Friday, January 16, 2009

3 Ngày Ở Đức

(Trong chuyến đi Âu Châu 8/17- 8/30/2003)
Đỗ Tăng Bí

Frankfurt: Thủ đô tài chánh
Chúng tôi nhận ra nhau giữa dòng người đông đúc ở phi trường Frankfurt. Có lẽ vẻ ngơ ngác của vợ chồng tôi khiến anh Hậu, người bạn trẻ chúng tôi chưa bao giờ gặp, xăm xăm đi tới; còn vẻ mặt nồng nhiệt với nụ cười thiện cảm trên môi của anh khiến tôi tin rằng đó là người chúng tôi đang mong mỏi. Bấy giờ là 5 giờ chiều ngày 17 Tháng 8, 2003. Chúng tôi bắt đầu chuyến “du lịch” 3 ngày ở Đức. Thực ra chúng tôi ở Đức án ngày, 18, 19, 20 và 21 Tháng Tám, nhưng ngày 20 chúng tôi qua một thành phố nhỏ của nước Áo, nên thực sự chỉ ở Đức có 3 ngày.
Anh Hậu lái xe đưa chúng tôi về thẳng khách sạn ngay trước ga xe lửa Frankfurt Main, sáng mai chúng tôi phải đáp xe lửa đi Munchen, tức là Munich, nơi đã tổ chức Thế Vận Hội năm 1972 còn được nhắc mãi vì vụ 11 lực sĩ Do Thái bị sát hại. Cái đuôi của đợt nóng bất ngờ mấy tuần lễ đầu Tháng Tám khiến 13,000 người thiệt mạng tại Pháp còn rớt lại ở thành phố Frankfurt. Bước vào căn phòng khách sạn nóng hừng hực, ngột ngạt như một căn gác xép chật trội sát mái tôn, vợ tôi phải xin ngay anh Hậu hỏi xem khách sạn có cái quạt máy nào không. May quá, nhân viên trực khách sạn cho mượn cái quạt để bàn to hơn bàn tay một chút. Quí vị có biết chúng tôi phải trả bao nhiêu cho một ngày khách sạn: Khoảng 70 mỹ kim.
Anh bạn trẻ nhiệt tình cho chúng tôi 30 phút rửa mặt rồi lôi ngay chúng tôi đi thăm thành phố. Anh chỉ có khoảng 5 giờ đồng hồ tiếp chúng tôi vì khuya nay anh phải đón ngườ em từ thành phố khác tới, rồi cả nhà sáng sớm mai đáp máy bay đi Ý. Frankfurt là thành phố lớn thứ tư của Đức, sau Berlin và Hambourg, và Munich, nhưng được coi là thủ đô tài chánh của Âu Châu. Từ hàng ngàn năm trước đây, thành phố nằm cạnh dòng sông Main này vẫn là nơi lui tới sầm uất của con đường thương mại Âu Châu. Tòa nhà lớn gần khu Tòa Thị Chánh sừng sững dẫy cột to cao ở mặt tiền là nơi diễn ra thị trường chứng khoán quan trọng của thế giới. Nói đến thị trường này là người ta thường đưa ra hình ảnh hai con bò tót bằng đồng dựng trên sân trước tòa nhà, một địa điểm du khách hay lui tới chụp hình. Từ năm 1998, đại bản doanh của Ngân Hàng Trung Ương Âu Châu được đặt tại đây. Tuy nhiên Frankfurt không phải là thành phố chỉ được biết đến vì tiền bạc, nơi đây còn diễn ra hằng năm một hội chợ sách khổng lồ cùng với tòa nhà cổ kính chứng kiến các cuộc trao giải thưởng văn học quan trọng của Đức và Âu Châu. Nét văn hóa còn đậm đà hơn với khu vực trước Tòa Thị Chánh, du khách chen vai thích cánh dạo trên quãng trường mênh mông lát đá, hoặc ngồi la liệt bên ly bia tại những quán lộ thiên trên vỉa hè. Vây quanh quãng trường là những tòa nhà xây dựng từ nhiều thế kỷ. Tòa Thị Sảnh bị tàn phá một phần trong chiến tranh nhưng đã được khôi phục theo đúng kiến trúc cũ. Hậu đã đặc biệt giới thiệu với chúng tôi ngôi nhà bảo tàng Goethe, nơi nhà đại thi hào ra đời năm 1749. Mặc dù Ông sống ở Weimar hầu hết cuộc đời và cũng ít khi nhắc tới Frankfurt, nhưng người dân ở đây vẫn luôn luôn hãnh diện về Ông. Một số tác phẩm nổi tiếng của ông cũng được viết ở thành phố này. Ngôi nhà nơi ông ra đời bị tàn phá trong Thế Chiến 2, đã được xây lại theo y hệt mẫu cũ, làm viện bảo tàng. Anh Hậu cho rằng những địa điểm ghi dấu văn hóa nhân loại mới là nơi du khách cần lui tới trước nhất.
Anh Hậu, vốn quê ở Miền Trung Việt Nam, đưa chúng tôi đến bên bờ sông Main , mà anh nói là trông cũng giống như giòng sông Hương chảy qua thành phố Huế. Nhiều người ngồi nhàn tản hóng mát trên ghế dài dọc theo bờ sông, một cụ già quần áo nhàu nát nằm ngủ ngay trên ghế sắt, vài chiếc du thuyền chở khách du ngoạn, xa xa đôi nóc nhà thờ xẫm màu nổi bật trên nền mây vàng nhạt ánh chiều tà. Bây giờ đã hơn 8 giơ tối mà ngày còn sáng trưng như lúc 5 giờ chiều trời hè California. Tôi tin là thành phố Huế với dòng sông Hương có thể đẹp hơn nơi đây nếu được chăm sóc, gìn giữ đàng hoàng, được khai thác đàng hoàng về mặt du lịch. Cây cầu Tràng Tiền bắc ngang sông Hương trông thơ mộng hơn cây cầu đơn điệu bắc ngang con sông ở đây. Từ trên chùa Thiên Mụ nhìn xuống sẽ là cả một khoảng trời nước mênh mông bát ngát, khiến lòng người phải chùng đi, muốn vứt bỏ những nỗi phiền toái của cuộc sống để chỉ còn lại tháng ngày thảnh thơi. Nhưng dòng sông ở đây sạch hơn sông Hương. Làn nước lăn tăn dưới kia không vương một cọng rác, không lững lờ trôi một mảnh giấy nào. Tôi có thể nhìn thấy rõ đàn cá lao xao tung tăng bơi lội. Người ta không xả rác xuống sông. Bao giờ người Việt mình giữ được như vậy nhỉ.
Sau bữa ăn tối gồm mấy món mà Hậu nói hoàn toàn có tính truyền thống Đức ở một nhà hàng nghe nói lâu đến trăm năm, chúng tôi về tới khách sạn lúc 11 giờ đêm. Ly bia táo đặc chế của nhà hàng khiến tôi còn ngây ngất, nhưng vẫn bị cái nóng bức của “căn gác xép mùa hè” làm tỉnh hẳn rượu. Vợ chồng tôi nói chuyện về anh bạn trẻ lần đầu tiên gặp mặt. Chỉ biết nhau qua e mail giới thiệu của người bạn chung hai bên trước khi chúng tôi rời Quận Cam mấy ngày, rồi trao đổi e mail hẹn ngày giờ máy bay đáp xuống. Vậy mà suốt 5 giờ đồng hồ qua, Hậu đối với chúng tôi như những người bạn quen biết từ lâu. Cũng chỉ với 5 giờ đồng hồ, Hậu giới thiệu được đầy đủ những nét sinh hoạt chính của thành phố theo một tiến trình có tổ chức rõ ràng. Hậu vượt biên từ Miền Trung, lưu lạc qua Đức, một số năm tuổi trẻ của anh dành cho những hoạt động lý tưởng, bây gờ anh phải lo nhiều hơn cho mặt kinh tế gia đình nhưng vẫn dành trọn một phần ba thời gian làm việc trong ngày cho lý tưởng anh ấp ủ bấy lâu, và được người bạn đời hỗ trợ. Mấy ngày sau, tôi cũng được một người cháu ở Ausgburg và một người bạn cũng mới biết nhau qua e mail ở Berlin, hướng dẫn thăm thú địa phương theo một phong thái đầy tính tổ chức, trật tự và lý tưởng như vậy. Phải đến khi chúng tôi qua mấy nước Âu Châu khác, mới nhận ra rằng những anh bạn kia đã tiêm nhiễm lề lối làm việc của người dân Đức, hiệu quả, thân thiện, điều mà người dân những nước khác trong khu vực không thể sánh kịp. Nhìn thoáng qua, vẻ mặt người Đức trông lạnh lùng, nghiêm khắc. Nhưng khi chúng ta cần điều gì thì họ niềm nở giúp đỡ, chỉ bảo đến nơi đến chốn. Đến Đức, chúng ta gặp một điều dễ chịu là hầu như người dân Đức đi ngoài đường phố đều nói được chút ít tiếng Anh, vì từ lớp đầu tiên ở trung học đã có dạy Anh ngữ.
9 giờ 30 sáng hôm sau, 18 Tháng 8, chúng tôi đến nhà ga xe lửa Frankfurt Main, bắt đầu chuyến đi kéo dài hơn tuần lễ lang thang qua nhiều nhà ga Âu Châu. Có lẽ phải nói ngay về phương tiện vận chuyển thú vị chằng chịt khắp Âu Châu này.

Xe lửa Âu Châu: Một phương tiện vận chuyển tuyệt vời
Khi nghe chúng tôi dự trù dùng xe lửa đi thăm khoảng 5 thành phố Âu Châu trong vòng 10 ngày, một anh bạn ở Pháp cản ngay. Đi xe lửa chậm hơn máy bay, giá vé có thể đắt hơn. Chậm hơn thì chắc rồi, nhưng giá vé đắt hơn thì tôi nghi ngờ. Khi ở Đức, tôi được biết giá vé máy bay khứ hồi Munich – Luân Đôn nhiều khi chỉ có 50 Euro, trong khi vé xe lửa có thể đến 120 euro. Tuy nhiên, nghĩ đến chuyện chờ đợi tại các phi trường, đi qua hàng chục lần kiểm tra an ninh với đủ thứ máy móc lỉnh kỉnh, rồi đợi lấy hành lý, nhất là sau khi biết rằng nếu từ Mỹ đặt mua loại vé xe lửa khi khắp nơi ở một số nước Âu Châu, giá vé chưa bằng một nửa nếu mua tại nhà ga, thì chúng tôi nhất định chọn xe lửa để di chuyển. Bây giờ chúng tôi tin rằng đó là quyết định đúng, và có được một kinh nghiệm di chuyển đầy hứng thú và dễ chịu.
