Wednesday, January 28, 2009

Nói chuyện với nhà báo Đỗ Ngọc Yến - 1


Đỗ Ngọc Yến Thuở Thiếu Thời

Đỗ Tăng Bí ghi

Nhiều tổ chức, đoàn thể, nhiều cơ quan truyền thông, nhiều trường đại học Mỹ và các sắc tộc thiểu số đã công nhận sự đóng góp của nhà báo, nhà hoạt động Đỗ Ngọc Yến, cho sự phát triển và hội nhập của cộng đồng người Việt tại Hoa Kỳ, và sự hoà hợp với các cộng đồng bạn. Độc giả đã được đọc và nghe nhiều chương trình phỏng vấn, bài báo viết về anh Đỗ Ngọc Yến. Riêng phần ghi dưới đây sẽ cho chúng ta thấy bàng bạc hình ảnh anh Yến hồi còn rất trẻ qua ký ức của ông về Sài Gòn những năm tháng 1950s. Phần ghi này trích từ “chương trình” nói chuyện giữa Đỗ Ngọc Yến và bạn bè vào cuối năm 1999. Chúng tôi thường nêu ra với anh Yến các thắc mắc về những điềuxẩy ra trong giai đoạn trước đây chúng tôi chưa hiểu rõ, và Anh trả lời như một đóng góp hiểu biết của Anh. Về đề tài “Thời nhỏ của anh Yến”, chúng tôi gồm Phạm Phú Minh, Hà Tường Cát và Đỗ Tăng Bí thay nhau nêu câu hỏi...


ĐTB: Thưa anh Yến, nhiều người vẫn nói anh là một người “hoạt động”, hay “năng động?”, từ lúc tuổi còn rất nhỏ, nên người ta cũng nói rằng anh bị công an bắt, rồi anh bị đuổi khỏi trường Petrus Ký, vì có liên quan đến vụ đám tang Trần Văn Ơn? Anh có thể kể lại sinh hoạt giới trẻ thời đó?
ĐNY: Đó chỉ là lời đồn đãi, vì lúc Trần Văn Ơn chết tôi còn học tiểu học. Để tôi thuật lại vài hình ảnh hồi đó cho các bạn thanh niên nghe cho vui.
Khoảng 1950, có một đoàn tàu Mỹ đến giao phi cơ quan sát và thả bom nho nhỏ cho Pháp, đậu ở bến Thủ Thiêm. Bên kháng chiến, lúc đó người ta vẫn gọi những lực lượng chống Pháp là “kháng chiến”, xách động sinh viên học sinh biểu tình, nhưng hồi đó có rất ít sinh viên cho nên phải nói đó là cuộc vận động học sinh do “nội thành” tổ chức.
Cuộc vận động này bắt đầu từ giới tiểu thương ở chợ, mấy bà buôn gánh bán bưng ở chợ Bến Thành đình công bãi thị, nối lại không khí thời 49. Sau đó đến đám học trò tiếp tay, kéo đến dinh Thủ Hiến đưa kiến nghị (năm chót của Thủ Hiến Trần Văn Hữu). Đám biểu tình tụ tập tại cây da trước cửa Tòa Án. Mấy tòa nhà lớn ở trung tâm thành phố gồm bên này là dinh Gia Long, bên kia là tòa án, bên kia là khám lớn. Lúc đó khám lớn còn y nguyên, gọi là số 69, sau này là Đại Học Văn Khoa, rồi quán cà phê nổi tiếng tên là “Quán Văn” cũng hoạt động trong khuôn viên đó. Một năm sau, Nguyễn Văn Tâm lên mới quyết định phá bỏ khám lớn.
(Về việc phá bỏ khám lớn: Ngày đó Nguyễn Văn Tâm dùng búa đập tường, -họ có bắt học sinh đi xem- lúc đó tôi học Đệ Thất.)
Vào lúc biểu tình của học sinh trước dinh Thủ Hiến thì tôi học tiểu học, trường Ngô Tùng Châu, không biết gì, chỉ thấy ồn ào ngoài phố xá. Trong lớp có mấy anh lớn -thời đó có hiện tượng mấy anh khá lớn mà đi học lớp nhỏ là vì chạy giặc bỏ học hành ba bốn năm- cho nên có những lớp mà tuổi tác học trò cách nhau 4, 5 tuổi. Có gia đình gồm 4 anh em từ Bắc vào ở căn nhà ở khu Bàn Cờ sau lưng CaoThắng -lúc ấy Bàn Cờ còn trống trơn- bốn anh em cùng học lớp nhì, lớp ba với nhau. Anh lớn nhất tên là Vinh, dẫn dắt cả bọn này đi biểu tình.Chỉ biết lộn xộn kéo nhau đi. Đi từ chỗ Ngô Tùng Châu đến Ngã Sáu, nhưng mình cũng không đến được tới đường Gia Long.
Sau đó là các trường bãi khóa đi vòng vòng các đường phố, mình được nghỉ học cũng vui. Nhưng đến lúc có đám tang Trần Văn Ơn thì ai cũng đi.
Theo tôi còn nhớ, đám tang để quan tài ở chỗ Trường Sư Phạm sau này. Tại khu đó có bốn tòa nhà ba tầng thì xác để tòa nhà đầu tiên. Trước đó xác ở nhà thương Chợ Rẫy - chết trong đó rồi đưa về - sau này đưa vô chôn ở Chợ Lớn.
Trò Ơn đang học Tú Tài -chưa thi Tú tài- Lúc đó Tú tài giống như Cử nhân bây giờ, sang trọng lắm! Đám tang đã trở nên một cái gì rất là nhân dân. Lúc ấy tôi cũng không hiểu tại sao đám tang lại được tổ chức to lớn như vậy. Sau này nhờ những người như ông Quỳnh (Nguyễn Đức Quỳnh) giải thích mình mới hiểu rõ. Tức là thời gian đó guồng máy chính trị của người Pháp ở miền Nam VN họ cố tình thả nổi một số hoạt động cho cán bộ kháng chiến điều khiển. Để yên cho họ hoạt động tưng bừng - thứ nhất là để cho nổi lên, thứ hai là chứng minh với Mỹ là CS mạnh như thế, tràn ngập như thế đó để cho Mỹ viện trợ. Thành thử về phương diện văn học thì nhóm văn học xuất bản -nhà xuất bản Nam Việt, Thần Đồng, Sống Chung in sách Đệ Tam Quốc Tế, sách tùm lum, nhất là sách của bộ ba Tam Ích - Thiên Giang - Thê Húc. Đại khái lúc đó rất hỗn quân hỗn quan.
Hồi đó tôi nhớ có đi dự đám tang -với bà cụ- Đi xe xích lô và đi bộ. Nơi chôn ở xa lắm, tuốt Chợ Lớn, nhưng lúc về thì mấy ông xích lô không lấy tiền, gọi là ngày ủng hộ bà con.
Lúc đó là Tháng Giêng. Ngày chết của Trần Văn Ơn là mùng 9 tháng Giêng. Cho nên sau này ngày 9 tháng Giêng là ngày sinh viên học sinh là vậy.

