Wednesday, January 21, 2009

Diễm Liên Trong Rừng Già Thái Lan


Đỗ Tăng Bí


Diễm Liên vừa trở về sau một tháng đóng phim ở Thái Lan. Vùng quê Thái Lan là nơi đạo diễn Hàm Trần chọn để quay cảnh trại tù Cộng Sản ở Việt Nam cho phim “Journey From The Fall”, một cuốn phim ca ngợi cuộc phấn đấu của một gia đình Việt Nam khi họ đến Mỹ, gợi lại một giai đoạn lịch sử của cuộc chiến Việt Nam và những gì liên hệ đến cuộc sống của mọi người Việt Nam trên thế giới. Cuốn phim đã như một thiên anh hùng ca vinh danh những người vợ tù cải tạo, những phụ nữ mãi mãi sau này chúng ta còn phải mang ơn.
Một ngày cuối tuần, chúng tôi gặp Diễm Liên tại toà soạn Người Việt, hỏi han cô về chuyện ca hát, chuyện đóng phim. Phần dưới đây Diễm Liên kể lại những điều lý thú khi đóng phim dưới sự hướng dẫn của đạo diễn Hàm Trần. Trả lời câu hỏi do đâu cô bước vào ngành điện ảnh, cô thích thú nói:
Diễm Liên: Chuyện đóng phim của con cũng giống như chuyện làm ca sĩ vậy, nghĩa là con không hề định trước. Chú biết con đâu có thường xuyên nghe đài, đọc báo nên không biết có cuộc tuyển trọn người đóng cho một cuốn phim của đạo diễn Hàm Trần. Một bữa anh bạn con là Lâm Nguyễn, producer của phim, gọi điện thoại kêu con ra đóng thử phim. Con ngạc nhiên nói: “Are you crazy? Bộ không sợ hư phim hở?” Và con nói “Không!” Lâm nói: “Thì thử thôi, làm gì dữ vậy!” Con vẫn cương quyết không. Xưa nay con có bao giờ nghĩ đến chuyện đóng phim đâu, tự nhiên đi đóng thử, kỳ quá. Mãi rồi Lâm phải nói: “Thôi, bây giờ Diễm Liên hãy vì tình bạn bè mà đi thử, có được không?” Lúc đó con đành phải nhận lời. “Vì bạn bè” là một câu chúng con chỉ dùng khi năn nỉ thật sự hết nước rồi, và cũng là câu chúng con khó từ chối nhau.
Thực ra con nghĩ là không một đạo diễn nào lại muốn một ca sĩ đóng phim của người ta. Con cũng giới thiệu một số bạn bè cho Lâm, giới thiệu nhiều ca sĩ bạn bè. Vậy mà họ vẫn chưa hài lòng. Cuối cùng con cũng phải đến gặp họ, và con không biết rằng con là người cuối cùng của cuộc tuyển chọn. Không ngờ cả nhà sản xuất là Nguyễn Lâm và đạo diễn Trần Hàm đều ưng ý về con.
Trong một chương trình phỏng vấn truyền thanh trên đài phát thanh VNCR do Y Sa thực hiện, đạo diễn Hàm Trần đã kể lại chuyện tìm diễn viên khó thế nào, nhất là vai bà vợ người tù cải tạo tên là Mai. Câu chuyện phim xoay quanh gia đình 4 người, người chồng đi tù cải tạo đã có Long Nguyễn thủ vai, Bà Nội tức mẹ của người chồng thì do nữ tài tử Kiều Chinh nhận lời, cậu con trai người tù là bé Lai thì đã tuyển được cháu Nguyễn Thái Nguyên, chỉ còn người vợ tìm mãi không ra nhân vật nào thích hợp. Đạo diễn Hàm Trần nhờ mọi phương tiện truyền thông để tìm. Hàm cũng đến cả những nơi phụ nữ thường lui tới như những tiệm làm nails, la cà vào cả khu Phúc Lộc Thọ để tìm kiếm, nhiều khi bị người ta hiểu lầm là một tay đi “dê” gái vì gặp cô nào có vẻ hợp một tý là xán lại gạ chuyện.... Bạn hữu cũng giúp Hàm. Bao nhiêu người được giới thiệu đến cho Hàm. Diễm Liên cũng giới thiệu nhiều bạn bè quen biết. Nhưng đạo diễn khó tính Hàm Trần chưa kiếm ra ai ưng ý. Cho đến một lúc Lâm Nguyễn, Producer, nẩy ra ý kiến tại sao không mời Diễm Liên đến thử. Mãi rồi Diễm Liên cũng chịu đến. Hàm nói Diễm Liên hãy nghĩ đến một hoàn cảnh buồn khổ trong cuộc sống và diễn xuất. Diễm Liên hỏi: “Which one?” Bởi vì trong đời sống cô từ nhỏ nhiều chuyện khổ cực lắm. Và Diễm Liên diễn thử trong mấy phút. Chỉ mấy phút đó thôi đủ để cả Lâm và Hàm bị “hớp hồn”. Thế là đã tìm ra người đóng vai bà vợ người tù cải tạo. Trả lời câu hỏi rằng chưa từng nghĩ đến chuyện đóng phim thì làm sao cô đóng được, cô nói:
