Tuesday, March 17, 2009

Chị Tôi 6

Đền thờ Cha Trần Lục
Đa số hình trong loạt bài Chị Tôi do Đỗ Việt Anh chụp

Ninh Cường – Phát Diệm

Đỗ Tăng Bí
Ngày xưa khi cầm quyển truyện “Đò Dọc” của Bình Nguyên Lộc, tôi có niềm tự hào nho nhỏ là mình đã từng biết thế nào là “đi đò dọc”। Cái “biết” này chỉ rất mơ hồ, rất lãng đãng, vì đó là vào khoảng cuối năm 1951, khi tôi 8 tuổi, trí óc chưa ghi nhận được nhiều. Tôi không nhớ được là Mẹ tôi, anh Tường và tôi lên đò ở đâu, không biết cuộc hành trình “đò dọc” khởi đầu như thế nào. Gọi là “đò” cũng không đúng. Tôi nghe Mẹ tôi hỏi người ta về “ca nô” đi Nam Định. Rồi tôi lên một chiếc ca nô, được sắp xếp chỗ ngồi. Tôi còn nhớ thành ca nô bằng sắt, và đó cũng là điều mới lạ đối với thằng nhà quê như tôi, tưởng rằng cứ là thuyền, dù gọi là ca nô chăng nữa, bao giờ cũng bằng gỗ (ngoại trừ cái “mũ canô” mấy “ông Tây” hay đội).

Tôi vẫn còn nhớ chuyến “đò” dọc này ngừng nhiều nơi, tiếng người ta lên xuống ca nô, tiếng lợn ủn ỉn, tiếng gà quang quác trộn lẫn tiếng người cãi nhau dành chỗ đứng chỗ ngồi inh ỏi suốt chuyến đi. Lâu lâu Mẹ tôi lại sai anh Tường mua ít quà vặt cho tôi ăn mỗi khi ca nô ghé bến dọc đường. Ít khi nào tôi được ăn luôn miệng như vậy. Đêm về khuya, tiến ồn bớt dần, chỉ còn tiếng máy ca nô sình sịch đều đều trên mặt sông, và tôi chìm vào giấc ngủ (ngồi) lúc nào không biết. Tỉnh dậy, Mẹ tôi dục tôi mau chân bước lên tấm ván bập bềnh bắc từ ca nô lên bờ đất. Tôi bám chặt anh Tường, cố rảo bước nhanh vì người ta xô đẩy, e dè nhìn làn nước lăn tăn phía dưới không biết lúc nào mình rơi xuống. Rồi tôi cũng đi thoát được tấm ván bập bùng lên xuống như lò xo, đặt chân lên mặt đất. Tôi đã đến thành phố Nam Định trên đường đi Phát Diệm, theo như lời Mẹ tôi nói với anh Tường. Tôi không rõ bằng cách nào Mẹ tôi đưa chúng tôi từ Nam Định đi Phát Diệm. Chỉ nhớ rằng bỗng dưng buổi chiều hôm đó, dưới bàu trời xám xịt mùa đông, tôi đứng giữa sân một khu nhà cũng xám xịt như nền trời, giữa mùi nước mắm nồng nặc. Tôi đang đứng giữa dinh cơ nhà ông Chánh Trác, bố chồng chị Thảo.
Rồi những ngày người lớn nói chuyện nhà trên, dưới khu người làm, tôi nhập vào lũ trẻ chơi trò trẻ con। Tôi không nhớ lúc đó anh Tường làm gì, ở đâu. Anh hơn tôi 7 tuổi, tức là anh 15, 16 tuổi. Hình như mẹ tôi sai anh đi thăm anh Đội Hoằng, anh rể chúng tôi, chồng chị Tỵ, con gái của Mẹ Già. Sau này tôi biết lúc đó anh Tường cũng gan thật, vì từ Phát Diệm đi Ninh Cường, nơi anh Hoằng ở, không gần gì. Anh Tường thuê xe đạp để đi lại ở Phát Diệm và Ninh Cường. Anh vác cả xe đạp lên chuyến đò ngang giữa hai vùng đất đó. Phần tôi, Mẹ tôi không có thì giờ nhìn nhỏ đến tôi nhiều vì chuyện người lớn với nhau, chuyện bên nhà anh Chương đưa Mẹ tôi vào thăm chị Thảo ở nhà tu, cho nên đây là lần đầu tiên tôi được tham dự thật đầy đủ, trọn vẹn vào cuộc chơi con nít. Bọn nhỏ bày vẽ chơi trò cưới hỏi, có lẽ vì biết nhà tôi đến đây cũng là do chuyện Chương, chị Thảo। Gọi là bọn nhỏ nhưng trong đám này có cả những cô gái trạc tuổi anh Tường Họ làm cỗ bàn cưới hỏi thực sự chứ không phải chỉ dùng mấy hòn đá, mấy lá cây. Chúng tôi ăn cỗ, có cơm nấu bằng nồi là mấy lon sữa bò, có cả rau luộc, rau xào, cả mấy con dạm, con cua muối. Đùa chơi như thế này thì nhất rồi. Tôi quên cả tôi đang là ai, không còn giữ kẽ gì cả. Ở làng, tôi phải luôn luôn nhớ chị em tôi là cô, là chú của lũ trẻ, không thể tự nhiên chơi đùa chạy nhẩy với chúng. Sẽ có nhiều vị không có cái thú lần đầu được “thả lỏng” trong đời một đưa trẻ. Tôi vẫn hay có những đề nghị vớ vẩn với các bậc Cha Mẹ khép con cái trong vòng kỷ luật rằng đôi khi cũng nên cho bọn trẻ được “thật thoải mái” ít giờ đồng hồ. Chúng sẽ nhớ điều đó đến suốt đời.

