Wednesday, March 11, 2009

Chị Tôi - 4

Tượng trưng bày tại Viện Bảo Tàng Chiến Tranh Việt Nam ở Chicago
100 Ngày
Đỗ Tăng Bí
Ngày 9 Tháng 11 âm lịch, năm 1949, tôi đóng vai cô dâu thay chị tôi trong đám rước dâu về bốt Hồ. Lúc đó chị tôi còn bị Ủy Ban Hành Chánh, đúng ra là “Hành Chính”, nhốt bên làng Quảng Lãm vì tội lấy chồng là địch. Bây giờ ngồi ngẫm nghĩ lại, hóa ra những nhóm chữ (mà người ta gọi là cụm từ) “Cuộc Chiến Việt Nam” với tôi không chỉ là những chữ vu vơ, vô tri vô giác. Nhiều người có thể đọc những tài liệu về cuộc chiến Việt Nam một cách bình thản, đôi khi vô tâm. Riêng với tôi, những chữ “Cuộc Chiến Việt Nam” lại quá liên quan mật thiết đến cuộc đời tôi, gia đình tôi. Cũng trong cuộc chiến Việt Nam chị tôi được gả bán để cứu một số người Việt Minh (không rõ có đảng viên Cộng Sản nào không?) Cũng trong cuộc chiến Việt Nam, Mẹ tôi sau bao nỗi uất ức của một “Bà Mẹ Chiến Sĩ” đã cúng hầu hết của cải cho kháng chiến vẫn bị o ép đủ điều, một buổi sáng năm 1951, bắc ghế, trèo lên đứng giữa sân chửi tuốt tuột cả Hồ Chí Minh, cả Bảo Đại, rồi dắt tôi băng ngang nhiều thửa ruộng, chạy trốn khỏi làng. Tôi còn nhớ rõ sáng hôm đó trời âm u, cái âm u của bầu trời Tháng Mười, cuối thu, Mẹ tôi lôi hết chăn, màn, chiếu ra giặt và phơi đầy sân. Sau này Mẹ tôi cho biết phải làm bộ như vậy để “bọn nó” không nghi rằng mình đi trốn. Mọi khi đi buôn bán đều để thằng con ở nhà, hôm nay tự nhiên dắt con đi theo, dễ bị nghi ngờ, ngăn chặn. Cũng trong cuộc chiến Việt Nam, ở ngoài Bắc, anh Thừa Niệm tôi bị thanh toán rồi được trao giấy liệt sĩ, anh Thơ tôi bị bắn chết trên đê với tội danh vu cho là Quốc Dân Đảng. Ở trong Nam, Anh Tường tôi không chịu vào đảng Cần Lao, bị tống đi chết ở tiền đồn khi mới 27 tuổi đầu. Tấ cả đều trong cuộc chiến Việt Nam. Và tôi, 6 tuổi đầu ngồi ăn mấy cái “bánh Tây” giữa đồn Hồ, Bắc Ninh, cũng trong cuộc chiến Việt Nam. Cũng trong cuộc chiến này, một thanh niên tử tế trong bọn lính tráng ở đồn đến ngồi cạnh tôi, lấy cho tôi đủ thứ đồ ăn. Đó là anh Chương, Phan Huy Chương, chồng chị Thảo tôi.

Chị kể về anh Chương:
“Anh Chương vì bực mình ông chú, bà bác ở Hà Nội nên đăng lính. Anh ấy chỉ là trung sĩ, nhưng vì học trường chủng sinh nên giỏi tiếng Pháp. Bọn đồng đội dù cấp cao cấp thấp muốn làm giấy tờ gì bằng tiếng Pháp đề phải nhờ anh ấy. Nên chuyện anh ấy muốn cưới chị được cả bọn Tây lẫn bọn người Việt mình trên đồn lo tận tình. Vì thế khi bọn Việt Minh giữ chị bên kia sông, trên đồn mới có lời dọa đưa cho làng Đại Mão và mấy làng chung quanh là nếu trong vòng 48 giờ nữa, không đón được cô Thảo lên đồn, cả mấy làng sẽ bị bỏ bom. Dọa thôi, cùng lắm là đốt làng mình chứ lấy đâu ra máy bay mà thả bom. Nhưng bọn Ủy Ban Hành Chánh vẫn sợ, phải thả chị, và một tiểu đội lính về đón chị lên đồn Hố.

