Saturday, January 24, 2009

Clinton - Hanoi - Saigon 1

Bên lề chuyến đi Việt Nam
của Tổng Thống Clinton
Đỗ Tăng Bí

Các cô chiêu đãi viên hàng không của hãng EVA chuẩn bị bữa ăn khuya cho hành khách. Bây giờ là khoảng hơn 12 giờ đêm ngày 10, rạng 11, tháng 11, năm 2000. Tôi vừa rời phi trường Los Angeles và đang ngồi trong chiếc 747 trên đường đi Việt Nam. Tôi chọn một ly vang đỏ cho bữa khuya để lát nữa dẽ dàng đi vào giấc ngủ, thoát mối băn khoăn không biết những gì sẽ chờ đón tôi tại phi trường Tân Sơn Nhất trong vòng chưa đầy một ngày nữa.

Tôi vừa khởi sự chuyến viễn du mươi ngày ghi nhận những chuyện bên lề trong chuyến đi Việt Nam của Tổng thống Bill Clinton. Trước đây nhiều tháng, chúng tôi đã gửi thư cho Toà Bạch Ốc, nêu lên ý nguyện có mặt tại Việt Nam với tư cách một nhật báo Việt ngữ, nếu Tổng thống Hoa Kỳ thực hiện chuyến công du Hà Nội. Chúng tôi liên tiếp gửi văn thư cho một số viên chức tại Toà Bạch Ốc, dai dẳng nói về ý muốn đó, với những viện dẫn hợp lý. Chúng tôi nhờ cả những vị dân cử nêu lên những ý kiến ủng hộ ý nguyện này. Thậm chí chúng tôi nhờ cả một vài nhân vật có dịp hội kiến với Tổng Thống Clinton nhắc đến chúng tôi.

Dĩ nhiên chúng tôi không xin phép Toà Bạch Ốc cho chúng tôi làm công việc truyền thông, nhưng chúng tôi muốn được sự ủng hộ từ phía chính phủ Mỹ trong việc yêu cầu Bộ Ngoại Giao Việt Nam để chúng tôi đến Hà Nội, Sài Gòn, làm công việc báo chí. Toà Bạch Ốc và Toà Đại Sứ Hoa Kỳ tại Hà Nội cũng được thông báo về tên hai phóng viên sẽ đi Việt Nam trong dịp này. Điều này cần thiết để ngừa trường hợp rắc rối có thể xẩy ra khi chúng tôi đang ở trong nước. Vào vài tháng cuối cùng trước chuyến đi, chúng tôi đều gửi bản sao những thư từ gửi Toà Bạch Ốc cho Toà Tổng Lãnh Sự Việt Nam tại San Francisco. Chúng tôi chuẩn bị việc xin visa vào Việt Nam kỹ càng.

Đầu tháng 10, tôi gửi thư xin visa cho Toà Tổng Lãnh Sự Việt Nam tại San Francisco. Tôi xin vào Việt Nam từ ngày 2 Tháng 11 và rời Sài Gòn ngày 21 Tháng 11. Ba tuần lễ trôi qua, không có chút hồi âm từ San Francisco. Tôi gọi điện thoại, nhân viên phụ trách cho biết Toà Tổng Lãnh sự không có thẩm quyền quyết định, đã chuyển hồ sơ xin visa về Vụ Báo Chí, Bộ Ngoại Giao ở Hà Nội. Đến ngày 26 Tháng 10, sắp tới ngày tôi dự trù lên đường, vẫn không có tin tức gì. Nhân viên tổng lãnh sự vẫn trả lời điện thoại của tôi một cách hết sức khuôn phép rằng họ cũng như tôi đang chờ đợi quyết định từ trong nước. Nhưng họ hỏi tôi rằng định đến Việt Nam vào ngày nào, ở đến ngày nào, và dự trù làm gì, phải kê khai chương trình, mặc dù trong đơn xin visa tôi đã kê khai. Thế là tôi phải fax cho họ chi tiết làm việc, và dĩ nhiên tôi chỉ kê khai công việc dính dáng đến chuyến đi của Ông Clinton. Ngay chiều hôm đó, họ báo tôi phải gửi gấp 3 tấm hình 4X6 cho Vụ Báo Chí ở đường Chu Văn An, Hà Nội.

Đến ngày 2 Tháng 11, ngày tôi ước muốn được lên đường, vẫn không tăm hơi visa. Mãi đến ngày 6 Tháng 11 tôi mới được báo tin có visa, và trưa ngày 8 tôi sẽ nhận được. Cuối cùng giờ này tôi đã ngồi trên chiếc phi cơ của EVA với những cô chiêu đãi viên xinh tươi, chu đáo.

Chiếc 747 hạ cánh xuống phi trường Đài Bắc lúc gần 6 giờ sáng ngày 10 Tháng 11, ngày giờ địa phương. Tôi sẽ phải chờ ở đây 3 giờ, đến hơn 9 giờ sáng, mới có chuyến bay đi Sài Gòn. Đảo quốc Đài Loan đã vào mùa thu, 6 giờ sáng còn mờ mờ sương khói. Nền trời toàn một màu xám bạc, những toà cao ốc xa xa như còn ngái ngủ giữa ánh đèn vàng vọt giăng toả khắp nơi. Những khúc đường quanh phi trường lác đác xe hơi lặng lẽ chạy qua, quét ánh đèn nhạt nhòa buồn bã. Tôi nhớ Cali đến xao xuyến, nhớ ánh đèn xe câm lặng chạy dài trên xa lộ 405 những đêm khuya khoắt từ khu Bolsa về Irvine. Và tôi cũng nhớ Sài Gòn đến xao xuyến, trong dạ bồi hồi như sắp gặp lại người tình thuở nào. Trong giây phút, tôi quên mất các chàng công an, hải quan đang chờ đón ở phi trường Tân Sơn Nhất.

