Friday, January 16, 2009

Thơ Phổ Nhạc

Ý kiến của Phú Quang, Nguyễn Đạt, Lê Thị Kim

Đỗ Tăng Bí ghi

11 giờ sáng một ngày cuôi tháng Tư, 2002, tôi cùng Nguyễn Đạt, Lê Thị Kim đến quán Catinat của Phú Quang, nằm trên đường Nguyễn Huệ, Sài Gòn. Tối hôm qua tôi gặp một nhà thơ “điên điên” ở đây, thi sĩ Sao Trên Rừng – Nguyễn Đức Sơn, được biết quán này của nhạc sĩ Phú Quang, nên tự hẹn sáng nay sẽ đến gặp và phỏng vấn tác giả bài hát về Hà Nội tôi yêu vô cùng “Im Lặng Đêm Hà Nội”. Nhưng rồi chuyện phỏng vấn không thành vì cuộc thảo luận bất ngờ về thơ phổ nhạc do một câu Nguyễn Đạt hỏi Phú Quang khi vừa mới ngồi xuống ghế. Lát nữa đây tôi ghi lại những câu hỏi có vẻ hơi mạnh mẽ của Ng. Đạt và phần trả lời khá điềm tĩnh của Phú Quang.
Trước hết phải nói anh Nguyễn Đạt đi với tôi hôm đó không phải thi sĩ và nhà văn Lê Đạt của vụ án Nhân Văn Giai Phẩm trước đây. Cụ Lê Đạt hiện đang sống ở Hà Nội với tuổi gần 80, và nhà xuất bản Tuổi Xanh ở California cách đây mấy năm có in tác phẩm “Hèn Đại Nhân” của cụ. Còn anh bạn tôi, Nguyễn Đạt, cũng là một nhà thơ và văn. Trước năm 1975 anh đã xuất bản một tập thơ, truyện của anh cũng xuất hiện trên một số tạp chí văn học thời đó. Những năm gần đây, thơ và truyện anh đăng tải trên một số tờ báo hải ngoại như Thế Kỷ 21, Việt Mercury, Người Việt. Nhật báo Người Việt cũng đã chạy 3 truyện dài của anh trong 3 năm qua. Hiện anh cư ngụ tại Sài Gòn, và hầu như chỉ sống nhờ chút tiền nhuận bút ít ỏi của báo chí hải ngoại vì báo chí trong nước từ chối đăng truyện và thơ của anh.
Lê thị Kim là thi sĩ có tiếng trong nước. Người đọc biết đến cô nhiều kể từ sau 1975. Cô đã xuất bản riêng và chung nhiều tập thơ. Cô còn là hoạ sỹ. Đã triển lãm nhiều lần ở Hà Nội, Sài Gòn, và năm ngoái, 2002, cô có qua Mỹ tham gia cuộc triển lãm của các hoạ sỹ Á Châu. Cô là một nhà khoa học nhưng đã bỏ lãnh vực này sau hơn 20 năm làm việc với điều kiện sống quá bần hàn.
Ba đứa chúng tôi rủ nhau đến quán Phú Quang. Đạt vì chiều người ở xa về nên chịu đi theo. Thường Đạt thích ngồi quán cóc trên các vỉa hè Sài Gòn, nơi có thể ngồi chửi thiên hạ cùng Nguyễn Đức Sơn, T. T Kiệt, Ng. T Hoàng,... Có lẽ vì gượng ép mà đi như vậy nên vừa ngồi xuống với Phú Quang, Đạt phang ngay một câu:
Ng. Đạt – Anh Phú Quang này, tại sao nhạc sĩ các anh lại cứ lấy thơ của người khác mà phổ nhạc. Như thế bài nhạc đâu còn có thể gọi là của anh nữa.
Dĩ nhiên là Phú Quang ngỡ ngàng, vì hồi nãy lúc bắt tay làm quen, tôi có nói ý định phỏng vấn anh, nhưng không nói sẽ phỏng vấn kiểu đốp chát như vậy.