ĐTB: Như thế vụ Trần Văn Ơn ảnh hưởng rất nhiều tới sinh hoạt của học sinh hồi đó?
ĐNY: Thực ra câu chuyện như thế này: Từ đó về sau Trần Văn Ơn là biểu hiện sự bất khuất của giới thanh niên, trước khi hình ảnh đó bị hoà nhập với cộng sản. Con người Trần Văn Ơn thế nào thì mọi người cũng không hiểu rõ và cũng không ai ra nói là họ hàng hay anh em để thừa hưởng gì cả, do đó khuynh hướng chung coi như tượng trưng cho lớp trẻ hy sinh. Bây giờ, có một số người ở tại Quận Cam từng học Petrus Ký cũ cùng thời với Trần Văn Ơn, nói rằng Trần Văn Ơn chỉ là một học sinh trung bình đi theo đoàn biểu tình và là nạn nhân của một viên đạn vô tình chứ không phải là người lãnh đạo, cũng không phải là người cầm đầu. Nhưng ít ra anh cũng là người tham gia nhưng không có gì đặc biệt cả. Cho nên đó cũng là một chi tiết thôi. Ngoài ra khi Trần Văn Ơn chết thì chôn tại miếng đất ở nghĩa trang Đô Thành phụ -nó là miếng đất nhỏ nằm trước sân đá bóng Cộng Hòa. Trước sân Cộng Hòa có mấy đường nho nhỏ mà người ta hay dùng tập lái xe hoặc thi lấy bằng lái xe hơi -đường ngăn ngắn ô vuông- Nhưng sau 75, nghe nói là mộ cũng bị bốc sang chỗ khác, tức là mộ cũng không được săn sóc chú ý lắm. Nhưng cho đến gần đây ngày 9 tháng Giêng vẫn là ngày Sinh viên Học sinh.
Nhưng đối với trường Petrus Ký, vì chuyện đó cho nên ngày 9 tháng Giêng hàng năm bao giờ cũng là ngày căng thẳng trong trường bởi vì thế nào cũng có một cái hình thức kỷ niệm nào đó được tổ chức ngấm ngầm, không phải trong khuôn viên trường mà một địa điểm nào đó. Bàn Cờ là một trong những địa điểm tổ chức. Đại khái có một số người bí mật tụ họp làm lễ kỷ niệm. Lễ kỷ niệm mang màu sắc huyền thoại gay cấn. Sau đó các học sinh của trường Petrus Ký tham gia những cuộc đấu tranh này nọ thì hầu như năm nào cũng có. Lúc nào cũng có tin anh này, anh kia bị bắt. Có hai lứa, một là khoảng Đệ Nhị hay Premier chương trình Tây và một lứa từ đệ Tứ trở xuống. Đám lớn thì còn ý thức và trưởng thành già dặn, đám nhỏ thì thường là bị lôi cuốn vào phong trào. Sau này nghe nói các anh em đó -sau năm 54- là những người nối vào thời kỳ đấu tranh hiệp thương -lúc chưa có Mặt Trận.
Nói về học sinh lúc đó, về hoạt động của họ, phải nói về bọn trẻ hơn những người trên, nằm trong bọn học sinh ở tỉnh về Sàigòn trọ học. Họ ở chung trong các khu với nhau, nhà bao giờ cũng nằm ở trong các khu kiểu như Bàn Cờ, Lê Văn Duyệt, cũng có khi ở trong các khu nội trú nào đó. Và họ có tính cách đoàn thể lắm. Họ giúp đỡ lẫn nhau, người này đi làm lấy tiền giúp người kia đi học hay là mỗi ngày lễ họ kéo nhau đi về tỉnh Bến Tre, Bình Dương, Biên Hòa, ra bến xe đò đi nửa ve,ù nhiều khi không có tiền cũng được. Trong căn nhà trọ của họ không có giường chiếu gì cả, chỗ nào cũng thấy một đống sách, sách kê thành giường thành ghế thành gối. Rõ ràng họ có đoàn thể, có tổ chức. Sau này cao hơn họ có cô Năm chú Ba này kia, người thì tiếp tế bánh mì, người thì tiếp tế xôi, khi thì làm công tác xã hội, khi thì làm công tác nghĩa thục, theo những truyền thống lâu đời từ trước. Thành ra một hệ thống như vậy lợi hại lắm. Từ đó đẻ ra các phong trào, sau này từ đó mà Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam (MTGPMN) huy động được tất cả. Tới lượt MTGPMN bị người khác huy động cho tới lúc thành công thì họ bị giải thể luôn đó là một vấn đề khác.
Trở lại các buổi lễ truy điệu, thì tổ chức hát ở bờ sông, truy điệu vừa hát vừa run, cảnh sát hồi đó họ cũng khôn khéo lắm, họ không bắt ngay tại chỗ, họ để giải tán rồi họ mới bắt. Tất cả những vụ đấu tranh nội thành hồi đó không bao giờ bị bắt trong lúc hội họp hay bị bắt trong lúc xảy ra công tác, biểu tình, mít tinh, hội họp. Bao giờ cũng để nhữngn người hoạt động về rồi họ bắt tẻ ra, bao giờ họ cũng bắt các người cầm đầu. Thường thì họ tìm ra những học sinh trong Ban Đại Diện mà bắt.
Ban đại diện (các lớp học sinh) thì có hai ba loại, có những học sinh học giỏi thì được cử làm ban đại diện, rồi bị lôi kéo vào phong trào đấu tranh, họ không ở trong ban tổ chức, cùng lắm là cảm tình viên này kia thôi. Chỉ khi nào họ bị bắt và rơi vào hệ thống đàn áp thì sau này có khi họ được móc nối tổ chức thì họ trở thành tham gia xã hội. Còn các cán bộ thật sự của tổ chức thì họ lẩn tránh đàng sau những Ban đại diện, nên họ bảo toàn được nhân sự của họ, họ làm cái công việc đưa người này đẩy người kia ra thôi, họ đi kiếm phương tiện mang về thôi. Thành thử cái guồng máy an ninh điều tra phải mất nhiều chặng mới đụng được đến cái thành phần cao hơn nữa là cố vấn.
Về đám cố vần này, họ không phải là ở trong trường, đôi khi năm thì mười họa là giáo chức, thực sự họ là người ở ngoài, họ là anh bán bánh mì, hay anh công nhân hay anh thân sĩ nào đó. Nghĩa là có thể họ rất trẻ, trẻ hơn đám học sinh chừng một chút, họ có thể già dặn hơn một chút. Cao điểm nhất là thời kỳ đấu tranh hòa bình năm 1964 - 1965, và sau đo tất cả hệ thống này mới biến mất.
Biến mất đó là vì họ bị các guồng máy an ninh Sài gòn cô lập triệt tiêu. Lúc đó thì họ đã đẻ ra nhiều phong trào khác nữa hợp pháp hơn, công khai hơn, cơ sở hơn. Thí dụ như Phong trào tiểu thương, phong trào giáo chức, phong trào này kia từ 68 - 72 mà mình gọi là phong trào Đòi Quyền Sống mấy chục đoàn thể.
Tóm lại những phương pháp đấu tranh như thế này ở Việt Nam nó có từ thời Phan Bội Châu, Phan Chu Trinh, những phong trào họ dấy lên sau đó là Đông Dương Đại Hội, sau đó là thời kỳ Mặt Trận Bình Dân thì nó được hợp pháp công khai đến lúc chấm dứt Mặt Trận Bình Dân thì người Pháp bắt hết tất cả những người hoạt động, người ta đưa đi giam các nơi trước ngày Đệ II Thế Chiến.