“Còn chị, lên đến bốt Hồ, tâm trạng chị lúc bấy giờ rất khó diễn tả. Chị cứ tưởng như mình là một kẻ tù tội chưa bị đưa ra xử án. Chị không hề nghĩ đến chuyện phải chung sống với một người đàn ông. Ở quê thì 16 tuổi cũng kể là lớn, nhưng nhà mình khác, 16 tuổi mà chị như vẫn sống trong vòng tay Mẹ. Mấy hôm liền chị im lặng. Anh Chương săn đón hỏi. Lúc nào cũng ôn tồn. Anh ấy bảo nếu vậy là mấy ông ở làng em thêu dệt ra, ông Lý Quỹ chắc là nói không đúng. Anh cứ tưởng là em bằng lòng, nhà em bằng lòng anh mới xin cưới. Nếu vậy thì hay là thôi đi. Vì nếu mà lấy ép uổng thì cũng không phải là vợ. Về sau anh cho biết là người Công giáo, tuy chưa làm phép nhà thờ, nhưng theo luật bên anh thì hai người phải thương nhau mới có thể là vợ chồng. Còn nếu như vậy… Nói đến đó anh bỏ lửng, có lẽ câu tiếp theo phải là “anh đành trả lại em cho gia đình”. Nhưng anh không nói như thế, mà nói tiếp: Anh phải thú thật với em là anh rất yêu em.
Hình trưng bày tại Viện Bảo Tàng
Chiến Tranh Việt Nam ở Chicago
“Suốt mấy đêm liền chị chỉ nằm quay lưng lại anh ấy và khóc. Đến lúc anh ấy nói như vậy, chị mới nghĩ thân phận mình là con gái làng quê, bây giờ đã lên cái đồn này ngủ mấy đêm rồi, đối với xóm làng dù mình có về nhà chăng nữa cũng còn là cái quái gì. Nhưng quả thật anh ấy không dám đụng đến người chị. Con cháu Thanh chị còn bắt nó ngủ chung phòng mà.
“Cuối cùng, chị bắt đầu thấy thương anh Chương, cũng là lúc anh đổi đi Hải Phòng. Trong suốt thời gian điều đình với nhà mình qua mấy ông già ở làng, lúc có vẻ được, anh ấy lẳng lặng xin đổi đi. Anh ấy định về sẽ về ở Hải Phòng, nhưng trước đó về ở Hà Nội. Anh ấy có anh bạn là anh Đàm Quang Đột, hai người thuê nhà chung ở Hà Nội. Hai người cùng học một khóa sĩ quan đầu tiên ở Huế. Hình như vì anh Chương còn nhỏ quá, tuổi khai sao đó, nên chỉ được đeo lon trung sĩ tạm, đợi khi đủ tuổi mới là sĩ quan, chị chẳng biết có đúng không. Khóa đó chỉ có mấy người ra chuẩn úy như anh Đàm Quang Yêu là anh của
anh Đột. Chị về Hà Nội được ít ngày thì Tết. Lúc đổi đi, Đẻ có
mua cho mấy con gà. Mấy con gà nhốt vào lồng đưa lên xe, anh ấy cứ cằn nhằn sao em xin Đẻ mấy con gà này làm gì, chật xe. Chị bảo em có xin đâu, Đẻ thương Đẻ mua cho. Như thế chị ở bốt Hồ hơn một tháng, khoảng ngày 25 Tháng Chạp âm lịch, chị lên Hà Nội, ở phố Ngọc Hà. Lên Hà Nội, ăn tết xong 3 ngày thì anh ấy phải đi xuống Hải Phòng trình diện. Chị ở nhà một mình, vẫn chưa quen được với đời sống vợ lính. Lúc đó cậu Tòan ở trên Cậu Cảo, có mấy hôm cũng xuống ở với chị. Lúc Đẻ ra ở mấy bữa, cũng đỡ buồn.”

