Thursday, January 15, 2009
Nhà Tôi Năm Ất Dậu
Đỗ Tăng Bí
1945
Khi tôi vừa chập chững biết đi,
trên mặt đất nước này, Việt Nam yêu dấu,
tay non đánh mất 16 tháng trời cha mẹ nâng niu,
thì Thầy tôi qua đời,
cùng 2 triệu người chết đói!
Đó là những câu thơi mở đầu bài thơ tự sự về đời tôi. Thầy tôi mất vào năm 1945, năm Ất Dậu, một năm khủng khiếp khiến gần 2 triệu người Việt Nam chết đói. Nhưng thực ra Thầy tôi qua đời vì bệnh già, Cụ đã 72 tuổi (73 tuổi ta). Lúc đó tôi mới được 16 tháng, suốt ngày oặt oẹo trên vai Mẹ.
Năm Ất Dậu đến giữa lúc tôi chưa được hai tuổi, chưa biết gì về những thảm khốc chung quanh. Những gì ám ảnh tâm trí tôi về nỗi thê thảm, tàn bạo của nạn đói là do những chuyện Mẹ tôi kể lại về Thầy tôi, trong đó có những chi tiết liên quan đến năm Ất Dậu. Về sau, đọc sách vở tôi mới biết thêm nguyên nhân gây ra nạn đói đó, biết thêm chuyện xác người hàng ngày nằm rải rác khắp phố phường Hà Nội, khắp các tỉnh thành phố quận, ... Trước đây mươi năm Nhật báo Người Việt mở cuộc thi viết về “Nạn Đói Năm Ất Dậu”, bao nhiêu chuyện đau khổ được kể ra, nhưng chắc chắn là chưa đủ. Không biết bao giờ văn chương Việt Nam mới có những tác phẩm lớn về các giai đoạn bất hạnh của đất nước, chuyện gần hai triệu người chết đói, chuyện gần triệu người bỏ xác nơi biển Đông. Đó là những cuộc hành trình tử sinh lớn nhất của nhân loại, chẳng khác gì cuộc hành trình của 6 triệu người Do Thái đi vào phòng hơi ngạt. Bao giờ những cảnh này được dựng thành bộ phim lớn để con cháu sau này biết được cha ông dũng cảm đến đâu. Những người Do Thái bị cưỡng buộc vào phòng hơi ngạt, còn cả triệu người dân Việt hoàn toàn tự nguyện đi tìm cái chết nơi biển cả để được sống đời một con người. Thiên Anh Hùng Ca vĩ đại.
Những năm 1955, 1956,... tôi ở Đà lạt với Mẹ tôi. Mỗi sáng, đúng 4 giờ, khi chuông chùa Linh Sơn từ quả đồi bên kia vọng lại, là Mẹ tôi dậy nấu cơm. Chúng tôi ăn sáng rồi mang theo phần ăn trưa. Mẹ tôi ra chợ bán hàng, còn tôi đi học. Chiều về, hai Mẹ con lại nấu cơm ăn tối. Hầu như ngày nào cũng vậy trừ Chủ Nhật tôi được nghỉ học. 4 giờ sáng trời Đà Lạt vào những tháng cuối năm lạnh buốt. Từ cửa nhà trên đồi nhìn xuống thung lũng đặc một màu sữa trắng nhạt. Tôi biết dưới đó là vườn rau, là gần chục ngôi nhà, nhưng giờ này chỉ thấy sương là sương. Tiếng chuông chùa Linh Sơn âm vang rền rĩ theo làn sương. Nhiều buổi sáng gặp thứ sương muối, cái lạnh giá thấm tận tâm can. Đánh răng rửa mặt xong tôi bước vào nhà, hai tay xoa vào nhau tìm hơi ấm. Mẹ tôi chỉ nói:
Chưa ăn thua gì đâu con ạ. Cái năm Ất Dậu ấy, vừa giá lạnh, vừa đói khát mới là thê thảm. ..
Cứ thế Mẹ tôi nói về “Cái Năm Ất Dậu Ấy”. Rồi sáng ngày mai Cụ lại kể chuyện thơ văn, chuyện ngày xưa mấy ông Tú, ông Cử đến tạ Thầy tôi ra sao. Học trò Thầy tôi nhiều lắm, đôi khi cũng có chàng vớ được chút bảng vàng, nghe nói có chàng vớ được cái tiến sĩ đấy. Rồi sáng mốt cụ lại trở về chuyện Ất Dậu.
