Tuesday, January 27, 2009

Nói chuyện với nhà báo Đỗ Ngọc Yến - 3


Sơ lược về Phong Trào Thanh Niên Thập Niên 1960 tại nước ta
Đỗ Tăng Bí
Hình: Phần lớn hình trong lọat bài này của Trần Đại Lộc & DVA
Cuối năm 1999, chúng tôi gồm những anh em từng làm việc chung với anh Đỗ Ngọc Yến, dùng lúc nhàn tản để hỏi thăm Anh về một số điều trong những tháng năm trước đây chúng tôi chưa rõ. Những điều này được nêu ra với anh Yến dưới hình thức nói chuyện, nhưng thực ra là chúng tôi nêu những câu hỏi và Anh trả lời như một đóng góp hiểu biết của Anh. Về đề tài thanh niên, chúng tôi gồm Phạm Phú Minh và Đỗ Tăng Bí, hỏi thăm Anh về “Phong trào thanh niên tại nước ta.” Những tiểu tựa do người ghi đặt để tiện theo dõi. Bài này do Đỗ Tăng Bí ghi, đã đăng trên nhật báo Người Việt Tháng Giêng năm 2004.

Bối cảnh và quan niệm

ĐTB – Gần đây chúng ta thấy tại địa phương chúng ta một số hội đoàn thanh niên Việt Nam có những hoạt động mạnh mẽ, các tổ chức, nhóm sinh viên gốc Việt tổ chức sinh hoạt mang tính cách đặc thù Việt Nam. Những hoạt động của thanh niên thường mang tính cách tiên phong của những phong trào. Do đó, đề nghị anh Yến nói về Phong trào Thanh Niên tại Miền Nam trước năm 1975 vì chúng ta cũng từng sinh hoạt trong khung cảnh chung của thanh niên, sinh viên, học sinh lúc đó.
ĐNY – Muốn nói về Phong trào Thanh Niên ở nước từ trước đến nay, trước hết phải nói đến cái bối cảnh lịch, xã hội mà phong trào đó sinh hoạt. Nói về bối cảnh đó phải dựa trên vài đặc tính, trước hết phải có tính cách biên niên, để làm những cái mốc mà xem xét; thứ đến, phải đưa đến vài quan niệm căn bản, và cái đó là cái nền, ai đồng ý thì cứ thế mà nói, mà bàn, ai không đồng ý thì cứ thế mà phản bác; thứ ba, phải so sánh được cái trước và cái sau, hay là cái ở trong và cái ở ngoài.
Bây giờ, nếu nói về anh em mình, là về phong trào thanh niên của thập niên 60 - nói rõ hơn là giữa thập niên tức là cái năm 1965, thì tôi nghiệm ra là trước đó, những phong trào thanh niên của các thập niên trước cũng đều nằm vào khoảng giữa thập niên, như năm 1945, hoặc năm 1925-26 thời đám tang Phan Chu Trinh và vụ xử án Phan Bội Châu, rồi năm 1905 là vụ Đông Du Duy Tân và ngay ngày mất miền Nam cũng vào năm 1975, sau đó sửa sai trong nước CSVN xảy ra năm 1985, rồi đến năm 1995 cũng nọ kia. Thành ra những năm lẻ như vậy, nói chung trong thế hệ mà chúng ta là chứng nhân rõ ràng, vừa là tác nhân vừa là chứng nhân, thì là đám 1965, còn đàn anh của mình là 1945, trước đó là 1925, tổ tiên là những ông 1905. Còn đám 1975, 1985, 1995 đều là đàn em sau này.

Phong Trào Thanh Niên Thập Niên 1960 (1965)





PPM – Thập niên 1960, hay nói theo kiểu anh Yến nêu trên, là những năm trước và sau 1965, Miền Nam Việt Nam qua rất nhiều biến động, do đó bùng nổ nhiều sinh hoạt của thanh niên. Anh Yến có thể phân tích xem những bùng nổ đó gồm những gì? Tại sao lại bùng nổ? Và chúng ta có nên nhắc lại những năm 1954, 1955?
ĐNY - Năm 1965 là năm Mỹ khai chiến ở Việt Nam. Cuối tháng 7 năm 1965, Tổng thống Johnson đọc diễn văn tại đại học Brookings. Sau này sử gia của ông Johnson công nhận ngày đọc diễn văn đó là ngày ông ấy tuyên chiến. Còn trước đó một năm, tháng 8 năm 1964, khi Quốc hội Mỹ biểu quyết nghị quyết vịnh Bắc Việt: Cho phép ông hành động, nhưng thực ra thì chưa có hành động nào nhiều, về cụ thể thì Mỹ chỉ oanh tạc có một lần, chứ chưa đánh nhau. Phải đến năm 65 mới đánh nhau. Hoạt động của thanh niên như thế coi như cũng bắt đầu bùng nổ vào năm 1965, nhưng cụ thể đã có chuẩn bị từ năm 1963, lần đầu tiên có một phong trào thanh niên kể từ năm 1954-1955.
Năm 1954 xẩy ra cuộc di cư của gần một triệu người Miền Bắc vào Nam. Đến năm 1955 xẩy ra chuyện thanh niên sinh viên học sinh tấn công khách sạn Metropoll, Majestic, nên năm ấy nẩy lên phong trào thanh niên trong nước, một phong trào ngắn gọn, đẹp và chính phủ lúc đó vận dụng thành phong trào nhân dân để đánh đuổi anh cộng sản miền Bắc, từ đó đi tới chuyện từ chối tổng tuyển cử một năm sau.Năm 1956 ông Ngô Đình Diệm có cớ và có sự tin tưởng hoàn toàn để trả lời "Không" đối với thư đề nghị của ông Phạm Văn Đồng. Đầu năm 1956, ông Phạm Văn Đồng gửi thư cho Thủ tướng Miền Nam, nhắc về vụ thi hành điều khoản trong hiệp định Genève rằng hai năm sau khi ký thì tổng tuyển cử, yêu cầu sắp xếp... Và ông Ngô Đình Diệm đã trả lời mạnh mẽ rằng xin lỗi ông, không có chuyện đó, chúng tôi có ký đâu mà chúng tôi thi hành? Rồi bên Mỹ lại ra tuyên cáo nói rằng Mỹ ủng hộ Việt Nam...Mỹ cũng không bị ràng buộc. Như thế phong trào thanh niên lúc này nổi lên là hành động dứt khoát phá vỡ vấn đề ủy ban liên hội quốc tế đình chiến. Phong trào thanh niên này chỉ bộc phát trong vòng một tuần lễ. Hiện nay vẫn còn nhiều ngưoi là chứng nhân, mà chứng nhân rõ ràng nhất là ông Nguyễn Mạnh Cưong, vì trong vụ này ông đã bị đập đầu vào tưong, và có thể bị điên, "thân tàn ma dại" sau này về chuyện đó. Lúc này chính phủ cũng làm hình thức là đưa các ông này ra tòa về vụ phá phách khách sạn nơi phái đoàn hà Nội ở, để che mặt ủy hội quốc tế. Bên trong thì cung cấp luật sư, rồi thăm viếng, nhưng cho biết rằng đến đó là thôi, chính phủ chỉ yểm trợ thanh niên đến mức đó. Nhóm ông Trần Minh Công cũng có dính dáng đến phong trào thanh niên lúc đó.
Tóm lại năm 1955-1956, dưới thời Đệ Nhất Cộng Hòa hay sau Hiệp định Genève, có phong trào thanh niên hoạt động. Còn năm 1954 phong trào thanh niên chỉ là những buổi hội thảo về báo Sóng Đạo. Sinh hoạt thanh niên hồi đó đổ vào vấn đề lý thuyết vì đông đảo sinh viên hồi đó là thành phần đại trí thức của xã hội, đều phải chạy vào trong Nam, bỏ lại nhà cửa sự nghiệp ở miền Bắc, và đều có chung một câu hỏi lớn là "Tại sao như thế này? Rồi cái gì sẽ xảy ra nữa?" Nên từ đó đẻ ra tờ Ngưoi Việt, và đẻ ra tờ Sáng Tạo,... Như vậy phong trào này không có tính chất chính trị vì quốc tế làm chính trị giùm rồi - ký hiệp định Genève...
