Friday, January 16, 2009

Tôi Làm Báo Người Việt

Khi người ta bước vào tuổi 60, đây là cơ hội cuối cùng để cố gắng sống lương thiện. Đỗ Tăng Bí

1


Hôm nay ngày 30 Tháng 9, 2004. Tôi bắt đầu ghi lại những gì còn trong trí nhớ về Công ty Người Việt (NV), tờ báo Người Việt (NV) kể từ ngày 18 Tháng 8, năm 1991, ngày tôi bắt đầu vào làm ở nhật báo Người Việt.
Những gì tôi ghi lại là 1)- những sự kiện tôi còn nhớ, có thể không rõ ngày tháng chính xác; 2)- Đối chiếu với những gì tôi nghe được từ người khác lúc đó và bây giờ 3)- cảm tưởng, nhận xét, suy nghĩ của tôi lúc đó và bây giờ.

Tôi nhớ được ngày bắt đầu đi làm ở Người Việt là ngày 18 Tháng Tám, 1991 vì đó chính là ngày ông Gorbachev đổi mới ở Nga. Do đó vài tuần lễ sau anh Lê Đình Điểu giao tôi soạn một quyển sách thuật chuyện ông Gorbachev đã phá tan thành trì Chủ nghĩa Cộng Sản ra làm sao xuyên qua những sự kiện thời sự lúc đó. Nhưng dự án này bỏ dở vì vài ngày sau anh Điểu không còn làm ở tờ báo Người Việt nữa. Chuyện này sẽ được đề cập sau này. Bây giờ tôi xin bắt đầu những gì tôi còn nhớ về lý do nào tôi vào làm Người Việt.
Tôi đến đất Mỹ vào ngày 1 Tháng 7, năm 1991. Ngày 4 Tháng 7 anh ruột tôi, anh Đỗ Quý Toàn và vợ tôi đưa tôi đi chơi San Francisco. Anh Toàn ở Canada nhưng cũng hay qua Mỹ, nên anh lái xe suốt đoạn đường đưa tôi đi chơi. Tôi hoàn toàn bỡ ngỡ trước khung cảnh ở Mỹ nên cũng không thấy hào hứng gì lắm về chuyến ngao du này, chỉ nhớ là khi đang đi thăm tòa tháp nào đó ở vùng Vịnh thì gặp anh Phan Lạc Tiếp, hai bên nói chuyện vài phút rồi chia tay. Tôi chưa biết anh Tiếp bao giờ nhưng nhớ cuộc gặp gỡ vì sau này có liên lạc với Anh và biết Anh là người thật hiền lành, đứng đắn. Rong chơi hai ngày, đến ngày 7 Tháng 7, trên đường về nhà tôi ở Irvine, anh Toàn đưa tôi thẳng đến nhà anh Đỗ Anh Tài ở Cucamonga dự cuộc họp mặt anh em đón tiếp anh Hà Tường Cát và tôi mới ở Việt Nam qua. Đây là lần đầu tiên tôi gặp những anh em cũ ở trên đất Mỹ. Hôm tôi đến chỉ có gia đình tôi đón ở phi trường Los Angeles, anh em không có ai, khác với khi đón anh Cát trước đó hơn một tháng, hoặc sau này đối với các anh Phạm Phú Minh, Trần Đại Lộc. Nghe vợ tôi nói anh Điểu có hỏi giờ và số chuyến bay vì dự trù từ Người Việt sẽ có vài anh đi đón. Nhưng cuối cùng không có ai. Chuyện này sau tôi mới hiểu vì sao.
Trên đường rong ruổi đi San Francisco rồi trở về, anh Toàn có vài lần nói với tôi là không nên vào làm báo Người Việt vì không khí ở đó không được lành mạnh lắm, anh em tụ họp đông quá trong hoàn cảnh hoàn toàn mới nên không được vui vẻ như ngày xưa làm công tác thanh niên, xã hôi. Cho nên khoảng 10 ngày sau khi đặt chân lên đất Mỹ, tôi mới được anh Toàn đưa đến thăm anh em ở báo Người Việt. Ngay lúc đó, anh Tống Hoằng rủ riêng tôi đi ăn trưa, có lẽ tiệm Song Long, và nói đi nói lại với tôi là ở báo Người Việt đang đông nhân viên quá, không có việc cho tôi làm đâu. Tôi trấn an Tống Hoằng rằng tôi không hề có ý định xin vào làm ở Người Việt. Tôi nói anh Đỗ Ngọc Yến có gọi điện thoại nói chuyện vào làm việc ở tòa báo nhưng tôi trả lời còn phải làm nhiều thủ tục nhập cư nên chưa có thì giờ. Khi nghe kể chuyện Tống Hoằng sợ tôi xin việc làm, vợ tôi nhớ ra và kể chuyện trước khi tôi qua Mỹ, anh Điểu cũng đã gọi điện thoại nói rằng ở tờ báo bây giờ không còn chỗ làm, kêu vợ tôi lên học về mấy cái máy lọc nước để sau này chỉ lại cho tôi cách bán các máy này. Nghe kể chuyện, anh Toàn cho biết đang có tranh chấp gì đó ở Người Việt, mình không dính vào chỗ đó làm gì.
Trong khoảng hơn một tháng trời kể từ bữa lửa trại hội ngộ ở nhà anh Đỗ Anh Tài tôi luôn luôn tránh nghe điện thoại của anh Yến để khỏi phải nại lý do từ trối lời rủ rê làm việc ở báo Người Việt. Mỗi lần anh Yến gọi, vợ tôi hoặc con tôi đều trả lời tôi đang ngủ, tôi đang đi dạo ngoài đường, hoặc tôi đi chơi đâu đó. Dĩ nhiên là tôi không gọi lại cho anh Yến theo như lời nhắn của anh. Đầu Tháng Tám, Yến nhờ Phan Huy Đạt gọi nói với tôi chuyện đó, tôi trả lời là tôi chưa chuẩn bị gì cả, chưa có bằng lái xe, nên không đi làm được.