Mẹ tôi kể rằng có người ghé vào chợ huyện (cái nhà Sừng ấy, nó ở ngay sau nhà mình...) mua chiếc bánh giò, bóc ra ăn, nhai nhằm khúc xương. Nhè ra, hóa ra là đốt ngón tay còn nguyên móng tay dài. Mẹ tôi chép miệng: “Chả biết có thực không nhưng mà chuyện ăn thịt người có đấy con ạ. Chả thế mà có chuyện Ba Bị chuyên đi bắt trẻ con, cả ngày cứ nghe kháo đứa bé này mất tích, đứa bé kia đi lạc, sốt cả ruột.” Tôi thắc mắc rằng đã đói sao lại có người có gạo làm bánh giò? Mẹ tôi giải thích đâu có phải vùng nào cũng đói như nhau, cả miền Bắc đói thật đấy nhưng ở nhà quê dù sao cũng còn có gạo, có khoai, có sắn. Nhiều nhà vốn vẫn trữ gạo, thóc từ xưa đến giờ nên không đến nỗi nào. Chỉ những nhà thành thị, những gia đình ở quê làm thuê làm mướn ăn đến đâu đong gạo đến đấy mới là khổ. Bắt đầu nạn đói mọi người chỉ tưởng như mọi năm, năm nào giáp hạt mà không có người đói, nên vẫn còn thực phẩm làm bánh trái bán lấy giá hời. Về sau nạn đói mỗi ngày một nặng. Nhà mình, Thầy là ông Đồ Nho, học trò biếu xén thóc gạo cũng nhiều, Mẹ vẫn để dành phòng khi Thầy nằm xuống Mẹ con còn chút vốn xoay xở. Mẹ tôi vẫn nhiếc yêu:
Cậu phải biết cả nhà chỉ có mình cậu và Thầy được ăn cơm gạo trắng đấy. Cả nhà ăn độn tất tật. Mới đầu còn độn 7 phần gạo, 3 phần khoai, sau đến nửa này nửa nọ, rồi đến lúc củ khoai cõng mấy hạt cơm thì chao ôi là sót ruột. Cả ngày cái bụng nóng râm ran, mà nó lỏng chỏng làm sao ấy, rõ ràng mới ăn mấy củ khoai xong mà cứ như chưa có gì vào bụng, kiếm mấy lá rau cho mát ruột cũng không có.
Rồi Mẹ tôi đổi giọng ngậm ngùi:
Con lúc đó còn bé quá, sinh ra là đau ốm quặt quẹo luôn luôn, không kiếm đâu ra hộp sữa con chim mà nuôi nên người cứ như giải khoai, nằm vắt qua vai Đẻ. Đẻ với chị Thảo thay nhau bế, đặt xuống là khóc thét lên. Nên dù không có nhiều gạo cũng cố nấu mỗi ngày niêu cơm cho Thầy và con ăn. Bên ngoài đói lắm, trộm cướp nổi lên như dươi.
Trộm cướp nổi lên, lệ làng thêm ngặt nghẽo. Lúc đó Trương Tuần bắt được ai ăn cắp, ăn trộm là mang ra đình làng chặt tay. Nhiều người chạy đến cầu cứu Thầy tôi. Mẹ tôi kể lại cảnh Cụ đang đắp chăn nằm ho sù sụ, vậy mà cũng phải ngồi dậy, mặc mấy lớp áo bông để chống cái giá lạnh mùa đông đất Bắc, chống gậy ra Đình. Ra đến nơi là cụ quát:
Tuần đâu, Lý đâu? Bắt được người ta ăn trộm thì nọc ra mà đáng mấy roi. Trời giá rét này mỗi roi là như xé thịt, chứ sao lại chặt tay để suốt đời người ta tàn tật à? Chăn dân thì cũng phải nhân đức chứ. Nếu bọn chúng bay không làm Chánh, làm Phó, làm Tuần thì cũng đói rã họng ra. Đến vợ con tao mà đói thì tao cũng đi ăn cắp ăn trộm chứ tao chịu nhìn vợ con tao chết đói à. Thôi, đánh mấy roi rồi tha cho người ta, rồi tìm cách mà cứu chẩn...
Thầy tôi chẳng có chức tước gì cả. Ngoài bảy mươi rồi, chỉ là một ông thầy dây học miền quê. Mấy chục năm đèn sách, thi mấy lần cũng chỉ đậu đến Tú Tài. Đậu hai lần thì người ta gọi là Tú Kép. Đậu ba lần thì gọi Tú Mền. Ba lần đi thi cũng mất mười mấy năm trời, không kể hàng chục năm trời học hành thuở ban đầu. Thế là hơn nửa đời người, Cụ đành bỏ cuộc chơi, mặc mấy cụ như cụ Chu Mạnh Trinh đua chen chốn quan trường, mặc mấy cụ như cụ Tam Nguyên Yên Đổ từ quan, cụ Hoàng Tăng Bí tham gia Đông Kinh Nghĩa Thục. Cụ an phận với danh Cụ Tú Mền, bây giờ về làng tôi vẫn nghe các vị già cả nhắc đến “Cụ Mền”. Cụ ngồi nhà dậy học. Học trò Cụ lại khá và đông, mấy lần võng lọng về tận nhà tôi để các quan tân khoa tạ thầy. Thành ra gặp Việc Làng là Cụ cứ quát phứa lên. Vậy mà người ta nể. Cái học ngày xưa vẫn sản sinh ra những con người trọng thầy.