Về chuyện này tôi nhớ anh Đột có cái xe “bình bịch”, phun khói dầy đặc, tiếng nổ om xòm. Những khi theo Đẻ lên chơi chị Thảo, tôi lại được anh Đột cho lên yên sau, “đèo tôi đi chơi một vòng”, theo cách chị Đột nói. Tôi nhớ trong ánh chiều tà, nghe tiếng xe bình bịch nổ từ xa, tôi biết anh Đột đi làm về. Tôi hồi hộp chờ đợi xem hôm nay có được ngồi trên xe chạy vù vù hay không. Tôi vẫn nhớ bụi bay mù mịt, thứ bụi vàng, từ cuối dốc bay lên. Trong bụi có mùi thơm của xăng, mùi thơm của phố phường ngoại ô Hà Nội, mùi thơm của tỉnh thành mà ở quê không tài nào có được. Chỉ riêng chuyện được ngửi mùi thơm đó cũng khiến tôi thầm hãnh diện khi nhìn lũ trẻ đồng lứa tuổi ở quê. Nhưng hãy nghe chị Thảo kể tiếp về cuộc đời chị:

“Chừng một tháng sau anh Chương về. Suốt tháng đó anh vẫn viết thư về, nói anh sẽ thu xếp ổn định ở đây thì đón em. Đồn chính của anh ở Đồ Sơn, nhưng anh được đưa đi một nơi là Phúc Xá để đón đồng bào hồi cư. Trong thư anh kể rằng ở đây anh cũng có dịp làm việc nghĩa. Đồng bào về đây gặp bọn lính Tây, ngôn ngữ bất đồng, nếu không có mình họ sẽ khổ nhiều. Bọn Tây đen hơi một tí là dùng vũ lực. Có anh, vì anh biết tiếng Pháp, bọn nó cũng sợ anh báo cáo cấp trên, không dám hiếp đáp đồng bào mình. Trong thư, anh Chương viết rằng đồng bào thấy anh giúp đỡ, cho tiền cho bạc nhưng anh không nhận, vì anh nghĩ anh được làm việc nghĩa thế này là tốt cho anh. Có một người cố nài ép, họ cho anh cái đàn măng đô lin, có cái đàn anh cũng đỡ buồn.

“Ngày mùng 5 TếT anh Chương đi Hải Phòng thì cũng đúng ngày 5 Tháng Hai âm lịch, anh ấy về Ngọc Hà. Hình như hôm đó là khoảng 23, 24 Tháng Ba dương lịch. Mấy hôm sau anh ấy đưa chị đi Hải Phòng, gọi là về nhà mới. Chẳng biết nhà mới ở đâu, chỉ thấy mình lọt vào giữa một trại cau, gần đồn lính, chờ anh đi làm giấy tờ ở những đâu chả biết. Lúc đó chị mới thực sự thấy mình là vợ lính. Chán ngán, chị ngồi khóc tỉ tê một mình. Bây giờ thì thực sự xa Mẹ, xa em, cả nhà có biết mình đi đâu. Ngồi giữa trại, bao nhiêu cặp mắt nhìn mình, thân phận vợ lính, tự nhiên mình thấy cô đơn, trơ trẽn trước cái nhìn của mọi người. Ngay cả những người vợ lính khác, cả thằng Tây đi qua nhìn mình, mình cũng thấy xấu hổ. Mình còn bé tí thế này sao cũng đi làm vợ người ta. Chị cứ thế mà khóc. Anh Chương phải an ủi. Anh ấy còn hỏi: Giờ này mà em còn khóc nữa sao? Chắc bây giờ em mới nhận biết em là vợ lính phải không? Anh ấy tinh lắm. Chị phải nói tránh ra là em đang nhớ Đẻ, nhớ em.

