Wednesday, January 21, 2009

Diễm Liên: Niềm Ước Mơ Nuôi Dưỡng Dòng Nhạc Trữ Tình, Lãng Mạn


Đỗ Tăng Bí

Hình Vũ Đình Trọng, Nguyễn Ngân, ĐVA

Một anh bạn tôi có niềm mơ ước kỳ thú là nếu trúng số (trên mười triệu đồng), anh sẽ bỏ ra từ 500 ngàn đến 1 triệu đô la thành lập một ban hợp ca gồm những người trẻ để trình diễn hai trường ca “Con Đường Cái Quan” và “Mẹ Việt Nam” của Phạm Duy. Anh sẽ đưa ban hợp ca này cùng dàn nhạc đi lưu diễn khắp những nơi có người Việt Nam tại hải ngoại. Và trong số những người hát trẻ anh sẽ đề nghị Diễm Liên hát ở vị trí Thái Thanh trước đây mấy chục năm.
Quả thực Diễm Liên có một giọng hát đẹp, thật nồng nàn, đam mê, say đắm nhưng cũng rất trẻ trung vui nhộn. Cái nồng nàn, đam mê, say đắm đó chưa thể bằng Thái Thanh, có lẽ vì thế hệ những người trẻ Việt Nam tại hải ngoại không hề được sống, được đắm mình trong không khí lãng mạn trữ tình nhưng cũng đầy cay đắng chiến tranh của nền thi ca, âm nhạc, hội họa Việt Nam trước 1975. Họ không được sống, được trải qua những tình cảm của những “Con đường Duy Tân, cây dài bóng mát..” của những “Uống ly chanh đường, uống môi em ngọt...” Đôi “môi em” đó chỉ là những ước mơ, tưởng tượng. Thế hệ trẻ hồi đó đâu có dám ôm nhau, hôn nhau dễ dàng, tự nhiên ngay giữa chốn đông người, giữa ban ngày ban mặt như những người trẻ hôm nay. Cũng có thể cái nồng nàn, đam mê, say đắm đó chưa bằng Thái Thanh vì chưa “yêu tiếng nước tôi” nhiều như Thái Thanh đã yêu. Diễm Liên thiếu những kinh nghiệm cảm xúc đó nhưng bù lại cô có một sự thông minh, tinh tế về cảm nhận cái hồn của bài nhạc, và cô hát với nỗi khát khao được hát.
Diễm Liên ra đời tại Đà Lạt và ở đó cho đến khi rời Việt Nam vào năm 1990. Khi có giấy tờ rồi cô mới xuống Sài Gòn ở một tuần để chờ ngày đi. Thuở nhỏ cô đã thích hát và hay hát ở trường học, chỉ khi qua Mỹ mới đi hát chuyên nghiệp. Trước khi đi Mỹ cô có hát ở vài club tại Đà Lạt, “nhưng không nhiều vì tuổi còn nhỏ, gia đình đâu có cho đi hát. Lúc đó chắc con chừng 17, 18 tuổi gì đó, mà cũng chỉ hát chừng một tháng thôi.” Trong câu chuyện chúng tôi biết Diễm Liên rất ít được gần gũi giới báo chí, truyền thông Việt Ngữ. Do nhà cô ở xa khu trung tâm Little Sài Gòn, ngoài khu vực Quận Cam, ít có cơ hội đọc báo, nghe đài. Một yếu tố nữa là tuy mang tiếng người ở Miền Nam California nhưng cô ít trình diễn tại đây mà hay đi hát các tiểu bang khác.
Diễm Liên đã có gia đình, chồng trong quân đội, có cậu con trai mới 4 tuổi. Nghe hỏi về chuyện cô phải vắng nhà luôn luôn để đi hát thì “chàng ta” có buồn không, cô trả lời:
Diễm Liên: Con thường phải đi hát ở các tiểu bang khác vào mỗi weekend. Mạnh con con đi, mạnh chồng chồng đi. Anh ấy còn đi nhiều hơn con vì ở trong Thủy Quân Lục Chiến mà. Thành thử ra chuyện đi xa nhà rồi cũng quen.
Chúng tôi nói chuyện cùng Diễm Liên tại toà soạn Người Việt trong vòng một tiếng đồng hồ. Cô là một ca sĩ vào nghề bằng những chương trình nhạc trẻ trung vui nhộn. Nhưng gần đây cô xuất hiện nhiều và thành công tại những buổi hát thính phòng nên câu chuyện xoay quanh sự thay đổi này, và về chuyện cô được mời giữ một trong mấy vai chính cuốn phim do Đạo Diễn Hàm Trần thực hiện ở Thái Lan. Dưới đây là một phần câu chuyện với Diễm Liên. Trả lời câu hỏi cô thích nghe ai hát, cô nói:
Diễm Liên: Về phía Mỹ con thích nghe Céline Dion, Barbarra. Phía Việt Nam, ngoài những cây đại thụ mà ai cũng biết, ở ngoài này con thích nhất chị Khánh Hà và anh Tuấn Ngọc, trong nước con thích Thanh Lam, Mỹ Linh và Trần Thu Hà.