Người ta nể, người ta trọng người thầy đã “cho chữ thánh hiền”, cho cả đạo lý làm người. Ngay cả khi “túng làm liều” người ta vẫn giữ lòng nể trọng như vậy. Mẹ tôi kể chuyện một buổi sáng thức dậy thấy dưới ngách cửa có vết đất bị đào một lỗ lớn đủ người chui lọt. Thấy chiếc lư đồng, đôi chân nến nằm ngay gần cửa ra vào. Thưa với Thầy chỉ nghe Thầy ừ một tiếng rồi thôi. Đại khái ý nói “thì có ai ăn trộm gì cũng là vì người ta đói, người ta cần!” Mẹ tôi tự đi tìm hiểu thấy nhà chẳng mất gì cả. Đang phân vân thì thấy “anh cu Lực” đến khúm núm dưới thềm. Anh Cu Lực thuộc loại làm thuê làm mướn cho mấy làng, nhà nghèo lắm. Anh đặt cái đầm đất nho nhỏ xuống bên chân rồi nói với Mẹ tôi:
Thưa Bà, con đến lấp lại chỗ đất mới lấp tạm đêm qua. Lúc đó trời rét quá, lại đói, con đành bỏ mặc đó để sáng nay trở lại xin Bà và Ông tha lỗi. Túng quá làm liều nhưng nghĩ lại...
Đói quá, biết nhà tôi còn có củ khoai, bắp chuối mà ăn, lại có những bộ đồ đồng sáng chưng, anh định vào quơ quào chút ít. Vào nhà rồi nhìn lên bàn thờ thấy các Cụ ngồi uy nghi, lại thấy thầy tôi nằm co quắp nghèo nàn trên phản, nên anh bỏ lại. Chả gì thì ông Bố của anh, rồi mấy ông Chú, ông Bác cũng đã từng “đến ăn mày mấy chữ thánh hiền” với Thầy tôi. Nhất tự vi sư, thời anh không còn cơ hội học chữ nho, nhưng đạo lý làm người vẫn được cha, anh truyền lại, trong đó có đạo Tôn Sư. Nên anh đành bỏ lại mấy món đồ nếu bán đổ bán tháo cũng kiếm được rổ khoai cho cả nhà. Đợi anh làm xong, Mẹ tôi đưa anh vào buồng trong, mở chiếu cói cho anh coi thúng khoai dấu dưới gầm giường tre, rồi nói:
Nói thật với anh, cả nhà cũng còn có ngần đấy. Anh sẻ lấy một phần mang về luộc cho chị ấy và các cháu ăn cho đỡ đói. Nếu anh tìm được nơi nào mua mấy bộ lư, đỉnh thì bán hộ tôi, tôi sẽ cho phần các cháu. Ông yếu lắm rồi, chẳng biết lúc nào đây...
