Thursday, January 22, 2009

1 Giờ Vào Thăm Khu Khai Quật Di Tích Thăng Long


Giới Khảo Cổ Kết Luận Tạm Thời:
Khu Khai Quật Là Phía Tây Hoàng Thành Thăng Long

Đỗ Tăng Bí
Hình: Cường Nguyễn và DVA chụp ngày 24 Tháng 11, 2003
Cuộc khai quật di tích của hoàng thành Thăng long được coi là cuộc khai quật lịch sử lớn nhất từ trước đến nay ở Việt Nam. Từ đầu tháng 10, 2003, tin tức về kích thước lớn lao của Thăng Long, về giá trị khảo cổ học qua hàng triệu di vật có niên đại từ thế ky thứ 7, thứ 9, đến các thế kỷ 13, 14, đã khiến mọi người cả trong lẫn ngoài nước xôn xao, hứng khởi. Ngày 13 tháng 11, năm 2003, từ California, chúng tôi đã gọi điện thoại xin phỏng vấn Giáo Sư Phan Huy Lê về sự kiện này, và sau đó đã được Giáo sư giới thiệu đến Tiến sĩ Tống Trung Tín, Phó viện trưởng Viện Khảo Cổ Việt Nam, cho phép vào thăm khu khai quật nằm ở góc đường Hoàng Diệu và Hoàng Văn Thụ, Hà Nội.
Giáo sư Phanh Huy Lê
Nội dung những câu trả lời của Giáo sư Phanh Huy Lê qua cuộc phỏng vấn có thể tóm tắt như sau:
Giáo sư Lê cho biết công cuộc khai quật tìm hiểu về thành Thăng Long cũ đã tiến hành từ lâu. Thời Pháp thuộc, những cuộc tìm kiếm chỉ cho ta những dữ kiện không đáng kể, thấy một số di tích sơ sài, một ít cổ vật nhỏ nhoi và không xa xưa lắm. Gần đây, cách đây khoảng 2 năm, các nhà khảo cổ bắt đầu khai quật và trùng tu một khu nhỏ trong thành Hà Nội cổ thời Pháp. Đó là khu phố Cột Cờ, cổng Quan Môn (phía Nam), lầu Công Chúa (còn gọi là Hậu Lâu) thời Lê Thánh Tôn, thấ kỷ 15 (khu cửa Bắc, nhìn ra đường Phan Đình Phùng). Khu vực trên đây đã mở cửa cho công chúng vào xem.
Những tháng gần đây, trong khi trùng tu, đào xới khu công trường dự trù xây dựng Hội trường Ba Đình mới, trụ sở Quốc Hội, đã tìm thấy nhiều di tích đời Trần rõ ràng. Sau đó, càng ngày người ta càng tin rằng khu vực này còn ẩn chứa nhiều di tích giá trị khảo cổ quí giá, nên đã xin tạm ngưng các chương trình xây dựng để giớim khảo cổ đào xới tiếp. Theo Giáo Sư Lê, ngày 5 Tháng 11, Bộ Chính Trị Cộng Sản Việt Nam đã ra công bố: 1/ Khu vực phát kiến mới được tiếp tục khai quật và không giới hạn thời gian, kéo dài ít nhất 1 năm; 2/ Về việc dự trù xây cất: Hội trường Ba Đình mới dự trù xây phía sau khu vực khai quật đưộc lệnh chuyển đến xây ở Hòa Lạc. Công trình này phải tiến hành khẩn cấp cho kịp hội nghị APEC 2006. Hội trường này sẽ có tên mới là Trung Tâm Hội Nghị Quốc Gia Hội trường Ba Đình cũ biến thành nhà bảo tàng. Còn việc xây dựng Nhà Quốc Hội ở phía trước sẽ tùy theo công cuộc khai quật. 3/ Giao giới khảo cổ học việc bảo quản những di vật tìm được, di tích đáng đào xới.
Trước đây, cuộc đào xới khu vực 62 Trần Phú cho thấy một số dấu tích tường thành Hà Nội thế kỷ 19. Thăm dò thêm thấy dấu tích thành Hà Nội thời Nguyễn và một số di vật thời trước đó. Nhưng cuộc đào xới hiện nay cho thấy nhiều hiện vật giá trị hơn nhiều. Dù thế, việc làm hiện nay cũng mới chỉ là “đào xới chữa cháy”, nghĩa là vì thấy tìm được nhiều hiện vật nên cứ đào tiếp ở khu vực chưa lớn lắm. Khu vực dự trù xây nhà Quốc Hội khoảng 50,000 mét vuông. Hiện nay khu đào xới mới chiếm có 16,000 mét vuông.
Theo Giáo Sư Lê, toàn bộ di tích và di vật thu được là một khối lượng lớn từ các thời Thăng Long xưa, lúc rời đô, cả thời thành Đại La đời Đường bên Tàu. Nghĩa là từ Thế Kỷ thứ 7 đến thế kỷ 19. Đây là một khu khai quật có giá trị khảo cổ và sử học cao nhất từ trước đến nay. Toàn bộ quần thể là những di tích kéo dài liên tục 13 thế kỷ, chồng chất lên nhau. Một thí dụ cụ thể là di tích thời Pháp thuộc của thành Hà Nội có cả những vỏ chai rượu bia thời đó.
Giáo Sư cho biết, về phương diện khoa học, chưa thể có một kết luận dứt khoát vì khảo cổ học còn phải dựa trên và phối hợp với những khoa học khác như Dân tộc học, Sử học, Địa lý học. Cần phải kết hợp, đối chiếu nhiều tài liệu khác nhau, thí dụ để biết được khu vực chính xác của Hoàng thành Hà Nội từng thời kỳ, phải xem xét cả những bản đồ từ thời Hồng Đức, bản đồ thời Nguyễn, bản đồ năm 1831, rồi năm 1873, nghĩa là rất nhiều bản đồ khác nhau. Đối chiếu nhiều mặt, nhiều tư liệu, mới biết được Hoàng thành kéo dài ở khu vực phía tây này đến đâu. Cũng từ đó xác định được kiến trúc từng thời kỳ như thế nào. Hiện nay biết được kiến trúc nào vào thời kỳ nào, nhưng chưa biết rõ từng bộ phận của kiến trúc đó, chưa biết mỗi phòng, mỗi cung, mỗi điện, lầu, các ra sao, dùng làm gì...