Diễm Liên: Về chuyện đóng phim, con phải ghi nhận là chính đạo diễn Trần Hàm đã “dựng “ lên con. Đó là một đạo diễn rất giỏi. Anh ta có thể làm một con người thay đổi hoàn toàn (để cho nhập vào vai diễn). Một số những nhà đầu tư được coi những đoạn phim ngăn ngắn đã diễn qua đều rất thích và tin ở Trần Hàm. Con thật sự rất “trust” anh ấy. Hàm nói cái gì con làm cái đó. Giả như nếu con rơi vào tay một đạo diễn dở thì con sẽ trở thành người diễn xuất dở. May mắn là con có Hàm nên được hướng dẫn rất nhiều. Do đó con hoàn toàn tin tưởng ở Hàm, Hàm muốn con làm gì con làm chính xác như vậy.
Hỏi: Giữ vai chính, con có thấy là diễn xuất thành công không?
Diễm Liên: Có nhiều vai chính, như anh Long Nguyễn và cô Kiều Chinh, ... và con. Bây giờ con cũng không thể nói được là con đóng thế nào. Như con đã nói, con “trust” Hàm. Con cố gắng làm đúng những gì Hàm muốn. Đây là phim của Hàm, nếu “he sucks” thì con cũng “suck too!” Bây giờ con không thể nói được là con có thành công không. Ngay cả khi con được coi lại mấy đoạn phim đã đóng, con cũng không biết được là thế nào. Mới đầu con sợ coi lại lắm. Ở Thái Lan con không hề dám coi, chỉ khi về đây, con tự nhủ trước sau thì mình cũng sẽ phải một lần coi xem mình đóng ra sao, con cũng tò mò nữa, lúc đó con mới coi mấy đoạn. Thực ra coi từng đoạn như vậy con cũng không biết ra sao. Phải chờ cho phim ráp nối xong, coi từ đầu đến cuối, con mới biết được là “I made it or not”.
Hỏi: So sánh với ca hát, sự chuẩn bị của con mỗi khi đóng một cảnh chắc phải khác, có khó khăn nhiều không?
Diễm Liên: Đóng phim quả thực là những gì “very challenging!” Khi hát con biết rõ con hát ra sao, con biết “Where am I!” Con biết rõ con ở đâu trong mỗi buổi trình diễn. Con biết con ở đâu trong giới ca sĩ, con biết con thua ai, bằng ai, hơn ai. Còn trong “movie, I don’t know!” Trong phim ảnh con không biết con ra sao. Rất là “challenging.” Sau khi hát xong một bài bước xuống khỏi bục diễn, con biết “I did good or not”. Còn ở đây, khi Hàm quăng ra một tờ giấy ngày hôm nay phải làm những gì, thì con cứ như là thời đi học. Cầm tờ giấy đọc và suy nghĩ, không biết mình có “thuộc bài” không, có làm được không, phải làm thế nào đây...
Cách làm việc của Hàm là mỗi người cầm một kịch bản và đọc cho biết câu chuyện diễn tiến ra sao. Khi qua đến Thái Lan, mỗi ngày họ in ra những trang giấy nói rõ ai làm chuyện gì. Việc diễn xuất không phải cứ theo thứ tự của câu chuyện. Có khi sáng diễn đoạn sau, chiều hoặc mai lại diễn đoạn trước đó, không phải như khi mình đóng kịch. Đóng kịch mình cứ theo diễn tiến vở kịch, cái feeling của mình cũng diễn tiến theo như thế. Còn đóng phim, đang khúc vui đổi ngược trở lại khúc buồn trước đó, nên mỗi khi diễn một cảnh mình phải làm sao có được tâm trạng của cảnh đó, mà phải có ngay lập tức, bao nhiêu máy móc, bao nhiêu người đang chờ mình diễn xuất.