Có lẽ dân Đài Loan thức dậy trễ. 7 giờ sáng mà vẫn chỉ thấy vài chục người ngồi trong khu đợi đi Sài Gòn. Phi trường im lặng quá. Gần 8 giờ, các cửa tiệm bán hàng lưu niệm, hàng miễn thuế mới bắt đầu hoạt động. Tôi ghé mua một chai rượu Martell cho anh bạn ở Hà Nội. Vốn nhà quê chỉ biết uống bia, tôi mù tịt về rượu, chẳng biết rượu nào ngon, thấy chai đẹp thì mua. Mua xong tự nhủ hàng miễn thuế, thế nào chả rẻ. Sau này, một ông hành khách thông thạo giá cả, nói tôi biết chai đó mua ở Cali chắc rẻ hơn đến 20%.

Trời còn quá sớm, tôi tạt vào một tiệm bán nước hoa. Nhẩm tính xem phải mua bao nhiêu chai nước hoa đàn bà cho các cô em, cô cháu từ Sài Gòn ra Hà Nội. Từ thuở cha sinh mẹ đẻ đến giờ tôi chưa từng mua thứ hàng dành cho phụ nữ bao giờ. Tôi hỏi mấy cô bán hàng có loại nước hoa phụ nữ nào giá chưa đến 20 mỹ kim một lọ? Các cô mỉm cười lắc đầu. Ôi chao khi các thiếu nữ xinh đẹp lắc đầu, trông họ vẫn tươi và dễ thương đến thế. Cái ánh mắt, cái đầu lắc lắc, đôi môi vẫn mỉm cười dịu dàng, đều như xin lỗi đã không bán loạt nước hoa rẻ tiền cho thằng nhà quê như tôi.

Tôi lang thang vào một tiệm bầy bán khăn choàng. À, loại này chắc mua được đây. Thú thực, tôi chưa bao giờ mua quà cho ai trong những chuyến viễn du, dù là lúc đi hay lúc về. Không hiểu sao buổi sáng hôm đó tôi cứ nhất định phải mua cho bằng được vài món quà cho các em, các cháu, cho cả mấy bà chị nữa. Có lẽ sắc trời mùa thu khiến trí tưởng tôi bềnh bồng trên đảo quốc, khiến hồn thơ tôi lai láng. Hồn thơ khơi dậy nhưng không biết làm thơ, đành lấy chuyện mua sắm quà phụ nữ để giải toả bớt mối cảm xúc vì đất, vì trời, vì cả những người thiếu nữ đẹp đẽ, dịu dàng trong các bộ đồng phục xanh da trời của cửa tiệm. Tôi đi một vòng các tủ kính, bao nhiêu là mẫu khăn đẹp. Tôi nhìn kỹ giá cả dán trên từng chiếc khăn. Thường gần như nhau, tôi chỉ “nhìn thấy” mấy số sau đây “$6.00”. Chỉ có khoảng 6 đô la một cái khăn, tôi có thể mua cả chục khăn cho người thân và người “sẽ thân.” Tôi chọn 5, 6 khăn có mẫu khác nhau. Không biết lúc đó trong cửa tiệm còn khách nào khác hay không, nhưng quanh tôi là 3 thiếu nữ xinh như mộng phục vụ, lấy hết khăn này đến khăn khác. Rồi tôi thấy anh quản lý trẻ măng cũng sán đến. Dân Đài Loan biết chiều khách, săn sóc khách hàng tận tình thật. Tôi làm như không biết đến anh quản lý, nói với cô bán hàng có nụ cười má lúm đồng tiền, đôi mắt chao ơi là đẹp, rằng tôi sẽ lấy thêm, nhưng tạm thời tính tiền cho tôi đi đã. Các cô ríu rít nói với nhau, rồi hai cái máy tính cùng tính, và một cô cho biết, chỉ mới có 630 đô la thôi.

- Sao thế cô, ý cô nói là 630 đô la Mỹ?

- Thưa đô la Mỹ, vì nếu tiền Đài Loan thì là hơn 19,000 đồng cơ ạ.

- Mà hàng này miễn thuế chứ cô?

- Vâng, hoàn toàn miễn thuế.

- Vậy mấy con số này không phải là 6 đô la một chiếc khăn à?

- Dạ không, giá ghi là 6.000 tiền Đài Loan một cái.

Lỗi tại mấy cái dấu chấm và dấu phẩy. Tôi cứ yên trí sau dấu chấm sẽ là 2 “số không”, không biết rằng ở Đài Loan, cũng như Việt Nam, sau dấu chấm sẽ là ít nhất 3 con số nữa, và ở đây là 3 con “số không.” Tôi ngượng ngùng xin lỗi các cô, nói tôi đọc sai giá cả, chứ hạng như tôi làm sao mua nổi một cái khăn làm quà. Mà lạ lùng chưa, các cô vẫn tươi cười chia nhau cất khăn, vẫn tươi cười, cả mấy cô cùng tươi cười, tiễn tôi ra cửa. Nhưng nụ cười ở cửa tiệm này không có vẻ “xin lỗi đã không bán thứ khăn rẻ tiền” như ở tiệm nước hoa, nụ cười có vẻ tha thứ cho một thằng nghèo mà ham. Dù sao, tôi phải ghi nhận một điều là người Đài Loan học được rất nhiều điều hay, không biết có từ Mỹ không, như cách bán hàng của các thiếu nữ trên. Tưởng tượng nếu tôi trót dại “mở hàng” cho một tiệm Việt Nam kiểu đó, có lẽ dòng họ tôi sẽ được người đời nhắc tới lia chia.