Đánh giá tổng quát
Đánh giá tổng quát cho đến chiều hôm qua (12 tháng 11, 2003):
Đây là di tích, quần thể di tích nằm phía tây của Hoàng thành Thăng Long. Chúng ta vẫn thường chia lịch sử Thăng Long làm 3 thời kỳ:
A- Thời kỳ Tiền Thăng Long: từ xưa đến đời Đường, lúc đó là thành Đại La, thế kỷ 7 – 9. Đến thời Đinh và Tiền Lê, thành Đại La vẫn được xử dụng.
B- Thời kỳ Thăng Long: các thời Lý, đến Trần, rồi Lê trung hưng. Di tích các thời Hồ, thời Bắc thuộc còn rất mờ nhạt, thời Mạc vẫn chưa sáng tỏ lắm. Thời Lê trung Hưng có vẻ rõ ràng nhất.
C- Giai đoạn Hậu Thăng Long: thành Thăng Long thời nhà Nguyễn, không còn được coi là kinh đô, đóng vai trò một thành phố lớn phía Bắc.

Quan hệ Thăng Long – Đại La
Về quan hệ giữa thành Thăng Long của Lý Công Uẩn và thành Đại La của thời Cao Biền, Giáo Sư cho biết:
Vấn đề đặt ra trong suốt lịch sử Thăng long là quan hệ giữa hoàng thành Thăng long và thành Đại La. Từ xưa đến nay, người ta biết qui mô thành Đại La khá lớn ngay từ thời Đường, rồi qua nhiều lần tu sửa. Câu hỏi đặt ra là phạm vi thành này đến đâu? Trước đây người ta vẫn biết Đại La ở phía nam sông Tô lịch. Bây giờ biết rõ một phần Đại La nằm ở khu vực này. Đền chiều hôm qua (12 tháng 11), các nhà đào xới đã có thể chia thành Đại La thành 4 khu: A, B, C, D, theo thứ tự từ Bắc qua Nam, từ Đông sang tây. Khu vực A là khu sát với đường Hoàng Diệu, khu B là khu hội trường Ba Đình hiện nay. Hai khi A và B có từ đời Đường. Ở khu B người ta còn tìm thấy cả giếng có từ đời Đường, nước giếng trong suốt. Hai khu C và D mới đào một diện tích nhỏ đã thấy có những viên gạch từ đời Đường. Có thể đi đến kết luận là một phần Đại La nằm trong khu vực đang đào xới.
Điều đáng giá tổng quát thứ nhì: Chiếu rời đô của Lý Công Uẩn hoàn toàn xác thực. Trước đây người ta vẫn băn khoăn không rõ vua Lý đã rời đô từ Hoa Lư đến ngay trong thành Đại La hay chỉ là đến khu vực thành Đại La. Nay do những phát hiện tại khu đào xới, người ta tin rằng vua Lý Thái Tổ khi rời đô từ Hoa Lư, lúc đầu đã đến ngự ngay trong thành Đại La. Tại khu vực có dấu tích và di vật thành Đại La có nhiều di vật và dấu tích cung điện triều Lý.
Một sô khu vực và kiến trúc Thăng Long sau này là tu sửa từ thành Đại La. Người ta tìm thấy giếng nước xây bằng gạch có chữ Giang Tây Quân, thứ gạch đặc trưng của thời Đại La. Nhưng trên thành giếng đó cũng có những vỉa gạch đời Lý, chứng tỏ giếng đã được tu sửa vào đời Lý. Gần khu giếng, người ta nhìn thấy nhiều dấu tích chân cột và cột gỗ lim, với phần bệ chân của thời Đại La. Nhiều nơi khác người ta cũng tìm thấy gạch Đại La, có thể đó là di tích có từ thời Đại La, cũng có thể sau này người ta dùng gạch Đại La gỡ ra từ chỗ đã phá đi, xây dựng thành cái mới.
Giáo Sư Lê cho rằng việc khai quật khu vực qui hoạch hiện nay có thể kéo dài cả năm, nhưng khai quật với qui hoạch tổng thể rộng lớn thành Thăng Long xưa có thể kéo dài vài chục năm. Việc khai quật không có gì khó khăn vượt quá tầm tay, kiến thức, kinh nghiệm các chuyên viên trong nước. Đội ngũ chuyên viên khảo cổ của Việt Nam trên đất liền đã được đào tạo khá kỹ và đầy đủ, nhưng chuyên viên khảo cổ dưới nước thì chưa có. Ngành khảo cổ đô thị có nhưng thiếu, do đó cần chuyên viên quốc tế tiếp tay.
Nhưng điều đáng lo không phải là chuyện khai quật, mà là chuyện bảo tồn. Chuyên viên bảo tồn tại Việt Nam hiện nay có, nhưng số lượng ít, kỹ thuật chuyên môn không được cập nhật theo đà tiến bộ thế giới. Khai quật là công việc có thể chỉ chiếm một thời gian nhất định nào đó, nhưng việc bảo tồn kéo dài hơn nhiều. Do đó, vấn đề khó khăn đối với chúng ta nhiều nhất là ở chuyện bảo tồn, cả về mặt chuyên môn, nhân sự lẫn ngân sách. Thí dụ, khu Hội An, Mỹ Sơn đều được Liên Hiệp Quốc liệt vào loại cần bảo tồn, nhưng hiện nay đã bị mưa gió tàn phá nhiều vì kỹ thuật bảo tồn ngoài trời chúng ta chưa thạo. Khu vực Thăng Long chúng ta đang khai quật cũng thuộc loại bảo tồn ngoài trời. Dư luận thế gới đã rất thuận tiện cho việc giúp đỡ khai quật và bảo tồn khu vực Thăng Long, nhưng thực sự chưa biết chương trình giúp đỡ này sẽ cụ thể ra sao.
Bên trên là phần tóm tắt ý kiến Giáo sư Phan Huy Lê qua cuộc phỏng vấn của phóng viên Người Việt. Tuy nhiên, giới khoa học trong nước còn tranh cãi nhiều về khu đang khai quật, chưa đồng ý về những tòa nhà đó là công trình kiến trúc gì của cổ nhân, là cung điện nào của các triều đại. Báo Tuổi Trẻ số ra ngày 3, Tháng 12, 2003 cho biết, theo tiến sĩ Tống Trung Tín, có thể đây từng là Trường Lạc Cung thời Lê. Lý do ông Tín kết luận như vậy: “Chúng tôi khai quật được nhiều bát, đĩa cổ có ghi “Trường Lạc Cung”, nên rất có thể Trường Lạc Cung ở đây hay ở gần đây”. Giáo sư Trần Quốc Vương lại cho đây là Điện Giảng Võ, và có thể có cả Trường Lạc cung (cung Hoàng hậu của vua Lê Thánh Tông), hoặc Thúy Hoa cung,...
Vẫn theo báo Tuổi Trẻ nêu trên, loạt ý kiến khác do các nhà bảo tồn kiến trúc và mỹ học mà đại diện là giáo sư Trần Lâm Biền, cho rằng những gì tìm thấy mới chỉ hé mở cho thấy lịch sử 1000 năm của Thăng Long chứ chưa thể đáng giá đầy đủ, khách quan giá trị công trình khảo cổ này.mÔng cho rằng việc tìm được hàng triệu di vật vô giá từ 1,000 năm đến 3,000 năm ở “3 tầng văn hóa” chưa thể kết luận là có sự hiện diện các tòa thành của thế kỷ thứ 7 đến thế kỷ 11. Giới khảo cổ cũng đào được những viên gạch có in dòng chữ “Đại Việt quốc quân thành chuyên”, sao không kết luận nơi đào xới có ca ûhành cung của Đinh Tiên Hoàng và Lê Đại Hàng? Giáo sư Biền cho rằng về khía cạnh kiến trúc, nơi đào xới có vẻ là khu sinh hoạt đời thường (dân giả) hơn là có vẻ các hành cung. Giáo sư lý luận cung điện không có quá nhiều giếng như ta đã tìm thấy, nếu có thì rất ít và phải chịu sự chi phối của thuật phong thủy. Các đường cống cũng chỉ mang tính cách sinh hoạt dân chúng mà thôi. Giáo sư Biền còn cho rằng thời Lý, Trần, và cả thời Mạc, kiến trúc thường dùng gỗ mít, từ thế kỷ 17 trở đi mới hay dùng gỗ lim. Ngoài ra, Giáo sư Biền cho rằng khoảng cách giữa các cột có khi đến 5 hoặc 6 mét, có vẻ như để chịu đựng khoảng cách đó phải dùng bê tông cốt thép của thế kỷ 19.
Thực ra, Giáo sư Phan Huy Lê trong cuộc phỏng vấn với Người Việt, vẫn cho rằng chưa thể có kết luận khoa học về khu đào xới, nhưng ông tin là di tích và di vật tìm được cho thấy một phần Hoàng thành Thăng Long tọa lạc tại khu đào xới hiện nay, tức là nằm trong khu vực 50,000 mét vuông dự trù khai quật trong vòng 1 năm nữa.