Hỏi: Đầu Tháng 12, trong buổi “Nhạc Tình Phạm Duy” ở Majestic, con hát chung với Nguyên Khang. Con thích giọng Nguyên Khang? Với lớp cùng lứa tuổi, con thích ai?
Diễm Liên: Khang mới hát sau này nhưng đối với con đó là một giọng tốt. Chắc chú phải công nhận với con là gần đây xuất hiện rất nhiều ca sĩ, nhưng tìm những người thích hát những bài nhạc xưa cũ, như của bác Phạm Duy, Phạm Đình Chương chẳng hạn, thì rất ít. Khang hợp với con ở điểm đó. Nhạc phong trào thì nhiều ca sĩ nhưng nhạc xưa thì càng ngày càng hiếm người trong lớp trẻ muốn hát. Thực ra hồi xưa, khi còn trẻ, thì miễn được hát là con vui rồi, không chọn lựa bài hát. Khi lớn lớn rồi, sau hơn 10 năm trong nghề, con suy nghĩ khác hơn. Con bắt đầu hát từ năm 1992, bây giờ là 12 năm rồi. Thời gian qua mau không ngờ. Những chị như chị Ý Lan, Khánh Hà là lớp đàn chị, con không dám nói tới, nhưng trong lớp sàn sàn tuổi với con, con thích nhất Thanh Hà và một cô mới gần đây là Ngọc Hạ. Ngọc Hạ là một giọng ca mới mà con rất respect, còn ít tuổi nhưng đã chọn lựa những bài thật hay, thật khó của bác Phạm Duy... Con cũng mong xuất hiện thêm nhiều giọng ca nữa hát loại nhạc xưa vì càng đông càng vui, nhất là có sự đua tranh để phải cố gắng nhiều hơn.
Hỏi: Chú nhận thấy con hay chọn lựa những bài tiết tấu rất khó như mấy bài của Phạm Duy, tại sao?
Diễm Liên: Vâng, bác Phạm Duy có nhiều bài khó, nhng khi mình hát như vậy thì như là mình challenge. “I love challenge.” Con thích những bài khó. Có thể là lần đầu mình hát chưa hay, nhưng đến lần thứ hai, thứ ba thì thật thoải mái khi hát.
Hỏi: Con hát những bài nhạc xưa cũ rất có hồn, con hiểu được bài nhạc, cảm được những điều tác giả muốn diễn đạt, như khi con hát những bài của Phạm Duy chẳng hạn, nhưng đôi khi chú thấy như thiếu một chút đam mê. Có phải có những lần hát con đã kiềm giữ sự đam mê đó? Hay là vì số khán giả đông hay vắng?
Diễm Liên: Thực ra sự trình diễn một bài hát tùy thuộc vào nhiều yếu tố của từng buổi hát, tùy theo cái mood của mỗi đêm. Số khán giả ít hay nhiều không ảnh hưởng đến con. Chuyện trình diễn của con còn tuỳ thuộc ban nhạc và người giới thiệu. Cái mood của ban nhạc hôm đó tốt, họ chơi rất hay, thì thuận tiện cho con. Gặp lúc ban nhạc chưa hào hứng, con bị chia trí, cách diễn đạt của mình cũng bị ảnh hưởng. Đôi khi con bị văng ra ngoài cái hồn bài hát là vì vậy. Nhiều yếu tố ảnh hưởng đến sự thành công của con. Con cần sự giúp đỡ của ban nhạc. Nhưng lúc nào con cũng cố gắng hết mình. “I always do my best!” Trước mỗi buổi trình diễn thường tụi con đều có tập. Nhưng khi ở trên sân khấu, nếu ban nhạc chơi thật hào hứng thì mới tuyệt vời được. Nhớ lại một hôm con hát ở La Mirada, cũng hát bài “Kiếp Nào Có Yêu Nhau” của Phạm Duy, chỉ mình Vương Hương đệm dương cầm cho con, nhưng hôm đó đúng là “the best.”