Sách chai rượu dù chưa khui ra nhưng mặt đã nóng và hẳn là đỏ như mào gà, tôi nhất quyết không ghé vào tiệm nào khác, mà đi dọc theo các chỗ hành khách ngồi đợi. 8 giờ, phi trường nhộn nhịp hơn, đã có thêm nhiều nơi có khách đợi ở các “cổng.” Tôi lang thang điểm qua suốt một loạt các khu chờ đợi này, có cổng đưa đi Tokyo, cổng đưa đi Bangkok, đi Manila, đi Singapore, đi Indonesia, đi Hồng Kông, đi Malaysia, đi Seoul,... Hầu hết là các chuyến bay đến các nơi trong khu vực Đông Nam Á. Tại mỗi khu, tôi đứng nhìn bảng chữ bằng đèn chỉ nơi đến, nhìn giờ bay, rồi quan sát khách ngồi chờ. Tôi cố tìm hiểu những gì khác nhau, nói chung, giữa các khuôn mặt khách chờ của mỗi khu, cả về phục sức, đồ đạc tuỳ thân. Khu vực chờ đi Tokyo, Seoul, Bang Kok, Hồng Kông, nét mặt hành khách tươi tắn, tự tin, áo quần đẹp đẽ, hành lý gọn gàng. Khu vực đi Philippine, Indonesia thì hành khách ồn ào hơn, nhưng vẻ mặt như cam chịu với cuộc sống, đồ đạc lôi thôi, nghèo nàn. Khu đi Sài Gòn, hành khách có thể giống với khu đi Singapore, Malaysia, vẻ mặt tươi tắn nhưng không có được vẻ hồn nhiên như khu Tokyo. Có lẽ khu Việt Nam có được vẻ kha khá có lẽ nhờ đa số là những người từ Mỹ về.


Tại mỗi khu ngồi chờ, tôi thử quan sát xem giữa những nét mặt kia có liên quan gì, có gợi ra điều gì về các tin tức thơiø sự đang xẩy ra ở đất nước họ hay không. Những người khách Indonesia khuôn mặt rầu rầu sắp trở về với một quần đảo còn đẫm mối hiềm khích tôn giáo, còn đang dai dẳng vụ án nhà độc tài già cỗi. Không biết có phải vì thế mà khuôn mặt họ buồn bã và cam phận. Hình như không thì phải. Những khách lên đường về Tokyo đâu có mối âu lo của một nền kinh tế chưa hồi phục, của những tin tức lung lay chính phủ. Khách đi Bang Kok cũng vậy, họ có thể gợi ra hình ảnh những mái chùa tràn lan khắp nơi, hoặc những khu ăn chơi cũng tràn lan không kém, chứ nét mặt họ không nhắc cho ai biết nội các Thái Lan đang có cuộc khủng hoảng, cuộc bầu cử ở Thái đang sôi sục vì những mua bán phiếu công khai. Giữa đất trời tràn ngập ánh thu, tôi lẩn thẩn nghĩ rằng hình như giữa những người dân với các sinh hoạt chính trị có một khoảng cách khá xa. Những sinh nhoạt này như những bèo bọt, bềnh bồng trên bề mặt nước rồi tan vỡ, trong khi dân chúng như những con cá nhẩn nha bơi lội phía dưới, đôi khi mãi dưới đáy lặng yên và thanh khiết. Nhưng trở về với con người Việt Nam thì tôi lại bối rối, chẳng biết nên nghĩ sao. Bởi vì tại khu khách chờ đi “TP Hồ Chí Minh”, có hai nhóm đánh bài, một nhóm gồm một ông bố Mỹ, bà mẹ Việt, và cô con gái còn nhỏ. Cả ba lặng lẽ chia bài, chơi bài, đôi khi cước rúc rích. Nhưng đám đánh bài khác gần đó thì ồn ào như “người Việt” vỡ tổ. 4 thanh niên ngồi bệt xuống sàn binh sập sám, bên ngoài cũng khoảng 5, 6 cậu khác chầu rìa. Tiếng chửi thề, tiếng cười đùa vang một góc, rồi những tờ giấy xanh đô la đưa ra đưa vào. Cứ tự nhiên như chỗ không người. Đúng là người Việt mình có khả năng hội nhập nhanh. Đến đâu cũng như ở nhà mình.


Máy bay đáp xuống phi trường Tân Sơn Nhất lúc gần 12 giờ trưa ngày 10 Tháng 11. Đặt chân lên quê hương yêu dấu, trước hết tôi phải đi qua được dẫy quầy có các vị công an ngồi, rồi mới hy vọng ra ngắm nhìn nắng Sài Gòn, được hít thở không khí đầy bụi bặm của chốn thủ đô ta ngày nào. Đứng trong toà nhà đón khách hàng không, tôi nhìn về phía những bộ mặt nghiêm nghị của những người đại diện cho nền cai trị đất nước. Ở đó, toàn là màu áo vàng chanh của đồng phục công an, màu áo một thời tôi chung đụng suốt tám năm liền bên dòng sông Mã, nơi núi rừng phía tây Thanh Hoá. Bây giờ, vẫn trong màu áo đó, vẫn là những người Việt Nam, những đồng bào tôi, nhưng sao vẫn quá đỗi xa lạ và lạnh lùng, đến độ, vừa thoắt nhìn từ xa, tôi đã buông rơi mất nỗi bồi hồi của một kẻ trở về chốn cũ sau tháng năm dài xa cách.

Tôi nộp passport và mấy thứ giấy tờ khai sẵn trên phi cơ. Anh công an trẻ đón giấy tờ tôi đưa với cái gật đầu nhẹ. Lịch sự hơn trước đây mấy năm tôi có đi qua cửa ải này khi ghé qua Sài Gòn trong chuyến công tác Phi Luật Tân. Anh nhìn xuống những tờ giấy rồi nhìn vào màn ảnh computer, hỏi tôi nhát gừng:

- Anh đẻ ở Bắc Ninh?

- Vâng, đúng.

Trong những tờ giấy tôi khai trên phi cơ, không có chi tiết này. Tên tôi hẳn đã hiện trên màn ảnh. Rồi anh ta lại nhìn lên màn hình.

- Nhưng tên anh viết khác.

- À, viết theo kiểu Mỹ thì đảo lộn đi. Tôi giải thích. Chắc anh thừa biết, nhưng vẫn hỏi.

- Anh về công tác báo chí?

- Đúng. Vụ Báo Chí Bộ Ngoại Giao đã đồng ý cho tôi về.

- Tôi biết.

Nghĩa là nhiều chi tiết về tôi có trên màn hình. Anh nhìn lên màn hình lần nữa, rồi trả lại giấy tờ cho tôi đi qua. Theo thói quen, tôi nói cảm ơn. Anh lại gật đầu nhè nhẹ. Lời cảm ơn của tôi được chấp thuận. Dù sao, “đối thoại” như vậy còn hơn là độc thoại, còn hơn là mình bị coi như không hề hiện diện.