Khu Khai Quật Hòang Diệu
Do chuyến về thăm quê ở Bắc Ninh chúng tôi ghé lại Hà Nội 2 ngày, đã tình cờ được Giáo sư Phan Huy Lê giúp phương tiện theo một phái đoàn viên chức vào thăm khu đào xới mà vào thời điểm đó công chúng chưa được vào xem. Để độc giả có thể hình dung được khu khai quật về khảo cổ lớn nhất từ trước đến nay ở Việt Nam, chúng tôi xin ghi lại 1 giờ thuyết trình hướng dẫn của Tiến sĩ Nguyễn Tiến Đông về những gì đã tìm thấy. Tiến sĩ Đông đã hướng dẫn phái đoàn đi vòng quanh khu vực đào xới rộng lớn, từ khu A sang khu B, đi theo chiều ngược kim đồng hồ, với những di vật, di tích còn hiển hiện rõ ràng trên công trường.
Trước hết, để khách thăm viếng nắm vững phần thuyết trình, tiến sĩ Nguyễn Tiến Đông nhắc lại một số niên đại liên quan đến khu đào xới:
Lớp sớm nhất tìm thấy trong khu vực này thuộc thế kỷ 7 và 8, thời kỳ Đại La, thuộc Cao Biền.
Rồi đến thế kỷ thứ 9, 10 là thời kỳ độc lập, dưới thời kỳ Đinh, tiền Lê. Tuy nhiên thời đó nhà Đinh, Lê đóng đô ở Hoa Lư, nhưng tìm thấy nhiều công trình, hiện vật thời kỳ đó ở đây.
Thế kỷ 11, 12 là triều Lý, 13, 14 là triều Trần, 15 – 18, là hậu Lê trong đó có Lê sơ, Mạc (gần thế kỷ 16), Lê trung hưng.
Toàn bộ 13 thế kỷ đều hiện ra trong khu vực này, từ cây cột thời Đại La, thê kỷ 7 đến mấy vỏ bia thời Pháp thuộc. Trên khắp cả khu khai quật, người ta nhận thấy nhiều khu vực cao độ khác nhau, khu cao nhất là mặt bằng thời Lê Nguyễn, Khu ở giữa là mặt bằng thời Lý Trần, khu thấp nhất là mặt bằng thời Đại La.
Tiến sĩ Đông mời khách đi dọc theo khu khai quật. Ông bắt đầu từ một vùng đất trũng mà ông cho rằng đó là dấu tích của mkột con sông. Lịch sử ghi là sông Ngọc Hà chảy qua kinh thành, hy vọng tìm thấy dấu tích chứng tỏ con sông tìm thấy đây là Ngọc Hà. Ngày nay, khi vào làng Ngọc Hà để mua hoa, người ta còn nhận thấy ở đó có rất nhiều sông hồ, những cái hồ liền nhau. Hiện nay người ta lấp hồ xây nhà gần hết rồi, nhưng các chuyên gia vẫn hy vọng tìm thấy sông Ngọc chảy qua kinh thành. Trên dấu tích còn lại các nhà địa chất xác định có trầm tích của sông cổ và người ta tìm thấy xác thực vật, như ngó sen,... Ngoài ra, bên bờ sông người ta vứt bừa bãi các mảnh đồ gốm bị vỡ, thuộc niên đại thế kỷ 15.