Như thế đến năm 1955 mới có phong trào thanh niên đánh cộng sản trong nước nhưng mãi đến năm 1963 mới có phong trào thanh niên chính thức, tại sao? Vì vụ Phật giáo trong nước. Sau này lịch sử nhắc lại về việc đàn áp Phật giáo trong năm 1963 không phải là động cơ chính để chấm dứt một nước Cộng Hòa, mà phải kể đến các lý do về sự bất đồng đường lối giữa các vị lãnh đạo miền Nam không nhận cho quân Mỹ vào Việt Nam khiến chiến thuật của Mỹ phải thay đổi, và vụ Phật giáo thành cái cớ - khó lòng mà đẩy đi xa tới chỗ nói rằng là nó đẻ ra vụ Phật giáo - nhưng có thể lý luận được rằng chính phủ Mỹ vận dụng vấn đề Phật giáo vào mục tiêu chấm dứt nền Đệ Nhất Cộng Hòa, đó là một điểm mà trước đến giờ ít ai nhắc đến. Trong thời gian sắp tới bắt buộc phải làm sáng tỏ chuyện đó, nhất là khi có những tài liệu mới và khi có những sự tranh chấp giữa Phật giáo và Công giáo của ngưoi Việt Nam với nhau được đưa lên bình diện lịch sử và chính qui hơn.
Năm 1963 là năm giải tỏa sức mạnh của thanh niên, việc này nổ bùng vào ngày 25 tháng 8, tức là sau mấy ngày vụ đàn áp Phật giáo bị tấn công vào chùa Xá Lợi (20-8). Rồi một năm sau đó, 1964, có một buổi kỷ niệm 1 năm đấu tranh của sinh viên để đưa đến vụ hạ bệ ông Nguyễn Khánh. Nếu không có cái ngày kỷ niệm này thì cũng khó lòng tập họp dân chúng.
Trong năm 1964 thì phong trào thanh niên gồm một số đoàn thể sau:
- Số đoàn thể thanh niên chính thức được đăng ký trong Tổng Nha Thanh Niên vào cuối năm 63 vào khoảng 8 đến 11 đoàn thể, vì thời ông Diệm đã không cho một đoàn thể nào ra đoi. Những đoàn thể lúc đó là đoàn thể về tôn giáo: Sinh viên Phật giáo; Tin lành; các hội như Hội Thanh niên Hồng Thập Tự, Hội Thanh Niên Thiện Chí của quốc tế, hay tổ chức lâu đời và quốc tế nặng về giáo dục là Hướng Đạo.... Công giáo lúc đó thì có Hùng Tâm Dũng Chí, Thanh Sinh Công (là học sinh trung học), Thanh niên đại học Công giáo (ngưoi đi họp hội nghị quốc tế của Thanh Sinh Công lúc đó rồi lập ra hội đó là Nguyễn Hữu An, học Tabert.)
- Sáu tháng sau, tháng 3 năm 1964, sau khi ông Diệm bị ám sát, cái list của Hội đoàn thanh niên trong Bộ Thanh Niên lúc đó lên khoảng 40-50 đoàn thể, nhưng thật sự nó chỉ gap đôi số cũ là có tổ chức thôi.
ĐTB – Anh vưa điểm qua những đoàn thể thanh niên của thời Đệ Nhất Cộng Hòa. Nhưng còn một lực lượng thanh niên có từ lâu đời, từ 1945 đến nay, đã nhiều lần đóng góp những hoạt động mạnh mẽ có, lãng mạng có, kiểu như “Sinh viên hành khúc” của Lưu Hữu Phước. Đó là lực lượng sinh viên đại học, và ngay cả học sinh trung học như chính Anh những năm 1954, 1055. Anh có thể mô tả hoạt động của lớp thanh niên này?
Đ NY – Đúng vậy, lúc đó có một lực lượng quan trọng không phải thanh niên mà là phong trào sinh viên. Nhưng trong lực lượng sinh viên không phải lúc nào cũng thuần nhất. Có nhiều khác biệt giữa trường này trường kia, vùng này vùng kia. Thực ra, sinh viên đâu có phải là một đoàn thể, một tổ chức.
Phong trào sinh viên ở tại Sài Gòn chia ra hai hệ thống: (1) Hệ thống rất ít ngưoi nhưng rất chọn lọc ở Phú Thọ. Hệ thống Phú Thọ tuy nhỏ như có đến 7-8 trường như trường Công Chánh, Hóa Học, Kỹ Nghệ, Hàng Hải... lấy bằng bốn năm nhưng mỗi năm chỉ có vài ba chục thanh niên, nhưng họ đã thành lập một Hội Đồng Sinh Viên tại đây. (2) Tổng Hội Sinh Viên ở số 4 Duy Tân. Vào thời điểm trước sau 1963 , ở Tổng Hội Sinh Viên cũng có sinh hoạt của mấy ông Phú Tho,ï nhưng dựa vào 7 trường đại học chính ngoài này, đông nhất là ba trưong Khoa Học, Văn Khoa, Luật Khoa, những trường ít hơn là trưong Y Khoa, Dược Khoa, và có một trường không thuộc lực lượng nào là trường Kiến Trúc.
Như vậy những trường ở Duy Tân đó cộng với các trường ở Phú Thọ thành một tổ chức sinh viên Sài Gòn gọi là Hội Đồng Sinh Viên 14 đại diện, 14 lá phiếu ngang nhau, tất nhiên là khi bầu cử những ban đại diện do thành phần trường dưới này thắng cử vì lá phiếu phía Duy Tân đông hơn và từ đó cũng tạo nên một mầm mống phân ly. Một năm sau khi đã phát triển và phân hóa thì phía Phú Thọ đi về một phiá, phe Duy Tân đi một phía.
Đến sự phân ly thứ hai là giữa Sài Gòn và miền Trung. Trước đó các tổng hội ở Viện đại học Đà Lạt - Sài Gòn - Cần Thơ – Huế, bốn viện này họp lại thành một Tổng hội quốc gia. Tổng hội quốc gia này làm được hai việc: (1) Đi họp Đại hội Sinh viên Quốc tế nhóm kỳ thứ 9 (?) tại Tân Tây Lan, do ông Lê Đình Điểu và một anh nữa là Vĩnh Kha hay anh nào đó, có thể là anh Hoàng ở Đà Lạt). Sau đó tổ chức một trại sinh viên quốc gia ở Đà Lạt, đã nhận được trụ sở do ông Nguyễn Khánh giao là Trụ sở Số 2 đường Thống Nhất, sau này là trường Cao Đẳng Quốc Phòng. Trụ sở này rộng mênh mông có mấy chục phòng, nhưng chỉ được mấy tháng thì bị lấy lại. Nhưng việc kết hợp giữa Sài Gòn và Huế là hai trung tâm chính bị tan vì ở Huế trở thành phong trào đấu tranh ly khai.
Nói chung, sinh viên, học sinh chỉ là một nhân tố trong phong trào thanh niên. Những nhân tố khác phải kể đến là các Hội đoàn thanh niên. Trong Hội đoàn này còn có hai tổ chức như Thanh niên Chiến đấu (tổ chức sau này giống Nhân dân Tự vệ hay Xây dựng Nông thôn ở cấp quận, các tỉnh) thuộc hệ thống của Tổng Nha Thanh Niên do Ty Thanh Niên tổ chức. Gọi là Thanh niên Chiến đấu vì họ có võ trang. Một nhân tố khác là lực lượng đông đảo là các hội hay đoàn thể tôn giáo, các hội sinh viên như Phật giáo, Công giáo, đại học. Đó là lực lượng có hành động chính trị, nhưng không dùng võ trang mà chỉ đấu tranh như căng biểu ngữ, xuống đường...
PPM- Chúng ta đã nói qua thời kỳ 54-55 đến năm 1963, trong thời kỳ này không có phong trào thanh niên nào rõ rệt, nhưng có một phong trào thanh niên của chính quyền là Thanh niên Cộng hòa, đối với những người sống trong thời đại đó, thì phong trào thanh niên này chỉ có hình thức thôi chứ không thực chất. Nhưng đối với thế hệ sau không rõ, có thể cho đây là một cái gì lớn lao có lý thuết đàng hoàng. Xin anh nói qua một chút để làm sáng tỏ hơn.