Tôi mang trong hành lý quyển sách một nhà văn Sài Gòn ngày xưa, mới được in ở California. Tôi mong nhà văn đó được nhìn thấy đứa con của anh mặt mũi ra sao. Đó là một bút ký phóng sự viết về sinh hoạt Sài Gòn hôm nay, hoàn toàn không có gì huý kỵ. Nhưng mang vào Việt Nam một tác phẩm in ở ngoại quốc vẫn khiến tôi e dè. Theo kinh nghiệm những người đi trước, khi đến chỗ hải quan, những vị cũng đại diện cho nền cai trị đất nước trong bộ đồng phục vàng chanh, tôi lại đưa passport và giấy tờ, nhưng lần này tôi có cầu khẩn vị tổng thống xa xưa của Hoa Kỳ, xin ông giúp đỡ. Với 5 ngón tay huyền diệu của ông, vị nhân viên hải quan niềm nở giục tôi đi ra, kẻo thân nhân chờ đợi lâu.


Về đến nhà bà chị lúc khoảng 2 giờ. Sau mươi phút để anh chi hỏi han tới tấp trong sự kinh ngạc vì cậu em xuất hiện bất ngờ, tôi đi tắm, rồi ra ngồi ngay chỗ máy điện thoại. Tôi chỉ có chiều hôm nay, ngày mai, ngày mốt. Ngày 13 tôi đã phải ra Hà Nội. Quá nhièu việc phải làm. Trước hết chuyển một số thư từ bạn bè nhờ, kể cả thư của một người Sài Gòn hiện đang du lịch ở Mỹ. Rồi còn giao tiền bạc thiên hạ nhờ cầm về. Sau đó là những gặp gỡ công việc. Ông Clinton sẽ ở Sài Gòn một ngày, tôi phải tìm bạn bè giúp phương tiện liên lạc điện thoại, bạn bè giúp chuyển tin qua e mail, hoặc phải biết một số địa điểm cà phê internet, phải mở account “yahoo” mới. Ngay chiều hôm đó tôi đã gọi điện thoại đi khắp Sài Gòn, hẹn gặp những người bạn xưa cũ hay chưa từng gặp mặt. Tôi hẹn gặp anh VQ, để đưa tác phẩm mới in cho anh. Rồi hẹn gặp Ng. Đ, Kim Ch., Ng. Th. H., ... những nhà thơ, nhà văn ngày xưa. Tôi còn tốn thì giờ cố dò hỏi để tìm gặp cho được một người tôi hâm mộ trong giới nghệ thuật, không biết hiện ở Sài Gòn hay Hà Nội. Và trở ngại đầu tiên tôi gặp khi sắp xếp công việc và các buổi hẹn chính là những trận bóng tròn tranh giải cúp Tiger, lúc đó đang diễn ra ở Thái Lan.

Ngay tối hôm 10, tôi đã ghi nhận mấy hình ảnh Sài Gòn vào bản tin tính chuyển về toà soạn. Nhưng chờ đợi cả giờ đồng hồ ở một điểm cho “truy cập” internet, tôi vẫn không sao có cơ hội gửi bản tin đi. Đành theo mấy cô, cậu cháu đi lên khu Nguyễn Huệ, Sài Gòn tìm nơi các giọng ca hàng đầu trình diễn. Tôi vẫn mong được xem và nghe Thanh Lam, Hồng Nhung, Mỹ Linh hát. Nhưng ở những nơi họ thường xuất hiện, không có giọng ca sáng giá nào hát cả. Hoá ra là các ca sĩ nổi tiếng của làng nhạc nhẹ trong nước cũng phải chào thua cúp bóng tròn Tiger. Người dân Sài Gòn như say vì những trận túc cầu. Chương trình truyền hình Sài Gòn cho khán giả “bội thực” với nhiều trận bóng hoặc trực tiếp, hoặc chiếu lại. Riêng với các trận tường thuật trực tiếp các giải có đội Việt Nam tham dự, thì cả Sài Gòn như điên cuồng. Nhất là khi đội Việt Nam thắng một trận thì đúng là cả một cơn lốc cuồng nộ quét qua thành phố. Khắp nơi con người như bừng lên nỗi khát khao bày tỏ, họ túa ra đứng ngoài đường, mang theo bất cứ vật dụng gì gây lên tiếng ồn ào như xoong nồi, chậu nhôm, để hỗ trợ cho hàng chục ngàn chiếc xe lạng khắp đường phố. Những khuôn mặt khích động la hét, đầu cuốn băng đỏ in chữ Việt Nam chiến thắng, tay cầm cờ khua khua loạn xạ. Sau trận thắng ngày 12 của VN, một cậu cháu chở tôi trên xe gắn máy, gia nhập vào đoàn xe rước theo nỗi cuồng loạn chạy khắp phố phường. Tôi muốn nhìn tận mắt những khuôn mặt còn quá non trẻ tràn ngập lòng đường, đôi khi xen lẫn một gia đình đủ cả vợ chồng với 3 đứa con thơ nêm chặt trên chiếc xe hai bánh. Bất cứ cơ hội “ăn mừng” chính đáng nào cũng là cơ hội cho giới trẻ Sài Gòn xả nỗi khát khao phá phách, bùng lên cơ hội bày tỏ sự hiện diện của một thành phần trong xã hội. Họ xả được những ước muốn âm thầm mang nặng lâu nay, ước muốn được tôn trọng, được hiện diện, được đóng góp xây dựng, như lời một giáo sư trẻ tuổi dạy trường đại học kinh tế. Theo vị giáo sư này, Đảng hiện diện khắp mọi nơi, khắp mọi lúc, không còn chỗ cho tuổi trẻ. Người ta lùa tuổi trẻ vào những tụ điểm ca nhạc, vào những cuộc thi áo quần, thời trang, hoa hậu, những làn sóng xanh, những duyêu dáng Việt Nam, phim bộ Đại Hàn,... Vị giáo sư kết luận: Trái tim tuổi trẻ chỉ còn chút ít dành cho tình yêu đôi lứa, còn lý tưởng phục vụ là cái gì quá xa lạ.