Ở trên chúng ta đã nghe Hàm Trần kể chuyện bị Diễm Liên hớp hồn ngay sau mấy phút diễn thử đầu tiên. Điều chúng tôi thắc mắc là từ đâu cô có được những cảm xúc thích hợp để diễn xuất? Cô phải suy nghĩ những gì, tưởng tượng ra sao về hành vi, cử chỉ của nhân vật trong phim. Trả lời thắc mắc đó, cô nói giản dị:
Diễm Liên: Đó chính là việc Hàm làm. Anh ấy giúp con rất nhiều để con có được cảm xúc hợp với mỗi cảnh diễn. Thành ra con thấy đóng phim khó quá đi, không giống như hát chút nào. Khó quá trời chú ạ.
Hỏi: Cụ thể con có thể nói rõ là với mỗi cảnh diễn như vậy, Hàm chỉ con những gì, nói với con như thế nào?
Diễm Liên: Kể lại chắc chú sẽ thấy chuyện nó kỳ cục lắm. Con lấy một cảnh làm thí dụ. Con đóng vai người vợ đi thăm chồng tù cải tạo. Cảnh đó thế này: Anh Long (đóng vai chồng con) đứng đây, con đứng đây (đối diện), còn Hàm đứng đây (sau lưng Diễm Liên). Câu nói (đối thoại) thì đã có sẵn rồi, con phải thuộc hết rồi. Nhưng cái feeling, cái cảm xúc của con phải như thế nào, đó là chuyện Hàm giúp con. Khuôn mặt con vẫn phải hướng về chồng con, đôi mắt con vẫn phải nhìn chồng con, nhưng bên tai con là tiếng nói của Hàm. Hàm phải nói câu chuyện cho con nghe. Hàm nói về chồng con hiện đang sống như thế nào trong trại tù, má chồng con ở nhà đang sống làm sao, con của con đang như thế nào... Con nghe Hàm nói và trí tưởng tượng của con chuyển biến theo, hình dung theo. Con vận động đầu óc con, tưởng tượng chuyện mình, rồi dần dần dùng cái feeling đó để diễn xuất. Con phải làm sao mỗi lời nói, mỗi cử chỉ đều diễn đạt với cảm xúc thích hợp với cảnh đó.
Hỏi: Có khi nào con cảm thấy thực sự “nhập” vào vai diễn?
Diễm Liên: Nhiều lắm, nhiều lắm, và không phải chỉ riêng con. Có khi đoạn phim đó chỉ có 30 seconds thôi. Mình đã diễn xong rồi, đạo diễn hô “Cut” rồi, nhưng mình vẫn không ngừng được cái cảm xúc đang trào dâng trong người mình. Diễn xong một cảnh 30 giây mà có khi con phải chạy ra chỗ khác, đi vòng vòng để khóc đến 15 phút nữa mới ngừng được. Ngay cả anh Long, cô Kiều Chinh cũng thế, hoặc cả cậu bé đóng vai con của con. Cậu bé đóng xong rồi phải vô giường nằm vật ra khóc một hồi mới tỉnh lại được. Thành ra tất cả những cảnh khóc như vậy đều là khóc thật. Cho nên con có thể nói với chú đây là “good movie” đó chú. Nhưng cứ phải chờ xem phim đã chú.
Hỏi: Nếu được mời con sẽ tiếp tục đóng phim khác?
Diễm Liên: Như con đã nói con chưa biết mình đóng ra sao nên chắc gì có ai mời con đóng phim khác nữa. Nhưng điều quan trọng là lúc đó con được làm việc với ai, với đạo diễn nào, và truyện phim ra sao. Đạo diễn quan trọng lắm, vì con là người không có “basic”, không có học hành gì về phim ảnh, về diễn xuất. Con thành thật nói với chú như vậy. Chẳng may con rơi vào tay một đạo diễn dở, con sẽ rất dở. Nên nếu cảm thấy không thích, không thể làm được, con sẽ không bận tâm chuyện đóng hay không, đó không phải “job” của con. Về phim mới đóng, con nghe đạo diễn nói các nhà đầu tư đều hài lòng.
Hỏi: Đóng phim tức là diễn như thật trong bối cảnh như thật. Chuyện thật của những người vợ tù thì khổ cực lắm. Chuyện thật của những người đi thăm nuôi tù cải tạo càng khổ muôn vàn. Con có phải chịu khổ cực như vậy không?