Muốn đặt vé xe lửa Âu Châu quí vị chỉ cần vào internet, đánh chữ “eurail” là tìm được một số trang nhà (web site) về rail ở Europe. Các trang nhà này cho biết chi tiết hệ thống đường rầy dài 240,000 Km (160,000 miles) chăng chịt khắp Âu châu. ở Tây Âu có 17 nước dùng chung vé xe lửa eurail, và 5 nước Đông Âu dùng chung vé “European East Pass”. Quí vị có thể mua vé dùng khắp 17 nước, hoặc mua vé một số nước chọn lựa. Chúng tôi mua vé dùng tại Đức, Pháp, Switzerland, và vé dùng tại 5 nước Đông Âu là Ba Lan, Hung, Tiệp, Áo, và Công hòa Slovak.
Với 3 nước Tây Âu, chúng tôi mua vé dùng 5 ngày trong vòng 2 tháng, giá khoảng $340 mỹ kim/vé. Nếu muốn thêm số ngày dùng, mỗi ngày phụ trội phải trả thêm $25 mỹ kim. Trước khi dùng vé này ngày đầu tiên tại một nhà ga nào đó, quí vị ghi ngày đó vào chỗ dành sẵn trên vé. Sau khi tàu chạy một lúc, nhân viên soát vé sẽ valid ngày đó. Để hiểu được thế nào là “một ngày dùng của vé”, chúng tôi xin nói cụ thể như sau: Thí dụ lúc 8 giờ sáng ngày 18 Tháng 8, 2003, chúng tôi lên chuyến xe lửa tốc hành tại Frankfurt, nước Đức. Chúng tôi lấy vé mua sẵn 5 ngày dùng tại 3 nước Đức, Pháp, Switzerland ra, ghi ngày 18/8 lên đó. Khoảng nửa giờ sau khi tàu chạy, nhân viên soát vé đến và đóng dấu valid ngày đầu tiên đó lên vé. Khoảng 12 giờ trưa, chúng tôi dến Ausgburg, cách Frankfurt hơn 400 Km, là nơi chúng tôi dự trù ở lại một ngày. Giả sử bước xuống ga Ausgburg, chúng tôi đổi ý, muốn đi tới Pais, thủ đô Pháp, chúng tôi vẫn dùng vé trên (giá trị cho 3 nước), lên chuyến tàu đi Pairs. Ngày đầu tiên ghi trên vé đó vẫn còn hiệu lực trên chuyến tàu này, và chúng tôi không mất “một ngày” tính trên vé. Đến Paris lúc 6 giờ chiều, chúng tôi lại đổi ý lên chuyến tàu khởi hành từ Paris lúc 6 giờ 15 phút ngày 18/8, để đi Berlin, Đức. Ngày ghi trên vé lúc 8 giờ sáng vẫn còn hiệu lực trên chuyến tàu thứ 3 này, miễn là lúc lên tàu chưa quá 7 giờ tối. Khi nhận được vé, quí vị cần đọc kỹ chỉ dẫn để biết được những chi tiết như chi tiết nêu trên.
Với tấm vé hạng nhất mua tại Mỹ, đi 5 ngày qua 3 nước, giá 340 mỹ kim (khoảng 295 euros), chúng tôi chỉ mới tiêu có chưa tới 60 euros/một người cho ngày đầu tiên đi xe lửa với 2 lần đổi tàu, trên đoạn đường dài gần 2,000 Km. Người dân bản xứ mua vé tại nhà ga, trên đoạn đường hơn 400 Km từ Frankfurt đến Ausgburg, có thể phải trả khoảng 60 euros/ một người, mà là vé hạng nhì, vì vé hạng nhất gần gấp đôi. Nếu mua vé tại mỗi nhà ga cho đoạn đường 2,000 Km trên, sẽ mất gần 200 euros/một người, vé hạng nhì. Vẫn thí dụ kể trên, sáng ngày 19/8 chúng tôi tới Berlin và ở lại đây 2 tuần lễ. Sáng ngày 4 Tháng 9, chúng tôi lên xe lửa từ Berlin đi Paris, chúng tôi ghi ngày 4/9 lên vé, đó là “ngày 2” tôi dùng vé xe lửa. Từ Pairs tôi có thể lấy xe lửa đi tiếp đến Marseilles, nếu trước 7 giờ tối, vẫn là “ngày thứ 2” dùng vé xe lửa eurail. Rồi sẽ đến ngày 3, 4, và 5 là những ngày nào đó trong tháng 9, tháng 10, miễn là “ngày thứ 5” không cách ngày đầu tiên 18/8 quá 2 tháng.
Dùng vé xe lửa loại này càng thuận tiện với những chuyến du lịch tùy hứng, vì chúng ta có thể thay đổi lộ trình dễ dàng. Đang ngồi trên tàu, bỗng dưng chúng ta thèm đến một vùng đất nào đó của quốc gia có ghi trên vé, chỉ việc lôi tập thời biểu các chuyến tàu 17 nước khắp Âu châu ra nghiên cứu. Chúng ta sẽ chọn nhà ga chính nào gần nhất để xuống đổi tàu đi đến vùng đất đó. Trong tập sách hướng dẫn sẽ chỉ chúng ta biết nên chọn loại tàu nào. Hầu như giờ nào cũng có xe lửa khởi hành từ một nhà ga chính nào đó đưa chúng ta đến nơi muốn đến. Những tàu tốc hành trên đoạn đường thật dài thường mỗi ngày có đến 4, 5 chuyến. Thời biểu của mỗi chuyến xe lửa trong hệ thống chằng chịt đường rày này được tính trước cả năm trời. Chỉ cần vào trang nhà www.eurail.com là tìm được thời biểu này, tìm được đường dài bao nhiêu, mất bao nhiêu giờ, chuyến tàu số mấy, tàu sẽ ngừng ở những ga chính nào trong lộ trình chọn lựa, ngừng mấy phút. Ngay tại Mỹ, chúng ta có thể tính trước nhiều tháng trời lộ trình cho một chuyến du lịch bằng xe lửa mấy tuần lễ ở Âu châu. Ngày giờ của lộ trình này sai lệnh với thực tế nhiều lắm là 10 phút. Từ lộ trình dự trù đó, chúng ta đặt mua vé xe lửa qua internet, chỉ cần đợi từ 3 đến 5 ngày là nhận được vé, kèm theo tập thời biểu các chuyến tàu khắp Âu châu trong vòng 1 năm, một cuốn sách hướng dẫn du lịch, một số bản đồ những nước ghi trên vé, và vài thứ lỉnh kỉnh khác. Mấy điều trên đây hoàn toàn dựa trên kinh nghiệm cá nhân, nếu có sai chỉ vì kinh nghiệm còn chưa đủ.
Khi đặt mua vé xe lửa, chúng tôi chọn vé hạnh nhất, vì chẳng biết những toa hạng nhì sẽ sô bồ đến thế nào, an ninh ra sao. Bạn bè ở Âu châu đều lắc đầu quầy quậy khi nghe chúng tôi đi vé hạng nhất, vì giá vé hạng nhất tại chỗ đắt lắm, ít ai đi. Về các tiện nghi căn bản, giữa hạng nhất và hạng nhì không khác biệt nhiều. Ghế ngồi khu hạng nhất rộng hơn. Xếp theo chiều ngang toa tàu, khu hạng nhì gồm 4 ghế và một lối đi ở giữa, khu hạng nhất chỉ kê 3 ghế. Trong những “lô” ngăn thành buồng, diện tích lô vé hạng nhất rộng hơn hạng nhì. Mỗi lô đó gồm 8 ghế ở hạng nhì, 6 ghế ở hạng nhất. Hạng nhất tiện nghi hơn chút ít, sạch sẽ hơn chút ít. Sau mấy ngày kinh nghiệm, chúng tôi vẫn thấy ngồi vé hạng nhất là đúng, vì giá vé tại nước sở tại cao, ít người mua, nên toa hạng nhất hoặc “buồng” hạng nhất ít người. Buồng 6 chỗ ngồi hầu như chỉ có hai người là cùng, chúng ta có thể ngồi thoải mái, vừa nhâm nhi ly cà phê vừa ngắm cảnh dọc đường, đôi khi có thể hát ông ổng mà không sợ làm phiền hàng xóm. Nếu như máy lạnh là điều hơi hiếm ở Âu Châu, thì trên tàu lúc nào cũng có. Phải chi người ta làm thêm nhà tắm trên xe lửa nữa có lẽ chúng ta hoàn toàn không cần khách sạn. Chúng tôi chưa từng đi xe lửa ở Mỹ, nên không biết sao mà so sánh. Một số bạn bè Âu châu nhận xét xe lửa của họ nhanh hơn, an toàn hơn và sacïh hơn ở Mỹ. Thực sự xe lửa ở đây rất sạch, những chuyến xe tốc hành có thể chạy đến 180 Km/giờ và chỉ ngừng ở những ga chính. Mỗi chuyến tàu có thể kéo đến trên 20 toa, có toa hàng ăn, toa hạng nhì, hạng nhất, toa giường ngủ. Chúng ta đã mua vé hạng nhất rồi, nhưng tài liệu chỉ dẫn đều khuyên chúng ta nên “dành chỗ” trước (reservation). Họ giải thích có vé không có nghĩa là có chỗ. Kinh nghiệm bạn bè và bản thân chúng tôi cho biết không cần “dành” như vậy, vì hạng nhất vắng người. Trên một số “tuyến đường”, điều này bắt buộc. Khi reserve, chúng ta phải trả thêm mỗi chỗ ngồi khoảng 5 euros. Chúng ta có thể làm reservation cho một “buồng” 2 người, trong đó có bồn rửa mặt. Thực tế chúng tôi chưa thấy loại buồng đó, và không phải chuyến xe lưa nào cũng có toa hạng nhất.