Hồi Tháng Ba năm 2003, Hội Văn Học Nghệ Thuật Việt Mỹ (VAALA) đã tổ chức một buổi nhạc thính phòng tại La Mirada Theatre với chủ đề “Tự Tình Khúc”, gồm những bản tình ca lãng mạn, nồng nàn của nhiều thập niên, theo lời giới thiệu của Hội. Hôm đó Diễm Liên hát 4 bài, đặc biệt xuất thần trong bài “Kiếp Nào Có Yêu Nhau”. Theo lời kể của một MC hôm đó, sau khi nghe Diễm Liên trình diễn thật suất sắc bài nhạc khó hát này, nhạc sĩ Phạm Duy đã tháo chiếc tie đang đeo xuống định lên tặng Diễm Liên, nhưng cô đã lui vào hậu trường.
Một anh bạn trẻ kể chuyện hồi còn ở Sài Gòn, năm 1994, 95 được nghe một giọng hát độc đáo qua băng cassette trình bày thật tuyệt vời mấy bài nhạc Trịnh Công Sơn, hỏi giọng hát ai, cô hàng cà phê xinh xắn ngạc nhiên hỏi lại: “Anh không biết tiếng hát Diễm Liên thật sao?” Diễm Liên thuộc những ca sĩ hàng đầu trong lớp ca sĩ trẻ ở hải ngoại. Diễm Liên là một trong số rất hiếm hoi những ca sĩ trẻ tham dự vào hàng ngũ những người hát thính phòng. Với một phong cách rất tự tin, cô biểu lộ sự thông minh đặc biệt trong việc cảm nhận những tác phẩm của các nhạc sĩ lớp cũ, cô cảm được hồn bài nhạc và trình diễn với tất cả cảm xúc đó. Đó là một điều thật bất ngờ. Chúng ta tưởng tượng một thiếu nữ trong bộ trang phục rất “hot”, mỗi lần sôi nổi trình diễn một bài nhạc (điệu disco) chẳng hạn là làm lớp khán giả trẻ náo loạn. Cũng cô gái đo,ù với trang phục đó, với tất cả vẻ duyên dáng của một thiếu nữ xinh đẹp, đã trình diễn thật điêu luyện những ca khúc tình cảm lãng mạn nhẹ nhàng hay thống thiết. Cô có một giọng hát thật sâu, thật mạnh, thật vững vàng ở từng tiết tấu. Bài hát càng nhiều tiết tấu phức tạp càng là thử thách mà cô muốn vượt qua. Trả lời cho câu khen tặng rằng cô còn “lên” nữa, cô nói:
Diễm Liên: Con nói rất thật tình rằng không bao giờ con nghĩ con sẽ “lên” hay cái gì khác. “I just sing out of my heart!” Con thích hát thì con hát. Mỗi lần ở trên sàn diễn là một lần con vui. Và điều quan trọng hơn nữa là làm sao có được những người tiếp tục hát những bài hát ngày xưa. Thành thử khi nói về Nguyên Khang chẳng hạn. Bây giờ Nguyên Khang chưa thể bằng anh Tuấn Ngọc. Nhưng con restpect giọng ca đó bởi vì đây là tầng lớp mới khả dĩ có thể thay thế đàn anh đàn chị trong việc nuôi dưỡng dòng nhạc một thời rất đẹp của chúng ta. Nếu không có những người như Nguyên Khang, Ngọc Hạ thì mai sau ai sẽ hát những bài nhạc bất hủ ngày xưa. Đó cũng có thể là lý do con hay hát song ca chung với Nguyên Khang, cũng có thể vì khán thính giả thường yêu cầu con hát chung với Khang hơn là với người khác, qua số lượng những e-mail con nhận được. Nhưng con rất thích hát chung với anh Tuấn Ngọc.