Tối ngày 10, các cháu đưa tôi vào một quán có chơi nhạc trên đường Tự Do cũ. Quán xinh xắn, hơn hai chục bàn lớn nhỏ. Một cái bục thấp kê ở một góc. Một tay dương cầm thủ ngồi quay lưng lại khách đệm cho cô ca sĩ độc nhất hát mấy bài nhạc của thời xa cũ, của Phạm Đình Chương, Ngô Thuỵ Miên,... Sau ba bài hát, cô trình tấu vĩ cầm mấy bài bán cổ điển, theo yêu cầu của khách. Không khí tương đối nhẹ nhàng, lãng mạn, với ánh nến, với nhánh hoatrong bình nhỏ nhắn tại mỗi bàn. Bây giờ người dân Sài Gòn có vẻ “tư sản” hơn ngày xưa rất nhiều. Nhưng chắc chỉ là một thành phần nào đó trong cái xã hội loạn lên về những phe phẩy, mánh mung. Cứ hình dung cái thành phố ngăn nắp ngày nào, nay chứa hơn 5 triệu dân, không kể hơn một triệu không có hộ khẩu, với cả triệu chiếc xe gắn máy. Những cơ hội kiếm tiền chụp giựt đã khiến con người quay cuồng đến không còn nhớ đến chính mình. Và đồng tiền do đó cũng tuôn nhanh qua những bàn tay, và những bàn tay khác quơ nhanh, rồi lại cho tuôn nhanh qua bàn tay khác nữa.

Sách báo và cả tài liệu của các cơ quan xã hội trong nước cho biết Sài Gòn có khoảng 70,000 cô gái hành nghề không lành mạnh, những nghề có dính thêm chữ “ôm”. Không biết con số trên có chính xác không nếu chúng ta ước tính thành phố thủ đô kinh tế này có trên 10,000 quán, điểm, nhà hàng bia ôm. Tôi đến thăm một bà chị ở con hẻm nhỏ trong khu dân cư thuộc khu ngày xưa là Trung Tâm Thực Nghiệm Chăn Nuôi ở gần Ngã Tư Bảy Hiền, sau Thương Phế Binh cắm dùi, rồi bán dần cho dân, bây giờ trở thành đất tư. Một con hẻm nhỏ thôi, nhưng đứng trước cửa nhà bà chị, tôi đã đếm được 3 tấm bảng hiệu với chữ uốn bằng đèn xanh đỏ “Karaoke”. Trên đoạn hẻm chưa quá 70 mét dài, đã có ba ngôi nhà lầu 3, 4 tầng dùng làm nơi bán bia ôm. Mỗi nơi như vậy, ít ra cũng phải 5, 3 cô thường trực, nơi nhiều như nhà hàng, cả mấy chục cô thường trực. Rồi khi cần, chủ sẽ gọi tăng viện từ những cô gái ở nhà hay chờ đợi đâu đó. Điện thoại lưu động quả là một sản phẩm quan trọng, hữu ích.

Cũng theo sách báo nhà nước, trong 5 năm nữa, phải có khoảng 8 triệu việc làm cho người lao động. Đó chỉ là những con số lý thuyết. Trong 6 triệu người sống ở thành phố Sài Gòn hiện nay, ít nhất cũng khoảng 2.5 triệu người cần việc làm. Rõ ràng là khó kiếm đủ số việc làm như vậy, dù cho công nhân viên làm việc trong tình trạng lãn công. Người ta tìm việc trong ngành dịch vụ vậy. Do đó, xuất hiện tầng lớp các thiếu nữ trẻ, đẹp, làm việc pha rượu, tiếp tân, phục vụ tại các khách sạn, nhà hàng, quán xá, bán hàng. Các cô làm công việc hoàn toàn lành mạnh. Rất nhiều nhà hàng, quán cà phê, quán rượu loại hơi khá một chút, đều có các cô ăn mặc lịch sự, đứng đắn, phần nhiều là với cánh áo dài xinh xắn, đứng ngoài đường mời chào khách qua lại, mở cửa cho khách vào. Các cô không níu kéo, không ưỡn ẹo. Từ xa, cô mỉm cười, khẽ nghiêng đầu, đôi mắt chờ đợi. Khi khách bộ hành đến gần, cô khẽ đưa bàn tay hướng về phía cửa, mời chú, mời anh, mời chị vào uống nước. Cô vui vẻ, bặt thiệp trả lời những câu hỏi tò mò. Chính cô mở cửa, rồi hoặc chính cô, hoặc một, hai cô trong số những cô còn đứng phía trong, sẽ đưa quí vị đến bàn. Có thể các cô kéo ghế cho quí vị nữa. Rồi các cô “lễ tân” dịu dàng đến gần quí vị. Không giục giã, lặng lẽ đứng đợi, đôi môi hơi hé như cánh hoa chờ khi thuận tiện cất lên những tiếng dịu dàng. Thưa chú dùng chi. Dạ ở đây có những món này,... Dạ, chú cho phép cháu đề nghị nhé,... Vậy thì chú dùng thứ này phải không ạ. Cứ thế, các cô nghiêng nghiêng chỉ vào bản thực đơn trước mặt quí vị. Dịu dàng góp ý, kiên nhẫn giải thích, và bao giờ kết thúc cũng bằng tiếng cảm ơn. Khi quí khách còn ngồi trong tiệm, chỉ cần một cử chỉ kiếm tìm, các cô đã lướt đến bên xem có thể phục vụ thêm gì không.