PQ – Anh nói thế thì cũng hơi... Thực ra mà nói, lời của một bài hát hay giá trị không kém gì nhạc hay. Để có thể viết lời hay cho một bài hát người nhạc sĩ cũng cần công phu và sự rung động không kém gì khi viết phần nhạc. Thay vì tôi viết được 10 bài nhạc, nếu tôi viết cả phần lời, thì tôi chỉ viết được 5, 6 bài là cùng. Vậy thì việc sáng tác ra lời, việc trình bày những hình ảnh, sự rung động, tư tưởng, và tình yêu bằng lời, bằng ngôn ngữ nói và viết là việc của những nhà thơ, nhà văn. Tại sao nhà thơ lại không thể cho nhạc sĩ dùng những sáng tác đó phô diễn cho dòng nhạc. Giả dụ một nhạc sĩ sáng tác luôn lời, nhưng lời của họ tệ quá, có phải là làm phiền lòng người nghe không, nhiều khi là tra tấn người nghe. Chúng ta cứ để ý lời các bài ca Việt Nam mà coi. Chỉ trừ một vài người mà lời của họ gần như là thơ, như Trịnh Công Sơn chẳng hạn, ông ta nửa thơ nửa nhạc, ông ta là nửa vời, nhạc nửa vời, lời nửa vời, còn thì nhiều bài hát có lời do chính người nhạc sĩ viết, nghe nó buồn cười không thể tưởng tưởng được. Được cái âm nhạc có cái lợi thế là nó cho phép người nghe có thể bỏ qua những cái ngớ ngẩn, những cái buồn cười của lời. Cũng lời đó nếu viết riêng ra thì khủng khiếp, nhưng nếu hát trong khuôn khổ dòng nhạc nào đó, người ta dễ chấp nhận hơn. Thí dụ có một ông nhạc sĩ , ông này đã quá cố rồi nhưng tôi cứ xin phép mà dẫn ra đây vì chợt nhớ đến lời viết như thế này: “kể từ ngày anh đi, nước đủ, phân gio nhiều,...” Tưởng tượng lời đó viết ra giấy gọi là bài thơ thì khủng khiếp đến thế nào. Thế nhưng khi hát lên, người ta bớt thấy chướng hơn. Một ông khác viết lời thế này “... ra thép, ra gang, ôi lò lửa sáng hiên ngang,...” chẳng ra cái gì cả, vậy mà hát lên người ta không để ý, chả thấy sao cả. Những lời đó mà bà Kim cho in thành tập thơ thì mọi người cười được cả năm đấy. Vậy thì người làm nhạc và người làm thơ chỉ là sự phân công, là có tính chuyên nghiệp hoá. Hãy cứ tưởng tượng một ông khoe rằng một mình tôi làm được cả cái xe đạp này, chẳng phải mua cái gì cả. Trước hết xe ông ấy làm có tốt không, có bền không, thứ đến ông ta mất bao nhiều năm để làm cái xe đó, và ông ta tốn bao nhiêu tiền. Suốt thời gian ông làm xe thì gia đình ông sống bằng gì, ông ta sống bằng gì. Nếu ông ta chịu đi làm việc theo ngành chuyên môn của ông trong suốt thời gian đó, có lẽ ông ta mua được hàng chục cái xe, ông ta được đi xe tốt, gia đình ông sống thoải mái hơn, xã hội có phần đóng góp hữu ích của ông ấy.
Ng. Đạt – Nhưng thưa anh Phú Quang, dù anh cho một bài thơ nào đó là hay, anh mượn ca từ của nó, nhưng theo tôi, ca từ đó khi vô trong nhạc thì nó khác, nó sẽ không còn hay như khi nó ở bài thơ,...
L.T Kim – Tại sao, chưa chắc,...
PQ. – Tôi cho rằng nếu nó không còn hay như vậy thì chỉ vì tài nghệ của người nhạc sĩ kém.