Tôi đang nói về chuyện ở Phát Diệm, nơi Mẹ tôi đến để nhất quyết lôi chị Thảo ra khỏi dòng tu kín của mấy Bà Sơ. Về chuyện này chị Thảo kể như sau:
“Chị nhớ mãi hình ảnh Đẻ quay đi khóc khi Chị không chịu về. Chị đã vừa khóc vừa nói với Đẻ:
“Đẻ cứ tưởng như con đã chấm dứt đời rồi. Con không về đâu, Đẻ đừng đợi.
“Rồi Đẻ đưa mấy đứa em đến। Em là đứa chị bế ẵm sái cả tay suốt bao năm trời. Nhìn em khóc mà chị đứt ruột. Không hiểu sao, có sức mạnh nào đó luôn nhắc nhở chị phải giữ vững khiến chị có thể chịu đựng tiếng khóc các em, tiếng khóc của Đẻ suốt 7, 8 tháng trời. Chị tin rằng đã được Chúa ban tiếng gọi thiêng liêng. Không phải ai cũng có ơn phúc đó. Đẻ bảo cả nhà sẽ ở lỳ đây, không về quê nữa. Chị nghĩ chắc là Cụ dọa đấy thôi, không lẽ Đẻ ở lỳ mãi mãi được giữa vùng đất xa lạ này. Vậy mà Đẻ làm thật. Mỗi Thứ Bảy hay Chủ Nhật, Đẻ đều đến nhà dòng xin Mẹ Bề Trên cho gặp chị, lúc đầu còn đi một mình, hoặc với Tường, sau mang cả em. Trời mưa trời nắng cũng vậy, cứ nằng nặc đòi gặp chị. Lâu dần, chị không chịu gặp thì Đẻ đứng lỳ trước cửa, lỳ lợm yêu cầu nhà dòng bắt chị ra gặp. Mẹ Bề Trên nhiều lần dùng quyền chăn dắt nữ tu bắt chị ra. Bà ấy cũng thấy cảm phục đức kiên trì của một bà Mẹ Việt Nam. Bà ấy người ngoại quốc, nói được tiếng Việt.”