ĐTB: Cái hồi bắt những người tham dự các buổi truy điệu lẻ tẻ đó, anh cũng bị bắt?
ĐNY: Hồi đó tôi còn nhỏ quá, hồi đó cái vụ truy điệu đó tôi không phải là cánh “tổ chức”, đôi khi tôi chỉ tham dự. Sở dĩ tôi tham dự là vì lúc đó tôi là hướng đạo sinh, hướng đạo mình thường khuyến khích đoàn sinh đi đâu mình cũng tích cực, mình đóng cái vai phục vụ, thí dụ như ăn uống mình phục vụ bằng cách tổ chức cho người ta ăn uống, đưa đón mình tổ chức đưa đón, trật tự này kia nhưng mà thực sự mình không biết chương trình. Nghĩa là chuyện đó định làm như thế nào thì mình không biết, nhưng thấy có một số người tập họp thì mình xoay ra “tổ chức” thế nào cho cuộc họp có trật tự.
Đó là năm 1955, nhưng từ năm 1956 tôi đi sâu vào chuyện sản xuất báo, báo bí mật, báo lậu. Đến năm 1957 thì tổ chức hội họp bí mật. Đến năm 1959 tôi mới bị bắt.


ĐTB: Nghĩa là anh vào “nghề báo” từ năm 1957? Anh làm báo lậu dưới hình thức “in” từ hồi đó?
ĐNY: Báo in ở đây là báo in bột, tức là bột thường, bột gạo, nhưng có điều đặc biệt là mực in phải mua ở tiệm bán ở đường Catinat. Lọ mực đó là loại mực của Ấn Độ. Lọ mực cũng đắt tiền, lúc đó đi mua lọ mực cũng bằng bao anh em đi một chầu ciné. Mực chà lên bột, mực thấm vào, rồi lăn bột lên từ tờ giấy này qua tờ giấy kia, lăn độ chừng ba chục trang thì bột xộc xạch và chữ ngoằn ngoèo hết, đôi khi muốn làm nhiều phải in hai lần. Sau này người ta gọi in sương sa thì cũng là nguyên tắc đó hết. Thực ra thì cái đó chỉ là chuyện học tập làm công tác, thực sự nội dung của những tờ đó không có gì đặc biệt.