Trên các xe lửa tốc hành ở Âu châu thường có toa hàng ăn, phục vụ các bữa ăn sáng, trưa, và tối. Vài lần trong ngày, một nhân viên đẩy chiếc xe như xe trên phi cơ, đến từng chỗ ngồi để bán cà phê, trà nóng, bánh kẹo. Quí vị đừng coi thường việc ăn trên xe lửa, có thể sẽ thấy thú vị một cách bất ngờ. Trên mặt bàn trải khăn lịch sự, bày sẵn mấy lọ nhỏ kiểu cách đựng muối, tiêu, và một bình hoa với vài bông hoa tươi, nho nhỏ. Cái ngon của món ăn, một chút chất nóng chẳng hạn, cộng thêm “cái ngon” của tâm trạng sảng khoái, hoàn toàn thoải mái theo chặng đường dài, sẽ cho chúng ta những kỷ niệm phiêu bồng khó phai mờ. Cho đến bây giờ, tâm trí tôi vẫn còn lưu lại hình ảnh cái màu đỏ của chén súp cà chua Đức, trên mặt chất đỏ au kia còn vương những vệt trắng nõn của chút cream chưa quậy hết; chúng tôi ngồi đối diện nhau, nhìn “hạnh phúc” chạy dài theo sườn đồi cỏ xanh điểm đôi vũng hoa dại vàng tươi. Tàu vẫn lao vùn vụt trên chặng đường rầy Munich đi Berlin, những mái nhà ngói đỏ ẩn hiện xa xa sau những rặng cây. Niềm vui nhảy múa ngoài kia, đôi khi chui qua khung cửa sổ trở lại bàn ăn bên chén súp đậm đà. Chén súp ngon lạ lùng.
Lần đầu tiên bước lên xe lửa ở Âu châu từ Frankfurt đi về miền Nam nức Đức, chúng tôi ngồi cùng phòng với một người đàn ông Đức. Nói chung khuôn mặt người Đức hơi thô, sắc diện cứng cỏi, lạnh lùng. Nhưng anh kỹ sư điện ngồi đối diện tôi trông lại có vẻ hiền, thân mật. Lúc chúng tôi mới bước vào buồng gồm 6 ghế ngồi hạng nhất, anh đã “chủ động” gật đầu chào với nụ cười mỉm nhẹ nhàng. Khi thấy tôi khệ nệ bê mấy cái valy nặng chất lên giá để hàng, với chiều cao khiêm tốn của tôi, việc đó quả thực vất vả, anh kỹ sư điện nhanh nhẹn đứng lên nhấc từng valy, để lên giá gọn gàng, mặc dù anh cao hơn, nhưng thể trạng anh cũng chẳng hơn tôi bao nhiêu. Chắc anh tự hỏi mấy tên Á châu này mua bán cái gì mà nặng đến thế. Ngược hẳn lại sự niềm nở giúp đỡ của một người phương tây, mấy ngày sau trên chuyến xe lửa từ Pairs đi Frankfurt, chúng tôi đã gặp một khuôn mặt Á châu “thật khó ưa”. Paris là chặng chót chúng tôi trở về Frankfurt, để từ đây lên máy bay về Mỹ, do đó, valy chúng tôi càng thêm nặng vì quà cáp. Khi chúng tôi bước vào buồng, anh Á Châu khó ưa kia đang ngồi ườn mình trên ghế, đôi chân dài ngoằng của anh soạc ra đến tận ghế đối diện, và anh chỉ liếc mắc lạnh lùng nhìn chúng tôi thật nhanh roià cúi xuốc đọc sách. Trông anh to và cao hơn anh Đức kể trên rất nhiều. Vậy mà dù hình ảnh tôi vất vả nâng mấy cái valy nặng chịch để cố đưa lên giá đồ kéo dài đến 10 phút, mặc dù tiếng vợ tôi hốt hoảng kêu lên vì sợ tôi tuột tay để valy nặng rơi đè lên người, anh vẫn không hề nhúc nhích dù chỉ một ánh mắt. Anh bình thản đọc sách, hầu như không hề biết đến có ngưới khác trong buồng. Quả thực đông tây khó có thể gặp nhau. Tôi an ủi vợ tôi không nên trách người ta. Đua đòi những kiểu, mốt, những cách hưởng dụng cuộc sống nó dễ, còn học được nếp sống văn minh lại là chuyện khác. Mà ông Á châu này chắc chắn chẳng học được gì từ văn minh Tây lẫn văn minh Tàu. Tôi nhắc vợ tôi chuyện tại Little Sàigòn chúng ta ở đất California để từng bực mình. Khi chúng ta mua hàng trong tiệm Mỹ, chúng ta xếp hàng một cách tự nhiên như hàng ngàn năm nay chúng ta vẫn vậy. Nhưng nếu vào một tiệm người Việt ở khu Little Sài Gòn, thì chúng ta lại chen lên xếp hàng ngang trước quầy, nghĩa là ai cũng “đến trước” cả. Tài thật! Vợ tôi phì cười vì hai tiếng “tài thật”, và quên chuyện chê bai.
Suốt 4 giờ đồng hành, anh kỹ sư điện người Đức nói chuyện rất cởi mở bằng vốn liếng tiếng Anh của thời trung học. Anh cho biết hay đi đây đó do việc của hãng, và hay dùng xe lửa làm phương tiện di chuyển trong nước, đôi khi đi cả những nước Âu châu lân cận. Anh dậy chúng tôi đọc các bảng lộ trình của mỗi chuyến xe, ở các nhà ga. Anh nói về chuyện thống nhất nước Đức khiến đời sống gia đình anh khó khăn hơn ra làm sao, nhưng cả anh và bà vợ đều hân hoan và hãnh diện chịu đựng những mất mát lợi tức vì phải san sẻ cho khu vực Đông Đưc cũ. Cảm ơn anh kỹ sư điện, người Âu châu đầu tiên chúng tôi chuyện trò trên một quãng đường dài, cho chúng tôi hình ảnh đẹp về đất nước, con người Đức.

Augsburg
Chúng tôi lên xe lửa tốc hành ở Frankfurt lúc 10 giờ 20 phút để đi Augsburg, một thành phố nhỏ cách Munich chừng 60 cây số. Khoảng hơn 2 giờ trưa chúng tôi đến nơi sau khi vượt chặng đường hơn 400 Km. Người cháu đưa chúng tôi về thẳng một khách sạn nhỏ gần nhà. Hôm qua ở Frankfurt chúng tôi đã phải khệ nệ khiêng hai va ly nặng leo cầu thang lên tầng lầu thứ tư, hôm nay chúng tôi chỉ phải leo 3 tầng lầu trong khách sạn có chưa đến 20 phòng. Mới ở Âu châu hai ngày, tôi đã khám phá ra ba vật chúng ta ít có cơ hội gặp: thang máy, máy lạnh, và xe van. May mắn là khí hậu ở thành phố miền nam nước Đức này mát hơn Frankfurt nên ban đêm chúng ta có thể ngủ được một giấc khá ngon lành.
Augsburg có khoảng 265,000 dân, được thành lập vào thế kỷ 15 trước Công nguyên, là thành phố cổ thứ hai của Đức. Rải rác trong thành phố còn nhiều kiến trúc Thời Kỳ Phục Hưng, như Tòa Thị Chính và tháp Perlach xây dựng vào năm 1615 và 1620, được coi là kiến trúc nổi bật thời kỳ này của khu bắc dẫy Alps. Đây cũng là nơi sinh trưởng của Leopol Mozart, thân phụ của Wolfgang Amade’ Mozart, nên tòa nhà gia đình ông đã trở thành nơi bảo tàng về giòng họ Mozart.
Một thành phố nhỏ, hiền lành, thân mật, hình ảnh thường gặp trong những tác phẩm tây phương tôi được đọc qua bản dịch Việt ngữ hồi còn bé, nay hiển hiện ngay trước mắt. Từ bao lâu rồi tôi vẫn bị mặt đường gập ghềnh đá lót trong bức họa “Le Café de nuit” của Vangogh cuốn hút, kêu gọi, mời chào. Hôm nay tôi đang đứng giữa lòng đường phố lát đá của khu phố cổ. Dưới chân tôi là những viên đá xanh không biết ở đấy từ bao giờ, hôm nay vẫn chịu đựng sức nặng của xe hơi, xe buýt, xe tải chạy qua suốt ngày. Tôi đứng lặng yên, chăm chú nhìn xuống mặt đường lát đá dưới chân. Đã bao nhiêu vó ngựa phi nhanh trên mặt đường này của thời “ba chàng ngự lâm pháo thủ”, bao nhiêu gót giầy thiếu nữ xinh đẹp e lệ dạo bước trên từng mặt đá? Rồi thời gian, gió, tuyết, ... còn lưu lại những gì nơi đây? Câu cháu, tên Hà, chạy lại hỏi tôi đánh rơi cái gì để tìm giúp. Tôi nói đùa: “A,Ø chú tìm xem còn vết xe ngựa ngày xưa không”. Hà hơi ngỡ ngàng. Cháu lớn lên ở Hà Nội, rồi đi Đông Đức học, rồi qua Tây Đức sống sau khi Đức thống nhất. Trước đây cháu chỉ được đọc vài tác phẩm “hiện thực xã hội chủ nghĩa” kiểu như “Thép đã tôi thế đấy”, cháu không có cái kiểu “lãng mạn tiểu tư sản” như tôi. Tôi khoác vai cháu tản đi bộ trên hè đường. Giữa hai thế hệ già trẻ cách nhau chừng 30 năm đã là một khoảng cách. Giữa hai nền giáo dục Hà Nội, Sài Gòn trước đây lại thêm một khoảng cách xa vời vợi. May thay, chúng ta còn nề nếp gia đình giòng ho, còn gốc văn hóa ngàn năm không thể một sớm một chiều bật hết, nên chú cháu tôi còn thật gần nhau, thân nhau, thương nhau.