Cho đến bây giờ tôi còn nhớ như in hình bóng ba mẹ con chúng tôi trên con đường lầy lội chạy giữa đồng ruộng trắng xóa nước। Mưa phùn gió bấc, con đường “trơn như bôi mỡ” theo cách nói của Mẹ tôi. Cả ba mẹ con phải tháo dép ra, đi chân không, thận trọng từng bước cho khỏi ngã. Mẹ tôi chỉ tôi cách bấm ngón chân xuống lớp bùn nhão nhẹt để giữ vững mỗi bước chân đi. Mấy ngón chân nhỏ bé của tôi bấm thế nào thì bấm cũng chẳng làm hài lòng lớp đất sét đắp mặt đường. Anh Tường phải nắm chặt tay tôi, dắt đi từng bước. Đôi khi gió giật từng cơn, tấm áo tơi (áo mưa) làm bằng lá khoác trên vai như muốn quật tôi ngã xuống. Đoạn đường khổ ải này ám ảnh tôi nhiều tháng trời. Suốt những tháng chờ đợi chị Thảo ra khỏi nhà dòng, ít nhất cũng một chục lần tôi đã qua đoạn đường thê lương đó. Sau này, nhiều lần tôi gặp lại những khúc đường như vậy ở Thanh Cẩm, Thanh Hóa, nhưng do nhiều người qua lại, nhiều vết xe trâu, hoặc do tôi đang ở độ tuổi gần 40, bước chân vững chãi, nên tôi đi qua không mấy khó khăn. Trong mấy bài thơ tôi làm tặng các em Phục Quốc cùng ở Thanh Cẩm, có những câu: “… trên con đường em đi chắc vẫn nhiều lầy lội, bấm ngón chân cho vững hẳn lòng em tự hỏi…”, cũng mang ít nhiều hình ảnh tôi từ mấy chục năm trước. Đêm thật khuya, nhân lúc chị Thảo ngừng kể chuyện, tôi nhắc lại hình ảnh những ngày mùa đông này đã khiến chị khó cầm nước mắt.

Tôi đã kể chị Thảo nghe về giai đoạn sau khi ở nhà ông Chánh Trác hơn tháng trời thuyết phục chị không kết quả, Mẹ tôi quyết định ở lại Ninh Cường để đợi chị. Một buổi tối năm 1951, chúng tôi gồm Mẹ tôi, anh Tường, và tôi đổ bộ lên một bến đò. Tiếng gọi nhau ý ới, Mẹ tôi hỏi thăm đi đâu đó, nhưng người ta bảo đêm rồi đi không được. Tôi không nhớ cuối cùng đêm đó mẹ con tôi ngủ ở đâu, có thể ngủ nhờ mái hiên một nhà nào gần bến đò, sáng hôm sau đón chiếc xe nhà binh đi nhờ vào đồn lính có anh Đội Hoằng. Anh Đội Hoằng là anh rể tôi, chồng chị Đỗ Thị Phương Tỵ. Hình như lần đó có cả chị Tỵ thì phải. Anh Hoằng làm cấp đội, đóng ở Ninh Cường, thuộc về Phát Diệm. Anh ở đó với bà vợ hai, nhà ngay sát với nhà thờ Ninh Cường và trường học của Cha Kiểm. Mẹ con tôi ở với anh ít ngày rồi tìm thuê một căn nhà trong khu nhà dưới của một ông trùm gần bến đò, cạnh chợ Ninh Cường. Mẹ tôi ở đó, buôn bán, và mỗi tuần lại đi đò qua bên kia sông, đi bộ hàng chục cây số, ra tận nhà tu kín Phát Diệm để gặp chị Thảo. Ninh Cường thuộc Phát Diệm là một khu khác hẳn Bắc Ninh. Thế mà mẹ tôi dắt con đến đó, thuê nhà, ra chợ buôn gánh hàng xén। Bây giờ nghe chuyện chị Thảo kể, tôi biết sau khi Thầy tôi mất, vốn liếng Mẹ tôi không có chút gì. Không biết vay mượn đâu để buôn bán. Chắc chắn chuyện ở lại xứ này hoàn toàn bất ngờ. Mẹ bán hàng ngoài chợ, anh Tường và tôi đi học trong trường Cha. Mỗi ngày hai lần lúc vào học, lúc về học, tôi đều đọc kinh. Tôi biết kinh Thiên Chúa Giáo từ đó. Sau này di cư vào Nam, ở trại định cư, tôi không còn bỡ ngỡ với kinh sách nữa.