ĐNY - Như vậy chúng ta phải kể thêm một lực lượng thanh niên khác nữa, nhưng lực lượng thanh niên này có thì các nhóm kia chưa có, và khi các nhóm khác ra đời thì nhóm này đã chết rồi, đó là các Thanh niên Cộng hòa và Thanh nữ Cộng hòa song song với một phong trào nhân dân khác là Phong trào Phụ nữ Liên Đới của Đệ Nhất Cộng Hòa. Tất nhiên dụng ý của nhà tổ chức rất sâu xa nhưng thực chất thì không có gì cả vì ngay trong ngày 1-11-1963 khi lãnh tụ của họ là Cao Xuân Vĩ kêu gọi họ xuống đường để bênh vực lãnh tụ của chế độ thì không ai xuống đường cả. Và sau đó thành viên của các tổ chức nàyï cũng không bị chế tài gì cả. Thật sự phong trào này đã bị chìm dưới phong trào Ấp Chiến Lược. Những người đi Ấp Chiến Lược thì ai cũng mặc đồng phục và đều được gọi là Thanh niên Cộng hòa cả. Mặc khác những phong trào đó dù không thành công, không tạo ra một thành tích nào đáng kể nhưng nó đã thu hút được một số cán bộ mà những cán bộ của Thanh niên Cộng hòa sau này trở thành ra những đơn vị hoạt động về chính trị trong Quân đội, hay thuộc về các phong trào khác sau này khi có sự phân hóa tại các địa phương.
Phần lớn những người hoạt động thanh niên trong thời kỳ những năm chính của Đệ Nhất Cộng Hòa tức là từ năm 1955 đến 1962 thường là thành phần di cư. Thành phần di cư này gồm ba gốc: Hà Nội, Bùi Chu Phát Diệm, Nghệ Tĩnh Bình. Đặc biệt là Nghệ Tĩnh Bình tuy rằng con số không đông nhưng nó quan trọng vì họ là những ngưoi thân tín của chế độ (giống như quân Thanh Nghệ ngày xưa), vì nhóm này là nhóm ủng hộ ông Diệm đầu tiên nên được tin cậy và được đưa vào nhiều nơi trong chính quyền. Nhưng đến cuối đời của Đệ Nhat Cộng Hòa thì nhiều ngưoi đưa ra thắc mắc về bè phái địa phương, nên ngưoi ta che giấu nguồn gốc của những địa phương ít ngưoi, xa lạ với miền Nam. Trong miền Nam thì bắt đầu có ý thức địa phương, họ bắt đầy xây dựng liên hệ, từ đó đẻ ra phong trào Liên Trường... (Và ngày nay tại hải ngoại ngưoi ta đang làm sống lại phong trào Liên trường, thay vì Liên trường Miền Nam thì là Liên trường gồm tất cả Bắc Trung Nam của Việt Nam Cộng Hòa.)
Như vậy phong trào thanh niên của thập niên 60 bắt đầu năm 63 với việc lật đổ ông Diệm, xuyên qua cuộc đấu tranh bảo vệ Phật giáo. Rồi đến 1964, thành ra phong trào thanh niên sinh viên học sinh là họ tham gia vào đủ mọi vấn đề, từ chính trị đến xã hội đến kinh tế (ủng hộ những ngưoi lao động đình công) v.v...
ĐTB - Lúc đầu anh Yến có nêu lên nhận xét là những sự kiện quan trọng thường xẩy ra vào năm lẻ ở giữa thập niên. Năm 1965 có phải là năm như vậy không, lý do nào khiến phong trào thanh niên sôi động ở năm này, và như thế nào?
ĐNY - Đến năm 65 thì phong trào lớn mạnh vì nhiều lý do:
(1) Về chính trị phong trào thanh niên đã lên tới tột đỉnh vào tháng 9 tháng 10 năm 1964, tức thời gian lật đổ Nguyễn Khánh. Đó là cái lớn nhất của phong trào lúc đó. Cái hiệu quả, cái sức mạnh của phong trào thanh niên đã đạt được năng suất cao nhất qua việc lật đổ này. Nhưng tổ chức chính trị hưởng được thành quả của phong trào lại là Phật giáo. Bằng cớ là đả đảo ông Khánh ở trước cửa trụ sở là sinh viên, mà từ đó xuống đường đi ra đến chợ Bến Thành thì lại là mấy Thầy. Thầy Trí Quang ngồi ở dưới chân tượng Quách Thị Trang. Cho nên tạo ra phản ứng cho Công giáo. Công giáo lại xuống đường tấn công các tổ chức sinh viên, đốt sạch, làm cho phong trào sinh viên mất cái đầu hướng dẫn , rồi đưa đến những vụ đánh nhau ngoài đường ở trường Cao Thắng, trường Nguyễn Trường Tộ, trường Nguyễn Bá Tòng suốt trong hai tuần lễ, đã gây sự hoang mang và khủng hoảng vì đây là cuộc chiến tranh tôn giáo. Rồi từ đó các chính đảng cũng khai thác tình hình để chặn bớt Phật giáo, để các đảng phái khác ra đời, mới đưa ra các chính quyền như chính quyền Trần Văn Hương, chính quyền Phan Huy Quát. Đến lúc trông thấy rằng dân sự chẳng có khả năng gì thì đến lượt Quân đội nhận chính quyền một cách lịch sự. Đầu tiên là quân sự nắm chính quyền rồi giao cho dân sự cuối năm 1964, đến tháng 5 năm 1965 thì ông dân sự lại ôm chính quyền đưa lại cho ông quân đội. Rồi Hội Đồng Lãnh Đạo Quốc Gia, ông Hành Pháp, đẻ ra cái nọ cái kia.. Tất nhiên đằng sau đó cả một sự sắp xếp của ngành ngoại giao của phía đồng minh lớn của Việt Nam là Tòa Đại Sứ Mỹ - chuyện này bây giờ khá rõ không ai còn lạ gì.
(2) Chiến tranh mở rộng, Mỹ vào - Vậy trong thời gian này phong trào thanh niên biến hóa ra sao. Tết năm 1965 (khoảng tháng Giêng), phong trào thanh niên lúc đó đã (1) đi qua khủng hoảng chính trị (suýt nữa nổ bùng với chiến tranh tôn giáo). (2) Nó được chứng kiến chiến tranh Việt Nam leo thang cực độ trong năm 1964 - tuy rằng chưa khai chiến chính thức nhưng tất cả những chuyện trong tương lai đều đã manh nha: bỏ bom Bắc Việt, giao chiến trực tiếp giữa quân đội hai bên, quân đội Mỹ đổ bộ ào ạt lên Việt Nam tăng gấp may lần, đưa đến nền kinh tế tại Việt Nam trở nên xáo trộn. (3) Rồi lại thêm thiên tai lụt lội cuối năm 1964...
Lúc đó “người ta” có những chiến lượïc, chương trình kế hoạch lớn để uốn nắn tình hình, nhưng về phía thanh niên trước mắt có mấy viễn ảnh: (1) chiến tranh sẽ lan rộng, (2) nên khả năng hoạt động của phong trào thanh niên rất giới hạn bởi vì nếu bất thành thì sẽ bị đàn áp, còn thành công sẽ bị lợi dụng để rồi đưa tới những mâu thuẫn khác.
Lúc đó phong trào thanh niên nhận thấy rằng ở trong nước đang có ba nguy cơ: (1) chiến tranh (2) mâu thuẫn tôn giáo (3) sự lấn chiếm miền Nam của phía bên kia. Vì thế hầu hết anh em trong phong trào thanh niên hoạt động tại Sài Gòn đứng trước ngã ba đường: Nếu tiếp tục hoạt động chính trị thì phải dựng lại Tổng hội Sinh viên (vì đã bị đốt cháy); còn muốn tham gia giải quyết chiến tranh thì lúc đó lệnh Tổng động viên đã có tuy chưa nhiều vào đầu năm 1964; còn muốn cách mạng xã hội thì không thể tiến hành trong một nước chiến tranh loạn lạc, và không thể nào chấp nhận được sự cách biệt giữa thành phố và nông thôn... Lúc đó phát khởi phong trào Liên hội Công tác Nông thôn vì ngưoi ta ý thức rằng nông thôn và thành thị xa cách nhau quá, nếu tình hình không thu hẹp lại thì sẽ khủng hoảng lâu dài. Từ những vấn đề trên, phong trào thanh niên phải giải quyết như thế nào đây? Họ đề ra những xu hướng như : hòa giải với nhau, nhóm sinh viên tôn giáo kết hợp với nhau, điều này xuất hiện từ các ngưoi lãnh đạo tôn giáo, thí dụ như đối với Phật giáo đây là đường lối của thầy Thiện Minh chứ không phải của các đoàn trưởng sinh viên Phật tử, bằng cớ là sau đó các cuộc họp đưa đến sự làm việc chung giữa giới trẻ với nhau diễn ra tại trụ sở của thầy Thiện Minh tức trụ sở của Tổng vụ Thanh niên Phật tử (nằm sau lưng cư xá Phục Hưng), sau này thì mang trụ sở về Công Lý. Còn bên Công giáo thì chơi trò thiểu số, tức là họ đi theo chứ không có sáng kiến.




