Thursday, March 12, 2009

Chị Tôi 5

Suốt Đời Chuyện Buồn Cười

Đỗ Tăng Bí
Nếu chỉ kể 5 người con của Mẹ tôi, chị Thảo là chị cả và tôi là em út. Là em út nên hầu như tôi gần gũi với chị Thảo trong mỗi chặng đời của chị. Nếu không là nhân chứng thì ít nhất ký ức tôi cũng đọng lại hình ảnh về những hoạt động của chị, những cảnh sống của chị, dù rất mơ hồ, dù không liên tục như một cuốn phim. Nhưng toàn bộ ký ức đó vẫn là một cái gì thống nhất, giữ được vẻ liền lạc. Riêng thời gian mấy tháng từ khi chị dọn đi Đồ Sơn, rồi về Hải Phòng, rồi lên Hà Nội ở với họ hàng bên chồng trong khi chờ nhà chồng từ Phát Diệm lên tiếp xúc, tôi hoàn toàn mù tị. Ngay cả chuyện Mẹ tôi có đi Hà Nội gặp gia đình bên chồng của chị Thảo, tôi cũng không hề biết chút gì. Hình như tôi mang máng biết chuyện anh Chương bị chết, nhưng chuyện đó lại có vẻ xa lạ với tôi. Có thể đó là giai đoạn Mẹ tôi vất vả vô cùng, buôn bán xuôi ngược, chẳng mấy khi tôi được nghe mẹ kể chuyện. Có những tháng ngày tôi ở nhờ hết nhà này đến nhà khác ở Hà Nội, những nhà họ hàng bên ngoại. Dăm bữa, nửa tháng Mẹ tôi về thăm tôi một lần, mang theo tiền, gạo gì đó đưa cho ông chú bà bác đang nuôi tôi. Nên những gì chị Thảo kể dưới đây hoàn toàn làm tôi bỡ ngỡ.

“Anh Chương mất đi, bỗng dưng chị rơi vào vực thẳm. Khóc suốt ngày. Nhưng rồi bên quân đội người ta bảo chị phải về nhà thôi, một thời gian sau sẽ lên lãnh tiền tử tuất. Chị quên bẵng khoản tiền này, cả năm sau mẹ anh Chương mới đưa đi lãnh.

“Bên nhà binh người ta không có chỗ nuôi mình mãi, đuổi thì mình phải đi. Có lẽ chỉ độ một tuần sau khi chôn cất anh Chương là chị phải đi rồi. Chị chẳng biết làm thế nào, đi đâu bây giờ. Trong mấy tháng ngắn ngủi sống vối anh Chương, chị biết loáng thoáng là gia đình anh ở Phát Diệm, và anh có họ hàng ở Hải Phòng, ở Hà Nội. Buồn cười một nỗi là từ ngày lấy chồng chị chưa khi nào gặp gia đình chồng. Hôm đón dâu là mấy người lính trên đồn và bạn bè anh là bên nhà trai. Không biết gia đình anh Chương có biết họ có một cô con dâu là chị hay không. Hình như mọi chuyện xẩy ra quá đột ngột, quá gay cấn, anh Chương chưa từng thú nhận với nhà là đã cưới vợ. Nửa thế kỷ trước chuyện lấy vợ không xin bố mẹ đâu phải chuyện đùa. mà họ là gia đình Công giáo nữa chứ. Bây giờ, nếu chị muốn về nhà chồng ở Phát Diệm thì cũng không biết làm sao mà đi, làm sao tìm ra nhà chồng. Quay về quê ở với Đẻ ư, thì cũng phải giữ trọn vẹn đạo làm con với nhà chồng đã chứ. Thầy mình nói hoài mà, “Xuất giá tòng phu,...”, rồi “dâu là con, rể là khách”. Cậu thấy có buồn cười không?”
Lúc chị Thảo kể chuyện này là lúc chuông nhà thờ Ba Chuông báo lễ nhất. Hôm đó cả hai chị em cùng dậy sớm. Đêm qua nóng quá, quạt chạy vù vù cả đêm cũng không giúp tôi ngủ được thẳng giấc. Chỉ Thảo nói anh Thiên, chồng chị đi lễ trước, chị sẽ đi lễ sau lúc 5 giờ rưỡi. Chị em lại tiếp tục câu chuyện tình thời ly loạn. Có điều, tôi không thể thấy buồn cười như chị cảm thấy. Có thể khi đã đến cùng cực của sự khổ đau, người ta bỗng thấy mọi chuyện trở thành vô nghĩa, thành buồn cười chăng. và với nụ cười dễ dãi trên môi, chị kể tiếp:

“Trước đó anh Chương nói có một người chú ở đường Cát Dài, Hải Phòng. Thế là, ôm gói quần áo gồm mấy cái quơ vội, chị lên đường đi khắp thành phố Hải Phòng tìm ông chú anh Chương. Còn đồ đạc ở Đồ Sơn người ta thu vén về, vẫn gửi trong kho quân đội. Chị lần mò tìm được đến đường Cát Dài. Cứ thế, với tấm ảnh anh Chương trong tay, chị vào từng nhà trên con đường đó, nhà nào chị cũng vào hỏi nhà ông Tư."

Ở đây tôi là người viết lại chuyện chị Thảo, phải nói ngay những điều viết ra này hoàn toàn dựa trên lời kể của chị Thảo. Xin đừng nghĩ là tôi hư cấu. nếu có hư cấu là do chị Thảo. Mà một chuyện đời như vậy, cả làng đều biết, ngay chị tôi giờ này, Tháng Hai năm 2009, vẫn còn sống ở Sài Gòn. Ai nghi, tôi xin đưa điện thoại hoặc địa chỉ về hỏi tận nơi cho ra nhẽ. Đôi khi, có những người cả cuộc đời êm ấm, không cảm được nỗi khổ đau của người khác, không tin trên đời có những cảnh khổ như vậy, nên cho là hư cấu. Thôi, hãy nghe chị Thảo kể tiếp:

“Suốt mấy tiếng đồng hồ, chị lê chân như vậy trên đường phố Hải Phòng, rồi phố Đường Cát Dài, trong lòng thầm khấn anh Chương giúp chị tìm ra ông chú. Đến một nhà kia, khi xem ảnh, thì đứa em con ông chú nhận ra, đem ảnh vào hỏi bố: Có một chị cầm ảnh anh Chương chụp với hai anh em con, chị ấy nói là vợ anh Chương. Gia đình họ mới mời chị vào hỏi chuyện, rồi ông chú đánh điện lên hỏi ở Hà Nội. Ông Tư mà anh Chương nói ở Hà Nội chứ không ở Hải Phòng. Ở Hà Nội anh Chương còn bà bác, gọi là bác Thịnh thì giầu lắm. Bà ta làm chủ hơn ba chục căn nhà ở Hà Nội, phố Lương Ngọc Quyến, có cả mấy tiệm vàng. Còn ông Tư chỉ có một tiệm vàng thôi. Mới nghe ông chú ở Hải Phòng nói chuyện là mình đã thấy nản rồi. Nhà mình vốn nhà nho, nghèo nàn, không quen lối hợm của nhà giầu. Tự dưng lọt vào mấy nhà này, không nhận nhà chồng không được, mà nhận thì người ta nghĩ sao đây.