Lúc đó tôi 8 tuổi đầu, người còm cõi. Người ta bảo tạng người như vậy. Bây giờ thì tôi biết chỉ vì thiếu ăn. Thiếu ăn, nên những hình ảnh thật tầm thường với người khác nhưng vẫn in vào đầu óc tôi đến bây giờ. Có một lần, mấy anh lính Tây bị đánh ở đâu đó, chạy bán sống bán chết về đến bến đò, người ta đưa vào nhà của ông chùm, chủ nhà nơi chúng tôi thuê, vì ông ấy nói được tiếng Tây. Ông ấy cho mấy anh lính Tây ngồi trên tràng kỷ ở nhà trên. Lần đâu tiên tôi thấy lính Tây rõ thế. Hôm lên đồn Hồ, Bắc Ninh, trong đám cưới chị Thảo, cũng có mấy “ông Tây”, nhưng hôm đó tôi không có sự bình thản quan sát mặt mũi họ như bây giờ. Ông chủ nhà cho làm cơm để mấy người đó ăn trong khi chờ xe trong đồn ra đón. Tôi kể Mẹ tôi nghe chuyện họ để nguyên một cái đùi gà cho bọn Tây ăn, mà cái đùi nó cầm tay, cứ thế mà ăn, cái đùi vàng tươm, bóng nhẫy. Nghe thế, hôm sau Mẹ tôi mua nửa con gà về rán lên, cho tôi nguyên cái đùi, nhưng cái đùi đã chặt ra làm mấy miếng rồi, và tôi cũng không được cầm tay. Đẻ và anh Tường ăn chỗ ức. Anh Tường suýt soa, sao hôm nay Đẻ hoang thế. Đúng là hoang, đến độ ông chủ nhà thấy vậy cũng phải kêu lên. Chính ông ấy khi nào nhà có việc mới ăn như vậy.
Hay là hôm nay nhà bà có giỗ?
Chẳng giỗ quải gì ông ạ. Cả năm thì cũng cho con nó ăn một lần.
Tuy còn bé, nhưng tôi biết mẹ tôi đã phải tốn kém thế nào để cho con mình đừng bao giờ nhìn người ta ăn nữa. Từ đấy, cho đến những ngày ở trong tù Thanh Hóa, trong khi anh em bạn mỗi tối kể lể nỗi thèm ăn, tôi vẫn dửng dưng. Không dám nói với mọi người là tôi không thèm gì cả. Làm sao ai hiểu nổi. Viết thư về cho nhà cũng không biết phải nói gửi đồ ăn gì. Nhiều người nghĩ mình làm bộ. Trong mấy anh em tôi, tôi ở gần Mẹ nhiều nhất. Tôi ở gần Mẹ tôi, học được rất nhiều điều dù cụ không hề nói, răn, đe. Cụ và chị Thảo kể rất nhiều điều về Thầy, về Đẻ. Và tôi lẳng lặng học. Khi tôi kể chuyện “Nhà tôi năm Ất Dậu”, anh Toàn nói tôi hư cấu. Toàn là chuyện mẹ và chị tôi kể về Thầy tôi. Nghĩ lại, trong rất nhiều ngày tháng khổ cực của gia đình, hầu như đều vắng bóng anh Toàn. Chị tôi là khổ nhất vì phải chăm sóc tôi, phần lo buôn bán, kể cả buôn lậu, để giúp mẹ. Đến hôn nhân khi tuổi mới 16 cũng là vì người khác. Không ở cùng, không sống cùng, làm sao hiểu hết. Đoạn trường ai có qua cầu mới hay. Trong suốt những “cầu” đã qua này, đất Ninh Cường là nơi tôi rất nhớ. Nhớ cả những buổi trưa hè, mẹ tôi từ chợ ngay sát nhà chạy về, pha cho tôi cốc nước chanh, tôi còn nhớ từng câu dục dã: Uống đi con ạ. Nước chanh quả đấy, mà Đẻ pha với đường kính, mát lắm. Hai mẹ con chia nhau cốc nước. Anh Tường ở ngoài chợ trông hàng. Đôi khi Cụ bận việc gì đó vẫn kêu anh Tường ra trông hàng, lâu dần anh hết ngượng, và ngoài chợ biết đến anh rất nhiều. Nhưng cả phố chợ Ninh Cường chắc phải nhớ Mẹ tôi vì chuyện cụ đánh anh Tường.