Diễm Liên: Có một cảnh con muốn kể chú nghe, đó là đoạn phim kể chuyện xẩy ra trong một khu rừng già. Con phải lội xuống sình ngập lên đến đây này (quá đầu gối). Con phải lội thật sự, phải thò tay xuống sình mò tìm một vật gì đó. Chú tưởng tượng trong cảnh đêm tối giữa rừng, con lội bì bõm như thiệt vậy đó. Con phải chống chỏi với nỗi sợ hãi, sợ hãi đêm tối, sợ hãi không biết dưới lớp bùn kia có con gì không, lỡ nó cắn chân con, lỡ nó rút con sâu xuống bùn thì sao, lỡ con đạp trúng mảnh chai, mảnh đạn thì sao. Sợ lắm chú ạ. Con cắn răng chịu đựng. Nhiều cảnh khổ kinh khủng con vẫn cắn răng cố gắng làm cho xong. Làm xong mỗi cảnh đó, bước ra ngoài con bật khóc. Khóc vì những gì mình phải chịu đựng, khóc vì không ngờ mình có thể làm được. Nhưng sau khi làm xong phim này con nghĩ tất cả những khổ cực đó rất đáng cho con chịu đựng, rất đáng để cho con phải cố gắng. Con nghĩ chỉ cần làm một phim thật đàng hoàng, đâu ra đó, con cũng hãnh diện về sau này. Con không mong trở thành tài tử hay gì khác, nhưng nếu phim này ra được mọi người chấp nhận là con vui rồi. Nhiều “challenge” lắm chú ạ, và rất đáng tham dự một lần trong đời.
Hỏi: Có khi nào muốn bỏ cuộc?
Diễm Liên: Con không dám nói là muốn bỏ cuộc hay không. Chỉ biết là rất nhiều lần frustrate. Có một cảnh mà đóng hoài không được cũng khiến bực mình và chán nản kinh khủng. Không phải mình con chán nản, bực mình. Chú tưởng tượng cả bọn lênh đênh trên thuyền giữa biển. Lớp say sóng, lớp ói mửa, mà một cảnh quay mãi không xong. Cả bọn nằm la liệt chịu trận trên chiếc thuyền chòng chành. Ngay cả Hàm, cả Lâm cũng nhiều khi bực mình lắm lắm. Nhưng sau một ngày mà công việc có kết quả, cả đoàn đều rất happy, những nỗi bực mình kia đều trở thành kỷ niệm.
Hỏi: Điều kiện làm việc tại Thái Lan thế nào? Ăn ở ra sao?
Diễm Liên: Chúng con làm việc tại hai địa phương thuộc vùng quê, xa Bangkok. Đoàn làm phim được ở trong khách sạn đàng hoàng, có xe đưa rước, còn ăn thì có người mang đến chỗ quay phim. Mỗi tuần lễ làm việc 6 ngày, chỉ nghỉ ngày Chủ Nhật, nhưng thường mọi người cũng không đi đâu ngày nghỉ đó. Mọi người ai cũng làm việc cật lực. Nhưng trời nóng và ẩm quá nên dễ mệt, còn về muỗi thì nhiều lắm. Đây con chỉ chú coi trên chân con còn đầy những dấu vết muỗi cắn. Đóng phim xong về đây thì con không được mặc áo đầm ngắn nữa, mà chưa biết bao giờ những dấu vết này mới biến đi hết. Chú thấy bây giờ con chỉ mặc đồ dài không à. Nhưng rất đáng để chịu những cảnh này. Những người con được làm việc chung thật tuyệt vời, con rất yêu mến họ, và càng thấy đáng trải qua kinh nghiệm những ngày vừa qua.
Hỏi: Con có vẽ bao giờ không?
Diễm Liên (hơi ngạc nhiên): Không ạ.
Hỏi: Bởi vì con đã nói hai điều là ca hát và đóng phim con không hề suy nghĩ sẽ làm. Vậy mà con đã là ca sĩ chuyên nghiệp, con cũng đã đóng vai chính trong một cuộn phim, nên chú định hỏi còn điều thứ ba nào con không hề học, không hề dự định, mà vẫn trở thành nghề nghiệp không?
Diễm Liên: Nếu thế thì đó là chuyện thay tã cho em bé. Con chẳng học gì nhưng vẫn phải thay tã cho con của con mỗi ngày. Năm nay nó được 4 tuổi, con trai, tên Việt Nam là Minh.
Quí vị mới nghe qua chuyện Diễm Liên đóng phim. Thực sự cuốn phim đã là một tác phẩm văn học nghệ thuật lớn nói về một giai đọan lịch sử của đất nước ta, với một cách trình bày đầy vẻ tích cực, tin tưởng vào tương lai. Mong quí vị đón xem. (Tháng 12, 2004)

No comments:

Post a Comment