Trên toàn bộ khu vực mới được khai thác tính đến ngày 25 Tháng 11, 2003, người ta thấy rất nhiều các trụ đất sỏi, bên trên kê các chân trụ đá. Có chân trụ đá khắc hình những con rồng chung quanh, có người, như tiến sĩ Nguyễn Tiến Đông, cho rằng đó là nét điêu khắc của con rồng đời Trần, có người coi đó là hình con rồng đời Lý. Hiện chưa biết kết luận nào đúng.

Mái nhà thời Lý
Tiến sĩ Đông đưa chúng ta đi qua một khu vực ông mô tả là một cái sân có lát gạch, hai bên là hai “bó hè”, tức là hai bậc thềm cao xây những viên gạch đỏ au, to lớn. Dọc theo và ở bên trên bậc thềm, chúng ta thấy những tảng đá kê chân cột chạy ngay ngắn, chung quanh cũng xây vài lớp gạch. Những tảng đá kê chân cột có khắc hình cánh sen, đặt bên trên trụ sỏi làm móng, cột nọ cách cột kia 5 mét 75, một khoảng cách khá dài theo kiến trúc cổ. Các nhà khảo cổ căn cứ vào nét khắc cánh sen mềm mại, sắc sảo, và những hiện vật tìm thấy trong sân và trên nền sau hai bên thềm cao, cho rằng hai kiến trúc bên trên hai bậc thềm cao đó có niên đại đời Lý. Trên nền các kiến trúc này người ta còn nhìn thấy di tích những tảng gạch đúc rất đẹp và rất nặng. Người ta chú ý một tảng gạch hình trái tim nếu để lọt trong ô vuông thì mỗi cạnh phải đến hơn nửa mét, tiếng trong nghề xây dựng còn gọi là hình “lá đề”, đúc hình hai con phượng châu mỏ vào nhau, nét khắc tinh tế theo đặc trưng của mỹ thuật đời Lý. Theo bản mô tả kiến trúc dân gian thì chiếc lá đề đó được đặt trên đỉnh, tức là đường sống nơi hai mái nhà giáp nhau ở trên cao, và đặt vào chỗ giữa cách đều hai đầu hồi, nơi mà bây giờ dân ta đặt hình tròn mặt nhật. Người ta tin rằng những lá đề nhỏ hơn sẽ chạy dọc theo đỉnh nóc nhà. Ngoài lá đề, chúng ta còn thấy những mảnh ngói cong, dày, có lẽ để úp vào chỗ mái giao nhau trên dỉnh nóc, những tảng ngói cứng cáp, chắc chắn. Đặc biệt còn nguyên hình thể một đầu phượng to tướng, chiều dài phải đến một mét với nét đúc thật tinh sảo, và theo ước lượng bằng mắt thường của tôi, chắc phải nặng trên 50 kg. Còn vương vãi ở hiện trường lớp gạch ngói hình ống dùng làm máng xối nước, đó là lớp gạch đúc dầy dặn bình thường không dễ gì làm bể được. Tất cả những hiện vật trên đều còn màu sắc đỏ tươi. Tiến sĩ Đông hướng dẫn rằng chắc chắn những cột gỗ, các bộ vì, kèo gỗng phải làm bằng gỗ rất tốt mới chịu đựng nổi sức nặng kinh khủng của lớp mái ngói như vậy.

Hệ thống thóat nước
Lúc nãy chúng ta nghe mô tả những trụ sỏi bên trên là những tảng đá kê chân cột, chúng chạy dài, xếp hàng thẳng táp. Giữa hai tảng đá kê chân cột còn hình thể một hàng gạch to lớn chạy dài nối nhau và nhà khảo cổ tin rằng đó là nơi kê chân các tấm ván tường nhà của các kiến trúc. Bên cạnh các khu nền các tòa nhà chúng ta còn nhận thấy hình dạng nguyên vẹn của một đường ống dẫn nước, và tiến sĩ Đông cho biết là hệ thống ông cống thoát nước xây bằng gạch. Hệ thống cống đó chạy dọc theo các cạnh nền nhà, và có những đường cống ngang nối cống này với cống kia để tránh ngập lụt. Tiến sĩ Đông giải thích rằng với hệ thống cống chằng chịt, to lớn như vậy, chúng ta có thể hình dung quần thể di tích trên đó lớn đến thế nào. Cùng với hệ thống cống thoát nước, người ta còn thấy dấu vết những con đường rải sỏi trên nền đất sét nện. Không rõ chiều rộng những khúc đường này ngày xưa là bao nhiêu, trên hiện trường ngày nay, có khúc rộng khoảng 4 mét, hai xe ngựa ngược chiều chắc phải cẩn thận lắm mới tránh nhau được.