ĐTB: Như thế có phải vì các hoạt động như tham dự các buổi họp bí mật, các buổi truy điệu, và vì việc in báo lậu mà anh bị bắt?
ĐNY: Thực ra cũng không hẳn vì những hoạt động đó, nhưng cứ cái máu hoạt động, cái máu hướng đạo hay lăng xăng tham gia, khi các ban đại diện học sinh hội họp làm kiến nghị phản đối gửi Tổng thống và Quốc hội thì thế nào mình cũng dính vào. Nhưng đúng ra mình không bị bắt.


ĐTB: Anh có thể nói rõ về vụ kiến nghị đó? Có dính vào mấy cái vụ Trần Văn Ơn?
ĐNY: Trên nguyên tắc vụ kiến nghị không dính vào mấy cái vụ như Trần Văn Ơn. Hồi đó, tự nhiên mấy ông bên Bộ Quốc Gia Giáo Dục hay mấy ông nào đó cho ra quyết định những ai đỗ bằng Trung Học Đệ Nhất Cấp hạng từ Bình Thứ hay Bình gì đó trở lên mới được vào học lớp Đệ Tam trường công. Như thế là họ đẩy một số lớn học sinh không cho học đệ nhị cấp. Thành ra phía học sinh phản đối. Các Ban Đại Diện hội họp rồi làm kiến nghị. Kèm theo việc phản đối quyết định trên, thì cũng có thêm một hai yêu sách nữa có tính cách chung chung cho toàn bộ học sinh các lớp. Tôi thì không thuộc một ban đại diện nào, nhưng như trên đã nói, cứ cái tính hướng đạo, cố giúp họ tổ chức công việc sao có hiệu quả, nên cuối cùng tôi là người mang gửi những bản kiến nghị đó cho Tổng Thống, Quốc Hội,... Muốn cho chắc ăn, tôi ra bưu điện gửi bảo đảm.
Từ bản kiến nghị đó họ đưa đâu khoảng 14 người ra trước tòa, trong đó là 12 người đại diện của các ban đại diện học sinh, những người đã ký tên vào các kiến nghị. Trong nhữngngười ký tên có năm bảy người loại hoạt động, có những người vì là vào đại sau đó gia đình lo cho họ thoát được, họ học hành tiếp tục bình thường không có gì hết, có những người cũng bị sổ đen sổ đỏ hoài, có những người thoát ly luôn. Trong trường hợp tôi, tôi là người không có ký tên trên văn kiện nào hết, nhưng mà tôi lại ký trong hai cái loại văn kiện hành chánh, vì khi gửi những bản kháng nghị lên cho Tổng Thống và Quốc Hội thì phải ra bưu điện gửi bảo đảm, và hồi đó muốn gửi bảo đảm cho Tổng Thống và Quốc Hội thì họ biên căn cước của mình, thành ra nó có vẻ là một người tổ chức ở một dạng nào đó.
Có lẽ trong trường hợp của tôi là tôi hoạt động khá độc lập thấy cái gì tiện mình làm chẳng phải mình thuộc hệ thống nào, do đó nó cũng theo truy mãi, cũng theo dõi mình và để đấy thôi. Nhưng đến lúc đưa ra tòa thì lại lấy cái tên tôi gọi là Vụ án Đỗ Ngọc Yến và các đồng lõa.


ĐTB: Nghe nhiều người kể lại hồi đó vụ án mang tên anh cũng xôm tụ lắm, cũng cái kiểu “anh hùng” ấy mà. Người ta lạc quyên, người ta biểu tình, những chuyện trên có đúng không?
ĐNY: Cũng chẳng có gì to tát lắm đâu. Đại khái như thế này. Cả bọn ra tòa cuối tháng Giêng năm 59. Cũng lại là một kinh nghiệm nữa. Đó là tự nhiên không biết từ đâu có bao nhiêu luật sư đến để đề nghị biện hộ miễn phí. Một số trong các ông luật sư này là những ông đầu tầu của mấy ông tranh đấu sau này. Như vậy mình phải hiểu rằng mấy ông ấy đã được “bên kia” yêu cầu yểm trợ. Lúc xử án, lại nảy ra phong trào nhịn ăn điểm tâm để dành tiền trả luật sư biện hộ cho mấy người bị ra toà.
Đến ngày tòa xử lại có bãi khóa, học sinh vây nghẹt tòa án các song sắt hàng rào tòa án bị bám nghẹt. Chúng tôi phải khó khăn lắm mới vào được. Vì chúng tôi bị đưa ra toà chứ không bị bắt giam, ở nhà rồi tự đi hầu toà.Đến lúc chúng tôi vào đến toà, tập hợp điểm danh xong thì ông tòa nói là đình vô hạn định.
Đình mà đình vô hạn định thì tức là ai về nhà nấy.