Buổi tối, ,gia đình Hà đưa chúng tôi đến ăn ở một nhà hàng Trung Hoa-Việt Nam. Nhà hàng này thuộc hệ thống nhà hàng do gia đình bên vợ Hà làm chủ. Ở Augsburg chưa có tới chục ngàn người Tàu và Việt Nam sống rải rác trên một diện tích lớn, nhưng có một siêu thị và một loạt nhà hàng do người Trung Hoa làm chủ. Vợ Hà kể chuyện trước đây độ mười năm, gia đình cô lưu lạc đến thành phố nhỏ này, lúc đó chắc có độ hai ngàn người Á châu là cùng. Gia đình cô đã dựng lên hiệu ăn Việt Hoa đầu tiên, rồi cứ thế mà phát triển. Sau này, chúng tôi có ăn nhiều món ăn các nước Au châu khác, nhận thấy người Á châu hợp với các món ăn này hơn đồ ăn Mỹ, về độ mặn, độ ngọt, về chất béo là mỡ heo,... Nên đồ ăn Việt-Hoa cũng được người địa phương hoan nghênh hơn ở Mỹ. Bữa cơm tối đó rất ngon, ngoài tài nấu nướng của đầu bếp nhà hàng, có lẽ còn do vị đắng của bia Đức khiến món ăn ngon hơn, do hai ngày rồi chúng tôi chưa được ăn “cơm gạo tẻ.” Chỉ có điều dù nhà hàng trang trí thật sang trọng nhưng không có máy lạnh, phải dùng mấy cái quạt đứng xua đi khí nóng ngột ngạt buổi chiều còn sót lại. Thêm một điều nữa khiến người dân ở California ngại ngùng là ở đây người ta được thoải mái hút thuốc trong tiệm ăn, ai e sợ khói thuốc cũng phải ráng chịu.
Sáng hôm sau, 19 Tháng 8, chúng tôi lên xe lửa ở ga Augsburg, dự trù đi Munchen (tức là Munich), cách khoảng 60 cây số, rồi đổi sang xe tốc hành đi thủ đô Vienne của nước Áo, rồi từ đó sẽ lấy xe đi Varsava ở Ba Lan. Ngồi trên xe lửa đi vào vùng ngoại ô Munchen, tôi thấy những tháp nhà thờ, những tòa nhà cổ kính xa xa, bỗng dưng tự hỏi tại sao mình không để một ngày đi thăm Munchen rồi sẽ đi Vienne ở lượt về từ Ba Lan. Munchen là một thành phố lớn của Đức và nổi tiếng về những công trình văn hóa, dinh thự lâu đài rất nên xem. Chương trình dự trù là Augsburg – Vienne – Varsava – Prahague – Berlin – Munchen (tức là về lại Augsburg), rồi đi Paris. Bây giờ thăm Munchen trước, rồi đi Berlin, rồi Ba Lan,.. Đây là một thí dụ thú vị về điều tiện lợi khi dùng vé xe lửa RailEuro, muốn đổi xe lúc nào thì đổi, không phải chờ đợi mua vé ở ga địa phương, không sợ mất chuyến.

Munchen
Xuống nhà ga Munchen, mới có 9 giờ sáng, chúng tôi tìm chỗ thuê hộp chứa đồ với giá 4 Euros, nhét vào mấy cái valy, túi sách, chỉ mang theo người một cái ví đeo phụ nữ trong đó vợ tôi nhét đầy các thứ thuốc cấp cứu cá nhân, tôi vác một máy ảnh, một camcorder, bắt đầu tìm hiểu về Munchen.
Munchen là thủ phủ vùng Baravia và là thành phố lớn thứ ba của Đức, sau Berlin và Hamburg. Hiện nay dân số Munchen vào khoảng 1 triệu 300 ngàn người, bắt đầu chật trội với những công trình xây cất tràn lan, thành phố đang mở rộng ra ngoại ô rất nhiều vì nhịp độ phát triển. Munchen là một trong vài nơi thành công về kỹ nghệ nhất thế giới, cùng với Silicon Valley xếp hạng đầu về các trung tâm kỹ thuật, 16% lực lượng lao động ở đây tốt nghiệp các viện đại học hay học viện kỹ thuật, trên mức trung bình của Đức. Munchen còn là thủ đô về truyền thông của Đức do nền kỹ nghệ truyền thông ở đây phát triển mạnh. Người ta nhận xét toàn cảnh Munchen không có gì thay đổi từ 100 năm qua, dù trên thực tế chiến tranh đã tàn phá hoặc làm hư hại hai phần ba số các tòa nhà, nhưng sau đó được tái thiết như cũ, phần mới của thành phố là thêm một số trụ sở ngân hàng, trạm xăng, và những tiệm bán đồ lưu niệm dọc theo những con đường chính của thành phố. Như thế để thăm thú được trọn vẹn thành phố đầy những kiến trúc cổ và dấu vết văn hóa, một thành phố của nghệ thuật và khoa học, chúng ta phải mất mấy ngày. Có cả một trăm “tua hướng dẫn du lịch” đưa chúng ta đi xem những khu vực thú vị nhất của thành phố, các viện bảo tàng, làng thế vận hội tổ chức năm 1972, qua những khu phố cổ, đến các cung điện hoàng gia, dự các bữa ăn cổ truyền, những buổi hòa nhạc, ... và hàng trăm hồ nước xanh vắt, sâu thẳm với những thú vui trên sông nước mênh mông. Munchen đang chuẩn bị đón tiếp khoảng 20,000 phóng viên truyền thông sẽ đến đây vào năm 2006 để tường thuật các trận đấu tranh vô địch túc cầu thế giới.
Chúng tôi chọn một tua kéo dài 4 giờ, ngồi xe bus đi khắp thành phố Munchen. Có nhiều tua kéo dài 10 giờ hoặc 2 ngày, đưa du khách ra cả ngoại ô, vào xem các viện bảo tàng, kèm theo bữa ăn tối, hoặc đi xem nhạc kịch. 4 giờ là đủ biết khái quát về thành phố này vì chúng tôi muốn trở về Augsburg vào lúc xế chiều, để được ngồi ăn ở một quán nho nhỏ ven thị trấn một “tỉnh lẻ”, dạo bước trên những hè đường chập chờn ánh đèn vàng hắt ra từ những quán cà phê, nhìn những con người nhàn tản ngồi nhấm nháp ly bia. Đó là những sinh hoạt, những hình ảnh lâu lắm rồi vợ chồng tôi chỉ có trong tưởng tượng, nay được đắm chìm trong đó.
Dù chỉ với 4 giờ đồng hồ “cưỡi ngựa xem hoa”, nhưng vợ tôi cũng có cơ hội lang thang gần một giờ giữa khu “shopping” được coi là thuộc hàng rộng lớn và đẹp nhất nước Đức. Hầu như những đường phố trong khu vực này chỉ dành cho người đi bộ. Người ta chen vai thích cánh trên đường, nườm nượp ra vào hàng trăm cửa hàng quần áo thời trang, Munchen vốn là một trung tâm thời trang, rồi hàng trăm hiệu bán đồ trang sức, hiệu sách, phòng trưng bày nghệ thuật, và những quán ăn với hàng ngàn người ngồi la liệt trước ly bia sủi bọt. Cô hướng dẫn viên giới thiệu mấy quán ăn có lịch sử hàng mấy trăm năm, hiện vẫn bưng lên cho thực khách những món ăn cổ truyền của vùng Barbaria, và hỏi có ai muốn dành 20 phút vào thưởng thức món súc xích Bavarian như một kiểu ăn dặm giữa các bữa ăn chính mà đa số dân địa phương vẫn có thói quen ăn như vậy. Cô giải thích có hàng trăm món súc xích để quí vị lựa chọn, từ những khúc dồi heo, đến khúc dồi heo trộn bò, kèm theo một “Mab”, tức một lít bia hay chỉ một “Halbe”, tức nửa lít mà thôi. Nếu quí vị chỉ muốn chạy qua hàng bia, xin hãy dùng một “Kleines”, tức chỉ cỡ 1/4 lít, hoặc dùng loại bia táo. Sau khi hết tua ngoạn cảnh, chúng tôi đi bộ trở lại đây, bê một đĩa dồi to tướng, nóng hổi, thơm ngào ngạt cùng vại bia, ngồi xoạc chân bên chiếc bàn sắt còn trống, tận hưởng cái thú ăn nhậu của một kẻ chẳng còn gì lo lắng trên cõi đời này. Vợ tôi “nhậu” dồi với trà nóng. Nhờ đi “Tây” nàng mới thấy cái vị ngon của trà pha với sữa. Chúng tôi thư thái vô cùng, thư thái nhai thật kỹ từng miếng dồi “chưa bao giờ ngon thế”, thư thái nuốt từng ngụm bia, thư thái ngắm những khuôn mặt xinh đẹp uống hết vại bia này đến vại bia khác. Hàng trăm chiếc bàn sắt kê dọc theo lòng đường lát đá. Người người ngồi la liệt, thiếu ghế thì ngồi trên tay ghế của bạn mình. Những vại bia vàng óng to kếch sù, sủi bọt trắng phau. Trên kia là tàn lá rào rạt gió qua, trên nữa là những bức tường phố đầy hoa văn, đầy những bức tượng đứng, ngồi, nằm gắn vào mọi nơi trên tường, và trên cao nữa là trời xanh, màu xanh của “Thu Quyến Rũ”.
Các thành phố nổi tiếng ở Âu châu thường có chung những khu vực kiến trúc hấp dẫn du khách là khu Tòa Thị Sảnh, các nhà thờ, các viện bảo tàng, các đền đài, cung điện, các tòa lâu đài xây dựng từ mấy trăm năm trước, thư viện và các trường đại học. Cô hướng dẫn viên nồng nhiệt giới thiệu khu này, trông cô có vẻ như một sinh viên. Munchen hiện có khu các trường đại học lớn nhất nước Đức, được xây dựng từ năm 1835 đến 1840, với 105 ngàn sinh viên ghi danh năm nay. Cô hãnh diện kể rằng từ các viện đại học thành phố này, 4 người đã đoạt giải Nobel (tôi quên mất về ngành gì). Xe chạy qua khu trường đại học nghệ thuật, vài sinh viên nằm dài trên thảm cỏ, một cô nữ sinh tóc vàng đang kéo vĩ cầm, và một ông già ngồi gục đầu (ngủ) trên băng ghế sắt dưới trời trưa nắng. Những người sống thực và những pho tượng xen nhau đứng ngồi trong khuôn viên nhà trường. Khắp nơi đầy những pho tượng. Chúng ta chỉ biết đươc đâu là người do bắt gặp vài cử động, và người đó không đứng, nằm, ngồi giữa những vòi phun nước.