Diễm Liên vắng mặt một thời gian và khi trở lại cô bỗng nhiên thành một giọng ca khác hẳn, vững vàng, tự tin. Cô vẫn khẳng định rằng cô vắng mặt không phải để học về nhạc. Cô không biết gì về nhạc. Thời gian cô lớn lên thì thân phụ đi tù (cải tạo), cô không có cơ hội học nhạc. Thân phụ Diễm Liên là nhà báo Đinh Lang, cũng phục vụ trong quân đội và bị 13 năm tù. Trời cho cô một đôi tai thẩm âm tinh tế, chính xác. Trời cho cô một tâm hồn yêu những dòng nhạc trữ tình sâu sắc ngày xưa. Trả lời câu hỏi tại sao khi trở lại sau khi vắng mặt ít lâu cô đã như người lột xác, cô nói:
Diễm Liên: Bản thân con cũng ngạc nhiên về sự thay đổi của con. Theo kiểu Việt Nam mình ở đây, mỗi ca sĩ đều phải “keep it up”. Nếu mình vắng mặt một thời gian là “it’s gone!” Vắng mặt thì khán thính giả sẽ quên mất mình. Nhưng may mắn cho con là khi trở lại thì cũng là lúc nhạc thính phòng cũng hơi thịnh lại. Lần đầu tiên con được hát thính phòng là do Hội Nghệ Thuật Âm Nhạc của nhóm anh Thomas Ngô với chị Thơ, anh Hoàng Thi Thao. Hội đó thường không thích mời những ca sĩ như tụi con, họ chỉ muốn mời những ca sĩ như cô Thái Thanh, chị Ý Lan, anh Tuấn Ngọc... Họ chưa hề dám thử dùng những ca sĩ như con. Một ngày nào đó tự nhiên con được gọi. Con rất ngạc nhiên, hỏi lại: “Thính phòng?” Sao mà gọi cháu? Lúc đó cháu cũng không hề nghĩ là sau này sẽ hát nhạc thính phòng nữa. Cuối cùng người ta giao cho con một bài trong buổi trình diễn của Hội. Chỉ một bài thôi, có lẽ để thử lửa, hoặc là nếu con hát hỏng thì cũng không đến nỗi làm mất mặt Hội vì mỗi năm người ta tổ chức một lần, một buổi rất lớn với dàn nhạc mấy chục người. Sau đó thì con rất là “like it!” Sau này khi được họ gọi lại, con được giao thêm bài. Con cho rằng chắc con có prove được cái gì đó họ mới gọi lại và cho nhiều bài hơn. Từ đó con mới bắt đầu hát thính phòng nhiều. Ngay cả những đêm thính phòng bỏ túi con cũng thích được hát ở đó vì khán thính giả những buổi đó thực sự muốn được nghe hát chứ không phải đến để ngồi chơi cho qua thì giờ...
Hỏi: Giả dụ con làm riêng một show hát luôn mười mấy bài thì có mệt không?
Diễm Liên: Chắc là có mệt chứ chú. Nhưng con có thể làm được. Tuy nhiên cái dở của con là không nói chuyện được nhiều khi đứng trên sân khấu. Con không thể nói lung tung đủ thứ được, con không muốn bắt khán giả nghe những điều nhàm chán để mua thì giờ. Thường con chỉ giới thiệu bài hát, tác giả bài hát, rồi con cố gắng hát thật hay cho khán giả nghe. Thực sự nếu cần đối đáp với các bạn đồng diễn, với người giới thiệu thì con nói được, nhưng dựng lên một câu chuyện nào đó để nói cho khán giả nghe thì con không làm được. Con không thích “fake”.
Diễm Liên qua Mỹ năm 1990, đến năm 1992 bắt đầu đi hát. Cô kể lại chuyện “tình cờ bước vào đời ca hát” như sau:
Diểm Liên: Hồi đó con được gặp nhạc sĩ Tùng Giang. Tùng Giang biết con có ca hát đại khái ở Đà Lạt, nên một hôm tình cờ đi Ritz, Tùng Giang nói con lên hát chơi một bài. Lúc đó chú Ngọc Chánh còn ở đó. Chú ưng ý và nói con hát cho club của chú. Khi con hát ở đó những nhà sản xuất vidéo đến nghe và mời con làm việc với họ. Con làm việc với Hollywood Night, sau đến trung tâm Thúy Nga, hiện nay con làm cho trung tâm Asia, cho trung tâm Vân Sơn, cho trung tâm Tình. Con không làm độc quyền cho trung tâm nào cả. Thực ra không bao giờ con nghĩ trở thành ca sĩ. Cho đến giờ phút này con vẫn không suy nghĩ như mình là ca sĩ. Con chỉ biết con có thể hát được. Ý con muốn nói là người ta thường nghĩ ca sĩ là một mẫu người khác, còn con không bao giờ nghĩ con có gì khác mọi người. Ngay cả hồi nãy chú nói con là đẹp, chính con không bao giờ nghĩ con đẹp hơn ai cả, bởi vì trong gia đình 5 chị em, con thuộc loại không đẹp. Con quen suy nghĩ như vậy, không quen suy nghĩ là con đẹp., thực sự tự trong lòng con như vậy.
Diễm Liên là một giọng ca quí, rất đáng trân trọng trong giới những người hát trẻ. Cô sẽ tiếp tục là giọng ca quí sau này trong giới những người nuôi dưỡng dòng nhạc trữ tình lãng mạn của bao thập niên qua. Tôi xin chia sẻ với anh bạn tôi niềm mơ ước được nghe Diễm Liên, một ngày nào đó, thay thế Thái Thanh trong những trường ca của Phạm Duy, Phạm Đình Chương...

No comments:

Post a Comment