Chương Trình Hè 65

PPM – Năm 1965 cũng là năm ra đời “Chương Trình Hè 65” mà một số chúng mình đều có dính vào. Vậy Chương Trình Công Tác Hè có phải là một cơ hội được tạo ra để “đoàn kết” thanh niên?
ĐNY – Thực ra Chương trình Công tác Hè cho đến bây giờ cũng còn có nhiều ẩn số vì không biết ý niệm lúc đầu ở đâu đưa ra và tiến hành như thế nào, nhưng đại khái là có rất nhiều cuộc thăm dò trong giới thanh niên xem làm cách nào sắp xếp lại lực lượng thanh niên. Tên chính thức của chương trình là “Chương Trình Công Tác Hè 65 – Thanh Niên Sinh Viên Học Sinh”, sau này người ta quen gọi tắt là Chương Trình Hè 65, Chương Trình Công Tác Hè, ngắn nhất là Chương Trình Hè. Khẩu hiệu của những người thực hiện là làm cách mạng xã hội mà làm một cách bảo thủ, êm dịu tức là làm cách mạng xã hội bằng viện trợ Hoa Kỳ. Lúc khác thì không biết sao nhưng lúc này thì viện trợ Hoa Kỳ rất dễ dàng. người Mỹ đề nghị giúp tài nguyên phương tiện thông qua Đoàn Thanh Niên Chí Nguyện (IVS) của họ. Đoàn Thanh Niên Chí Nguyện này sau trở thành một lực lượng phản chiến thật kinh khủng, nhưng lúc đó mới là lúc bắt đầu, họ lại là đoàn thanh niên theo đưong lối xưa, làm công tác xã hội.
Một tổ chức tư nhân nhận “viện trợ My”õ chắc chắn khiến phía chính phủ Việt Nam theo dõi vụ này, và người ta cho rằng đây là một thí nghiệm hay hay, bằng cớ là sau này ba Bộ đều đứng ra bảo trợ Chương Trình Hè. Lúc đầu không có Bộ nào chịu đứng ra cấp giấy phép hoạt động cho Chương Trình Hè 65, vì thấy nó cũng bất thường, ngoài sức của họ. Nhưng lúc đó có một người chính trị nhất trong chính phủ đã quyết định chuyện cấp giấy phép này nên làm, và làm ngay, đó là ông Trần Văn Tuyên (lúc đó là Phó Thủ Tướng). Khi mà phong trào Công tác Hè tổ chức xong, qui tụ một số huynh trưởng thanh niên thuộc nhiều tổ chức, tôn giáo, bắt đầu cần đi xin giấy phép thì Bộ Xã Hội, Bộ Thanh Niên và Bộ Giáo Dục cũng không cấp, vì người ta không biết phải cấp như thế nào vì có vấn đề nhận tiền thẳng, nhận tiền từ phía Mỹ. Dĩ nhiên là phía Mỹ cũng thu xếp là không đi từ chính quyền Mỹ sang nhân dân Việt Nam mà từ chính quyền Mỹ sang nhân dân Mỹ trước, tức là từ USAID sang IVS, rồi từ IVS rồi mới chuyển sang Chương trình hè, people to people . Phía chính phủ Việt Nam cũng không biết phải làm sao trong lúc chờ đợi ông Trần Văn Tuyên đi vắng. Khi trở về nghe nói chuyện này ông lập tức tiếp xúc ngay và bảo rằng trong vòng 5 ngày hay 1 tuần gì đó thì sẽ có giấy phép, và quả nhiên sau đó có ngay. Vì vậy phải ghi công của ông Trần Văn Tuyên về chuyện này.
Ông Trần Văn Tuyên đã trông thấy vấn đề chính trị, do quyết định của ông mà tự nhiên tất cả phong trào thanh niên được lái vào chiều hướng tích cực và xây dựng, nếu không nó lại đi ra ngoài chỗ khác. Còn Mỹ lúc đó chưa đủ sức mạnh để làm gì hơn. Nếu chuyên này xẩy ra hai năm sau thì lúc đó Mỹ đã có Xây Dựng Nông Thôn. Vụ chương trình Công Tác Hè này xảy ra trong 3 tháng đầu của năm 1965, đến tháng 7 năm 1965 thì ông Johnson mới bắt đầu tuyên chiến. Sau này tôi mới biết là ông Phan Huy Quát có tìm cách liên lạc với mình, cử một công cán ủy viên đến số 41 Phan Đình Phùng, không gặp được ai vì ông ta thấy lúc đó ở trụ sở đông quá không biết ai với ai, không biết liên lạc với ai. Sau này, người được giao chuyện đó kể chuyện lại, là ông Đặng Văn Đệ, vừa qua đời cách đây (Tháng Tám, 1999) chừng hai tháng, là em họ của ông Đặng Văn Sung. Cuối cùng chúng ta chỉ gặp được mỗi ông Đổng lý Bộ Quốc Phòng để đòi cho được danh sách người biệt phái.
ĐTB – Chương trình Công tác Hè chỉ kéo dài 6 tháng, nhưng rõ ràng sau Chương Trình này, chúng ta thấy xuất hiện nhiều hoạt động tích cực, xây dựng khác. Đề nghị anh Yến nhắc lại về những hoạt động thanh niên thời “hậu Chương Trình Hè 65”, và anh có nghĩ rằng Chương Trình Hè 65 là nhân tố tác thành một vài hoạt động sau này?
ĐNY - Bây giờ nhìn lại thì những anh em thanh niên lúc đó coi tất cả những gì làm được chỉ là chuyện có tính cách giản dị thôi, trừ ra vài ba ngưoi khá trưởng thành như ông Tuệ, ông Báu, và một hai ngưoi bên Phật giáo, hay ông Toàn, những người này tương đối là già dặn và kinh nghiệm, biết cân nhắc, họ nhìn sâu sắc hơn. Thực ra phong trào Công tác Hè cũng ngắn ngủi, chỉ có 6 tháng, dựng lên và tan ngay, nhưng từ đó đẻ ra Chương Trình Phát Triển Quận 8. Chương trình Hè 65 xin biệt phái tạm thời về một số anh em. Những anh em này có hai nhu cầu: (1) Khi về thì họ muốn làm việc, nhưng họ không thể làm dưới một đám sinh viên lau nhau, nên họ phải vạch ra một mô thức nào đó làm việc; (2) Họ biết là họ chỉ về có 6 tháng thôi, nên tìm một cơ cấu gì cho vững chắc lâu dài hơn. Chương trình Phát triển quận 8 dùng người liên lạc là Võ Long Triều mà người cho phép là Thủ tướng trẻ lúc đó, ông Nguyễn Cao Kỳ. Đây là sáng kiến của ông Kỳ và sau này ông rất hãnh diện về chuyện đó bởi vì khi Chương trình này thành công, vào cuối năm 1966, khi có phái đoàn Hoa Kỳ sang thi Kỳ đưa đi thăm Chương trình Phát triển quận 8 này.
Từ Chương trình này đã mở ra Kế Hoạch Xây Đời Mới, lan ra thêm hai quận kia và đồng thời giúp cho một số anh em lãnh đạo Chương Trình này trông thấy con đường sinh hoạt dân chủ, tức là họ gia tăng hoạt động trong năm 1966 để ra tranh cử Quốc Hội Lập Hiến năm 1967. Anh em được hai ghế Quốc hội, là ông Nhuận (Hồ Ngọc Nhuận) và ông Minh (Hồ Công Minh). Khi vào chính trị, họ không còn là thanh niên nữa, họ đi theo con đường Liên trường Miền Nam, và đến 1975, đi vào con đường khác. Cánh thứ hai từ Chương Trình Hè. Đây là cánh phát triển ra Chương trình Học Đường Mới, xuất phát do ông Trần Ngọc Ninh, Tổng Trưởng Giáo Dục, mà ra. Ngày lập Chương trình Học Đường Mới là lập ngay trong trụ sở Chương Trình Hè. Sau này đổi Tổng trưởng Giáo Dục, Chương trình này mới đổi thành CPS, tức Chương Trình Phát Triển Sinh Hoạt Học Đường. Sau này khi ông Thơ làm Tổng Trưởng, đã đưa ra Hội Tương Trợ Học Sinh Nạn Nhân Chiến Tranh. Nhưng hệ quả quan trọng nhất từ Chương Trình Hè 65 là chuyện đẻ ra Phong Trào Du Ca. Chuyện xây dựng thành Phong Trào Du Ca còn phải đi qua một giai đoạn nữa là khi ông Võ Long Triều, nhân sự thành công của quận 8, ra nắm giữ Bộ Thanh Niên.