ĐTB: Mặc dù bản án không có, nhưng anh vẫn bị trường Petrus Ký đuổi học? Điều đó khiến cuộc đời anh có thay đổi.
ĐNY: Tôi từ toà án đi về trường, lúc đó tôi học đệ nhị. Vừa đến trường thì hai ông giám thị chờ sẵn kẹp cổ tống ra ngoài cửa trường và bảo từ rày trò không được trở lại trường này nữa vì sáng nay hội đồng giáo sư họp đã đuổi học vĩnh viễn. Đó là khoảng cuối Tháng Giêng năm 1959. Buổi sáng đi thẳng ra toà, rồi về trường thì bị đuổi. Lúc đó tôi đang là Trưởng Ban báo Chí của trường. Để lại đống bài vở cho các bạn trong ban, xin đi lấy xe đạp, rồi lững thững đạp về nhà. Đạp xe đến nhà thì ông cụ đã được báo là tôi bị đuổi học từ sáng rồi.
Sau buổi sáng đó tôi đi khỏi trường Petrus Ký.
Thành ra trong cuộc sống đời tôi có khác với nhiều bạn khác. Bình thường, ở mỗi lứa tuổi người ta có một số kỷ niệm, một số kinh nghiệm giống nhau. Thí dụ ở tuổi mười mấy thì có những kinh nghiệm đúng với tuổi đó. Ở đây, tôi có những kinh nghiệm hơi sớm trước tuổi, ngoài kinh nghiệm đi học, mà lại không có kinh nghiệm hồi còn bé như đánh đáo, đánh điếc, bắn chim.
Nó cũng là hoàn cảnh chiến tranh. Chiến tranh trong nước ta xảy ra trên hai ba bình diện, nội chiến, ý thức hệ này kia, không phải bây giờ người ta mới tận dụng đám trẻ con như làbên Phi Châu, đám trẻ 13, 14 tuổi cầm khẩu súng bazoka hay là mặc bộ đồ lính của người lớn nom nó buồn cười. Thời đó người ta cũng sử dụng trẻ con nhưng mà tinh vi, vô cùng tinh vi, hệ thống lớp lang và nó có một kinh nghiệm là mấy chục năm ở Việt Nam, Trung Quốc, ở ngoài Bắc vào trong Nam mấy chục năm, mấy thế hệ như vậy.
Thành thử cái đó đối với Tây Phương đó là cái gì nó hơi lạ nhưng đối với xứ nông nghiệp, xứ Đông Nam Á mình thì nó thành là chuyện bình thường ai cũng có thể trải qua được. Đó cũng là cái điều mà người Mỹ không hiểu được về đất nước, con người Việt Nam.
Đôi khi có những người rơi vào giữa cuộc chiến của hai hệ thống, bị hút vào đó như một cơn lốc.