Giếng thời Trần
Giữa khu sân khai quật, có một cột khi khai quật người ta cắt vuông vức mỗi bề khoảng 4 mét bằng đất sét trộn sỏi. Nằm giữa bề mặt hình vuông là một cái giếng tròn, xung quanh miệng giếng và thành giếng xây gạch thẻ xếp chéo đều đặn theo hình xương cá hay lá dừa, trông như mới xây độ vài chục năm. Tiến sĩ Đông cho biết niên đại của giếng là thời Trần. Một chuyên viên khảo cổ chui xuống lòng giếng hiện còn sâu khoảng 2 mét 80, một chuyên viên ngồi trên miệng giếng. Cả hai mô tả cho nhau nghe và vẽ lại hình thể viên gạch, chất liệu xây cất,... của giếng. Cái khối cột vuông có chứa giếng đó nằm trên một con đường được chừa lại mà tiến sĩ Đông mô tả là ngẫu nhiên con đường đó đã nằm đè lên một dòng sông của niên đại trước. Con sông này được ước tính rộng khoảng 35 mét.
Cách khối đất sét có giếng nằm giữa khoảng hơn 40 mét, người ta thấy một khối vuông vức khác cao cách nền đất hơn một mét, phủ vải bao tải. Tiến sĩ Đông cho biết đó là dấu tích còn lại của một cây cột gỗ to tướng có từ thời Đại La. Cột gỗ dựng đứng trên một bệ cột làm bằng đất sét trộn sỏi. Theo lời giải thích, toàn bộ nền Hoàng thành Thăng Long được đôn lên bằng đất sét trộn sỏi. Các chuên viên cho rằng đó là đất sét của vùng trung du, gọi là đất sét tầng Vĩnh Phúc, bên sông Cà Lồ. Như thế, tổ tiên ta đã chở đất sét về, phủ kín lên địa bàn tầng Đại La, để xây dựng Thăng Long.
Gần kế với dấu tích cây cột gỗ thời Đại La, là vùng đất trũng được mô tả là một cái hồ nhân tạo, bề mặt hình chữ nhật nhưng đáy hình lòng máng. Trên lòng hồ còn vương lại dấu tích đen đen dược xác nhận là loài thực vật thủy sinh. Ngoài ra, trong lòng hồ còn nhiều mảnh vỡ mang hình đầu rồng, phượng thường gắn trên mái các tòa nhà. Có thể một tòa nhà nào đó bị sập và di tích trôi vào lòng hồ. Những mảnh kiến trúc trên mang dấu tích mỹ thuật thời Lý và Trần.

Giếng thời Lê còn nước trong vắt
Tiến sĩ Nguyễn Tiến Đông đã mô tả một khu vực kiến trúc với những tòa nhà hình lục giác dựa bên cái hồ nhân tạo. Dấu tích còn lại của ngó sen dễ cho ta tưởng tượng, hình dung một hồ sen rộng lớn, mấy nàng thị tỳ ngồi trên vài chiếc thuyền nhỏ, đôi khi có thể là thuyền thúng, đi hái từng búp sen về ướp trà. Ngoài khu vực tường thành vây quanh mấy tòa lục giác, con sông uốn lượn vẫn để lại di tích nhiều loài cây cỏ sống dưới nước. Qua khỏi khu nhà lục giác ngươi ta bắt gặp một cái giếng từ niên đại đời Lê trong khu mặt bằng khá cao, chứng tỏ ngày xưa mặt bằng sinh sống của người dân khá cao so với dòng sông, trong khi mặt bằng sinh sống thời Lý, Trần thấp hơn cả mét. Cái giếng thời Lê hiện còn sâu 3 mét rưỡi vẫn đầy nước trong vắt mặc dù hiện nay chung quanh đang là mùa khô, chứng tỏ thuật phong thủy của tổ tiên ta rất là cao.
Đi dọc về gần cuối khu vực đang đào xới, tiến sĩ Đông lưu ý mọi người về một vạt dài màu trắng gồm toàn vỏ sò, hến. Xen giữa đám vỏ sò hến là những mảïnh đồ gốm thời Trần, gồm cả hũõ sành, chậu sành, như thế mặt bằng của khu vực vỏ sò hến có từ thời Trần và cao hơn khu vực có hồ, như thế chứng tỏ cái hồ đó có từ thời Lý.
Chúng ta đã đi dược chừng 1 phần 3 chiều dài khu khai quật, bắt đầu khu vực được mô tả là một công trình kiến trúc khá lớn, với dấu tích của 4 cái bệ chân cột rất lớn đang được phủ vải để tránh sỏi đá khu đào xới bên cạnh rơi vào, 4 trụ cột đó thuộc 4 hàng cột chạy song song. Theo tiến sĩ Nguyễn Tiến Đông, 4 trụ cột chính này cùng với một dẫy những trụ cột con, cho ta hình dung một tòa nhà dài ít nhất 65 mét, chưa biết chừng còn dài hơn nhiều nữa vì chưa hề thất dấu tích của đầu hồi tận cùng, mà công trình đào xới phải ngừng lại vì bên kia bức tường là khu vực đường Hoàng Văn Thụ.. 4 móng cột to lớn cùng với hàng cống hứng nước từ mái hiên “đông” chạy dài đến tận cuối sân cho thấy tòa nhà này lớn hơn những tòa nhà của kiến trúc triều Nguyễn ở Huế. Song song với hàng cống hiên phía đông là hàng cống hiên “tây”, cách nhau trên 30 mét. Việc thoát nước của thời kỳ đó rất được lưu ý, vì cứ từng khoảng 10 mét lại có những đường cống chạy ngang nối hai đường cống chính đông – tây. Toàn bộ hệ thống đường cống đó đều được xây bằng gạch. Cho đến bây giờ những đường cống còn nguyên vẹn với những viên gạch màu còn đỏ tươi, dầy dặn, to lớn.