“Thế là mình lại từ bỡ ngỡ này sang bỡ ngỡ kia, từ hoang mang này đến hoang mang nọ. Mới bỡ ngỡ vì cả làng, cả tổng ép đi lấy chồng, rồi đến bỡ ngỡ về đời sống vợ lính, chưa quen, nay lại lọt vào cái bỡ ngỡ bên nhà chồng. Sau khi đánh điện qua lại, có người từ Hà Nội xuống Hải Phòng đón chị. Ông giáo Khuê là chú anh Chương đưa chị từ Hải Phòng về thẳng số 105 phố Hàng Bạc, Hà Nội. Lần đầu tiên ờ Hà Nội chị được đi xe tay, nhưng không có thì giờ để nhớ xem nó làm sao. Suốt chặng đường Hải Phòng, Hà nội, ông giáo Khuê đã gạn hỏi chị đủ thứ chuyện. Rõ ràng là chị chẳng biết gì về bố mẹ chồng cả. Tính ra từ ngày lên đồn Hồ lấy anh Chương là giữa Tháng 11 âm lịch, đến ngày anh Chương mất là ngay sau Tết, không biết có đủ ba tháng hay không. Suốt thời gian đó anh Chương cũng vắng nhà, hai vợ chồng không biết nói chuyện với nhau được bao nhiêu ngày, đã nói với nhau được bao nhiêu chuyện? Chị đã được nghe nhiều về nhà chồng đâu. Nghe ông chú chép miệng chị hiểu rằng ông đang nghĩ gì. Như thế này thì đâu có phải vợ thằng Chương. Con dâu mà không biết gia đình chồng ra sao, bố mẹ chồng là ai. Chị đã nói em là chuyện buồn cười mà, cả đời chị chỉ toàn những chuyện buồn cười thôi. Đến Hà Nội, người ta đưa chị vào nhà ở phố Hàng Bạc nói là “để ở tạm”, bây giờ chị em mình phải thêm mấy chữ “ở tạm trong khi chờ điều tra!”. Đó là nhà bà chị cả của mấy ông chú, bà bác gia đình anh Chương. Bà lấy cái quyền chị cả nên mọi chuyện phải có ý kiến bà ấy.
“Thế là mình rơi vào tình trạng người ta nhìn mình như một thứ gái lăng nhăng. Người ta cứ nghĩ mình bám vào con cháu người ta vì tiền. Chị cứ im lặng vậy thôi. Những tháng ngày này chị chỉ biết khấn Thầy, khấn anh Chương giúp chị tìm được sự bình an, giúp chị tìm được gia đình chồng, để sau đó xin về với Đẻ, với các em. Đôi lúc, chị cũng muốn bỏ cuộc, về thẳng nhà quê rồi ra sao thì ra. Ngày xưa Thầy nói theo tử vi chị khổ suốt đời vì bướng bỉnh, nên tính bướng bỉnh bắt chị ở lại nhà chồng xem ra sao. Khi ở phố Hàng Bạc, mỗi ngày chị xin phép bà bác chồng cho đi bộ đến nhà cậu Cảo, lúc đó ở phố Cửa Bắc. Đến đó rủ cậu Toàn ra góc phố cạnh nhà. Hai chị em cứ lóng ngóng góc phố, và chị khóc. Đó là lúc đợi chờ bố anh Chương từ Phát Diệm ra. Bố anh ấy có thuyền buôn chở cua, nước mắm, mắm tôm ở Phát Diệm ra Hải Phòng, Hà Nội bán. Lúc đó mấy bà, mấy ông bên anh Chương và Đẻ, họ hàng bên mình, bắt đầu gặp nhau. Em thấy hay không, chú rể chết rồi hai bên họ hàng nhà trai, nhà gái mới gặp nhau tìm hiểu, tìm hiểu với đầy nỗi nghi hoặc trong từng lời nói, từng cử chỉ.”

“Thực tình, sau khi ở với nhau được hơn một tháng chị đã bắt đầu thương anh Chương. Anh ấy là người có ăn, có học, đối xử tử tế, ngay một người chồng không phải là lính cũng chưa chắc có đuợc sự tử tế như vậy. Anh ấy được đào tạo từ chủng sinh, sống nội trú, nên rất mẫu mực, khuôn khổ. Từ cách ăn, cách mặc. Ngay chuyện chải đầu chẳng hạn. Chải đầu xong, anh ấy lấy một cái bàn chải riêng, chải hết tóc đi, mới cắm cái lược vào đúng chỗ của nó. Cho nên thấy thương anh ấy, chị cũng muốn về quê anh ấy một lần cho biết. Nên chị mới xin với Đẻ, xin cho chị theo về gia đình chồng. Cả họ nhà mình nói sao Đẻ dại thế, nhưng lúc đó thì Đẻ cũng thương anh Chương. Đẻ nói, dù sao một ngày cũng nên nghĩa. Bọn nó chính thức lấy nhau, có lễ nghi đàng hoàng, có hôn thú đàng hoàng, nó muốn về nhà chồng thì làm sao mình cấm được.