HTC: Anh Yến đã có thời gian nào đi tản cư trước 54?
Đ.N.YẾN: Trong trường hợp của tôi, trong giai đoạn tản cư có xảy ra nhưng ngắn và gần, nghĩa là chỉ chung quanh Sài Gòn chứ không đi xa. Hồi đó tôi đi tản cư ở Lái Thiêu (mấy vườn sau này mà chúng ta đi cắm trại ăn trái cây), để tránh Nhật bỏ bom tại Sài Gòn vào cuối 44 đầu 45. Tôi không có cuộc tản cư lớn. Nhưng lúc biểu tình 25 tháng 8, sau này ông Tạ Thanh Sơn đặt bài hát, “Mùa thu rồi ngày 23 ta đi theo tiếng kêu sơn hà nguy biến...,” thì đó là ngày 23 tháng 8 có cuộc nổi dậy giành độc lập theo lệnh Tổng bộ Việt binh, còn vụ 2 tháng 9 là sau nữa.
Trong đầu óc tôi là những cảnh nên thơ, tản cư là các cụ thuê các xe cá. Xe cá là xe ngựa kéo, nhưng xe cá có ít nhất hai con ngựa kéo Còn xe ngựa, xe thổ mộ, chỉ có một con ngựa thôi. Xe cá giống như xe minivan, phía trên rộng có thể để tủ lớn chồng lên nhau. Xe cá này chở người tản cư từ Sài Gòn về phía ngoại ô, thường thì chạy về Lái Thiêu hoặc Tân Quy vì ở đây có nhà vườn nhiều. Người dân Sài Gòn chạy về đó đồng bào tại đây cho tá túc. Những nhà tá túc về sau, khi đến năm 54-55, tôi hay đạp xe đạp về vùng đó chơi, đi thăm những cụ già. Đặc biệt năm 55 tôi đạp vô vườn chơi, có chứng kiến một cảnh, sau này mới vỡ lẽ ra, lúc đó tôi khoảng 13-14 tuổi, tôi thấy mấy ông nông dân mặc quần áo đen ngồi đầy, đông lắm, ngồi rất trật tự, sau này tôi mới hiểu là mấy ông tập kết.
Nhưng hình ảnh tôi nhớ rõ nhất là cái hình ảnh mà trong sử cũng nói, là dân ở Uỷ ban hô hào dân chúng xuống đường đi ra đường Catinat, ông già tôi đã dắt tụi tôi đi từ sáng sớm, ghé tiệm Tàu đầu đường làm ly cà phê mà ông Bình Nguyên Lộc từng mô tả là “đổ ra cái dĩa” uống, lúc đó tôi khoảng 4 tuổi.
Sau đó cảnh nhớ nữa là cảnh Tây đi xét nhà. Đầu tiên chúng chỉ xét thôi, xong có mấy người Việt Nam đi theo bắt mở tủ, rương... ra, rồi thấy đồ đạc chúng lấy đi. Tụi Tây và người nhà mình thấy vậy thì bắt phải trả lại. Nhưng cái cảnh bắt đầu biết sợ là sợ cảnh bị Tây bố. Hồi đó cứ sáng sớm: “đi bố, đi bố” nghĩa là Tây bao hết vùng đó, trước cửa trường Nguyễn Bá Tòng, tất cả đàn ông bị lùa hết ra ngoài khu đất trống, nằm trước cửa nhà tôi. Tất cả ngồi chồm hổm, hai tay để lên đầu; đàn bà con nít thì đứng lóng ngóng quanh đó. Sau đó bị lên xe “cây” chở về bót. Sau rồi đến “bao bố nhìn mặt” nghĩa là cho những người đi nhận diện, những người này thì được chụp bao bố lên đầu. Tên nào bị nhìn mặt và gật đầu thì bị giữ lại, không có thì cho về. Về sớm nhất là những ông công chức, gần nhà tôi có mấy ông công chức Sở Hỏa Xa. Sở Hỏa
Xa không phải là của nhà nước nhưng có chế độ công chức nên được ưu tiên. Và từ đó trong đầu tôi có ý niệm thế nào là công chức, công chức thì oai quyền lắm, làm công chức thì an ninh, rồi được về trước cho đi làm. Chờ đến chừng 10-11 giờ nghe nói ông già được thả về thì mừng, còn giờ đó không được thả về, mà tin “bao bố trùm mặt” gật đầu thì chết. Đây là những giây phút điếng hồn của những gia đình lúc bấy giờ. Vài năm sau thì lựu đạn nổ ngay trước cửa nhà. Hay trong những năm đó, hình ảnh những ông Việt Minh cứ đến nhà xin tiền bố tôi — thời đó thanh niên ngày ấy ai cũng tầm vông vạt nhọn đi quanh quanh khu phố — hay có những ông bạn già đến nhà... và sau đó mới biết rằng đó là những ông Việt Minh, nôm na là những người bị bắt rồi thả ra. Thường những người được thả ra bị đánh đập xơ xác rách mướp, đau ốm ho lao, phải đi loanh quanh xin tiền. Những gia đình bình thường dù muốn dù không ai cũng giúp đỡ. Và những cảnh này cứ trở đi trở lại hoài.
HTC: Đó là thời dưới chế độ của Tây. Còn hồi nhỏ anh cũng không có một thời gian nào sống dưới chế độ Việt Minh?
Đ.N.Y: Không. Nhưng ngược lại tôi lại hoàn toàn sống dưới chế độ mà bên kia gọi là “tạm chiếm.” Nhưng vì lý do đó tôi liên hệ (đến phía Việt Minh) nhiều nhất là khi vào học ở Petrus Ký, Petrus Ký là cái ổ! Khi tôi vào Petrus Ký thì vừa xảy ra vụ Trần Văn Ơn được hai năm, cao trào này đang từ từ đi lên. Trong trường Petrus Ký lúc này học sinh đi học là một chuyện nhưng mặt khác bị chi phối quan tâm đến một lối sống khác: họp hành, đọc sách báo này nọ... Nhà tôi lúc đó ở Bùi Thị Xuân, gần khu Bàn Cờ, Lê Văn Duyệt thì có hai bãi đất trống bán sách báo cũ — cũ đây là cách đó chừng 3, 4 năm thôi — các sách vào thời kỳ bắt đầu kháng chiến, mà đặc biệt là toàn là sách báo kháng chiến. Dần dần có sách báo của Thông Tin Hoa Kỳ. Những cuốn sách đầu tiên của Thông Tin Hoa Kỳ vào truyền bá về thế giới tự do. Tôi nhớ là báo Thế Giới Tự Do số hai là tôi đã được trông thấy, và tôi biết tòa soạn của Thế Giới Tự Do đặt ở lầu 4 tại phố như thế nào, mà khi đó tụi con nít chạy đến, tìm cách chạy lên thang máy vì hiếu kỳ.
Những cuốn sách đầu tiên được dịch ra là cuốn “Đêm hay ngày” của Koestler, cuốn “Tôi chọn tự do, chọn công lý” của mấy anh đi trốn ở Nga thật dày; trong đó cũng có những cuốn về văn hóa Mỹ như “Dũng sĩ da đỏ,” rồi “The Last of Mohican” của P. Coopper, lúc đầu là mấy cuốn đó. Rồi đến thời kỳ ông Diệm từ năm 1954 trở đi, mới dịch những loại sách văn học như cuốn “Kho tàng phiêu lưu” của Tom Sawyer, “Đôi bạn phiêu lưu”... Nhưng trước đó, những cuốn sách khác đều là sách chính trị hết, duy có vài cuốn về văn hóa như “Bác sĩ Aerosmith” của Sand Lewis có thể nói là sách nói hoàn toàn về Mỹ. Có một cuốn nổi tiếng “Tẩy Não Tại Trung Hoa Đỏ” (1949)...
Trong trường hợp của tôi, tôi khác với nhiều bạn vì tôi là một thằng bé lớn lên hoàn toàn trong thành phố, thành ra hai loại tranh đấu này tôi quen từ bé đến lớn: tranh đấu nội thành và công khai hợp pháp tranh đấu dưới một chế độ chính trị đặc biệt nào đó. Lúc đó mình đủ sức tò mò để nghĩ tại sao có sách như thế này, mà lại có thể phổ biến được, nhưng không hiểu tình hình chính trị ra sao? Sau này có một người thông thạo vấn đề đó cắt nghĩa mới hiểu. Lúc đó chính phủ Sài Gòn người ta để tình trạng như vậy để người Mỹ quan sát thấy là có tài liệu cộng sản khắp mọi nơi, hoạt động cộng sản tưng bừng khắp ngõ, để người ta sợ chế độ cộng sản mà ủng hộ viện trợ cho phe Tây ở Việt Nam.