“Mãi rồi anh ấy mới được cấp xe chở xuống Đồ Sơn, lên ở trên một đỉnh núi. Lính phải xuống chuyển đồ lên cho chị. Anh chị được cấp cho một căn phòng giống như biệt thự, trông ra biển. Tối đó ăn bữa cơm đầu tiên ở Đồ Sơn, ăn với cá biển. Mấy chị vợ lính họ nấu nướng dùm mình. Anh ấy nói mấy hôm đầu mình cứ nhờ các chị ấy. Nhưng nào có được mấy hôm đâu.
“Ở được đúng một đêm, sáng hôm sau, lúc khoảng 3 giờ, 4 giờ sáng anh ấy phải đi hành quân. Đêm hôm trước, cái anh hạ sĩ quan khác, cấp dưới anh ấy, không biết có phải họ bố trí với nhau hay không, nghĩa là bố trí với bọn du kích ấy, anh ta mới nói rằng khi xếp đi vắng, em làm mọi chuyện của xếp, ngày mai em phải đi tuần, xếp đi dùm em, ngày mai nhà em có giỗ, em phải về nhà. Thế là anh ta bỏ đi. Sáng hôm sau, anh Chương đem lính đi. Anh ấy còn nói chị là anh đi thế này giống như đi chơi, ở đây an ninh lắm. Anh sẽ ra mấy chỗ bờ biển, sẽ ra chỗ dân chài, mua cho em con cá thu tươi.

“Anh Chương đi môt lúc, thì nghe tiếng súng bắn. Mình còn bé quá, đã biết gì là đời lính, có hiểu tiếng súng đấy là cái gì đâu. Nhưng nghe tiến súng bắn xong tự nhiên chị thấy choáng váng mặt mày, mới vào giường nằm. Chỉ một lúc ngắn ngủi sau, thấy hai thằng lính chạy về nói là chúng nó bắn chết hết chúng tôi rồi, ở trong đồn nghe tiếng súng mà không cho yểm trợ. Về lúc này, đầu óc chị hoàn toàn trống rỗng. Hình như lúc đó trí óc mình không còn khả năng ghi nhận gì cả. Chỉ nghe ai bảo làm gì thì làm cái đó. Vậy mà chị về được Hải Phòng.
“Lúc ngồi trong nhà xác ở Hải Phòng, chị nhớ lại chuyện cũ. Sau khi lấy nhau được một tháng ba ngày anh ấy mới nói thế này: Thảo ạ, anh xin thú thật với em anh là người Công giáo, gia đình anh ở Phát Diệm. Bây giờ đã thông thương được với Phát Diệm rồi, anh định mọi chuyện yên ổn, chừng một năm, anh sẽ đưa em về làm lễ ở nhà thờ để hợp thức hóa. Chị mới hỏi anh ấy: Sao anh không nói ngay từ lúc đầu. Anh ấy bảo nếu nói là Công giáo thì gia đình sẽ từ chối. Anh ấy đâu biết rằng gia đình mình sợ thấy mồ, vì cả làng năn nỉ, vì 19 người bị bắt kia, mà nhà mình phải gả chị. Chị còn nhớ đám chánh lý đến đứng chật nhà, họ không dám ngồi vì đều là học trò Thầy, Thầy mất rồi thì Đẻ vẫn là “Cô” của họ. Đẻ ngồi trên cái ghế giữa nhà và nói. “Con tôi đẻ ra, lúc bé là con tôi, bây giờ nó lớn rồi nó là người làng người nước. Bây giờ làng nước muốn thế nào thì tùy các anh, các anh phải nhớ nó là em các anh. Chỉ xin các anh một điều, làm giấy tờ đàng hoàng là mọi chuyện do các anh định đoạt, bên nọ, bên kia có về không được đổ vấy cho gia đình chúng tôi. Không biết nếu còn cụ ông nhà tôi các anh có dám đến đứng cả lũ thế này không?” Phải nói là Đẻ đáo để lắm, vừa chửi họ bất tài, chuyện làng nước không dám đương đầu, chỉ trông vào thân một đứa con gái, vừa bắt họ chịu trách nhiệm hết chuyện mình phải gả con cho lính. Cũng chính vì vậy, khi chị bị bên kia sông bắt, Đẻ nhất định không qua năn nỉ “Bố bọn nó, chú bác bọn nó còn là học trò Thầy, tại sao tôi phải năn nỉ mấy đứa đó” Cụ nói cứng như vậy mà trong lòng thì như lửa đốt. Chị còn nhớ rõ mà, mấy ông kia năn nỉ Đẻ, xin Cô thương các cháu, xin Cô cứu các cháu. Chức việc trong làng, rồi bố mẹ 19 người thanh niên bị bắt thay nhau đến chật nhà mình. Nên lúc nghe anh Chương nói không dám nói là người Công giáo vì sợ bị từ chối, chị bật cười nhưng không dám nói, sợ anh ấy khổ tâm. Mà quả thực, sau đám cưới mấy ngày, anh ấy xin trên đồn tha cho cả 19 người. Anh ấy đã xin cho rồi, đã cứu rồi, mà bọn chúng còn quay lại bắt anh ấy làm nội tuyến, anh ấy xin đổi đi chỗ khác ngay. Có phải vì vậy mà anh ấy bị giết?