Một buổi chiều nào đó, anh Tường thuê chiếc xe đạp, chở tôi và một người bạn đi chơi. Người ta gọi là “đèo” hai người. Anh Tường vốn là vua nghịch và liều. Tôi ngồi ngay trên ghi đông, người kia ngồi đằng sau. Đường làng hẹp, chở nặng, gặp một xe đạp đi ngược chiều, anh Tường loạng quạng đâm vào người ta, chúng tôi ngã chổng kềnh. Xe kia bị cong bánh. Vậy mà anh Tường không nói không rằng bợp tai ngay anh chàng lái xe kia, chảy cả máu mũi. Anh kia líu quíu kéo lê xe chạy mất. Gia đình người ta biết được, đến tận chỗ ông chủ nhà tìm. Ông chủ mới nói đó là em ông Đội Hoằng, người ta không muốn dính tới lính tráng, quan quyền, bỏ qua cho. Mẹ tôi nghe lao sao, bỏ chợ về, ông chủ nhà kể chuyện. Cụ vác ngay cái ghế đẩu phang cho anh Tường một trận. Chắc là đau lắm nhưng anh Tường không dám khóc, không dám chạy. Ông chủ nhà phải can,
“Bà đánh thế thì cậu ấy vỡ đầu mất. Thôi bây giờ xin bà tha cho cậu ấy, và bắt cậu ta mang tiền đến nhà người ta đền đi, họ phải sửa cái xe mất bao nhiêu đó”.
Anh Tường phải mang tiền đến nhà người ta xin lỗi। Cụ bắt học từng câu nói (để người ta biết gia đình mình có học). Nhưng rồi bố mẹ anh chàng kia cũng mang tiền trả lại cho Mẹ tôi. Người dân quê mình chỉ muốn hòa bình (với bọn lính tráng), dù mẹ tôi phân bua mãi chúng tôi là gia đình nho học. Các bà mẹ thật khổ. Anh Tường bị nhốt một tuần lễ, đi học về là cấm ra khỏi cửa, và tôi có bổn phận giám sát vì mẹ tôi ở chợ. Dĩ nhiên là làm sao tôi giám sát được. Bao nhiều điều để nhớ về Ninh Cường, nơi sau này tôi biết là ổ Duy Dân.

Có lẽ chúng tôi ở Ninh Cường đến 7, 8 tháng trời, cho đến khi chị Thảo phải bỏ nhà tu, về với thế gian. Nhưng gia đình nhà chồng rất là không bằng lòng. Chị Thảo kể chuyện thế này:
“Không thể có bà mẹ nước nào được như Mẹ chúng Mình। Sao Đẻ có thể kiên trì đến thế. Mùa đông gió lạnh, mùa hè nóng bức, thời tiết thế nào cũng mặc, cứ mỗi tuần cụ đều đến nhà dòng gặp chị. Hơn nửa năm trời, tuần nào cũng nhìn cảnh em khóc, Đẻ khóc quay đi ra cửa, làm sao chị còn sắt đá được. Mẹ Bề Trên thì không thể nói gì với chị, nhưng chị hiểu rằng bà cũng mềm lòng trước Đẻ. Chị lại biết rõ vốn liếng Đẻ vay mượn được đã cạn dần, chưa biết ngày mai các em sống thế nào đây. Chị cầu khấn suốt ngày trước tượng Chúa, tượng Đức Mẹ, xin một lời khuyên giải, một biểu lộ ý Chúa. Cuối cùng chị tự hỏi rằng để Mẹ và các em khổ sở như vậy có phải là điều thiện hay không. Chị xin Mẹ Bề Trên cho xuất. Bà chỉ nói rằng cánh tay Mẹ luôn luôn rộng mở đón con trở lại, sau khi con lo được cho Mẹ con và các em con.

“Chuyện chị xuất khiến nhà anh Chương không hài lòng। Bố chồng chị thông cảm, nhưng mẹ chồng chị thất vọng ra mặt. Không biết có phải vì nếu chị đi tu, của cải của anh Chương, của chị, sẽ chia cho các em bên chồng, nay nếu chị xuất, họ sẽ mất những thứ đó? Hoặc giả, chuyện chị trở thành một Bà Sơ sau này cũng là điều gia đình anh Chương hãnh diện? Để thoát khỏi mọi điều nặng nề, chị cho họ hết mọi thứ, không tha thiết giữ một thứ gì khác. Mọi thứ vàng bạc, dây chuyền cho hết. Cũng để nhà anh Chương bớt đi nỗi ê chề vì chị xuất, chị xin Đẻ cho ở lại bên nhà chồng một thời gian, Đẻ và các em về trước, chị sẽ về sau.