Vài điều thú vị khác ở Munchen là thư viện lớn nhất Tây Đức, “Munich State Library”, với khoảng 4 triệu cuốn sách. Munchen cũng là thành phố mà đa số trong số 300 nhà xuất bản Đức đặt đại bản doanh. Cô hướng dẫn viên hào hứng chỉ vào những tấm bảng hiệu bằng gỗ cũ kỹ có tên một tờ tap chí. Đó là một trong vài tấm bảng hiệu nhà xuất bản, hoặc tờ báo, còn gắn rải rác nơi mặt tiền những căn nhà cổ nào đó trên đường phố. Nhìn vào phiến gỗ nức nẻ, chúng ta như còn thấy được dấu vết lịch sử lâu đời, tưởng như tấm bảng hiệu còn gợi lên những hình ảnh sinh hoạt của người dân triền miên thay đổi mấy trăm năm qua, phản ảnh liên tục qua hàng triệu trang sách báo in ra bấy lâu nay.

Salzburg: The Sound of Music
Thấy chúng tôi chưa đi Vienne, thủ đô nước Áo, tối đó cháu Hà đề nghị ngày mai sẽ chở Bố Mẹ cháu và vợ chồng tôi đi chơi một thành phố Áo nằm sát biên giới với Đức là Salzburg. Nghe nói tên thành phố, vợ tôi hứng khởi tán thành, vì từ những năm trước 75, chúng tôi đã được coi phim “The Sound Of Music” chiếu ở Sài Gòn, lấy Salzburg với cảnh trí đẹp mê hồn làm ngoại cảnh. Sáng ngày 20 Tháng Tám, 5 người chúng tôi ngồi chật chiếc xe Volwagen nhỏ xíu, chạy bon bon vào xa lộ, trực chỉ hướng về biên giới Đức – Áo.
Xa lộ chạy vòng vèo, lên xuống trong khu vực đất trung du, cảnh vật thay đổi liên tiếp, bao trùm một màu xanh lá cây lúc đậm lúc tươi tùy rừng cây hay đất canh tác trồng trọt dựa theo sườn đồi. Loáng thoáng xa xa điểm xuyết những nóc nhà thờ xám nổi bật trên nền trời, chế ngự một vùng nóc nhà ngói đỏ tươi. Vùng quê Đức tôi đi qua thường chỉ thấy mái nhà ngói đỏ, không thấy màu ngói khác. Lâu lâu gặp mấy cánh quạt của cối xay lúa chậm chạp quay trên nóc nhà kho hay vựa thóc giữa một trang trại, vợ tôi nói đùa đó là cối say Alphonse d’ Audet dùng khi ông ta qua Đức chơi. Phải nói rằng bảng chỉ đường trên xa lộ của Đức ở vùng này rất hữu dụng không kém hệ thống bảng chỉ đường ở California, giúp người lái xe dễ dàng định hướng. Mỗi exit đều được báo trước 2, 3 chặng. Ngay ở Mỹ, nhiều tiểu bang cũng không có hệ thống bảng chỉ đường to, rõ, hữu ích như vậy. Thí dụ ở Houston, nhiều khi vừa thấy bảng báo exit thì xe đã chạy vụt qua mất rồi.
Từ Augsburg đến biên giới Đức – Áo mất 2 giờ rưỡi chạy xe hơi. Khoảng 1 giờ trưa chúng tôi vượt biên giới đi vào lãnh thổ tỉnh Salzburg, và nửa giờ sau xe bắt đầu lăn bánh trên những con đường lát đá xanh của Thành phố Salzburg. Nhiệt độ vùng này thấp nhất vào Tháng Giêng, khoảng 2.6 độ C, lên cao nhất vào Tháng Bẩy, với 23.7 độ C. Một khu nghỉ mát lý tưởng và du khách gọi thành phố này là “Thiêng Đường Nhỏ.”
Hôm nay là Thứ Tư, không phải ngày cuối tuần, nhưng chúng tôi cũng phải vất vả hơn nửa giờ mới tìm được chỗ đậu xe ở một nơi mất tiền trong “khu phố mới” thuộc hữu ngạn sông Salzach. Con sông êm đềm như một nước hồ lớn, và theo bản đồ, hạ nguồn nhập vào sông Danube, nên chúng tôi cứ tưởng tượng như mình đang đứng bên bờ con sông trong ca khúc Phạm Duy:”... sống trong lòng người đẹp Tô Châu, hay là chết bên bờ sông Danube...”
Tuy bụng đó cồn cào, nhưng chúng tôi cố gắng cuốc bộ qua cầu, sang bên khu phố cổ ăn trưa, rồi lát nữa sẽ lên thăm pháo đài Hehensalzburg và nhà bảo tàng Mozart. Những ai thỉnh thoảng lui tới khu Bàn Cờ ở Sài Gòn hẳn thấy ngõ hẻm chằng chịt “như cái bàn cờ” vậy, ngõ nọ thông qua ngõ kia, quanh quẩn một hồi hóa ra đi lạc, không còn định hướng được nữa. Khu phố cổ bên tả ngạn sông Salzach cũng vậy, cũng quanh quẩn chằng chịt, lên dốc xuống dốc. Khác ở chỗ các ngõ ở đây rộng hơn một chút, hầu như đều lát đá, và những ngôi nhà trong ngõ không lụp sụp như Bàn Cờ của chúng ta. Hầu hết là nhưng dẫy phố cổ, cao 4, 5 tầng, tuốt tuột sát mái nhà thường ghi năm khởi công xây dựng vào khoảng thế kỷ 15, 16, và năm tu bổ khoảng đầu thế kỷ 20. Ở một góc nào đó của mỗi con đuòng đều vang lên tiếng nhạc, không phải tiếng ca cải luong ồn ào từ radio khắp mọi nhà trong ngõ, cũng không phải tiếng hát oang oang của một chàng trai suốt ngày chỉ hát độc một bài “... chiều mưa biên giới anh đi về đâu...” Tiếng nhạc từ một nàng nghệ sĩ đứng ven đuòng say sưa kéo vĩ cầm, hoặc do một chàng trai ngồi bệt trên bực cửa một cửa tiệm ôm chiếc ghi ta, hoặc là tiếng kèn trompette của một ông tóc đã bạc vẫn dồn hết sức già thổi lên khúc nhạc làm vui lòng nguòi. Lát nữa đây ở truóc cửa nhà bảo tàng Mozart, khi đứng gần nửa tiếng đồng hồ thu hình một cặp trai gái chơi vỹ cầm và thổi ống tiêu, tôi chạnh lòng nghĩ đến những cặp vợ chồng già hát xẩm trên hè đuòng Hà Nội truóc 1954. Ở đất nuóc chúng ta nghèo khó, những con nguòi đó bị nguòi đời coi là kẻ ăn mày. Ở đây, nguòi ta trịnh trọng đặt đồng tiền vào hộp đựng đàn, đôi khi đặt vào chiếc mũ phớt lật ngửa duói chân nguòi chơi nhạc. Người ta đứng vòng chung quanh, đôi mắt có hơi ánh lên nét ái ngại nhưng vẫn đầy vẻ khâm phục, những tràng pháo tay biểu lộ tán thuỏng, cổ võ. Ở đây, nguòi chơi nhạcï không là kẻ ăn mày, họ là nghệ sĩ.
Du khách thuộc đủ mọi sắc dân ngược xuôi chen chúc khắp mọi ngõ. Hiệu ăn cũng la liệt khắp nơi, Tiệu cơm Tàu, cơm Nhật san sát một khu, và đôi khi có cả tiệm ăn Thái, nhưng chưa hề thấy hiệu phở Việt Nam. Ở đâu cũng có thể ăn cơm Tàu, Nhật và Thái, nên chúng tôi quyết lùng cho ra tiệm ăn bản xứ. Cuối cùng chúng tôi cũng lọt vào được một tiệm ăn nhỏ bé có những món ăn vùng Salzburg, một tiệm chỉ vừa đủ kê được 4 bàn trong tầng trệt ngôi nhà cổ, theo tấm bảng gắn ngoài cửa, khởi công xây dựng từ năm 1230, tu bổ vào khoảng năm 1800, lần tu bổ mới nhất vào năm 1950. Mọi chi tiết kiến trúc được mô tả là vẫn giữ nguyên, kể cả hàng hiên thô sơ nhỏ tí, đủ chỗ kê một cái bàn gỗ mộc 6 người ngồi chật. Giờ phút ngồi ghi lại những hàng chữ này tôi không còn nhớ chúng tôi đã ăn những món gì, nhưng phần vì đói, phần vì không khí quá thanh thản pha chút cổ kính với những cặp sừng hiêu, nai, ghi là săn được từ cả trăm năm trước, khiến chúng tôi ăn khá ngon miệng. Chỉ riêng cái vại bia có kiểu dáng cầu kỳ xưa cũ cũng khiến mình tưởng đang là thực khách của phòng ăn một vị Công Tước nào đó ven biên giới Áo thời xưa.
Lọt trở lại vào những khu ngõ cổ vẫn chật ních người với người. Salzburg là một thành phố nhỏ nhưng lại là quan trọng nhất trong kỹ nghệ du lịch của nước Áo. Tổng số cư dân thành phố chỉ chiếm 6% dân số Áo nhưng đóng góp được 18% tổng sản lượng quốc gia. Thành phố bé nhỏ như vậy mỗi năm đón khoảng 4.1 triệu du khách, ở trên 20 triệu đêm tại 200,000 giường nằm khách sạn. Kỹ nghệ khách sạn và ăn uống ở đây tuyển dụng trên 20,000 nhân viên dựa theo con số năm 1997 / 1998.