“Không bao giờ bọn bên kia sông nói về chuyện này. Họ làm như đây là cuộc hôn nhân bình thường, nhà mình gả con gái cho lính. Nhưng dân làng họ biết cả. Trong làng có con dâu anh Bôn, là cháu ngoại anh Biểu Chăn, một trong mấy ông hồi đó thu xếp chuyện gả cưới chị, nói rằng anh Biểu Chăn sau này cứ dằn vặt mãi về chuyện bắt chị đi lấy chồng. Anh ấy rất tôn trọng Thầy. Thu xếp ép con gái Thầy đi lấy chồng, để chỉ mấy tháng sau, mới 16 tuổi đã thành hóa phụ, điều đó làm anh ấy đau khổ. Mấy năm trước khi chị về thăm được làng thì anh ấy đã mất. Nếu gặp được thì mình cũng an ủi anh ấy vài câu. Còn anh Lý Quỹ, thực sự chị không biết tên anh ấy là gì, tên Quỹ là lấy tên đứa con ra mà gọi theo kiểu các cụ nhà mình. Anh ấy có mấy thằng cháu nội cũng làm ăn ở Sài Gòn này, vẫn đến đây, tự xưng danh con là cháu nội ông Lý Quỹ. Sau họ về Bắc, không thấy vào. Suốt từ ngày Miền Nam sụp đổ đến bây giờ, bao nhiêu người họ hàng làng nước đã vào cái nhà này, chị nghe biết bao nhiêu chuyện. Họ nhà mình bị họ trù dập. Anh Thừa Niệm, rồi anh Thơ, cũng bị giết. Còn họ nhà mình bao nhiêu người bị hại. Cứ nghe anh Ngột kể truyện đủ rùng mình. Bây giờ anh Ngột vẫn hay ghé nhà mình, mỗi lần ghé, chẳng ai hỏi gì cũng tự dưng ngồi khai ra hết. Anh Ngột, hồi mới di cư vào Nam, ở Đà lạt, bị bắt, Đẻ cũng xin cho.”

Chuyện này thì tôi biết. Lúc đó là những năm 1956 cho đến 1960, tôi học trường Trần Hưng Đạo, có người bạn học tên là Ngọc, hình như Nguyễn Văn Ngọc. Ngọc có ông bố làm trong ngành cảnh sát. Một hôm ông Bố của Ngọc cho gọi tôi đến, nói muốn gặp Mẹ tôi vì có người bị bắt khai thân nhân ở số 2 Ngô Quyền. Đó là anh Ngột. Ông Bố của Ngọc cho biết anh này chuyên đi đánh bả chó về làm thịt rồi bán, bi bắt. Mẹ tôi phải nhận là thân nhân để xin cho về. Thực ra Ngột chỉ là người làng, không biết có được gài vào nam công tác không.