PPM – Hồi đó tôi nhớ một người trong số anh em mình được mời tham gia chính phủ Nguyễn Cao Kỳ?
ĐNY – Đúng vậy, và cũng từ đó đưa đến tình trạng phân hóa trong số những huynh trưởng thanh niên. Ông Võ Long Triều được mời nắm Bộ Thanh Niên trong nội các Nguyễn Cao Kỳ. Ông Triều khi nắm bộ thanh niên đã hy vọng là tất cả thanh niên sẽ hợp tác, nhưng điều này không giản dị. Bởi vì lúc đó ông đã làø chính quyền, còn các đoàn thể thanh niên cũng muốn giữ tính cách nhân dân. Người ta lúc đó tin tưởng là ông Toàn (Đỗ Quý Toàn) đã bằng lòng làm Thứ Trưởng rồi, tức là có đủ cả Công Giáo, Phật Giáo. Nhưng ông Toàn đi hỏi ý kiến của các người làm việc với ông. Ông Toàn cũng hỏi ý kiến ông Tâm Châu, nhưng ông Tâm Châu lúc này trong bụng đã chỉ trích chính phủ, không biết ông nói cách nào nhưng ông Toàn hiểu rằng chuyện đó không nên. Vì thế ông Toàn rút lại, ông kia (Võ Long Triều) lỡ bộ, phải lôi ông Hồ Ngọc Nhuận về, như vậy nó có tăng cường cái mặt thanh niên của ông, nhưng lại không có tính cách tất cả, vì lúc đầu hy vọng ông Triều Công giáo, ông Toàn Phật giáo, ông Toàn Bắc kỳ, ông Triều Nam Kỳ thì mới được. Chứ kéo ông Nhuận thì hai ông như nhau thôi.
Còn chính ông Triều khi vào thì hăng hái vào nhưng khi đấu tranh thì lại đứng về phía miền Nam. Bốn ông Bộ trưởng Nam Kỳ cùng đòi hỏi, áp lực ông Thủ tướng một lúc và cùng rút lui từ chức. Khi ông vào Bộ thì hỏi ý anh em nhưng khi ra thì không hỏi, chỉ hỏi trong đảng, nên mọi người (thanh niên) chẳng biết gì hết! Dù sao trong thời gian đó, những người như ông Tuệ (Hoàng Ngọc Tuệ) đi đâu cũng nghĩ đến chuyện huấn luyện, mới đào tạo được một số người thành ra phong trào Du Ca. Có lẽ đây là hệ quả lâu dài nhất sau Chương Trình Công tác Hè. Tóm lại có ba phong trào ra từ đó là (1) giáo dục - đi vào Bộ Giáo Dục, (2) Du Ca thanh niên, (3) đi về phía Cộng đồng, quận 8 , Xây Đời Mới. Những anh em phía cộng đồng đó sau này đi về dân cử. Còn ông Du Ca dựa hơi vào anh thanh niên để phát động lên thành ra phong trào nhân dân. Còn phát triển học đường cũng phát triển theo hệ thống của nó.
Nhưng thật sự thì Chương trình Hè nó có nhiều mặt khác. Mặt kế tiếp là do cái đó mà phát khởi chương trình Đoàn thanh niên Chí nguyện Việt Nam (do Đoàn Thanh Niên Thiện Chí + Phong trào Công tác Hè). Đoàn này sau một năm bị đánh gục ngay vì nó đụng đến vấn đề quân dịch, đào tạo được bao nhiêu người thì bị kêu gọi vào lính hết, và nếu không chết vì quân dịch thì đến nửa năm sau nó thành ra trường hợp Đoàn Thanh niên Công tác Phụng Sự Xã Hội của ông Nhất Hạnh, bị người ta ám sát. Sở dĩ bên kia (Phụng Sự Xã Hội) không bị quân dịch vì họ dùng phụ nữ và người đi tu. Giải quyết vấn đề đó họ mới có thể hoạt động, chưa kể là họ có quần chúng tại chỗ nữa. Nhưng sau này đã xảy ra ba, bốn vụ thảm sát, cái chuyện ám sát đó cũng có thể do mấy ông địa phương vớ vẩn, nhưng chắc vấn đề cũng không giản dị như vậy.
Về phía nhà nước cũng đẻ ra Đoàn Thanh niên Trừ gian. Bên cạnh đoàn thanh niên này họ tuyển ngay một đám chọn lọc để lập Đoàn Thanh Niên Tiến bộ. Đoàn Thanh niên Trừ gian rất tạp nhạp. “Trừ gian” ở đây nói lên công dụng đi làm cảnh sát kinh tế. Còn Đoàn Thanh Niên Tiến Bộ thì giao cho một cơ quan đặc biệt của ông Kỳ là Bắc Bộ Vu. Nhắc lại năm 64 thì có phong trào Bắc Tiến của Nguyễn Khánh do Phạm Đức Khoan gây ra ở Tổng hội Sinh viên. Vừa rồi (1999) Phạm Đức Khoan sang đây kể lại đầu đuôi chuyện đó. Theo ông Khoan, chuyện Bắc tiến đó không có căn bản sâu xa rắc rối gì mà chỉ là những khẩu hiệu đúng lúc thành ra như là sự hù dọa. Mặc dù sau này người ta được biết ngoài Bắc lúc đó nghe Phong trào Bắc Tiến cho rằng là vấn đề lớn, và nghĩ rằng trong này có gì ghê gớm lắm! Nhưng Đoàn Thanh niên Tiến Bộ do Bắc Bộ Vụ làm. Bắc Hội Vụ là do một nhóm sĩ quan trẻ dưới quyền ông Kỳ giao, vừa làm công tác tình báo vừa công tác học vụ, chính trị, văn hóa... Vì ông Kỳ luôn luôn có trong đầu cái mẫu là gây các phong trào trẻ, kinh nghiệm của ông lúc đó là họ đều là những người chịu ảnh hưởng phong trào quân đội trẻ, sĩ quan trẻ của Nasse.
Thời kỳ 64-65 sách của Nasse, kinh nghiệm của Nasse gây hẳn phong trào như vậy mà một trong những người lãnh tụ là ông Đinh Thạch Bích , được kéo về bộ Chiêu Hồi dùng làm chiến khu. Nhóm thanh niên tiến bộ đó cũng có một số tay lãnh đạo khá như Hồng Duyệt, Nguyễn Mạnh Cương (nói chuyện năm 1955 bị bể đầu trên đây). Đến thời 68, đàn em của ông Kỳ bị vụ bom Phước Đức chết gần hết, họ trốn hết không dám ló ra.
ĐTB – Chiến cuộc tại Miền Nam gia tăng mạnh lúc đó, rồi chuyện quân đội Mỹ ào ạt vào, cũng đúng là lúc Chương Trình Hè 65 ra đời để là nhân tố gây dựng nhiều hoạt động khác trong giới trẻ như anh Yến mới mô tả. Anh Yến cũng nhấn mạnh việc ông Phó Thủ Tướng Trần Văn Tuyên quyết định cấp giấy phép cho Chương Trình Hè đã lái hoạt động Thanh Niên vào chiều hướng tích cực xây dựng. Nhưng thực ra tâm trạng thanh niên lúc đó không giản dị chỉ là thực hiện của mình qua công tác xã hội. Họ hàng ngày đụng chạm đến chiến tranh hoặc hệ lụy của chiến tranh như chuyện quân dịch. Từ đó, một số thanh niên đã “vào bưng” để trực tiếp giải quyết vấn đề lý tưởng qua con đường chiến đấu. Xin anh Yến phân tích rõ hơn chuyện này trong toàn cảnh phong trào thanh niên chúng ta.