“Đến lúc bên nhà anh Chương đã tìm hiểu xong nhà mình. Họ đã dò hỏi về họ hàng mình ở Hà Nội. Không biết họ có cho ai về quê tìm hiểu nhà mình không. Rồi đến lúc cả nhà mấy ông chú, bà bác quyết định thu thập đồ đạc của anh Chương, mở ra xem có những gì. Cho đến lúc đó, chị cũng chưa hề sờ đến đống đồ đạc này. Họ lục mở valy anh Chương, bắt được nhật ký của anh ấy. Anh Chương ghi nhật ký từng ngày, kể chuyện anh ấy gặp chị như thế nào, anh ấy tả hình dạng chị, tả tình cảm của anh ấy. Cho đến cả chuyện anh ấy nhờ ông Lý Quỹ, chuyện anh Thơ nhà mình lên tận chỗ anh ấy ở, xem xét mọi thứ. Người làng vẫn gọi anh Thơ là ông Đám. Anh ấy ghi ngày nào ông Đám lên chơi, chuyện gì, ngày nào làm gì, ngày nào gặp chuyện này chuyện nọ, ngày nào cưới. Mọi sự anh ấy ghi hết trong quyển sổ. Bấy nhờ người ta mới biết mình là người thế nào. Lúc đó họ mới coi chị là dâu.
“Lúc này họ mới hỏi chị có muốn về thăm quê chồng không. Chị bằng lòng về. Chị đã tính trước chuyện này, đã xin phép Đẻ. Mà chuyện về nhà chồng cũng buồn cười lắm. Ông bố chồng trông còn trẻ măng, đẹp trai hơn anh Chương. Ông ta trông như Tây, ở thành thị chứ không ở thôn quê. Họ ngoại nhà ông ấy cũng làm quan, ông nọ ông kia. Chị không hiểu sao một ông “lái nước mắm” trông lại sang cả thế, cứ như người làm chức này, chức nọ đàng hoàng. Bố chồng lên Hà Nội đón chị, đưa về Phát Diệm. Đến Phát Diệm, chị ngồi xe kéo, vừa đỗ xe xuống là bà vợ ông ấy bỗng chau mày nhìn. Sau nghe ông bố chồng chị giới thiệu đây là vợ của Chương, bà ấy mới có vẻ yên tâm. Sau này mấy bà trong nhà kể lại mình mới biết: Lúc em về, mợ tưởng em là nhân tình của cậu. Lúc đó mình vừa mới mười bảy tuổi chứ bao nhiêu. Mới 17 tuổi nhưng đã chít giải khăn đen trên trán, lúc nào cũng giải khăn đen.
“Mình là con nhà nho, cái gì cũng nền nếp, lạc vào sống trong một khu vực toàn họ đạo, lại gia đình buôn bán, chị thêm một lần rơi vào bỡ ngỡ. Chị loay hoay tìm cách thích hợp với nếp sống gia đình chồng, với mấy người anh chị em anh Chương. Cuối cùng chị nghĩ cách hay nhất là lấy cớ học đạo, suốt ngày chị đi nhà thờ, suốt ngày đọc kinh. Rồi ơn trên bỗng dưng đến, chị ước muốn đi tu.

“Xin được sống trong dòng tu kín ở Phát Diệm, lại thêm một lần chị làm Đẻ và các em khổ khi từ xóm làng Bắc Ninh về nhẫn nhịn sống ở vùng Ninh Cường để gần chị. Sắp lễ hai rồi đấy, chị đi nhà thờ đây”.
Người con chiên ngoan đạo suốt cuộc đời chỉ thấy toàn chuyện buồn cười lặng lẽ đi bộ đến nhà thờ. May ra chỉ khi được “hưởng nhan thánh Chúa”, lúc đó chị mới thấy quả thực trên đời cũng có chuyện nghiêm chỉnh chăng.

No comments:

Post a Comment