Nói mãi anh mới chịu nhận. Vừa ôm túm khoai vừa khóc. Mẹ tôi kể tiếp rằng nạn đói kinh khủng lắm. Ăn mày la liệt xóm làng. Mỗi sáng, cứ mở cổng ra là thấy mấy thây người nằm chết cứng từ đêm qua. Họ không còn đủ sức kêu rên nên trong nhà không ai biết. Ngày nào cũng thế, Trương Tuần lùng bắt dân đinh khiêng người đi chôn. Mới đầu còn mấy miếng ván để thô không bào, đóng qua đóng quít. Sau đến bó chiếu. Đến lúc không còn đủ chiếu mà bó thì cứ thế đào sâu “3 thước”, xô xuống rồi lấp đất lên. Rồi đến lúc đào không đủ 3 thước nữa, cứ vài tấc nông choẹt là đã lấp rồi. Lâu dần, người khỏe mạnh để đi chôn người chết cũng không còn. Ai cũng gầy như que sậy, gió thổi là ngã. Thành ra Lý Trưởng mới chia phiên chôn người theo thôn, theo nhà. Thực ra người làng đào đâu ra mà chết nhiều thế. Phần lớn là những người từ làng khác, vụ trước đã mất mùa, vụ này lại bỏ ruộng đi trồng đay cả làng, không có được bao nhiêu lương thực nên mò sang làng này may ra đào được gốc chuối nào chăng. Rồi người từ thành, từ tỉnh, lũ lượt kéo nhau về quê tìm thức ăn, chưa vào qua lũy tre xanh đã ngã gục bên đường. “Đói lắm con ạ! Bây giờ con phải thấy hạt gạo là hạt ngọc, đừng vương vãi, phung phí có ngày phải tội...” Mẹ tôi thường kết thúc câu chuyện như vậy. Đúng hơn lúc đó phải nói “hạt gạo quí như ... hạt gạo”, chứ hạt ngọc làm sao bằng được. Mà cái “Có ngày” đó quả thực đã xẩy ra thêm bao lần nữa. Những người lênh đênh giữa biển trên đường vượt biên đã biết cái đói, cái khát là gì, những người trong các nhà tù Miền Bắc những năm 197... cũng đã biết cái đói là gì, dù không thê thảm như năm Ất Dậu nhưng cũng đủ làm thay đổi con người. Chẳng cần phải ở trong tù, ngoài xã hội lúc đó cũng mấp mé đứng bên lề Ất Dậu. Bao nhiêu thóc gạo phải trả nợ chiến tranh, mọi người cứ thế è cổ ra nhai bo-bo, thứ hạt ở trong tù chúng tôi ăn vào thế nào, đi ra như vậy. Xin lỗi, đi cầu ra còn nguyên hạt bo-bo. Nhóm tù hình sự người Mường người Mán vùng biên giới Hoa Việt bị lùa về đây, không thân nhân, không tiếp tế, lại bị đám tù “người Kinh” bắt nạt, hốt lấy bãi bo-bo đó, mang rửa vội dưới sông, rồi cứ thế mà cứu đói. 30 mươi năm sau nạn đói Ất Dậu, cuối 1975, đầu 1976, chúng tôi bị nhốt ở Long Thành, gần Sài Gòn. Một “ngày đẹp trời”, đoàn xe đổ vào trại trên 200 “hình nhân” khẳng khiu quắt queo. Lúc đó không thể gọi họ là những con người. Trông cứ như những xác ép khô, chỉ lộ đôi mắt sâu hoắm. Đó là các cháu bé tuổi từ 12 đến 16, 17 từ trại Bù Gia Mập được đưa về đây bồi dưỡng. Trước đó hơn 6 tháng, các cháu từ đầu đường xó chợ Sài Gòn được tập trung rồi tống vào giữa rừng Bù Gia Mập. Tay không làm lấy nhà cửa mà trú mưa trú nắng. Quần áo không có, chăn màn cũng không. Không một cái đinh, sợi kẽm. Với chút thực phẩm ít ỏi, các cháu chiến đấu chống lại sự hủy diệt của thiên nhiên, của con người. Ra đi 600, về đây hơn 200. Có ai nghĩ đến chuyện dựng bộ phim như vậy không? Thiên Anh Hùng Ca của dân tộc ta. Bao nhiêu là “Chuyện Ất Dậu” chạy dài suốt 60 năm của chu kỳ lịch số Đông Phương. Có lẽ Thầy tôi sẽ không nói ai là kẻ có tội trong các câu chuyện “Ất Dậu” này. Người Nhật không, người Việt cũng không. Cả người Thực Dân, cả người Cách Mạng, cũng không. Đó là do vận số của dân tộc, của đất nước. Nghe vậy nhiều vị bực mình, thôi hãy tha cho một ông đồ nho của thế kỷ trước. Cũng có thể là tôi hiểu lầm Thầy tôi, nhưng cứ theo những gì Mẹ tôi kể lại, tôi nghĩ vậy. Về nhiều điều, kiến trúc, văn chương, hội họa, âm nhạc, cả nhan sắc nữa, chúng ta chưa có thứ nào là bậc nhất thế giới. Tổ tiên chỉ để lại cho ta sức chịu đựng và lòng dũng cảm vượt qua biết bao “Nỗi Bất Hạnh Ất Dậu”. Mấy dân tộc có được điều đó.
Năm nay lại là năm Ất Dậu. Chúng ta đang sống trong cảnh quá no, quá đủ. Ở đâu đó trên mặt đất này vẫn còn chiến tranh, nghĩa là vẫn còn đói khát, còn chết chóc. Chỉ mong cảnh đó như cơn gió thoáng qua, đừng để số thương vong chết chóc lên đến gần hai triệu như năm Ất Dậu, hơn một triệu trong mười năm chiến tranh, gần một triệu buông mình giữa các làn sóng biển nhấp nhô. Xin được như nguyền.
Subscribe to:
Post Comments (Atom)
No comments:
Post a Comment