“Trong thời gian chị còn ở lại Phát Diệm, có một lần bà mẹ chồng đưa chị đi Hải Phòng lãnh tiền tử tuất. Lần đầu tiên chị đi máy bay, hình như máy bay trực thăng, chỉ ít phút đồng hồ là từ Nam Định ra đến Hải Phòng. Lãnh xong tiền tử tuất, bà ấy đánh cho chị sợi dây truyền mấy chỉ gì đó để đeo thánh giá. Rồi Ông Bà ấy cũng bỏ Phát Diệm di cư lên Hà Nội vì tình hình chiến sự. Lúc đó là năm 1952 rồi, Việt Minh mỗi ngày một mạnh. Chị xin nhà chồng cho về ở với Đẻ. Trước khi đi, chị cho nhà chồng hết mọi thứ, chỉ giữ mấy bộ quần áo đơn sơ, và sợi dây chuyền treo Thánh Giá. Chị tự nghĩ, họ là nhà buôn bán, tuy giầu có đấy, nhưng nhìn sự đời không qua khỏi bàn tay đeo nhẫn. Của cải này mà làm gì, Đa phần là của anh Chương, cũng do cái chết của anh ấy, để lại cho họ là hơn. Vẫn cái tính nhà nho gàn đó em ạ, và chị đã phải có lúc hối hận đấy.

“Sau này, khi về gặp mẹ, chị mới thấy sao Đẻ nghèo thế, khổ thế। Chị không ngờ Mẹ mình khổ đến thế. Trước khi về nhà, lúc ở Hà Nội, chị đến nhà ông Cảo gặp Tòan. Hai chị em mang nhau ra đầu nhà khóc. Chỉ có Toàn là lúc nào cũng ung dung ở nhà Cậu Cảo, lúc này nhà cậu dọn về phố Hàng Bún Cụt. Hình như số 18 thì phải. Rồi chị đến thăm em, lúc đó em ở với Bác Phiệt, phố Hàng Than. Đang mùa đông, em mặc chiếc áo len xanh sờn rách. Lúc đó mình chợt tỉnh ra, tự sỉ vả mình, sao mình dám bỏ mẹ, bỏ em đi gần hai năm trời như vậy, để mẹ, để em phải cực khổ phân ly. Mẹ bôn ba một nơi, Tường lăn lộn một nơi, còn em bơ vơ hết cửa này đến nhà nọ. Em biết không, khi chị ra khỏi nhà tu Đẻ phải đưa em về trước vì cụ không còn đồng nào cả. Đẻ phải mang anh Tường đi gởi cậu Hiến ở Hài Phòng (Ông Ngô Trọng Hiến, sau này có nhà xuất bản Như Ý), mang em gửi Bác Miện ở phố Khâm Thiên, rồi gửi Bác Phiệt đang tu tại chùa Hàng Than. Phải gửi em vì Đẻ đi buôn, để em ở nhà một mìnhh không được, mà cũng làm gì có chỗ nào gọi là “nhà” để mà ở. Từ năm 1951, cụ đã chủi Hồ Chí Minh toáng lên ở làng rồi, làm sao dám trở về làng với lũ Việt Minh đó. Bây giờ đúng là tha phương cầu thực. Vậy mà suốt thời gian cả nhà khó khăn như vậy, chị cứ lần lữa ở nhà chồng. Chị nghe Bác Phiệt nói Đẻ vẫn đi Bắc Giang mua vỏ chai, tức là đi mua ve chai, rồi chở về Hà Nội bán. Bác Phiệt nói hôm nay Đẻ về, chị ra bến Nứa đón Mẹ. Nhìn Mẹ mà chị đau sót trong lòng, lúc đó chị nghĩ, phải chi mình mang được món tiền tử tuất kia về cho mẹ, mang được chỗ nữ trang anh Chương mua cho chị về với mẹ, thì mẹ đỡ biết bao. Đẻ phải đi vay mượn khắp nơi lấy vốn làm ăn. Nhiều đêm chị nghĩ tự tức mình, giận mình, chỉ biết khóc thầm. Mà mẹ mình không hề hỏi mình tiền bạc đâu. Có đau sót không. Rồi chị theo Đẻ đi Bắc Giang buôn hàng chuyến, có lẽ là cuối năm 1952, đầu 1953.”