Lang thang đến 4giờ 30 chiều thì chúng tôi tìm ra trạm đi xe treo lên pháo đài Hohensalzburg. Hồi nhỏ học sử nước nhà, chúng ta thường nghe mô tả thành Cổ Loa thời An Dương Vương có 3 vòng thành xoáy chôn ốc bên ngoài rất khó tấn công. Đây là tòa thành thuộc loại cổ nhất Việt Nam được xây từ thế kỷ thứ 3 trước Công nguyên để làm kinh đô nước Âu Lạc. Cho đến nay Cổ Loa chỉ còn lưu lại chút ít di tích nên không cho ta thấy được kích thước của một tòa thành làm kinh đô. Còn Hohensalzburg chỉ là một pháo đài khởi công xây từ năm 1077, nhưng mọi chi tiết kiến trúc hầu như còn giữ được nguyên vẹn vì chưa từng bị xâm chiếm suốt 9 thế kỷ, đã cho chúng ta thấy hiển hiện trước mắt một công trình xây dựng lớn lao. Trước đây, pháo đài là nơi sinh sống thường trực của 10,000 người với đầy đủ giếng nước, hệ thống ống nước, chợ búa, cửa tiệm, những con đường rộng rãi đủ cho 4 cỗ xe ngựa chạy song song, khu quãng trường là nơi tập họp được 3000 binh sĩ, và một hệ thống chằng chịt nhiều tầng, với hàng ngàn ngôi nhà trên các khu phố, hàng ngàn văn phòng tham mưu, nhà kho, bếp núc. Hồi tưởng lại tôi biết đã quên một điều là không để ý xem hệ thống nhà vệ sinh ra làm sao.
Sau hơn 5 phút đứng trong xe treo theo đường dây cáp leo lên đến “tầng trệt” của pháo đài nằm trên đỉnh núi, chúng tôi bước vào một sân xi măng rộng mênh mông, bao quanh một bên là những tầng tháp canh rộng rãi cao ngất, một bên là các tầng trên của pháo đài, một bên là tường thành. Đến sát tường thành nhìn xuống gần trọn toàn cảnh Salzburg và vùng núi non, sông hồ xung quanh, gồm những mái nhà, nóc nhà thờ, những đường phố ở dưới xa vài trăm mét. Hơn 5 giờ chiều nhưng ánh nắng còn trải rực rỡ trên những vòm mái kim loại các đền đài, nắng còn lấp lánh phản chiếu từ dòng sông. Bao nhiêu cái nhộn nhịp, ồn ào của thế giới nhân sinh dưới đó không vang vọng một chút âm thanh lên cõi tĩnh lặng này.
Mặc dù rất vội vã lướt qua những khu vực quan trọng của pháo đài, chúng tôi cũng đã phải cuốc bộ, leo lên leo xuống bậc thang trong suốt một tiếng đòng hồ, để thấy được phần nào của toàn bộ công trình xây dựng, tu bổ, kéo dài suốt 700 năm. Công trình lớn lao chằng chịt và rối rắm đến độ năm 1994 người ta còn khám phá ra một nhà thờ nhỏ ẩn khuất trong pháo đài. Chúng ta hãy bắt đầu đi bộ từ một sân nhỏ ở tầng trệt. Gọi là tầng trệt nhưng thực sự tầng này ở trên mấy lần tầng hầm nữa. Cảnh tượng đập vào mắt đầu tiên khêu gợi trí tò mò của mọi người là một cây thuộc loại cổ thụ sừng sững giữa sân. Không biết được là rễ của cây này hút nước từ đâu nuôi sống thân cây to lớn suốt hơn trăm năm. Từ cái sân nhỏ có thể chứa 3000 người này có hàng chục cây số đường lát đá chằng chịt tỏa ra khắp nơi. Hàng ngàn mét “đường rầy” nối từ tháp canh này đến tháp canh nọ chung quanh, chạy qua hàng trăm cái cổng, làm thành con đường ngăn chặn các cuộc tán công, không cho địch quân mặt bằng tập trung quân trong khi quân trong thành có thể dùng đường đó vận chuyển nhanh chóng. Người ta dùng ngựa kéo các toa xe chạy trên đường rầy, giúp vận chuyển các khẩu đại bác đặt vào các ổ quan sát lưng chừng vách đá, từ đây pháo đài có thể kiềm chế, kiểm soát các cuộc di chuyển của quân thù trên bộ hay theo dòng sông Salzach muốn vào cửa ngõ thành phố Salzburg.
Với 10,000 quân nhân đồn trú, chưa bàn đến chuyện lưu trữ lương thực, chuyện dẫn nước từ lầu này lên lầu kia, chỉ mới để ý đến câu hỏi lấy chỗ đâu làm kho đạn dược, làm sao an toàn, là đã có được câu trả lời thú vị. Người ta chứa đạn dược tại hai tòa tháp của pháo đài, một nơi bây giờ cải biên thành nhà hàng phục vụ du khách, một nơi bây giờ còn dễ dàng nhận ra trong tòa tháp “Geyer”. Cả hai kho đạn đều được xây dựng xa tường thành vì hồi đó thuốc súng còn dễ bị phát nổ. Nếu tòa tháp chứa đạn có bị sập đổ cũng không làm cho tường thành bị lay chuyển gì. Các bức tường tòa tháp cũng được xây rất mỏng, và theo kiến trúc làm sao tránh bị sức dội của các vụ nổ, các khung cửa sổ của tháp cũng được đặt làm sao không có vật gì từ bên ngoài có thể phóng qua rơi trực tiếp vào phía trong tòa tháp.
Chúng tôi đi qua khu đặt các khẩu đại bác, mũi súng hướng hẳn xuống thành phố và dòng sông bên dưới. Khí lạnh thổi vào lạnh hơn độ lạnh bình thường của máy lạnh. Chúng tôi vào xem qua một ngôi thánh đường của pháo đài. Thánh đường St. George trong tháp Kraut chứa được gần 200 tín đồ vào hành lễ, với hơn 30 ghế gỗ dài, trạm trổ tỷ mỷ. Mỗi vật, mỗi khoảng tường trong pháo đài, đều là những cổ vật. Chúng tôi cũng ghé vào thăm một khu gọi là “phòng nhục hình”. Người hướng dẫn trấn an du khách rằng không có gì phải sợ sệt với đám dụng cụ tra tấn trong phòng này, vì chúng quả thực không hề còn dấu tích vết máu nào của tù nhân hay kẻ tội hình, và vẫn theo hướng dẫn viên, người ta tự hỏi không biết căn phòng này đã có lần nào chứng kiến cảnh tra tấn hay chưa.
Toàn bộ pháo đài là một công trình kiến trúc nghệ thuật. Mỗi chi tiết trong pháo đài cũng là một tác phẩm nghệ thuật. Ngay cả con đường quanh co dưới chân núi trước khi đến khu vực phòng đợi để vào xe treo leo núi cũng chứa đầy những bia đá, những ngôi mộ, những tượng thánh bao trùm những nét hoa văn rất đẹp. Mấy tiếng đồng hồ chưa thể biết hết được pháo đài. Cần một ngày, và quí vị đừng lo lắng về chuyện ăn uống. Có đủ những món ăn thịnh soạn, những ly rượu ngon, chờ đón quí vị.
Khoảng gần 6 giờ chiều, trời còn rực nắng, chúng tôi xuống núi, đi tìm ngôi nhà kỷ niệm nơi nhạc sĩ thiên tài sinh trưởng. Tài liệu kể rằng người con vĩ đại của Salzburg ra đời vào lúc 8 giờ tối ngày 27 Tháng Giêng, năm 1756, tại ngôi nhà số 9 đường Getreidegasse. Thân phụ nhạc sĩ là ông Leopold Mozart chuyển từ Augsburg đi Salzburg vào năm 1736. Trong nhà người ta trưng bày những bức họa chân dung nhạc sĩ, thân nhân trong gia đình ông, chiếc đàn piano nhỏ ông đã dùng sáng tác hầu hết 27 bản concert cho piano, một số vật dụng tùy thân của nhạc sĩ để theo từng phòng ,như phòng làm việc, phòng ngủ, phòng ăn, nhà bếp,... Phía trước ngôi nhà là một quãng trường rộng, nơi tượng nhà nhạc sĩ thiên tài dựng lên từ năm 1842. Lúc chúng tôi đến nhà kỷ niệm, chỉ còn 5 phút hết giờ cho khách vào thăm (6 giờ chiều), và đúng 6 giờ rưỡi nhà kỷ niệm đóng cửa. Chúng tôi vội vã leo mấy tầng lầu xem lướt qua từng căn phòng. Khí trời nóng nực, màu nắng xế buổi chiều càng làm tăng cảm giác khó chịu vì nóng. Người ta không hề để một cái quạt nào xua bớt khí trời và hơi người. Ra đến ngoài quãng trường rộng, gió mát như mang lại sức khỏe cho cả bọn sau hơn 4 giờ liên tục đi bộ, lên xuống cầu thang. Một đôi trai, gái chơi vĩ cầm và thổi tiêu đứng hòa nhạc Mozart phía trước nhà kỷ niệm. Ở đây thật thanh bình.
Còn rất nhiều nơi du khách có thể thưởng ngoạn ở Salzburg. Chỉ cần đứng trên pháo đài Hohensalzburg cao chót vót nhìn xuống, người ta đã quan sát được nhiều địa điểm văn hóa, lịch sử đáng đến chiêm ngưỡng: Festival Building, Collegiate Church, Church of Franciscans, St. Peter’s Abbey, Mirabell Palace, Archbishop’s Residence, Cathedral, ... Hình ảnh tất cả những chà thờ, lâu đài đó đều nổi bật trên nền cây cối xanh tươi bao phủ, xa xa là núi non từng ngọn xô nhau chạy dài, loáng thoáng trên đỉnh núi ánh nắng chiều giúp ta nhận ra mấy tòa nhà nhỏ tí nhìn từ khoảng cách mấy ngàn mét.
Chúng tôi đi bộ qua cầu đến chỗ đậu xe để trở về Augsburg. Đôi chiếc phà nhà hàng bắt đầu tách bến ra giữa dòng sông, trôi từ từ trên mặt nước mênh mông phẳng lặng. Tiếng nhạc dập dìu từ lòng sông vọng lên nhắc tôi nhớ đến những ngày cả bọn thanh niên thiếu nữ lênh đênh trên hàng chục chiếc đò sông Hương trong một kỳ trại sinh viên ở Huế. Thời gian qua mau, hãy cất chân lang thang đi khắp chốn cho biết mặt trái đất này, cho biết con người đang sống đâu đó cùng ta, quí vị ơi.