Tôi đã gặp các cô ở nhiều nơi, vẫn cùng một phong thái tiếp khách như vậy. Các cô đã được huấn luyện ít nhiều. Nhưng đội ngũ các cô còn quá ít, ở một số nơi nhất định.. Tôi mơ ước một ngày nào phong cách đó trở thành tập quán ở tất cả mọi nơi, mọi người trong đất nước ta, trong cộng đồng ta. Phải nói thực rằng Hà Nội chưa theo kịp Sài Gòn ở những chuyện này. Có lẽ Sài Gòn là nơi người ta tiêu tiền nhiều hơn, sinh hoạt phong phú hơn. Các bậc cha mẹ Sài Gòn dễ dàng cho các cô con gái đi làm việc như vậy, để các cô được tự túc phần tiền học, tiền tiêu sài, nhiều khi giúp đỡ gia đình. Nhiều cô tôi gặp đang là sinh viên đại học, hoặc đang học thêm vê computer và Anh văn. Lương một cô “lễ tân” vào khoảng 1,200,000 tiền VN, khoảng 85 mỹ kim, chưa kể chia thêm típ, hơn lương thầy giáo rất nhiều lần.

Tôi nói nhận xét về các thiếu nữ trên của Sài Gòn ngày nay với một anh bạn nhà báo. Anh bảo đó chỉ là phần bèo bọt nổi bên trên của cái gọi là kinh tế thị trường. Cái đích thực của sự cạnh tranh thì lại chưa có. Tại toà báo anh làm việc, một tờ báo thuộc loại lớn, cả trăm nhân viên, người ta hơn nhau không ở tính cạnh tranh đó, không ở chỗ ai có khả năng hơn, chịu khó hơn. Và nơi nào cũng vậy. Có thể có một bộ mặt nào đó của thị trường tự do ở đất nước này, với khía cạnh nào đó của sự tự do cạnh tranh, đó chính là cạnh tranh trong việc mua chuộc, hối lộ, tham ô bòn rút,... Anh bạn dắt tôi đi dự hai buổi ăn chơi do những kẻ hối lộ chiêu đãi. Hai chủ nhân ông hai buổi ăn chơi này đang muốn được vài đặc ân. Họ quyết liệt hạ các phe thứ ba, thứ bốn đang cố tranh dành mối làm ăn. Anh nói ngày nay không ai cạnh tranh nhau để trở thành con người tốt hơn, lương htiện hơn. Anh hỏi tôi Sài Gòn ngày xưa có như vậy không. Thời xưa cũng có hối lộ, cũng có tham nhũng, nhưng người dân còn hiện diện, báo chí còn có mặt, và người ta còn cố gắng lương thiện.

Tôi đến thăm một nhà văn khá nổi tiếng của Sài Gòn hiện nay, tôi chưa từng quen biết. Truyện của cô được xuất bản nhiều, được đăng nhiều trên báo chí trong nước. Chỉ có một điều cô không có được nhiều, đó là phương tiện để có một cuộc sống đầy đủ. Hai mẹ con cô sống trong một căn phòng nhỏ hẹp trong hẻm đường Trương Tấn Bửu trước đây. Cô từng có bằng đại học về vật lý, từng đi học ngoại quốc, và sau hai chục năm làm việc, lương chỉ hơn 500,000 đồng / tháng, khoảng 35 mỹ kim. Hai mẹ con bình thường vốn đã không đủ sống, nhưng cậu con 10 tuổi của cô lại không bình thường. Cháu bị tê liệt từ gần chục năm nay. Chồng cô cũng là một nhà khoa học, mới mất ba năm nay vì bệnh. Đồng lương ít ỏi của cô còn phải chi thêm một mục nữa, là một bà chăm sóc cho cháu, khi cô đi làm. Nhìn cháu cố lê từ giường tới chiếc bàn trên để một số hoạ phẩm, một số hình tượng, cô vui vẻ khoe về cậu con trai tài hoa. Cháu đã cố gắng sáng tác như vậy đấy. Cháu cũng ngọng nghịu khoe tôi về những tác phẩm của mình. Niềm vui của cô là viết và cháu bé. Cô nói về hai niềm vui đó với tất cả say mê, không một lời than vãn. Cô không than về chuyện khó khăn trong viết lách, dù vẫn ước muốn được viết trọn vẹn. Cô không than cháu bé tật nguyền, dù vẫn ước ao cháu sẽ là người có ích, có cuộc sống bình thường. Ở đâu và thời nào thì các bà mẹ vẫn thật lớn lao. Mà ước ao của các bà thật nhỏ nhoi: “Làm sao mỗi ngày cháu có một cái miếng gà chiên là em hạnh phúc rồi. Cháu thích ăn thịt gà chiên.” Tôi thẫn thờ nghĩ đến nơi tôi đang sống, ở đó người ta đổ đi nhiều thứ quá.


Ngày 13 tháng 11 tôi ra đến Hà Nội. Mua vé taxi ở phi trường Nội Bài, một mình một xe về đến khách sạn trên đường Lý Thường Kiệt, tôi chỉ phải trả có 140,000 đồng, khoảng 10 mỹ kim. Với đoạn đường bằng từ phi trường Los Angels về Quận Orange, đó là một giá rẻ, ngay cả tại Việt Nam, vì chỉ cần chạy loanh quanh ở Hà Nội, chúng tôi cũng phải trả 25, 30 ngàn đồng một cho một cuốc xe.
Tôi đến Hà Nội giữa lúc đang Thu. Nắng, gió đều đẹp đến ngất ngây. Trời ơi, phải chi 5 ngày này là 5 ngày rong chơi! Phải chi “anh chàng” Clinton bỏ chuyến đi Việt Nam! Ngồi trong xe taxi chạy luồn lách trên những đường phố đông đúc, ngợp bóng cây xanh, tôi lặng người trong nỗi xao xuyến người xưa cảnh cũ. Đôi khi có những cảnh cũ ta chưa từng ở, những người xưa ta chưa từng gặp, nhưng vẫn thân quen đến bồi hồi.

