Già) lấy ông Đội Hoằng, cả họ chế riễu. Lúc chị lấy anh Chương xong, chị Hoằng có làm mấy câu thơ gửi cho chị:
“Chị em ta là gái, Chí chẳng khác gì trai, chán nỗi đời ngang trái, nên đặt bước lạc loài. Vui lòng theo thời thế. Có một hóa nên hai. Bước đường ta phải để, tạo hóa tính không sai.”
Lúc đó chị còn nhỏ lắm nhưng cũng hiểu được ý chị muốn nói gì. Trước đây tưởng chỉ có mình chị ấy lấy lính, bây giờ hóa ra hai người.

No comments:

Post a Comment