Đông Bá Linh
Lúc 9 giờ 26 phút sáng Thứ Năm, ngày 21 tháng 8, 2003, chúng tôi lên tàu ở ga Augsburg để đi Belin. Chuyến tàu tốc hành vượt chặng đường dài 650 Km, mất 6 giờ, đến ga Đông Berlin lúc 15 giờ 22 phút sau khi ngừng ở gần chục nhà ga chính, mỗi nơi từ 1 phút đến 5 phút.
Tàu chuẩn bị ngừng ở một ga giữa đuòng. Bảng báo hiệu bằng đèn ở đầu toa cho biết thời gian ngừng là 3 phút, như thế ga này tuong đối lớn. Hai nguòi mặc quân phục trẻ măng, vai đeo ba lô trĩu nặng, đi qua chỗ chúng tôi đến đứng chờ sẵn ở cuối toa. Nhìn kỹ phù hiệu đeo trên vai áo, hóa ra đó là hai quân nhân Mỹ. Tôi biết rằng một số thuong binh Hoa Kỳ bị thuong ở chiến truòng Iraq đuọc đưa đến Đức điều trị. Bỗng dưng mình như gặp nguòi đồng huong thân thiết. Một cảm giác ruột thịt ập đến, bồi hồi. Chúng tôi lúc đó quên mất mình là “nguòi gốc Việt”. Họ là những chàng trai trẻ của “đất nuóc chúng tôi”, đất nuóc Hoa Kỳ. Chúng tôi bắt gặp họ trên một đất nuóc xa lạ. Không biết bao giờ họ mới đuọc về lại “nuóc mình?” Bao giờ họ mới gặp lại nguòi thân. Tôi nghẹn ngào nhớ lại những hình ảnh trong cuộc chiến Việt Nam. Tôi có dính dáng đến cuộc chiến đó, nhưng “vị trí chiến đấu” của tôi chỉ ở đến cấp thấp nhất là Sư Đoàn, chưa bao giờ đến cấp Trung Đoàn. Tôi chưa hề bắn một phát súng tại mặt trận. Tôi không hề bị lội từ thửa ruộng này qua thửa ruộng khác ngập nuóc, ngập bùn, chưa từng bị len lỏi rừng già rừng thưa. Tôi chỉ là nguòi đứng bên lề, nhìn bạn đồng ngũ bê bết sình lầy, mệt nhọc lê buóc chân sau mỗi cuộc hành quân. Trước đây, đã biết bao lần tôi từng hỏi những câu tuong tự, bao giờ những nguòi lính trẻ măng kia gặp lại gia đình, bố mẹ, vợ con. Ngày mai họ có còn lê buóc trên cõi đời này? Tôi quay lại cuối toa, hai nguòi lính Hoa Kỳ không còn đó nữa. Không biết bao giờ chiến tranh không còn đó nữa.
Tàu đi vào vùng ngoại ô Đông Bá linh. Nhiều khẩu hiệu bằng tiếng Đức còn rõ nét sơn đen, đỏ trên những bức tường dọc khu nhà ở, trên các building xám ngoét. Chiều nay trời không nắng, chân trời toàn một màu xám. Không biết có phải vì vậy mà các buiding đa số đều có màu sắc buồn thảm. Mỗi building cao hàng 5, 6 tầng, vuông vức như một chiếc hộp, các khung cửa sổ đều đặn như người ta chồng chất hàng trăm hộp quẹt diêm lên nhau. Sau này tôi biết các building đó đều không có thang máy. Nhìn các hình khối những tòa nhà đó chậm chạp chạy lùi theo tốc độ giảm dần của tàu, những hình khối bị các đường dây điện chằng chịt dọc đường tàu cắt ra từng khúc chiều ngang, tôi tưởng tượng những con người đang sống trong đó. Tôi tưởng tượng trước đây hai chục năm trời, khi nước Đức chưa thống nhất, mỗi buổi chiều từng khôi người tuôn khỏi nhà máy, lầm lũi vào các toa xe điện ngầm, ngồi lặng yên, mỏi mệt trên hàng ghế dài đen sì cáu bẩn. Rồi khối người đó tản ra đi về từng tòa nhà. Từng con người lê bước chân lên hàng trăm bậc càu thang, về đến nhà mình là mợt đơn vị với hai buồng ngủ nhỏ, một buồng lớn vừa làm bếp, phòng ăn, làm việc, tiếp khách, và ngủ nếu nhà đông người. Buổi tối, ánh điện tù mù. mọi người ngồi húp chém súp lạt lẽo, nhai miếng bánh bột thô cứng, rồi ngồi xem chương trình truyền hình trình bày đầy những thắng lợi của đảng và nhà nước. Tưởng tượng thì hay bị thiên kiến bóp méo. Cuộc đời không lẽ buồn thảm đến thế. Chắc chắn cũng phải có một nụ cười, một tiếng cười vang lên giữa những con người mỏi mệt, chỉ vì một câu thì thầm khôi hài theo cái kiểu vè Bút Tre. Thế nào chẳng có những niềm vui thực sự nở ra do được một ưu đãi, một thắng lợi nào đó. Chắc chắn nụ cười, tiếng cười đó đã nuôi dưỡng được những con người ở Hà Nội, Bá Linh,... bao năm qua. Nhiều anh bạn ở tù các trại từ Nam ra Bắc cho biết, thường thì mỗi ngày họ đều tìm được một niềm vui nho nhỏ, một dúm trà cho buổi tối đàn đúm nghe “chiếu phim” chẳng hạn, hay nấu lén được một phần tư gói mì ăn liền thành mấy bát “súp” nóng sau giờ cửa phòng giam bị khóa.
Anh Quang, một anh bạn chỉ mới biết qua e-mail, đón chúng tôi ở nhà ga Berlin Ostbahnhof, tức nhà ga ở Đông Bá Linh. Nếu đi tiếp tục 9 Km nữa chúng tôi sẽ đến nhà ga khu Tây Bá Linh, gọi là ga Berlin Zoologischer Garten. Anh Quang chọn nhà ga khu Đông để chúng tôi xuống vì gần nhà anh. Chúng tôi kéo mấy cái va li đi qua khu chợ trời là đến một building chỉ cách nhà ga độ 100m. Khu chợ trời có khoảng hơn trăm cửa hàng, một số do người Việt Nam làm chủ. Anh khuyên tôi đừng thu hình vì không rõ các chủ hàng sẽ coi việc này như thế nào. Nhà anh ở trong một building 18 tầng. Một building sáng sủa, đẹp đẽ. Anh giải thích tòa nhà này xây sau khi bức tường Bá Linh đổ, nên có nhiều cửa kính và thang máy. Nhưng dù building tân kỳ như ở Mỹ, chỉ có điều nhiều lớp cửa khóa quá. Từ dưới phòng vào thang máy, ra khỏi thang máy có thêm một lớp cửa khóa của khu hành lang, vào khu nhà anh một cánh cửa khóa nữa, rồi cánh cửa vào nhà anh. Ngoài ổ khóa tiêu chuẩn cánh cửa chính vào nhà, anh còn làm thêm một ổ khóa đặc biệt với một thanh sắt chạy ngang bên trong cửa, và ngay khi chúng tôi vào lọt qua khung cửa, anh quay lại khóa ngay lớp khóa làm thêm này. Theo anh, khu này được coi là có an ninh. Chúng tôi đã qua 3 căn nhà ở Đức, nhà anh lương, cháu Lâm, và anh Vinh. Tất cả đều rất gọn gàng, ngăn nắp, sạch sẽ. Có lẽ đó là đặc tính của người dân Đức chăng.
Từ “căn hộ” ở tầng thứ 18 của anh Quang có thể nhìn bao quát cả một vùng Đông Bá Linh và khu Tây Bá Linh. Anh chỉ cho chúng tôi thấy một dòng sông uốn khúc xa xa sau một bức tuòng chạy dài. Bức tuòng đó chính là bức tuòng lịch sử ngăn cách đôi bên đông tây. Bờ sông bên kia là Tây Bá Linh. Anh Quang mời chúng tôi giải khát truóc khi đưa chúng tôi đi thăm vài nơi trong thành phố. Anh đi du học tại Đông Đức, đã lấy bằng tiến sĩ, trở về nuóc giảng dạy. Thế rồi anh trở lạ Đức, cũng dậy đại học. Cuối cùng anh bị cấm về nuóc, đành ở lại luôn. Hiện anh làm nghề thông dịch tại tòa án. Đời sống tuong đối sung túc. Không phải nguòi Việt nào ở Đức cũng may mắn như anh. Còn rất nhiều nguòi đang vất vả với chuyện đời sống hàng ngày, chuyện thẻ xanh, nhập tịch. Chúng tôi nói chuyện về hai miền Nam,Bắc. Hai miền trong nuóc và hai miền ở hải ngoại. Anh kể chuyện hồi đầu năm 1990, các anh trốn qua Pháp hoạt động. Các anh lúc đó chỉ biết đến vài nguòi trong cộng đồng nguòi “Miền Nam” ở nuóc ngoài, như ông Võ Văn Ái chẳng hạn. Các anh náo nức muốn đuọc nghe ý kiến những nguòi từng sống tại Miền Nam tương đối cởi mở, dân chủ và tự do truóc đây. Nhưng khi nghe một vị các anh tưởng là “sao Bắc Đẩu” tuyên bố là “hai năm nữa chúng ta sẽ ngồi tại Hà Nội”, các anh bèn cuốn gói về lại Đức. Các anh là những nguòi từng sống trong lòng miền Bắc, trong lòng Hà Nội. Các anh biết rõ câu nói trên nếu không là lừa bịp thì là vì ngu dốt, ấu trĩ. Cả hai truòng hợp đó đều khiến các anh tránh xa.
Đã 5 giờ chiều, anh lấy xe đưa vợ chồng tôi đi xem một vài điểm chính của thành phố, một vài khu vực sinh hoạt chính của người Việt Nam tại Đông Bá Linh.