Thực ra chân ướt chân ráo tới Mỹ, sau tuần lễ đầu đi chơi, nghỉ ngơi, tôi đi kiếm việc làm ngay vì vợ tôi lúc đó cũng đang thất nghiệp. Năm 1991 là một trong mấy năm nền kinh tế Mỹ xuống thê thảm nhất. Nạn thất nghiệp tăng cao, công ty bà vợ tôi đang làm đóng cửa trước khi tôi qua chừng 3 tháng, và cũng phải 4,5 tháng sau khi tôi qua bà ấy mới tìm được một việc làm với số lương chưa bằng 2/3 trước đây. Cả một tháng trời nghe chỗ nào có việc tay chân hoặc tôi có thể làm được là vợ tôi đưa tôi đến, nhưng rồi chờ dài cổ cũng chẳng ai gọi. Chiều ngày 15 Tháng Tám, vợ chồng Nông Kim Ấn từ San Diego lên nhà tôi chơi. Cả gần hai chục năm chúng tôi chưa gặp nhau. Đang cười đùa thoải mái thì chuông điện thoại reng. Tôi cứ mặc kệ vì vẫn ngại hoặc anh Yến, hoặc người Mỹ nào đó, nhưng Ấn bảo tôi phải nhắc phôn đi chứ, vì cả nhà đi vắng rồi. Tôi đành nhấc máy. Quả nhiên là Yến. Anh nói đủ thứ chuyện, rồi bảo rằng trong báo Register hôm nay có bài gì đó hay lắm, tôi đọc đi rồi dịch ra xem sao. Tôi ậm ừ nhưng anh bảo Thứ Hai lên tòa báo nói chuyện chơi, không phải chuyện làm việc cho Người Việt (tôi có nói với anh chuyện Tống Hoằng nói với tôi), nhưng anh có vài việc riêng muốn nhờ tôi, cũng có thể có ít tiền. Không lẽ cứ dẫy lên đanh đảnh từ chối mãi, tôi đành nhận lời. Khi vợ tôi về nghe kể chuyện mới nói tôi cứ lên đó làm tạm ít lâu cho đến khi kiếm được việc khác. Sau này tôi biết vợ tôi mong tôi đi làm vì lúc đó nhà túng quá, cả nhà sống bằng trợ cấp thất nghiệp của vợ tôi, vừa đủ trả tiền nhà, còn mọi thứ hoặc vay nợ, hoặc sài credit card. Món nợ credit card trả 4, 5 năm sau mới hết.
Do đó, ngày 18 Tháng Tám, tôi phom phom lái xe lên Người Việt. Tôi qua Mỹ được một tháng thì lấy được bằng lái xe, cái bằng quan trọng trên đất Mỹ. Tối Chủ Nhật, vợ tôi vẽ bản đồ đường trong cho tôi đi từ Irvine lên tòa báo Người Việt ở Westminster. Tôi chăm chú nghe chỉ dẫn, dặn dò, nhưng trong bụng đã tính sẽ đi xa lộ. Mấy lần vợ tôi chở tôi đi khu Bolsa, tôi đã để ý đường đi. Nếu tôi vào xa lộ 405 ở đường Jeffry, tôi cứ giữ lane đầu tiên sát bên phải đó mà đi (ở Mỹ gọi đó là lane ngoài cùng), tôi sẽ gặp exit Magnolia. Tôi cứ việc exit và đi lại con đường đã nhớ. Lúc trở về, sau khi vào xa lộ ở Magnolia, tôi chỉ cần đổi một lane là lại gặp exit Jeffry.
9 giờ sáng tôi có mặt ở tòa báo Người Việt. Anh Yến đưa tôi vào thư viện ngồi nói chuyện. Anh vẽ ra hàng trăm dự án, nhưng cuối cùng nhân thấy Tống Hoằng đi qua cửa, anh Yến gọi vào và thản nhiên nói tôi sẽ dịch mỗi ngày một ít tin cho tờ báo, khởi đầu không lãnh lương, sau này tính. Về sau tôi hiểu rằng cứ khi nào nói chuyện không sài tiền thì anh Yến dễ được sự đồng ý của Tống Hoằng. Tôi đã tính trước không ăn uống gì của Người Việt. Tôi mang theo sandwiche cho bữa trưa đã đành, tôi còn mang theo cả cà phê, đường, tăm, giấy lau tay. Chỉ xin Người Việt nước sôi mà thôi. Tình trạng đó kéo dài cả tháng trời cho đến khi có lời đề nghị tôi dùng cà phê của Người Việt.

2 comments:

  1. Đây sẽ là khởi đầu cho nhiều chi tiết thích thú khác vì nó được viết ra từ một người có thẩm quyền .Chí ít,hồi ký hay tự thuật này sẽ buộc giới ký giả biết việc,và những người trong cuộc quan tâm theo đọc.

    ReplyDelete
  2. Là một trong những fan nhí của NguoiRatBinhThuong, La Bohème hy vọng sẽ được đọc nhiều câu chuyện tự thuật riêng tư khác, như hai postings bên trên, thật dí dỏm mà đôi khi làm người đọc cũng...bùi ngùi.

    Ngồi buồn mà trách ông xanh,
    Khi vui muốn khóc, buồn tênh lại cười.

    ReplyDelete