Ng. Đạt – Tôi cho rằng nhà thơ và nhạc sĩ là hai người hoàn toàn biệt lập, độc lập với nhau (và như thế không thể có chung đụng nhau được).
P.Q. – Tôi xin góp ý với anh Đạt thế này: Chuyện giao hoà trong nghệ thuật bây giờ là điều rất bình thường. Anh là một nhà thơ, nếu anh hiểu âm nhạc thì thơ anh có nhạc điệu, nếu anh hiểu hội hoạ thì trong thơ anh có màu sắc hơn, nếu anh yêu điện ảnh thì thơ anh sẽ sống động, có cảnh sắc biến chuyển hơn. Người nhạc sĩ cũng vậy, yêu thơ, yêu nhạc thì trong nhạc có cả chất thơ lẫn chất hoạ,...
Ng. Đạt – Thế như đó không phải lý do để cho anh cần phải mượn thơ người khác.
P.Q. – Đấy không phải là mượn. Anh nhầm ở chỗ này. Khi tôi phổ nhạc một bài thơ của anh, không phải là tôi mượn thơ anh. Đó chính là vì khi đọc bài thơ tôi đồng cảm được với anh. Đành rằng lấy thơ anh chuyển thành bài hát thì dễ hơn tôi tự viết lời, nhưng nó khó ở chỗ khác. Trước kết tôi phải hiểu được thơ anh, phải rung động được với cái khiến anh rung động, sau đó phải chuyển hoá cái rung động đó thành nỗi rung động của tôi, nên tưởng rằng dễ hơn nhưng thực sự thì phần sáng tác nhạc sẽ khó hơn. Nếu người nhạc sĩ khi đọc một bài thơ không có cái rung động của nhà thơ, không hiểu được những gì nhà thơ muốn chuyên chở, không đồng cảm được với nhà thơ, thì chắc chắn chuyện phổ thơ đó, chuyện dẫn ý thơ sẽ đưa đến kết quả tồi tệ vô cùng. Điều quan trọng trong đời sống thực tế là người nhạc sĩ đừng quên mất nhà thơ. Riêng cá nhân tôi, dù chỉ lấy một câu thơ, một ý thơ, tôi vẫn để tên nhà thơ trong bài nhạc của tôi. Đây không phải chuyện nịnh các nhà thơ, nhưng tôi cho rằng nếu không có câu thơ đó, không có ý thơ đó, thì không có bài hát đó. Thí dụ chỉ vì có một câu thơ duy nhất mà tơi làm bài “Hà Nội Ngày Trở Về”. Chỉ một câu duy nhất này “... vội vã trở về, vội vã ra đi,...”. Quả thực suốt bài hát tôi chỉ lầy đúng mấy chữ đó, còn lại tất cả lời là của tôi, nhưng tôi vẫn đề lời đó của Thanh Tùng. Hoặc một bài khác “... Vì Đâu Hà Nội” cũng chỉ vì một câu duy nhất “Heo May Ta Về Có Giấc Mơ Xưa”, câu thơ của Tạ Văn Chương, tôi vẫn đề lời Tạ Văn Chương dù toàn bộ phần còn lại là lời của tôi. Trở lại với “Vội vã trở về, vội vã ra đi”, quả thực mỗi lần tôi trở về Hà Nội đều vội vã. Từ đấy mới có những câu như “Hà Nội ơi mỗi khi....xác xơ tôi vội vã trở về ... cho mình dù chỉ là chiếc bóng đêm trên đường phố quen... Tôi bồi hồi khi chạm bóng cửa ô như ngày xưa mỗi lần chạm vai người..., như dòng sông Hồng cuộn đỏ....,” , rồi sau đó mới “vội vã trở về, vội vã ra đi...” Nhưng anh thấy không, nếu không có mấy chữ đó, không có cả bài hát đó. Ngay ông Thanh Tùng nhiều khi cũng nói tôi: “Mày chỉ lấy có mỗi một câu của tao mà mày cũng để tên, cũng đưa tiền.” Cho nên một ngày nào đó, anh Đạt ạ, có thể Quang sẽ làm một bài nhạc xuất phát từ ý thơ của anh, có thể lời bài hát sẽ không giống với lời thơ anh, nhưng Quang vẫn phải ghi lấy từ ý thơ anh Đạt. anh Đạt có đồng ý rằng đôi khi chỉ vì một câu nói nào đấy mà anh về bật ra một bài thơ hay. Bài thơ vẫn là của anh, nhưng xét cho cùng nếu không có câu nói đó thì không có bài thơ đó...
Ng. Đạt – Tôi chỉ mong rằng các ông nhạc sĩ hãy bật ra từ ý nhạc của mình chứ không cần bật ra từ bất cứ cái gì khác.
P.Q. – Nếu thế thì làm gì có ca khúc. Anh có gọi Shubert là nhạc sĩ không. Thế giới gọi Shubert là ông hoàng của ca khúc, nhưng không một lời bài nhạc nào của Shubert. Lời các ca khúc của ông ấy đều lấy từ các nhà thơ cùng thời. Không ai có thể vì thế nói Shubert không phải là nhạc sĩ. Chỉ những kẻ dốt nát lắm mới khjông gọi ông ta là nhạc sĩ. Ông ấy là một nhạc sĩ thiên tài. Ở đất nước mình với nền văn minh nông nghiệp, người ta tưởng rằng phải viết lầy lời mới được gọi là nhạc sĩ tài năng. Thí dụ nếu anh tự hào là tập thơ của anh là do anh “in lấy”, thì cũng là giỏi đấy, nhưng chẳng hay ho gì, bởi vì những người không in lấy được thơ đâu có phải vì thế mà thơ kém anh. Việc của anh là làm thơ cho hay chứ không phải việc anh in cho đẹp hay không đẹp...
L.T. Kim – Tôi đồng ý với anh Phú Quang. Ở đất Sài Gòn này có thời người ta sáng tác nhạc từ một bài thơ, lấy thơ phổ nhạc, đến khi gây đụng chạm, nên sau đó nhạc sĩ phải tự viết lời, và thường là lời không ra sao cả. Tôi đồng ý với Phú Quang là mỗi người một việc, nên ông ấy không hề mắc cở về cái chuyện phải mượn lời của nhà thơ bởi vì công việc của nhà thơ là sản xuất ra những lời như vậy. Theo tôi, người nhạc sĩ nếu có sẵn lời của một bài thơ như vậy đã mua được rất nhiều thời gian mà ca khúc lại có lời hay. Thực ra, theo tôi, nhạc Phú Quang rất hay, nhiều lời do Phú Quang viết rất hay, rất hợp với “dòng nhạc sang”, theo cách nói hiện nay. Tôi đồng ý với Phú Quang ở chỗ là khi gặp một bài thơ hay, anh Quang có thể tự hỏi “làm sao tôi có thể viết được lời hay như vậy, mà tôi lại có sự đồng cảm, có những cảm xúc như trong bài thơ, vậy tại sao tôi không dùng luôn lời của bài thơ đó”. Tôi nghĩ rằng khi đó người nhạc sĩ lấy lời của một bài thơ cũng là một thái độ khiêm nhường để bày tỏ rằng tôi cũng cảm xúc như thế mà tôi không viết được như nhà thơ.

Khách vào quán ăn trưa đã đông, Phú Quang bận rộn với bạn bè, khách quen khách lạ. Không khí “góp ý” còn hào hứng nhưng tôi đành xin kết thúc buổi thảo luận bất ngờ này, và hẹn Phú Quang ngày mai gặp lại.

No comments:

Post a Comment