Tôi nhớ lại giai đoạn này với một mớ những hình ảnh lộn xộn। Trước hết là chuyện đi Hải Phòng. Có thể hôm đi Hải Phòng là hôm Mẹ tôi đưa anh Tường đến “làm việc” cho cậu Hiến, một người em cùng bố khác mẹ của Mẹ tôi. Lúc đó, Cậu còn nghèo, nhà ở Đường Cát Dài. Lần chị Thảo đi tìm ông chú của anh Chương chắc là chưa đi đến nhà Cậu. Nếu gặp nhà Cậu trước, biết đâu đời chị, cả đời chúng tôi, có khác đi chăng. Tôi vẫn nhớ bữa cơm tối hôm đó ở nhà Cậu Hiến, cả mâm cơm chỉ có một món ốc nấu giả ba ba. Mợ Hiến nói đùa ăn thế này cho đỡ phải rửa bát đĩa nhiều. Cậu thì hơi băn khoăn vì có bà chị và các cháu đến ăn cơm. Mẹ tôi phải nói thực là đối với chúng tôi thế này là ngon lắm rồi. Với tôi, bữa cơm đó ngon thật. Cậu Ngô Trọng Hiến là một nhà kinh doanh giỏi, cậu bắt đầu hồi cư với việc bán thuốc dạo, nhưng cách bán của cậu khác mọi người. Cậu làm thành những câu có vần, có điệu, giới thiệu các món thuốc, nên bán đắt hàng. Rồi Cậu mua được căn nhà nhỏ, mở tiệm sách, rồi in sách. Khi vào Sài Gòn, Cậu có nhà sách lớn ở Phú Nhuận, mở nhà xuất bản Như Ý. Anh Tường ở với Cậu một thời gian, rồi bỏ đi đăng lính dù mới 17 tuổi.

Một hình ảnh khác là nhà Bác Miện ở phố Khâm Thiên, Hà Nội। Mẹ tôi mang tôi đến gửi ở đây. Bac Miện là anh Mẹ tôi. Tôi nhớ những khi chưa ở nhà bác, mỗi lần đến thăm tôi lại chờ đợi một mùi hương rất thơm, mùi thuốc phiện. Bác Miện nghiện thuốc phiện. Hiếm khi nào tôi thấy bác ra khỏi cái sạp kê giữa nhà, trên gác. Bác nằm hút thuốc phiện ở đó. Mỗi lần bác thở ra, khói ngào ngạt mùi thơm. Nhiều ngừoi không chịu được mùi này, riêng tôi lại thích. Sau này khi gia đình tôi ở trong hẻm đường Cao Thắng, ông Tổ Trưởng hút thuốc phiện, mỗi khi đi qua nhà ông mùi thuốc từ trên gác bay xuống thơm lừng một góc hẻm. Khi Mẹ tôi mang tôi đến gửi, bac trai đã mất. Tôi ở với bac gái và các anh chị. Bữa cơm của người dân mới hồi cư ở Hà Nội cũng chỉ có một hoặc 2 món. Các anh chị cứ kêu tôi là “gầy thầy cơm”. Lúc đó chắc tôi gần mười tuổi đầu. Mấy anh chị xin cho tôi đi học một trường tư ở gần nhà. Ở Ninh Cường tôi đã học lớp Tư, nhưng về đây, mấy anh chị cũng chỉ xin cho tôi học lại lớp Tư. Mấy môn khác không sao, riêng cái món Pháp văn thì tôi mù tịt. Trường này dậy tiếng Pháp từ lớp Năm.Lên lớp Ba họ dậy toàn bằng tiếng Pháp. Từ bé đến lớn tôi đã biết tiếng Pháp là cái gì đâu. Lúc đó đi học là một cực hình với tôi.