Nếu như ở Sài Gòn tôi biết lúc nào nên làm gì, cần làm gì, thì tại Hà Nội, hoặc do cảnh trí đất trời, hoặc do rất ít mối manh để biết cần bắt đầu lần mò từ đâu, tôi lúng túng khi nghĩ đến lịch làm việc. Ngay chiều và tối ngày đầu tiên đến Hà Nội tôi đến thăm một số người quen biết, chuyển giao vài cái thư, vài lời nhắn, và lo tìm cách triển hạn visa để có thể ở lại, đi về Miền Tây ghi nhận về trận lụt vừa qua.
Sáng ngày 14 tôi liên lạc với Vụ Báo Chí thuộc Bộ Ngoại Giao, rồi toà Đại Sứ Hoa Kỳ. Từ Vụ Báo Chí, chúng tôi biết được khách sạn một số phóng viên khác đang ở. Tôi gọi đến khách sạn Tower, để lời nhắn lại cho chị Phương Lan của đài VOA, rồi gặp Quốc Dũng của đài RFI, ngẫu nhiên anh ở cùng khách sạn chúng tôi. Gần đến 11 giờ tối hôm đó, cùng với Dũng, chúng tôi đến khách sạn Thắng Lợi gặp một phái đoàn từ Mỹ mới đến. Trên chiếc bàn tròn thấp, một chai rượu mạnh chưa khui, một chai dở dang. Một vị áng chừng là triệu phú ngồi gác chân lên ghế, trách anh Ph. Th. Đ, rằng đi với anh dở ẹc. Mấy lần trước vị ấy về Việt Nam được đón vào phòng VIP, không phải khám đồ. Lần này đi với anh Đ, phải chờ đợi, phải mở từng cái va ly. Tôi ngỡ ngàng nhìn các nhà triệu phú. Họ thực sự là những nhà kinh doanh Mỹ, rõ ràng họ không có liên hệ chút nào tới cái đất nước Việt Nam này. Bây giờ họ trở về đây, như đã từng trở về trước đây, chỉ với mục đích kinh doanh. Giờ phút ngồi ghi lại những giòng chữ này, tôi biết tôi đã có lỗi vì quên đi mất tư cách báo chí của mình, phán đoán vội vàng, kết luận vội vàng. Tôi tới Thắng Lợi với mục đích viết một bài báo bên lề chuyến đi Việt Nam của Tổng Thống Clinton, khi ông vẫn chưa đến đất nước này. Nhưng tôi đã không hỏi han gì ai. Tôi để cho tâm tình bình thường của một người Việt Nam lấn át tính tò mò tìm hiểu của nhà báo.

Hôm nay cũng là ngày tôi phải tiếp xúc một số người chưa từng quen biết. Có những người gặp chúng tôi tại phòng tiếp khách của khách sạn, có những người nhã nhặn chở chúng tôi đi ăn đặc sản Hà Nội. Ở đâu thì chúng tôi cũng bắt đầu bằng chuyện trên trời dưới biển, rồi mới tới chuyện nội dung tờ báo. Các vị khách biết rõ tờ báo chúng tôi, còn biết hơn chúng tôi vì ở Hà Nội làm sao tôi biết hôm đó có bài gì trên tờ báo ở Cali. Dù sao thì tôi cũng phải mô tả tính cách bình thường của một tờ báo ở Mỹ, trước hết là thông tin trung thực, rồi tự nguyện là diễn đàn xây dựng cộng đồng, xây dựng đất nước Việt Nam. Tôi cũng trình bày rằng có thể cái cách xây dựng đó khác với cái cách xây dựng của báo chí trong nước, nhưng đó là cách của chúng tôi, và vì vậy chúng tôi mới làm báo ở một nơi xa xôi đất nước như thế, nếu không, chúng tôi đã về Sài Gòn xin làm báo rồi. Bữa cơm đặc sản không được ngon miệng lắm, vì hình như “đặc sản” bây giờ của Hà Nội khác với “Miếng ngon Hà Nội” của “Hà Nội 36 phố phường” ngày xưa rất nhiều. Thường thì xã hội, phong thuỷ, con người đều phản ánh ít nhiều trên món ăn. Bây giờ nhiều món ăn ở Hà Nội có vẻ cầu kỳ, phô trương, mất đi cái tinh tế, chắt chiu, nâng niu của người làm, người ăn. Duy tôi chỉ chấm được cái thú uống nước chè trên hè đường là còn tính thi vị Hà Nội.
Dù sáng, trưa, hay tối, quí vị tạt vào ngồi bệt xuống một bực thềm hay trên chiếc ghế con thấp lè tè, chẳng cần nói gì, bà cụ ngồi bên bình tích nước chè ủ kín trong giỏ đã rót cho quí vị một chén nước xanh thơm ngát, nóng bỏng. Bây giờ nhiều nơi, nước chè đựng trong bình thuỷ. Sẽ có những vị khách cầu kỳ kêu rằng vị nước có hơi nồng vì không đựng trong bình bằng chất sành sứ. Riêng tôi là loại “thực bất tri kỳ vị”, được ngồi nhâm nhi liền tù tì vài ba tách chè đã là được hưởng cái thú tuyệt trần rồi. Kể ra, nếu tôi lại hút thêm một điếu thuốc lào nữa thì mới gọi là tận hưởng thú vui quê mùa nhưng rất Hà Nội này. Ngồi bên tách chè, nghe tiếng rít điếu cầy sòng sọc, nghe bà cụ kể chuyện cô con dâu mới được tăng lương,hay trúng bổng lộc gì đó không biết, mua cho mẹ chồng chiếc khăn quấn cổ, tránh cái se lạnh của gió thu bên bờ hồ Hoàn Kiếm. Tôi góp chuyện: Bây giờ các nàng dâu tốt quá, cụ nhỉ. Cụ nhoẻn miệng cười: Ôi dào, cũng được ít năm nay. Ngày xưa làm mẹ chồng khổ lắm ông ạ. Vừa phải làm việc nhà quần quật, vừa lo khôngh biết con dâu mách lóm gì với phố phường hay không. Bây giờ cũng là nhờ phúc nhà mình, hay phúc đất nước này không biết, gia đình sống có tình với nhau hơn.
Mấy hôm liền tôi đều ghé uống nước chè của bà cụ bên bờ hồ, ngồi nghe chuyện cụ nói với khách hàng. Nghe như thấy một Hà Nội xưa trở lại. Thực ra, tôi cũng chẳng thể nào biết được, phân tích được cái Hà Nội xưa ấy là gì. Chỉ tự dưng cảm thấy khi nghe những mẩu chuyện bên tách nước chè, hoặc nghe bàn tán trong một buổi ngồi lê với vài anh bạn làm công việc nghệ thuật của đất Hà Thành. Một ông anh họ đưa tôi nhập vào đám mấy anh ngồi uống cà phê bên một quán cóc lề đường. Các anh đều thuộc một đoàn văn nghệ ở Hà Nội. Ông anh giới thiệu tôi là dân Sài Gòn mới ra thủ đô. Rả rích một hồi, một anh hỏi tôi vào Sài Gòn khi nào, năm 1954 hay sau 1975. Khi biết tôi đã xa Hà Nội yêu dấu hơn 40 năm rồi, anh thích chí hích vai anh bạn ngồi bên: Đó, thấy chưa, tôi đã bảo mà. Ông anh đây phải là người đi vào Nam lâu rồi, chứ đâu phải những người mới “nam tiến” sau này đâu. Tôi hỏi làm sao anh biết, anh hãnh diện trả lời: Thì cứ xem cách anh ăn nói, cái giọng nói còn chút chất thuần của Hà Nội, cách anh sẽ sàng mời mọc, thì đích thị là người Hà Nội ngày xưa. Những người Hà Nội này khi vào Nam vẫn giữ được cái nền nếp Hà Nội,. đâu phải cái đám nhập cư chúng tôi sau này, có ở mòn đất cũng vẫn là chân quê. Rồi anh chỉ ông anh họ tôi: Đây, xem ông anh này đây, dân Hà Nội chính cống đấy, xưa là Hà Nội, nay vẫn là Hà Nội. Có thời bị đầy xuống đến đất đen rồi mà vẫn là Hà Nội mới cực kỳ!. Sau này, anh tôi kể chuyện, ngay Nguyễn Huy Thiệp một hôm cũng nói với anh câu tương tự, rằng dù có là nhà văn có chút tiếng tăm chăng nữa, thì chàng vẫn tự biết là chân quê, không thể là người giữ mối riềng cho Hà Nội một thời văn hoá xưa kia.
Tôi không đính chính với những anh bạn văn nghệ bên quán cóc kia, rằng thực ra tôi cũng không phải người sinh đẻ ở Hà Nội. Tôi là dân Bắc Ninh, dân của làng Đại Mão, phủ Thuận Thành. Nói thế người ta buồn. Ít nhất bây giờ nhiều người cũng còn cái hình ảnh Hà Nội xưa đó để mà bám vào, để mà tin tưởng rằng thực ra dân mình khá lắm chứ, rằng với chút vốn liếng văn hoá đó, rồi dân mình cũng sẽ ngóc đầu lên. Tôi cũng không nói cho họ biết rằng theo tôi, cái “chất thuần Hà Nội” đó chỉ là những cái tinh tuý của một nền văn hoá, của một nền đạo lý. Lâu rồi các anh bạn không được sống trong cái đạo lý đó, cái văn hoá đó, nên cứ nghĩ đó là Hà Nội. Tôi vẫn định bụng sẽ hỏi nhà thơ, nhà văn Lê Đạt trong buổi hẹn tối hôm đó xem cái chất Hà Nội thực ra là những gì, nhưng quên mất.