HTC: Lúc đó anh đã đọc được những sách của ông Hoàng Văn Chí chưa? Cuốn mỏng, nhỏ cũng do Thông Tin Hoa Kỳ xuất bản?
Đ.N.Y: Sách Thông Tin Hoa Kỳ, tôi đã xem xét từ đầu, bởi vì từ năm 49 hoạt động, thì mấy năm đầu chưa có loại sách đó đâu. Hai cuốn của Thông Tin Hoa Kỳ lúc đó nổi tiếng nhất là cuốn sách hình “Tám bậc vĩ nhân” (Hoa Kỳ) trong đó có từ ông Washington đến ông Jefferson rồi ông Headman rồi trong đó có một ông Tây đen là ông B. Washington (?), rồi một ông thi sĩ Whitman, rồi ông G. Nixon... Rồi đến báo Thế Giới Tự Do, số đầu tiên thì tôi không biết nhưng tôi biết số Thế Giới Tự Do 2. Còn nhà xuất bản của Thông Tin Hoa Kỳ lúc đó được đặt tên là Tân Á. Rồi báo Sức Mạnh và Tự Do, đây là báo người ta bỏ... nhà cầu. Tôi có đọc một đoạn trong tờ báo này về “Đêm hay Ngày” và bắt đầu hiểu, khi ấy tôi khoảng 11-12 tuổi, hiểu rằng cuốn này đặt đề tài là nếu anh chấp nhận thế này thì anh là cộng sản rồi, tức là ở đời quan trọng nhất là tự do với cơm áo, nếu anh muốn có cơm áo thì phải chấp nhận cộng sản, còn chấp nhận tự do thì phải cãi nhau với cộng sản.
Hồi đó sách vở cũng đủ sức để dạy cho mình những hiểu biết, lúc đó tôi chừng mười mấy tuổi.


P.P.M: Anh Yến vừa nói lúc nãy là ở trường Petrus Ký thời ấy là cái ổ. Tôi cũng hiểu được đó là cái chỗ mà ông Huỳnh Văn Tiễn, Lưu Hữu Phước... những vị mà sau này nổi tiếng về cách mạng, đó đúng là một chỗ quy tụ những trí thức yêu nước, những người ý thức về thân phận của dân tộc của đất nước để bắt đầu tranh đấu. Truyền thống đó đã tiếp tục cho đến vụ Trần Văn Ơn, đây cũng là một yếu tố nuôi dưỡng, mà sau này khi tôi vô học Petrus Ký tôi cũng thấy không khí đó ở trong lớp học sinh cũ của Petrus Ký. Khi chơi với các anh Yến, Lê Đường, Trần Đại Lộc là còn hào quang của những năm cuối 40 đầu 50, còn phảng phất tại Petrus Ký. Chuyện hoạt động bí mật thời đó thì coi như là những thần tượng.
Đ.N.Y: Nói tóm tắt là nó có những truyền thống, và hai là nó có nề nếp rồi. Nghĩa là lớp nào nó cũng có những người, hai ba loại: loại lăng xăng có liên hệ với những tên hoạt động lớn hơn chừng hai, ba tuổi, hai ba lớp hay là thân nhân ở ngoài. Trước đó thì nó không có gì hết nhưng sau bị ảnh hưởng của những anh kia. Trong trường hợp tôi, trước đó tôi không có liên hệ với ai hết, nhưng lúc đó tôi là xì-cút (Hướng đạo). Trong xì-cút có dạy nhiều thứ như dạy anh phải là một thành phần nào trong lớp của anh, nghĩa là trong lớp cần gì thì anh phải tự nguyện v.v... Thầy giáo ở Petrus Ký cũng có nhiều thầy hóc búa như ông Giám thị, nhưng cũng có một số thầy luôn luôn kích thích tinh thần yêu nước của học trò. Tôi còn nhớ năm học Đệ tứ, một thầy giáo dạy Sử Địa, mà người này đã từng ở tù thời Trần Văn Ơn. Ông này đã dạy Sử trong tinh thần kích thích học trò. Thầy giáo này mê báo Đời Mới của ông Hoàng Thương lắm. Năm học Đệ tứ tôi đã có gần đủ số báo Đời Mới này (có khoảng 154 số) — đến tháng 4 năm 1955 thì tờ báo đóng cửa — tôi chỉ đi ra nhặt ở đầu đường bán lẻ. Ngày tôi bị ra tòa rồi đi tù tôi mang hết bộ đó biếu cho người thầy này. Khi ra khỏi tù, cảnh sát cứ theo điều tra xem mình bị ảnh hưởng bởi những ai, ai nói cho mình điều này, ai nói cho mình thế kia.