Ở nhà bác Miện, lâu lâu Mẹ tôi ghé về thăm। Mỗi lần về như vậy, Mẹ tôi lại đưa bác tiền và gạo để gửi tôi. Mẹ tôi cũng mang tiền và gạo đến nhà Cậu Cảo, nơi gửi anh Toàn. HÌnh như Cậu Cảo cũng giúp đỡ Mẹ tôi nhiều vì Cậu có việc làm, Mợ buôn bán ở chợ cũng khá. Mỗi lần về, Mẹ tôi lại dắt tôi đi lang thang mấy phố gần Khâm Thiên, mua cho toi miếng giò, miếng chả đứng ăn ngoài đường. Tôi không quen ăn như vậy, cứ chối đây đẩy. Lòng Mẹ sợ con ăn uống thiếu thốn, mà cũng không đủ tiền cho con vào một tiệm ăn nào đó. Sau này, mỗi khi nhớ hình ảnh Mẹ tôi đứng ôm vai con góc phố, cái vai còm cõi của tôi, ép tôi ăn chút gì đó, tôi lại thấy nao nao như mãi mãi đánh mất một thứ gì chẳng bao giờ còn đền bù được. Mẹ tôi khổ thật đấy, như lời chị Thảo từng nói.

Chuyện học lớp Tư ở Khâm Thiên khiến tôi khổ sở, Mẹ tôi bèn đưa tôi đến gửi Bác Phiệt ở phố hàng Than। Bác Phiệt là chị ruột Mẹ tôi। Bác chọn cửa Phật để ẩn náu cuộc đời từ xa xưa। Bác thuê một căn gác ở phố Hàng Than, lập bàn thờ như ở chùa। Những tháng ngày ở với Bác thật bình lặng. Mỗi lần tôi đi học về, bác bắt rửa mặt, rửa tay, rồi ngồi ăn cơm với bác. Cơm chay, phần nhiều gồm một món canh và một bát lạc (đậu phụng) kho, hay một đĩa đậu rán, hoặc đậu trắng luộc. Tôi ăn ngon lành nhưng bác vẫn áy náy, cứ hỏi tôi có cần mua một đồng chả quế về ăn không. Bác không bắt tôi đọc kinh nhưng khuyên tôi nên giữ yên lặng nhưng giờ bac tụng kinh, gõ mõ. Lâu lâu, bác dúi cho một đồng, tôi đi lang thang đến đền Quan Thánh mua một gói phá xa lạc rang của chú Tàu đeo thùng thiếc đi bán dạo. Bác khen như thế là tốt (vì lạc rang vẫn là món chay mà). Rồi một buổi sáng mùa đông, chị Thảo đến tìm tôi. Sau đó ít lâu, đầu năm 1953, Mẹ tôi đón tôi về Mỹ Độ, phủ Lạng Thương, nơi có con sông Thương nuớc chảy hai dòng, bên đục, bên trong. Ba mẹ con ở với nhau cho đến ngày trở lại Hà Nội, chuẩn bị lên đường từ Bắc vào Nam. Lúc đó, lần đầu tiên từ lâu lắm rồi, cả gia đình xum họp để xuống Hải Phòng lên tàu há mồm. Mấy tuần lễ ở Hà Nội, cả nhà ở nhờ khu bếp một biệt thự của người bạn Mẹ tôi trong ngõ Nam Đồng. Anh Tường đua tôi đi ra bờ hồ xem duyệt binh và đốt pháo nhân dịp lễ quốc khánh Pháp, 14 Tháng 7. Anh cho tôi ăn một thứ quà gì đó thật lạ, anh gọi là gỏi sứa. Vừa ăn anh vừa nhìn ráo rác vì sợ lính bắt. Sau tôi biết anh là lính đào ngũ. Phe Quốc gia nướng quá nhiều lính ở Điện Biên Phủ, số đào ngũ rất đông, suốt ngày có ruồng xét trên đường phố. Lúc đó anh Tường 18 tuổi. Chị Thảo cứ mắng anh Tường về tội làm liều, khai gian tuổi đi lính đã liều, đào ngũ lại liều hơn nữa.

Anh Tường còn nhiều chuyện liều lắm, tôi chỉ biết một phần và sẽ kể ở phần “anh tôi”.

No comments:

Post a Comment