Đối với người Việt Nam, nghe nói đến Bá Linh là liên tưởng “Bức Tường Bá Linh”. Anh Vinh đưa chúng tôi đến thăm đôi chút còn lại của bức tường đó. Năm 1989, khi còn ở trong nước và nghe nói bức tường Bá Linh sụp đổ, tôi bùi ngùi nghĩ đến chuyện kết thúc cuộc chia cắt Việt Nam đã mang lại bao đau thương cho cả hai miền Nam Bắc. Đức đã thống nhất đất nước một cách êm thắm Toàn bộ dân tộc Đức chiến thắng, trở thành anh hùng, không phải chỉ một bên nào cả. Bức tường dài khoảng 107 Km nay chỉ còn vài Km được lưu giữ một phần. Khúc tường còn lại trông thật hiền lành, thực sự cũng đã thấm máu của cả trăm người đi tìm tự do, người cuối cùng là Chris Gueffroy, bị thiệt mạng vào ngày 6 Tháng 2, 1989. Ít lâu sau bức tường sụp đổ. Dọc theo mặt tường còn lại, các họa sĩ nhân dân đã cùng nhau vẽ lên những bích họa khổng lồ. Có những bức họa chú thích tiếng Đức, anh Vinh dịch ra là: “Còn rất nhiều bức tường khác cần đạp đổ...” Về lịch sử, bức tường được dựng lên vào rạng ngày 13 Tháng Tám, 1961. Người dân Bá Linh sáng sớm 13 sững sờ trước rào cản dài đằng đẵng ngăn cách hai miền. Hệ thống xe điện ngầm cũng đột nhiên bị chia cắt. Dân từ vùng Đông Bá linh không còn được qua khu vực Tây Bá Linh, trong đó có khoảng 60,000 thợ thuyền và nhân viên các hãng xưởng. Mấy ngày sau, hệ thống tường bê tông thay thế các rào cản, dập tắt mọi hy vọng của thân nhân hai miền còn được nhìn thấy nhau. Khúc tường chỗ chúng tôi đến nằm trên phần đất Đông Bá Linh cũ, đa số chiều dài tường đều trên đất phía Đông. Chạy trốn từ Đông qua Tây, quí vị phải vượt qua bức tường bê tông cao trên 4 mét, bên trên tường kẽm gai chằng chịt, sau đó phải vượt qua khoảng đất trống rộng chừng 200 đến 300 mét trước khi đến bờ sông ngăn cách hai bên. Phải bơi qua dòng sông chưa đến trăm mét rộng, qua bờ bên kia, mới là đất của Tây Bá Linh. Trên dải đất trống đó hàng nghìn trạm canh phòng của Đông Đức với đàn chó lớn tuần tiễu ngày đêm. Giờ đây, người ta chỉ còn lưu lại vài trạm canh phòng như một di tích lịch sử. Trạm canh đứng bơ vơ trên dải đất chạy dài theo bờ sông, trông buồn thảm, chịu đựng. Hình như những khung cửa sổ kia cả chục năm rồi phải chịu đựng những cái nhìn vừa tò mò vừa lên án của hàng triệu du khách. Vẫn những mảnh gỗ cũ kỹ, những tấm tôn cũ kỹ nhưng đã mất đi vẻ đe dọa quyền hành, chỉ còn lại chút hối tiếc đâu đó của thời gian.
Anh Quang lái xe đưa chúng tôi đi dọc theo đại lộ Karl Max, đại lộ chính của Đông Bá Linh. Hai bên đại lộ là một số tòa nhà cao tầng, màu sắc nhạt nhẽo, hình thể cục mịch, nặng nề. Nhưng các phòng trong tòa nhà đều to, cao, nên ở rất thoải mái. Chúng ta biết rằng Ân châu ít dùng máy lạnh. Đó là những tòa nhà do các kỹ sư và nhiều khi cả thợ thuyền Nga được đưa qua Bá Linh, ăn dầm ở dề bao tháng trời xây dựng thành. Có thể là do thành kiến, do kém hiểu biết về thiết kế đô thị, nên tôi thấy sao những kiến trúc trên không có tí mỹ thuật nào, y hệt hình ảnh những chiếc bánh bột nặng chình chịch, đúng như tên gọi của dân địa phương là tòa nhà “hình bánh đường”. Theo anh Quang, hình ảnh toàn bộ đại lộ na ná những đại lộ lớn ở Moscow mà các nhà văn Nga như Puskin từng mô tả. Nói chung đại lộ Karl Max không bị kẹt cứng xe cộ như nhiều con phố chính ở các thị trấn Mỹ. Chen vào dòng xe hơi lác đác những người đi xe đạp, có vẻ là một phương tiện vận chuyển hơn là thể thao. Cuối đại lộ là một tòa tháp cao, được gọi là “Cổng Frankfurt”, đánh dấu điểm cuối cùng khu vực cư ngụ trên đại lộ này của các nhân viên cao cấp chính phủ thời Đông Đức, những nhà ngoại giao. Đông Bá Linh còn nhiều khu vực, địa điểm để du khách thăm viếng, như tháp truyền hình chẳng hạn. Ở tầng lầu cao chót vót của tháp có hai quán cà phê, từ đây du khách sẽ được ngắm toàn cảnh Bá Linh theo vòng quay chầm chậm của tầng lầu này.
Berlin là một thành phố luôn luôn thay đổi, phát triển. Kể từ khi thống nhất. Berlin dồn hết nỗ lực hướng về tương lai với cơ cấu xã hội thích ứng hơn, cơ sở hạ tầng hiện đại hơn, nhưng vẫn hòa hợp với những giá trị cổ truyền. Các kiến trúc tân kỳ mọc lên, nhưng vẫn hài hòa với những kiến trúc cổ mà du khách thường lui tới chiêm ngưỡng, như tòa nhà hát nhạc kịch xây từ thế kỷ 18 chẳng hạn. Điều này khác hẳn với những gì đang được xây dựng ở Hà Nội hai chục năm qua. Toàn cảnh Hồ Gươm bị mất đi vẻ nên thơ, vẻ văn học khi người ta ào ào xây mấy tòa nhà cao tầng, có tòa nhà xám đen như một khối dị hợm Ở Bá Linh, người ta đang xây dựng các tòa nhà cao tầng có cầu nối, khu vực các Đại Sứ Quán, khu dân cư tân kỳ cho một thủ đô hoàn toàn tân tiến. Chen vào đó, du khách sẽ đi thăm các viện bảo tàng nghệ thuật, thí dụ các viện bảo tàng của Berlin mới được dành cho một phần tư tỷ euros để tân trang. Có viện bảo tàng xây dựng từ năm 1830 ở khu vực Museum Island có phòng trưng bày đang được sửa chữa và chỉ mở cửa lại vào năm 2004. Anh Quang cho biết Berlin là thành phố đầu tiên của Đức dự tranh tổ chức Gay Games vào năm 2010. Năm 2006 cuộc tranh tài thể thao giữa những người gay và lesbian sẽ diễn ra ở Montréal.
Anh Quang đưa chúng tôi đến khu chợ Việt Nam. Chợ nằm trong địa phận Đông Đức cũ, là một khu đất rộng nhiều mẫu. Chúng tôi đến vào buổi chiều, bầu trời toàn mây xám, Mấy chiếc xe hơi cũ kỹ, nhỏ thó nằm rải rác trên bãi đất trống dùng làm bãi đậu xe. Lao xao đâu đó tiếng người Việt gọi nhau. Toàn bộ khu này trước đây là chung cư, chứa hàng chục ngàn người lao động Việt Nam qua làm việc tại Đông Đức. Khi bức tường Bá Linh sụp đổ, khu này lập tức trở thành khu buôn bán do sự nhanh nhạy của người Việt xa quê, cần mưu cầu cuộc sống. Những người Việt Nam có tiền bắt đầu tổ chức hệ thống chợ, hệ thống nhập và xuất hàng đi khắp nơi. Chủ đất vẫn là tư nhân Đức, nhưng việc quản lý, điều hành, kể cả vốn liếng đều của người Việt. Chúng tôi vào chợ, là một tòa nhà giống kiểu nhà kho rộng mênh mông, mái tôn cao vút bên trên. Nhà kho đó đã được phân chia thành những cửa hàng nhỏ, mỗi cửa hàng giống như một cái thùng gỗ vuông vức to lớn, có mái, có cửa khóa khi đóng của hàng. Người nhiều tiền có thể mua hay thuê luôn hai ba căn liền nhau, thành một cửa hiệu lớn. Người Việt Nam chiếm hơn 90% số các cửa hàng, còn lại là người bản xứ, người dân Đông Đức trước đây. Khách đi chợ cũng có những người địa phương nghèo nàn. Chợ này là đầu mối xuất hàng đi nhiều nơi trên đất Đức, kể cả những nước lân cận như Tiệp Khắc, Ba Lan. Mặt hàng phần phiều là quần áo, đồ gia dụng, và rau cỏ. Người ta nhập rau, nhất là rau muống từ Tiệp Khắc, bán cho dân Bá Linh, và phân phối cho nơi khác. Ngôn ngữ, sinh hoạt người dân trong chợ y hệt một khu chơ, một khu dân cự nào đó của thành phố Hà Nội. Trong cửa hàng bán sách, báo, hầu như những tờ báo, tạp chi nào xuất bản trong nước đều có mặt tại đây. Chủ nhân là một thanh niên ngoài 30, đang chơi bài “tiến lên” với vài thanh niên khác, ai cũng phì phèo điếu thuốc. Ở một góc xa, vang lên tiếng rít sòng sọc của điếu hút thuốc lào. Từ giọng nói, tiếng cưới, ngôn ngữ dùng đều đặc biệt “Bắc Kỳ”, thứ Bắc Kỳ chưa bị pha giọng Miền Nam. Ông chủ cho biết báo bầy bán tại đây chậm 2 ngày so với trong nước. Hệ thống vận chuyển văn hóa phẩm vậy là khá nhanh. Người Việt Nam tại Đức như thế có cảm tưởng hoàn toàn liên hệ thường trực với quê nhà. Họ sống ở đây như đang sống ở Hà Nội. Sách báo Việt ngữ hải ngoại hầu như không có, ngoại trừ tôi thấy một tờ Sài Gòn Nhỏ, ấn bản Orange County, ra cách đó mấy tháng, nằm lạc loài trong đám báo trong nước. Chợ Việt Nam tại Đức, cũng như tại những nước Đông Âu, được coi như sân sau của Hà Nội. Người Việt Nam cư ngụ tại các vùng trên còn bị các Tòa đại sứ Việt Nam kiểm soát chặt chẽ.

No comments:

Post a Comment