Thời Trần 6 lần xây lại kinh thành
Cùng trong khu vực tòa nhà lớn lao, có khu vực mặt bằng cao hơn mặt bằng 4 trụ cột chính, người ta còn thấy một mảnh mặt bằng xếp toàn gạch theo hình “hoa tranh”. Những viên gạch xây theo chiều đứng của cạnh, chung quanh bó “vỉa” bằng những viên gạch khác cũng sếp chiều cạnh đứng. Cách xếp gạch theo hình thức đó là đặc điểm của thời Trần, và đó là dấu tích một khu kiến trúc có từ thời Trần, có nền cao hơn và đè lên kiến trúc 4 trụ cột chính kia của thời Ly. Ngay những vỉa gạch đặc trưng thời Trần đó cũng có mấy mức độ cao thấp khác nhau, hơn nhau chừng ba, bốn tấc. Tiến sĩ Đông giải thích rằng vì thời Trần là thời phải xây đi xây lại kinh thành nhiều nhất trong lịch sử nước ta. Riêng thế Kỷ 13 đã 3 lần chúng ta phải chống đỡ các đợc xâm lăng của Nguyên, Mông, vua tôi nhà Trần đều bỏ kinh thành đi để “tiêu thổ kháng chiến”, kinh thành bị tàn phá. Khi đánh đuổi xong ngoại xâm, các vua Trần phải xây dựng lại kinh thành, rồi lại bị tàn phá, rồi lại xây dựng lại, do đó, các nền tòa nhà cứ đè lên nhau. Đến thế kỷ 14, khi nhà Trần suy yếu, quân Chiêm Thành lại mấy lần từ phía Nam đánh thốc vào đốt cháy kinh đô. Nhà Trần chỉ có 200 năm nhưng 6 lần xây dựng lại kinh thành. Những dầu vết còn lại của khu vực đang đào xới đã minh họa rõ ràng những đổi thay này trên mặt bằng đời Trần. Sau đó nhà Minh đô hộ nước ta trên 20 năm, đó là giai đoạn tàn phá mọi dấu tích văn hóa của đất nước ta. Tất cả những sách vở, tác phẩm nghệ thuật đều bị đốt hoặïc bị chở về Tàu, đền đài dinh thự mang nét đặc trưng của chúng ta đều bị tàn phá.
Thời Lê: kiến trúc mang tinh thần Nho giáo
Khi Lê Lợi đuổi xong giặc Minh, xây dựng lại kinh thành, triết lý kiến trúc đã hoàn toàn khác với các triều đại trước. Trước hết, thời Lê, Nho giáo chiếm địa vị thống trị, mọi nét văn hóa chính trị kinh tế đều mang tính chất nho giáo, trong khi những triều đại Lý, Trần là những triều đại hưng thịnh nhất của lịch sử Việt Nam thì thấm đẫm tinh thần Phật Giáo. Do đó, kiến trúc, mỹ thuật thời Lê đã thay đổi hoàn toàn. Đến thời Lê, chúng ta không còn tìm thấy những viên gạch đỏ, đẹp, với thiết trí hài hòa đầy tính nghệ thuật của thời trước. Kiến trúc thời Lê mang tính chất nghiêm chỉnh, khuôn phép, không còn tính chất cởi mở, thoải mái, tinh tế của tinh thần Phật Giáo. Tiến sĩ Đông đã dùng hình tượng sinh hoạt xã hội để mô tả khác biệt giữa hai nền văn hóa Phật – Nho. Ông bông đùa: Thời Lê, chẳng may chị nào “cả tin”, trót dại mang bàu tâm sự, sẽ bị cạo đầu bôi vôi ngay, còn thời Lý, Trần, chúng ta sống “vô tư” hơn nhiều; vua Trần ban đêm còn trống ra khỏi hoàng cung để đi chơi lang bang.
Đến cuối khu vực đào xới, đứng dựa vào bức tường ngăn khu vực này với đường Hoàng Văn Thu ngoài kiạ, nhìn ngược lại phía Nam, chúng ta thấy rõ rệt 4 hàng cột chạy dài. Người ta đếm được 10 hàng cột ngang, tức là 10 “vì” nhà. Do đó, kiến trúc đồ sộ còn để lại dấu tích này gồm ít nhất 9 “gian”. Nói ít nhất vì không còn đào xới tiếp được ra khu vực ngoài đường Hoàng Văn Thụ, và người ta chưa thấy di tích của “đàu hồi’ nhà, tiếng dân gian gọi là “bó trái” hay “bó đầu hồi”. Sen kẽ với những dấu tích bệ cột, người ta thấy rải rác các trụ cao hơn của thời hậu Lê, gồm đất sét và sỏi, cho thấy kỹ thuật sản xuất vật liệu xây cất gồm đất sét và sỏi đã kéo dài rất lâu, từ Lý Trần đến Hậu Lê. Tận cùng của khu vực khai quật về phía Bắc, còn dấu tích của giếng nước thời Hậu Lê mà từ chỗ đứng của chúng tôi trên cao, vẫn thấy được mực nước trong giếng.