ĐNY - Đây cũng chính là mặt cuối cùng của phong trào thanh niên tại Miền Nam trước đây.
Trong thời gian này phong trào thanh niên cũng đã lan vào Phong trào Giải phóng miền Nam. Phong trào Giải phóng miền Nam tuy đã có từ năm 1960 nhưng bộ phận thanh niên của nó rất yếu, chưa gây phong trào đi bưng, phong trào đi bưng đến năm 1968 mới có. Nhưng đợt tuyển mộ lớn lao của nó xảy ra năm 1965, năm chiến tranh leo thang dữ dội. Lúc đó tại Sài Gòn khó tuyển mộ thì họ tuyển mộ người ở dưới đồng bằng sông Cửu Long, và những tỉnh như Bến Tre, Biên Hòa và ở miền Trung. Lúc ấy thanh niên miền Trung đi ào ạt vào Sài Gòn: đợt thứ nhất là năm 1965 vì trốn lụt miền Trung, trốn chiến tranh, vào vì tiếng gọi của công ăn việc làm, sở Mỹ... Đợt sau vào vì vấn đề phân ly, vào để đi trốn vì là nạn nhân của các ông lãnh chúa, đó là cánh các anh em Quảng Nam, Quảng Ngãi...như cánh Nguyễn Vạn Hồng nọ kia. Họ là con cháu những cán bộ tập kết, những người theo Mặt Trận Giải Phóng...
Từ đó đưa đến hiện tượng phổ biến là số các nhà trọ cho học sinh ở tỉnh nghèo lên Sài Gòn học tăng lên, trong đó có đám sau này như Huỳnh Tấn Mẫn... Họ đều xuất phát từ các nhà trọ cho học sinh tỉnh. Các nhà trọ này không có bàn ghế gì cả, chỗ này một đống sách, chỗ kia một đống sách, ngồi học thì kê sách lên học. Trong các nhà trọ này có ba thành phần: (1) không đi học chỉ đi làm để nuôi những người đi học (2) đi học - vừa đi học vừa hoạt động (3) là các liên lạc viên - chỉ đi vòng vòng bán bánh mì, lái xe tắc xi. Tất cả đám đó sau này, sau thời kỳ Mậu Thân, đều lộ ra hết. Nếu Mậu Thân không thất bại, đám đó họ sẽ đảo chính tại Sài Gòn và là lực lượng chính chiếm của Sài Gòn. Đêm xẩy ra cuộc tấn công Tết Mậu Thân họ tập họp trong khu Trường Quốc Gia Hành Chánh, mấy hôm trước đã tổ chức Tết Quang Trung. Nhưng công tác phía quân sự không thành công do nhiều lý do, thành ra đám này lập tức chuyển thành ngay ra công tác xã hội, chiếm ngay một vùng để cứu trợ nạn nhân vùng hỏa hoạn, và trở thành nòng cốt của phong trào đấu tranh sinh viên nổ bùng từ năm 1969-1971.
Đó là đám Mặt Trận Giải Phóng. Nhưng ngoài ra phải kể những đám năm 1968 có tham gia hoạt động, nhưng không vào bưng theo Mặt Trận Giải Phóng. Chuyện vào bưng không giản dị, dễ dàng vì không phải thanh niên nào cũng liều mạng như vậy, nên lúc đó họ dựng lên Liên Minh Dân Tộc Dân Chủ Hòa Bình của Trịnh Đình Hảo, Lê Văn Hảo... Kỹ thuật, chiến thuật xây dựng, tổ chức dấn thân từng đợt từng đợt để hoạt động của mấy anh cán bộ cộng sản phải nói là thần sầu, qua những điều học hỏi được của Trung Cộng. Tại sao Trung Cộng yếu hơn phe Quốc Dân Đảng của Tưởng Giới Thạch, bị ông ta đánh xính vính, mà nó vẫn phát triển? Vì nó có phương pháp của các nhà tổ chức cách mạng nhà nghề. Còn phe đối thủ, phe chính quyền, không có ai là cách mạng nhà nghề, chỉ có ông quan. Khi trở thành ông quan thì bắt đầu ăn chơi, tham nhũng; chưa thành ông quan thì ổng làm việc không được vì không có quyền hành gì cả. Khi có quyền hành thì anh lại dùng cái quyền để phục vụ phe cánh anh, thành ra guồng máy của anh không hữu hiệu. Còn đám thanh niên hoạt động theo mấy anh cộng sản thì có phương pháp gọi là Mặt trận Liên hiệp. Mặt trận này không phải chỉ thực hiện một lần, mà liên hiệp từng đợt từng đợt, vòng trong vòng ngoài, nên thu hút được giới trẻ ở nhiều cấp độ khác nhau.
PPM – Chúng mình đã nói về thời kỳ 1965 là thời kỳ phần lớn anh em ở đây đều là những người tham dự, là tác nhân. Theo tôi biết anh Yến cũng là chứng nhân, và nếu chúng ta điểm lại một cách qui mô, có tính cách suy nghĩ và có tính cách phê bình thì chúng ta làm “sử gia” cho thời kỳ đó, ít nhất là trong lãnh vực hoạt động thanh niên. Xin anh Yến cho một cái nhìn tổng kết về phong trào thanh niên của đất nước ta.
ĐNY - Để cho nó có chiều sâu như kiểu không gian đôi ba chiều đó, thì từ 1965, chúng ta có thể nhìn trở lại một thế hệ, tức là vào 1945, tức là năm quan trọng nhất trong thế kỷ này của lịch sử của người Việt Nam. Chuyện năm 45 mỗi thời nhìn lại thì càng phong phú, càng đa dạng, sự hiểu biết có thể bớt đi phần chua chát của một thành phần nào đó không có được cái kết quả hiển nhiên; với lại có được thêm những đóng góp của các sử gia của Đông Nam Á, của Mỹ, của Pháp, bây giờ người ta đang nhìn lại những năm lịch sử đó.
Một khi chúng ta nhìn lại được hai thế hệ liên tiếp của 45, 65 và cũng bằng một phương pháp như vậy và trên cái bước đường ôn lại chuyện cũ, chúng ta có thể đi vào hai thế hệ sớm hơn, tức là 1925 với sự kiện như đám tang cụ Phan Chu Trinh, hay là vụ sử án cụ Phan Bội Châu, hay là thời kỳ lớn lên của những người trẻ như Nguyễn An Ninh, Nguyễn Thái Học. Đó là thời kỳ mà ông Hồ Hữu tường đặt cho cái tên là Loss Revolution. Cuối cùng ta có thể dễ dàng đi vào một thế hệ trước đó, tức là thời kỳ 1905, khi mà giới thanh niên trí thức Việt Nam, mà chúng ta hay gọi là sĩ phu, bắt đầu nhìn tới những giải pháp lâu dài cho Việt Nam mà không phải chỉ giới hạn trong hai phạm vi Văn Thân, Cần Vương của thế kỷ 19 nữa. Bắt đầu từ 1905, người Việt Nam bắt đầu có cái kinh nghiệm gọi là kinh nghiệm quốc tế, trước là với Nhật, sau là với Trung Quốc...
Ngoài 4 thế hệ đó, chúng ta cũng cần lưu ý một thế hệ thanh niên khác là thế hệ 1985. Đó là thế hệ mà thanh niên hải ngoại muốn làm một cái gì đó, và thanh niên trong nước thuộc thế hệ lớn lên sau chiến tranh với những mối quan tâm khác với thế hệ trước, không còn là quan tâm về thống nhất mà mối lo lắng nhất là làm sao phát triển kinh tế ở trong nước. Nhưng phần sau này (thanh niên trong nước) thì mình cũng khó mà biết được vì mình xa đất nước quá.
Nói chung là trong thế kỷ 20 chúng ta có 5 thế hệ thanh niên như vậy.
Tổng kết về Phong Trào Thanh Niên Thập Niên 1960
ĐTB – Như anh Minh nói, chúng ta cũng có phần tác động ít ỏi nào đó trong giai đoạn 1965. Anh Yến còn là chứng nhân của nhiều biến cố. Đề nghị anh Yến cho một cái nhìn phân tích về phong trào thanh niên giai đoạn này.