PPM: Anh vừa nói cái vụ bị ra tòa và bị đi tù, anh nói sơ lại chi tiết này một chút.
Đ.N.Y: Có hai lần. Thời kỳ đi tù đầu là năm 1957, lúc đó tôi 16 tuổi. Ông Minh học xong Đệ tứ (ở Miền Trung) để vào Nam học Đệ Tam, còn tụi tôi học dưới này Đệ Ngũ, Đệ tứ lên. Trước đó thì vẫn tự động lên Đệ Tam nhưng đến năm đó vào khoảng tháng 3, một thông tư của Bộ Giáo Dục là, từ giờ trở đi ai là học sinh Đệ tứ muốn lên Đệ tam phải đỗ “bình thứ,” nếu không có thì phải thi vào. Tự nhiên là tương lai của đại đa số bị đe dọa. Từ chuyện này đã phát sinh ra phong trào Kiến nghị. Vào khoảng đầu năm 1957, cả lớp có 40 chục người Kiến nghị thì đứa nào cũng ký vào hết, nhưng phải có một học sinh đại diện, mà thường học sinh đại diện này phải là người học giỏi trong lớp. Như thế có 10 lớp Đệ tứ có 10 lá thư như vậy. Mỗi lá thư đính kèm 30, 40 chục chữ ký. Chẳng những trường Petrus Ký làm thế mà tất cả những trường công ở Sài Gòn đều làm, (và người đại diện ký kiến nghị cho cả trường Trưng Vương là bà Dung (vợ anh Cát bây giờ). Thế là cả Sài Gòn kể cả trường Nguyễn Trãi, Chu Văn An đều ký, nhưng đến khi ra tòa thì không có những học sinh này. Chẳng những trường dưới miền Tây như Nguyễn Đình Chiểu ở Mỹ Tho, trường Thoại Ngọc Hầu ở Phan Thanh Giảng cũng đều ký hết.
Khi kiến nghị thì phải đèo theo hai điều, là đèo theo học bổng, cải thiện về giáo dục. Phong trào này xảy ra đầu năm 57, đây là năm đầu tiên đấu tranh Chống Hiệp Thương. Trên nguyên tắc là năm 56 thì đòi Hiệp Thương nhưng hai bên lắc đầu nhau, đến 57 điều này xảy ra thì là con đẻ của chuyện kia thôi.
Các trường lớp được tổ chức họp tại Sài Gòn, rồi miền Nam mười mấy trường họp lại trong một nhà hóc bà tó tại Bàn Cờ. Tôi thì không đại diện lớp đại diện trường nhưng tôi lại là người tổ chức cuộc họp đó mà địa điểm lại không biết ai cho mượn (vì tất cả đều là bạn bè, người một tay). Tôi lại là người tổ chức đi lại, ăn uống và cuối cùng tôi là chủ tọa của buổi họp đó, bạn bè tôi thì được dặn để làm này nọ, còn tôi thì không ai dặn hết, chỉ vì tinh thần xì-cút mà có tinh thần tổ chức. Vì là chủ tọa cho nên sau đó tôi ra bưu điện gửi thư cho Tổng thống và Quốc Hội. Tất cả những thư từ lúc đó khi gởi cho hai cấp đó phải có số căn cước của mình, còn nếu gởi thư bảo đảm thì không thành vấn đề. Khi đưa căn cước là tôi thầm biết, “Me,ï lúc này là bắt đầu lãnh đủ rồi đấy nhá!” Nhưng đã lao theo thì phải tới luôn. Và dĩ nhiên là thơ không đời nào có câu trả lời. Thế là phải họp lại và xuống đường.
Cuộc xuống đường tại Nha Trung Tiểu học đường Lê Văn Duyệt trước cửa Tao Đàn, nơi trước là văn phòng Thủ tướng Ngô Văn Thinh ngày xưa treo cổ chết, mà tôi là đại diện của phe biểu tình 200, 300 trăm người với cờ xí. Tôi vào nói chuyện với ông Tổng Giám Đốc Trung Học Bùi Phượng Trì. Xong về nhà, đến ngày hôm sau thì mới thấy những bạn kia đến nói cảnh sát ở quận nhì quận nhất quận ba gọi tôi.
Mới đầu chỉ có 1, 2 thằng báo tôi còn không tin nhưng sau đó 7, 8 thằng báo tin thì biết đúng là nó đã lùa hết đám này ra rồi.
Thằng nào cũng báo tin cho biết là họ đang đi tìm xem vụ này có những ai. Đến lúc này tôi biết tình hình nguy đến nơi. Tôi dò hỏi thì biết cảnh sát đặc biệt miền Đông ở chỗ Mạc Đỉnh Chi, tôi đến trình diện, “Tôi đây không cần phải đi tìm.” Thế là cảnh sát giữ tôi ở đó.
Trong bản khai tại đó có những câu hỏi rằng: Những ý kiến này là của ai. Tôi biết vậy nên nhất định chứng minh rằng đó là ý kiến của chính anh em học sinh. Thế là tôi bị giam một thời gian sau đó thả ra. Trước khi thả ra tôi phải ký vào giấy cam kết phải báo cáo cho họ biết nếu có những ai tiếp xúc... Tôi ký xong về và suy nghĩ tìm cách báo cho mọi người biết là tôi đã bị theo dõi rồi các anh đừng liên lạc với tôi nữa. Nhưng tôi khám phá ra rằng tất cả những người chơi với tôi cũng đều đã được dặn như vậy hết rồi, nghĩa là không đứa nào liên lạc với đứa nào nữa. Thì rồi lại yên.
Trong năm Đệ tam đó, tôi đang hoạt động tưng bừng thì tự nhiên hoàn toàn bị cô lập. Sau đó vài tháng thì cũng có người đến liên lạc nhưng không phải là chuyện học sinh nữa mà lúc đó là họ liên lạc, mời tôi đi họp trong Tổng Liên đoàn Lao động, lập một nghiệp đoàn Văn Nghệ Sĩ, bây giờ là đấu tranh văn nghệ từ những rạp hát, cải lương, báo chí v.v...


PPM: Nghiệp đoàn văn nghệ sĩ? Lúc đó anh đã là văn nghệ sĩ, đã viết lách gì chưa?
Đ.N.Y: Tôi đâu có viết lách gì, nhưng đại khái mình là dân hoạt động. Rủ là tôi đi. Vô họp đây thì bàn bên cạnh là bàn công an. Tụi công an ngồi đó 24/24 để ghi lại tất cả những chuyện đó vì là đấu tranh công khai mà. Tôi lại nghĩ thầm, “đây lại là cái rắc rối nữa đây. Nhưng kệ, làm thì cứ làm.” Lúc này tôi cũng đã bắt đầu chơi với đám văn nghệ sĩ rồi nhưng cũng chỉ là tép riu thôi, nhưng vấn đề là hệ thống tổ chức tức là anh đã bị lộ phía học sinh rồi thì họ sẽ (đưa anh) vào sâu sang hoạt động khác, vì đây là một hệ thống có tổ chức mà. Sau đó khó khăn thì họ dặn tôi đừng liên lạc với Liên đoàn Lao động nữa, muốn liên lạc gì thì đi lên trên Hóc Môn, đi vào các vườn họp. Khi đi họp lên đường Chi Lăng, từ Chí Nhuận từ nhà ông Phạm Duy đi ngược về Bà Chiểu, cứ buổi chiều từ 4, 5 giờ muốn gặp thì đứng chờ ở đó có người đạp xe đạp ngang qua.
Rồi, như thế các bạn đã biết hồi nhỏ của tôi thế nào rồi đấy.

No comments:

Post a Comment