Lúc chị tôi kể chuyện, anh Ngột cũng đã gần 70 tuổi rồi. Chị tôi nói rằng bay giờ anh Ngột lấy một người vợ công giáo, ông bố vợ bắt theo đạo. Anh ta cũng theo đấy nhưng có giữ đạo đâu. Khi ghé nhà mình chơi vẫn lễ phép như xưa. Rồi cứ thế mà khai ra đủ chuyện:
“Hồi về bắt Bà con cũng có về.
Rồi anh kể chuyện mấy năm đó chuyên môn đi theo thằng Khoan, chứng kiến những vụ giết người,
“Bây giờ nghĩ lại con vẫn còn sợ”, anh Ngột nói.
“Bọn nó đánh người ta, rồi chém đầu người ta, máu phọt ra văng lên tường.”
Anh Ngột nói là cán bộ khu vực đó giết người như giết ngóe, không gớm tay.
“Thằng Tứ nhà anh Cử Phách cũng bị giết như vậy.”

Chị Thảo trở lại chuyện anh Chương bị phục kích:
“Những người vợ lính có chồng bị chết hôm đó nói rõ ràng là có nội tuyến. Mọi khi những khi đi tuần thường là vào lúc tờ mờ sáng, chưa rõ mặt người nhưng trông xa xa đường đất còn thấy. Hôm đó, đi quãng hơn 4 giờ sáng, trời tối om om làm sao bọn du kích biết được mà phục kích. Nghĩ lại, chị thấy quả thực cái anh hạ sỹ quan kia có thái độ kỳ lạ thế nào đấy. Anh ta cứ nằ g nặc đòi anh Chương đi thay và phải đi từ lúc trời còn tối đen như vậy, lại còn lấy cớ giỗ chạp để bỏ đi trước khi mọi sự xẩy ra, trong đồn không có ai đem quân tiếp viện. Không lẽ từ Thuận Thành, quê mình, mà bọn Việt Minh còn theo anh Chương đến tận Đồ Sơn mà giết, để dấu nhẹm những tên nội tuyến ở đồn Hồ. Đó là sau này ngồi nghĩ lại, chứ lúc ở Đồ Sơn, như chị đã nói, chị không còn biết gì nữa, ai nói sao làm vậy. Thành ra chẳng hiểu sao chị đưa được anh Chương về Hải Phòng để chôn. Đúng ra bọn nhà binh chở tất cả 8 người bị chết hôm đó về nhà xác ở Hải Phòng. Tất cả. Họ đưa chị vào để nhận xác, anh ấy nằm quan tài cuối cùng, bên trong cùng, chưa đậy nắp. Chị như người mê, không biết gì. Mấy người lính gác không biết còn chị ở trong, cứ thế đóng cửa lại. Chị ngồi cạnh quan tài anh ấy, nghĩ miên man những chuyện mấy tháng vừa qua, không biết chuyện nào là thực, chuyện nào là hư. Lâu lâu lại chồm lên sờ vào người anh Chương, thấy lạnh ngắt, mới tin rằng anh chết thật rồi. Căn nhà xác rộng khoảng chừng 4 mét nhân 8 mét. Chị ở trong nhà xác đó với 8 cái quan tài, 2 xác chết để nằm trên cái băng ca, một người đàn bà, một người tây đen. Họ đóng cửa rồi, chị vẫn ngồi trong đó từ 8 giờ sáng, đến 6 giờ chiều họ lại mở cửa nhà xác cho ai đó vào nhận diện người chết. Lúc đó mấy người lính mới biết có chị ở trong. Mới đầu, họ hốt hoảng, tưởng chị là ma. Rồi họ mang chị ra nhà thương, chích thuốc, cho uống sữa. Hôm đi chôn họ đưa chị ra đi theo. Chôn ngay nghĩa địa ở Hải Phòng.

Lấy nhau được hơn ba tháng (không biết có đủ 100 ngày?) chồng chị đã chết:
“Anh Chương mất đi, bỗng dưng chị rơi vào vực thẳm. Khóc suốt ngày”.

No comments:

Post a Comment