ĐNY - Trước hết, chúng ta bắt đầu kể từ năm 1963, rồi phăng dần đến năm 1965. Tại sao chúng ta phải đi đến 3 năm như vậy? Trước hết, vì năm 63, cuộc đấu tranh của lớp thanh niên thập niên 60 mới bắt đầu, với phần kết thúc của nền đệ nhất Cộng hoà. Năm 63 là phong trào chính trị, năm 64 có thể nói là phong trào đủ mọi mặt hết, và là cuộc thử nghiệm lớn nhất của giới trẻ VN, có thể nói là còn lớn hơn hồi 45 nữa vì mọi việc đều đổ vào giới trẻ. Hồi 1945, giới trẻ chỉ là một thành phần bên nhiều thành phần khác như thiếu nhi, phụ nữ, bà già... tất cả cùng làm chung công việc cứu quốc, còn thời kỳ 64 thì giới trẻ thành phố được kích thích, được trắc nghiệm nhiều nhất. Do kết quả đó, mà năm 1965 đẻ ra mấy con đường, con đường nào cũng đi sâu xa hết, con đường xã hội, con đướng chính trị, kin tế, quân đội,... và kết quả của nó thì đến năm 68 hiện ra với tất cả những lừa dối, những phân hoá,... Năm 68 cũng là năm của giới trẻ thế giới nên chúng ta cũng có cơ hội để đối chiếu hai khung cảnh giới trẻ trong nước và giới trẻ thế giới như Âu Mỹ, như ở Pháp...
Ngoài chuyện bắt đầu từ 1963 rồi đi đến 1965, chúng ta cũng đã phân tích năm 65 đi ra 3 mặt, mặt văn hoá, chính trị, và kinh tế xã hội. Vậy thì hôm nay, chúng ta sẽ đi vào chi tiết hơn. Riêng trong năm 65, sau đây là những biến cố chính chi phối sâu xa phong trào thanh niên:
Trước hết năm 1965 đã hưởng mọi xáo trộn hạng nhất của năm 64. Vì sao năm 64 xáo trộn nhiều nhất? Vì đệ nhất cộng hoà vừa chấm dứt, chúng ta không còn nói đến “cách mạng” nữa, mà chuyện đảo chính thì quá xơ sài. Năm 64 trắc nghiệm khá nhiều mặt cho hoạt động thanh niên, nên năm 65, giới thanh niên trực diện với nhiều sự đánh giá, và phải làm cái công việc chọn lựa rất là quyết định, sau khi chọn lựa thì không thể lùi được nữa. Chỉ có năm 65 là có sự chọn lựa, sau 65 không còn chuyện chọn lựa, trước 65 thì cũng không có cơ hội chọn lựa. Đầu năm 65, phong trào giới trẻ VN vừa trải qua hai chuyện, thứ nhất là vừa lật đổ một chế độ quân phiệt, qua việc chống Hiến Chương Vũng Tàu của tướng Nguyễn Khánh, biến cố đó có cao điểm là 25 Tháng Tám, 64; thứ hai là giới trẻ ồ ạt đổ vào việc cứu trợ nạn lụt miền Trung, với sự tiếp tay của Phó thủ Tướng Nguyễn Xuân Oánh lúc đó. Hai biến cố, hai phong trào tuy ngắn, nhưng bổ túc nhau, soi sáng nhau. Nhưng còn một mặt thứ 3, không rõ ràng bằng hai biến cố trên, nhưng lại quyết định quan trọng hơn, tức là sự gia tăng việc có mặt của quân đội Mỹ tại Việt Nam, từ cuối 64, đến đầu 65. Sự gia tăng này có tài liệu, có con số, ... và mình sẽ tính đến sau, nhưng rõ ràng là quan niệm cổ điển về tổ chức quân đội Mỹ, với việc đưa quân ồ ạt vào, khiến họ phải đặt ra những kế hoạch từ 6 tháng tới 1 năm để tạo cơ sở vật chất cũng như tiện nghi tại địa phương. Như thế, chính sách Mỹ đã rõ ràng từ 64 chứ không chờ đến giữa 65, và theo lịch sử, đó là ngày TT Mỹ Johnson đọc diễn văn tại trường đại học John Hopkins vào Tháng Bẩy, được coi là bài diễn văn đánh dấu sự tham chiến của Mỹ tại chiến trường miền Nam cũng như tại không phận miền Bắc. Sự sẵn sàng của Mỹ trong thời gian này, tất nhiên nặng về quân sự, nhưng cũng cần liên hệ tối đa chính trị để bố trí cho quân sự. Trong việc bố trí chính trị, thì phải có dính dáng đến phong trào trẻ.
Có lẽ người ta cũng phải đứng trước mấy cái chọn lựa để hướng dẫn phong trào trẻ. Thứ nhất là làm sao hướng dẫn các hoạt động trẻ sao có thuận lợi cho cuộc chiến tranh hơn, thay vì gây xáo trộn chính trị tại thàng phố, mà nó củng cố cho việc ổn định tại Sài Gòn. Thứ hai, không gây trở ngại cho sự gia tăng quân số, và Thứ Ba là chuẩn bị tài nguyên cho sự gia tăng nhân sự cho cuộc chiến tranh sắp tới, tức là vấn đề động viên, vấn đề tài nguyên chiến tranh. Về các điều kể trên, hiện chưa có tài liệu nào rõ ràng để chúng ta có thể nói một cách chắc chắn như vậy, nhưng mà về phương diện suy luận, kinh nghiệm, thì có thể chấp nhận những điều đó. Có những sự tính toán đó mới xẩy ra việc phối hợp giữa những nhóm trẻ chính thức, lớn lao, với sự phối hợp của nhà nước, kể cả sự hỗ trợ của phái bộ Mỹ tại Việt Nam, do đó phát sinh ra chương trình thanh niên lớn nhất trong năm 65 là Chương Trình Công Tác Hè.
Chương Trình Công Tác Hè đã là cái cớ để tụ tập nhân sự, để huấn luyện về leadership, về tổ chức sinh hoạt..., để nhận diện những tổ chức nhân sự cũng như thiết lập các mối tương quan giữa các nhóm trẻ thuộc các bộ phận tôn giáo, nghề nghiệp, địa phương. Đó là việc lần đầu tiên được đặt ra vì thời đệ nhất Cộng Hoà, việc đó không có hoặc bị giới hạn, ngoại trừ thanh niên công hoà... Đến bây giờ giới trẻ mới được kết tụ với nhau, mà cũng không phải do giới trẻ mà do các chính trị gia của các đảng phái, phong trào, giáo dụ, các chuyên gia, các cố vấn Mỹ. Do đó, cái hay của việc tụ hợp giới trẻ đầu năm 65 có tính tích cực của nó, tính cách thí nghiệm vào môi trường mới; nhưng cái dở của nó là nó bị động do những tính toán của các nhà làm kế hoạch, từ Bạch Cung tới dinh thủ tướng, các đảng phái ở Sài Gòn... Tất cả những tính toán đó trộn lại trong một trò chơi lớn mà thanh niên tham dự. Thanh niên bắt đầu hiểu thế nào là chính trị, thế nào là ngoại giao.
Còn một yếu tố nữa, yếu tố thứ tư, cũng là điều khó có thể xác định được rõ ràng, bởi vì có những người nắm được những cái nhìn rất rõ ràng nhưng không ở trong tư thế để có thể bầy tỏ một cách thẳn thắn, nhưng rồi cũng là vấn đề thời gian thôi, nó sẽ cho thấy đường lối đấu tranh vận của Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam, mà vào thời gian đó càng ngày càng có sự điều khiển trực tiếp phát xuất từ Hà Nội.
Ngay trong Tháng Hai của 1965, đã có một cuộc đụng độ giữa phong trào trẻ có lập trường của Miền Nam, với lực lượng trẻ xâm nhập do MTGPMN tổ chức. Việc này xẩy ra ngay trong trụ sở CTCT Hè, diễn ra trên hai bình diện, thứ nhất là trên số báo Lên Đường, cơ quan ngôn luận của CTCT Hè; thứ hai là trong mặt sinh hoạt chìm của toán sinh hoạt của chương trình. Chuyện thế này: Thời kỳ này, tại Mỹ xẩy ra một kinh nghiệm đặc biệt là biến cố ở xứ Cộng Hoà Dominique. Tổng thống Mỹ cho Thuỷ Quân Lục Chiến Mỹ đổ bộ can thiệp, và đó là cơ hội cho phe thân cộng đả phá trên mặt báo Lên Đường, qua những tin tức và những bình luận. Tất cả chuyện này thực hiện do một số anh em ở ngay tại trụ sở. Người viết bài này và điều khiển chiến dịch này trong tờ báo lên đường, vài năm sau, tức là năm 68, xuất hiện trong số những người trong chính phủ của Cộng Hoà Miền Nam Việt Nam, thí dụ như Lê Hiếu Đằng, Cung Nhật Tân. Họ hoạt động xuyên qua bộ phận của Nguyễn Hữu Thái là Phó TTK ngoại vụ của Chương Trình Hè, phụ trách tờ Lên Đường.