Nhờ các nhà báo trong báo Tia Sáng, chúng tôi có cái hẹn với thi sĩ Lê Đạt, một người dính trong vụ Nhân Văn Giai Phẩm. Cũng như nhờ những anh bạn văn nghệ bên quán cóc, chúng tôi có số điện thoại của mấycô ca sĩ hàng đầu Việt Nam hiện nay.
Anh Văn Thành, thư ký toà soạn tờ tạp chí Tia Sáng đưa chúng tôi đi gặp nhà thơ Lê Đạt. Tia Sáng là tờ báo của ngành Văn Hoá – Môi Trường. Gần đây, do một chủ nhiệm Lê Tư chịu “đổi mới”, ít ngại kiêng kỵ, lại được một Thư Ký Toà Soạn phong thái văn nhân, phóng khoáng, biết trọng người tài, nên tờ báo bắt đầu được giới trí thức, văn học nghệ thuật lưu ý, cộng tác. Anh Lê Đạt mới viết một bài ngắn trên Tia Sáng số... bộ mới. Lối viết ngắn, gọn, cứ như mỗi cái đinh chỉ cần một, nhiều lắn là hai nhát búa, là ngập vào thớ gỗ. Anh viết về...
Chúng tôi vào một quán ăn nhỏ trên đường Lãn Ông. Có lẽ đây cũng là chỗ anh Lê Đạt hay tiếp đãi bạn bè, nhà văn, nhà báo ngoại quốc. Anh nói khi cần thết ai bữa cơm đạm bạc, cứ kéo lên căn gác của hiệu ăn này, gần nhà, mà cơm thì đặc biệt Việt Nam, ngon, lành, lại rẻ nữa. Mới một hai bữa trước, anh cũng cùng một nhà báo Pháp ngồi ngay chiếc bàn chúng tôi ngồi tối nay. Nhân viên hiệu ăn thân quen anh cứ như người trong nhà vậy. Anh thản nhiên, thơ thới nói về những năm tháng khó khăn. Anh kể cứ như chuyện của ai khác, chẳng lưu lại anh nỗi bực dọc nào. Quả thực những năm tháng này không khiến anh sa sút, dù là thể xác. Mỗi sáng, anh vẫn đạp xe vòng quanh bờ hồ hai vòng, chắc phải 6 cây số mỗi vòng, mùa hè cũng như mùa đông. Ngoài 70 tuổi, trông anh khoẻ mạnh, tinh nhanh, vui vẻ. Tôi được Anh cho phép xuất bản tập truyện Hèn Đại Nhân tại California.

Những ngày tiếp theo tại Hà Nội và Sài Gòn, chúng tôi liên tiếp bản tin tường thuật bên lề chuyến đi của Tổng Thống Clinton tại Việt Nam. Không biết báo Người Việt dùng bản tin đó ra sao, bây giờ tìm lại được một ít, tôi cũng xin post lên blog này như một hồi tưởng kỷ niệm vui.

No comments:

Post a Comment