Khu B: Năm. Bảy tầng kiến trúc đè nhau
Chúng tôi đã đi hết khu A của khu vực đào xới, và tiến sĩ Đông đưa chúng tôi vượt qua dòng sông của ngàn năm trước, qua khu B, ngẫu nhiên hai khu vực qui hoạch đào xới cách nhau một con sông của tiền nhân. Qua “bên kia bờ sông”, chúng ta gặïp ngay một hàng cống xây bằng si măng, ở mặt bằng ngang với mặt bằng sinh sống hiện nay. Đó là hệ thống cống xây thời Pháp thuộc, và người ta còn thấy cả vỏ chai bia thời đó. Từ trên nhìn xuống, chúng tôi nhận thấy chiều rộng cống thời Pháp cũng không lớn hơn bao nhiêu chiều rộng cống xây thời Lý Trần.
Bên khu B, những dấu tích còn lại có vẻ nguyên vẹn hơn khu A. Người ta thấy cả một mặt bằng rộng hàng trăm mét lót gạch vuông vức, bằng phẳng. Những viên gạch hình vuông, mỗi cạnh phải đến 30 cm, màu sắc còn đỏ au, lát theo những đường thẳng tắp. Xen giữa hàng gạch thời Lý đó là những tảng cột (trụ chân cột) có lẽ để kê chân cột, vào khoảng 4 mét rưỡi. Trên lớp gạch thời Lý đó khoảng 1 mét hơn, là lớp gạch xây trên nền thời Trần. Trên nền thời Trần, những tảng cột thời Trần trông thô hơn, những cánh hoa sen trên mặt tảng cột không được sắc nét như cánh sen thời Lý. Cánh sen thời Trần thô hơn, mập mạp hơn, đầu cánh sen không vuốt lên cao, không nhô lên, không được mài nhẵn, như cánh sen thời Lý.

Di hài cổ nhân
Khi đi thăm khu khai quật di tích hoàng thành Thăng Long, chúng tôi chưa từng nghĩ đến chuyện sẽ gặp di hài của cổ nhân, nên thật bất ngờ khi tiến sĩ Nguyễn Tiến Đông giới thiệu những ngôi mộ mới được đào xới. Tiến sĩ Đông cho rằng di tích mồ táng rất thường gặp khi những nhà khảo cổ làm việc tại hiện trường khai quật. Tại khu Thăng Long, ngôi mộ đầu tiên được giới thiệu là một ngôi mộ chôn cặp đôi. Ngôi mộ gồm hài cốt của hai người còn rất rõ tư thế nằm, và tiến sĩ Đông cho biết đó là hài cốt hai trẻ em, tuổi từ 8 đến 12. Hai bộ xương nằm theo tư thế người này ôm lưng người kia. Phía đầu của hai hài cốt còn di tích một bệ chân cột, nằm dưới chân bệ cột đó. Theo tiến sĩ Đông, có hai cách giải thích vị trí ngôi mộ. Nếu ngôi mộ có niên đại muộn hơn hay sớm hơn niên đại bệ cột, thì chúng ta chưa biết giải thích tại sao có mộ hai trẻ em ở đó, hay chỉ là một sự tình cờ của người thời sau hay trước thời xây tòa lâu đài có tảng cột kia. Nhưng nếu ngôi mộ có cùng niên đại với niên đại của tòa kiến trúc có cái bệ cột nằm đầu mộ, thì có thể cho rằng việc chôn hai trẻ em tại chân cột đó là một nghi thức, một nghi lễ thường thấy trong việc “chôn yểm” cho các công trình kiến trúc của những bậc vua chúa. Việc chôn yểm này do cổ nhân nghĩ rằng có thể giúp cho tòa hoàng cung có cây cột kia đứng vững lâu dài, có thể là để cầu may cho nhng người cư ngụ trong đó, ... Chuyện này khá phổ thông đối với nhiều nước như Trung Hoa, Trung Đông, và thường chôn trẻ em cho việc “yểm” này. Hiện nay giới khảo cổ đang nhờ các phòng thí nghiệm của quân đội phân tích ADN xem sự thực di cốt đó có lịch sử ra sao, sau đó mới tiến hành nghiên cứu về những ngôi mộ tìm thấy. Cách ngôi mộ hai trẻ em khoảng 50 mét về phía Nam, chúng ta bắt gặp một ngôi mộ khác với rất nhiều di cốt nằm hỗn độn. Tiến sĩ Đông cho rằng đây chỉ là một hố chôn tập thể chứ không phải là một ngôi mộ được an táng đàng hoàng. Theo lớp gạch từ trên xuyên qua ngôi mộ xuống đến tận đáy, thì có thể tin rằng ngôi mộ có niên đại vào cuối thế kỷ 18, như niên đại của những viên gạch. Theo lịch sử, khoảng thời gian cuối thế kỷ 18, xã hội Bắc Hà rất bất an. Vua Lê không còn thực quyền, không còn kiểm soát được hoàng cung, mọi quyền hành nằm bên Phủ Chúa. Suốt giai đoạn đó, loạn kiêu binh xẩy ra, quân Tây Sơn ra Bắc hai lần, quân Thanh xâm chiếm nước ta,... Cho nên việc nhiều người bị chôn tập thể không phải là điều khó hiểu của giai đoạn này. Theo di tích còn lại, tiến sĩ Đông cho rằng ngôi mộ tập thể này gồm 4 người, trong đó còn hình dáng một cụ nằm sấp, với hình dáng xương sọ, xương tay, xương cánh tay, xếp đặt theo tư thế một người bị trói giật tay ra đằng sau và bị ném nằm úp mặt suống đáy huyệt. Các di cốt khác nằm vắt ngang qua, rồi lại thêm hai cụ nằm ngổn ngang bên trên, tức là các cụ bị ném xuống rồi vùi đất lên chứ không được chôn xếp nằm ngay ngắn để chôn cất. Trong ngôi mộ tập thể này, người ta còn tìm thấy mấy đầu viên đạn chì của súng hỏa mai, loại vũ khí có thể tìm thấy ở cuối thế kỷ 18. Cách ngôi mộ tập thể chừng 70 mét, chúng ta lại bắt gặp một ngôi mộ khác mà tiến sĩ Đông cho rằng đã bị chém trong một trận chiến giáp lá cà. Đó là di hài của quân sĩ người Việt, vì răng còn màu đen của cổ nhân.
Toàn bộ khu B là một khoảng rất rộng với nhiều lớp đất cao thấp khác nhau. Tiến sĩ Nguyễn Tiến Đông cho biết đó là khoảng từ 5 đến 7 tầng kiến trúc nằm đè lên nhau. Theo hệ thống cống thoát nước còn để lại của mỗi thời kỳ, với những đường cống rất lớn, tinh sảo, thì tập hợp các kiến trúc của mỗi thời kỳ đó rất to lớn và đa dạng. Tất cả những hệ thống cống chằng chịt đó đều được phác họa để đổ ra sông. Điều đáng lưu ý ở đây là trong khi tiền nhân ta làm hệ thống cống từ hàng ngàn năm trước để thoát chất thải, thì cùng thời kỳ, bên Trung Hoa người ta chuyển chất thải bằng cách cho vào thùng, bỏ lên xe ngựa, xe trâu bò, chở đi đổ; và chở nước vào hoàng thành. Trên nền kiến trúc thời Trần, người ta bắt gặp nhiều vật bằng gốm nâu, cả những chum bằng sành thời Trần. Rải rác trong khu khai quật B, chúng ta còn bắt gặp viên gạch lát nền của thời Lý, rất mỹ thuật, đẹp hơn thời Trần nhiều. Mỗi viên gạch lát nền đều có trạm trổ hoa văn nổi với nhiều vòng hoa cúc lớn nhỏ khác nhau, nét đúc tinh tế, mềm mại. Tiến sĩ Đông cho rằng mỹ thuật Trần tương tự như vậy, nhưng trông khỏe mạnh hơn, thoáng đãng hơn, thô hơn. Nhưng mỹ thuật thời Lý thì nuột nà, sắc sảo hơn, “Các cụ quê Bắc Ninh cẩn thận lắm đấy ạ!” ông nói.