Sự việc xẩy ra cho thấy sự tích cực, túc trực sẵn sàng của những anh em bênh Mặt Trận Giải Phóng trong Chương trình Hè. Đó là bằng cớ cho thấy mặt khác của sinh hoạt của CTCT Hè, là nó thu hút phần nổi của tất cả mọi nhóm. Sau đó, tuần tự mỗi tháng có một biến cố khác, không lớn như biến cố trên, nhưng cho thấy những phe phái trong tổ chức đó. Mỗi phe phái này đều lợi dụng sự thành hình của Chương trình với tất cả sự thuận tiện, không khí, để phát huy đường lối của họ về thanh niên, chính trị. Thí dụ họ phát huy về tổ chức, về tuyên truyền, phát huy về địa phương.
Ba tháng sau, xẩy ra sự chuyển tiếp giữa chính phủ dân sự và quân sự. Lần này sự chuyển tiếp là do việc xung đột giữa hai vị lãnh đạo dân sự lúc đó là Thủ Tướng Phan Huy Quát và Quốc trưởng Phan Khắc Sửu. Hai vị này đề nghị quân đội nắm lại quyền hành. Chuyện chuyển giao quan trọng như vậy mà phong trào giới trẻ không hề có phản ứng, cho thấy sự khác nhau một trời một vực với phong trào thanh niên trước đó 5, 6 tháng đã chống đối quân sự. Biến cố ngày 19 Tháng Sáu mà bây giờ chúng ta gọi là ngày quân lực, với việc tướng Nguyễn Cao Kỳ lập chính phủ gọi là chính phủ của người nghèo, thì không có một hành động nào của giới trẻ.
Có vậy chúng ta mới thấy vai trò quan trọng như thế nào của thanh niên thời gian trước đó, và mới thấy bây giờ phong trào đã lui thế chính trị như thế nào, chấp nhận hiện trạng, đã thoả hiệp với chính quyền như thế nào, để thấy phong trào đó không còn tin tưởng ở khả năng lật đổ, đúng hơn không tin tưởng hy vọng lật đổ, không can thiệp vào công việc của chính phủ trung ương. Họ muốn giữ phong trào trong tay họ để họ có thể đi vào chiều sâu của những công tác, và để công chuyện chính trị quân sự trong tay các người trách nhiệm, mà việc này cũng là kết quả sự sắp đặt của toà đại sứ Mỹ.
Cái chuyển biến về quân sự Tháng Sáu 65 là chuyển biến cần thiết, vì lúc đó việc đổ bộ quân Mỹ vào VN chính yếu đã hoàn thành xong, việc đổ bộ vào Miền Trung, đặc biệt là Đà Nẵng, đã được tiến hành. Sau này chúng ta có dịp phỏng vấn ông Bùi Diễm, lúc đó là Bộ Trưởng Phủ Thủ Tướng của ThT Phan Huy Quát, đã kể lại người Mỹ tránh đưa quân vào một cách trực tiếp do bài học thời Ngô Đình Diệm. Nếu đặt vấn đề ra sẽ đụng vào truyền thống hăng hái bài ngoại, nghi ngờ sự có mặt quân đội ngoại quốc của người Việt Nam sau kinh nghiệm với Pháp. Thứ đến là những người dù ủng hộ sự có mặt của quân đội Mỹ thì cũng biết là sự có mặt của Mỹ sẽ gây ra phản ứng bất lợi. Do đó. người Mỹ đã kín đáo đưa quân vào với lý do để bảo vệ các cơ sở, các căn cứ, tàu bay,... Mỹ chứ không phải để chiến đấu. Bây giờ chúng ta được biết đó là kế hoạch đổ quân. Kế hoạch đổ quân đã được giải quyết ổn thoả với chính phủ dân sự. Còn kế hoạch kinh tế, về xã hội, thanh niên thì kể như bố trí xong chiến trường, bây giờ giao lại cho quân sự để có thể tiến hành kế hoạch quân sự.
Trong hai biến cố vừa kể, biến cố người Mỹ lặng lẽ đưa quân vào với lý do ngắn hạn và cụ thể chứ không trịnh trọng như thời ông Diệm (TT Kennedy vừa đưa thư, vừa cử ông Phó TT Johnson đến nói chuyện trực tiếp với TT Diệm. Nói chuyện một lần chưa được, lại yêu cầu nói chuyện lần thứ hai, lần thứ ba, rồi dây dưa, rồi TT Diệm câu thời gian bằng cách gửi thư qua Mỹ, giao cho Bộ trưởng phụ tá Quốc Phòng mang qua, với lời đề nghị thay vì đưa quân Mỹ vào Việt Nam thì tăng quân số VN thêm vài trăm ngàn. Người Mỹ lại phải thoả hiệp bằng cách thoả mãn một phần đề nghị của VN. Sau đó cả ông Kennedy và ông Diệm đều biến luôn, nên thời kỳ Johnson người ta đi khéo léo hơn). Biến cố này khiến Phong trào giới trẻ năm 65 khi thành hình đã phải chịu hai hậu quả: Thứ nhất là nó lặng thinh trước việc quân Mỹ vào VN, thứ hai là lặng thinh trước việc trao quyền hành từ dân sự qua quân đội. Đó là cái giá phải trả cho phong trào nhưng nhờ vậy mà có phong trào thanh niên làm được những việc khác như tập họp người, tập lãnh đạo, tập điều khiển, chi phối vào các sinh hoạt khác như về văn hoá, xã hội và nông thôn. Thí dụ điển hình là phong trào Tâm Ca, đã không thể thành hình nếu không có phong trào thanh niên. Phong trào Tâm Ca vừa là người hưởng thụ từ phong trào thanh niên, vừa là người tác động ngược lại phong trào này. Rồi đến sinh hoạt xuất bản trong giới trẻ. Một điểm nữa quan trọng là cơ hội mở mắt cho giới trẻ về nông thôn, họ đi về các tỉnh, quận, làng xã, tiếp xúc thảo luận với các cấp chính quyền. Họ được bắt tay vào các dự án nhỏ bé như đào giếng, bắc cầu, tổ chức lớp học, tới những việc to hơn như điều động vài trăm người từ những khoảng cách hàng trăm cây số cho các trại. Đó là cơ hội cho thanh niên có thể nói cũng giống như hồi năm 45.
Phần chót có thể nói về giai đoạn này là mối đe doạ xung đột giữa 3 cái trục: trục Phật Giáo - Công Giáo, trục Dân sự - Quân sự, trục Nam - Bắc, thì nhờ sự kết hợp trong phong trào này mà tránh được. Ngoài ra, do những tiếp xúc, trao đổi giữa các thành phần trẻ tiêu biểu của mỗi nhóm trong phong trào này mà giới trẻ học tập được cái lối làm việc, bàn bạc, và lần đầu tiên họ học được cái trò chơi chính trị, tức là trò chơi thoả hiệp, chia sẻ ảnh hưởng, chia sẻ ghế, hay là chia sẻ cảm tưởng, tạo những mối liên hệ cá nhân, tránh những xung đột do kích động tình cảm vốn xẩy ra những năm trước đó. Nhờ những mối liên hệ đó, suốt thập niên sau này, taọ ra những điều kiện lãnh đạo mới, là một đầu tư lâu dài về lãnh đạo, kéo dài cho đến cả sau 75. Có thể nói giới trẻ năm 65, với tất cả những thiện chí, những ngây thơ với sự dè dặt, với tất cả những thành công cũng như thất bại chua cay, đã tạo cho lớp trẻ 65 thành lớp trẻ già dặn nhất, đa dạng nhất để sau này có thể đóng góp vào việc phát triển quốc gia.
Tóm lại, hai lớp trẻ 45 và 65 là quan trọng nhất trong khung cảnh toàn bộ phong trào thanh niên do những đóng góp, những tác động vào xã hội.

No comments:

Post a Comment