Tổ tiên “xử lý chất thải”
Nhân dịp nói về chuyện “xử lý” chất thải và nước của tổ tiên ta so với các hoàng thành Trung Hoa, tiến sĩ Đông nêu lên nhận xét về kiến trúc Tàu luôn luôn theo kiểu đối xứng, còn hoàng thành Thăng Long thì xây dựng làm sao cho phù hợp với vị trí sông, hồ. Do đó, có thể hình dung Hoàng thành Thăng Long có cảnh trí phong phú, đa dạng, đẹp hơn hoàng thành Tàu. Điều đó càng làm nổi bật tính chất độc lập của tiền nhân ta thời Lý Trần, văn hóa Đại Việt là một nền văn hóa đặc thù, không như cung điện triều Nguyễn sau này, bị ảnh hưởng sự cân đối của Trung Hoa quá rõ.
Trong khu vực khai quật B, chúng ta bắt gặp nhiều viên gạch chữ nhật, màu xám, trên có chữ Hán đọc là “Giang Tây Quân”, tức là những viên gạch của đội quân Giang Tây, thời thành Đại La, thế kỷ thứ 7 – 9. Đó là một tầng nền kiến trúc từ thời rất sớm của khu di tích Thăng Long. Trước khi khai quật khu vực hoàng thành Thăng Long hiện nay, đã có những cuộc tranh luận lớn giữa những nhà khoa học lịch sử, khảo cổ, về câu hỏi “Thực ra thành Đại La ở đâu?” Thì bây giờ hàng ngàn viên gạch Giang Tây Quân cho ta kết luận chíng mảnh đất này là nơi trước kia đã xây thành Đại La. Và nhà Lý, Trần, Lê đều xây kinh thành trên nền Đại La cũ.

Nếm nước giếng thành Đại La
Cuối cùng, tiến sĩ Nguyễn Tiến Đông mời khách xuống quan sách thật gần một cái giếng gây xôn xao dư luận mấy tháng nay: Giếng nước thành Đại La. Cái giếng cổ nhất trong khu vực hoàng thành này hiện nay còn độ sâu 5 mét 90, mực nước cách miệng giếng hiện nay khoảng 1 mét 50. Người ta còn thấy thành giếng xây bằng gạch thời Đại La từ miệng hiện nay xuống tận đáy, tức là gạch Đại La màu xám xây suốt độ cao 5 mét 60, còn hàng gạch trên cùnng màu đỏ, có niên đại thời Lý, tức là thời Lý đã tu bổ thêm cho giếng này. Tiến sĩ Đông cho biết sau 10 ngày moi giếng, người ta vớt được hơn 300 hiện vật sành thời Lý, cùng một ít mảnh nhỏ thời Tống, một ít mai rùa, một ít hạt quả vải. Từ sau ngày khơi lại giếng, rất nhiều người đã đến lấy nước nhưng hiện nay việc lấy nước này không còn thuận tiện nữa. Theo một số người có “nếm” thử nước giếng cho biết, nước trong và ngọt.
Như thế, chúng ta đã rảo qua khu A và khu B của khu vực khai quật nhoàng thành Thăng Long nằm ngay giữa lòng Hà Nội. Khu D hiện nay có tòa nhà Quốc Hội và đang trong thời kỳ họp hành, công chúng không vào được. Còn khu C hiện nay còn nhà ở dân chúng, chưa biết bao giờ mới khai quật được.
Hình bên: Một vị khách vào thăm khu khai quật (hình như “có bổn phận giúp đỡ” tác giả)

No comments:

Post a Comment