Đi Taxi ở Sài Gòn
Đỗ Tăng Bí
Đối với một người ở Mỹ về, giá cả đi xe cộ ở Sài Gòn rất rẻ. Đi xe bus từ Gia Định lên Sài gòn trả có 2,000 đồng, khoảng 12 xu. Đi xe ôm 4, 5 cây số cũng chỉ khoảng 10,000 đồng, khoảng 70 xu. Đi taxi đoạn đường như thế cũng chỉ trả khoảng 20,000 đồng, cùng lắm 30,000 đồng. Độ 2 đô la. Xe bus không phải đường phố nào cũng chạy qua được. Xe ôm thì sợ đụng xe quá. Cho nên tôi thường chọn taxi để di chuyển. Ngồi xe taxi có máy lạnh, an toàn hơn xe ôm, và nhiều khi được nghe những mẩu chuyện đáng nhớ, như những chuyện tôi được nghe ông tài xế kể vào một buổi tối:
“Lái taxi thì nhiều khi chở những người cũng ly kỳ lắm. Như tôi đã từng chở vợ chồng ông Phó Chủ Tịch thành phố, bây giờ ông ấy làm Chủ Tịch rồi, làm Thị trưởng rồi. Nhưng đâu dám gọi ông là Thị Trưởng, mà là Chủ Tịch Uỷ Ban Nhân Dân. Bởi vì Uỷ Ban Nhân Dân thì nhiều người, đến khi sai phạm thì chẳng có ai chịu trách nhiệm cả. Nếu ông ấy là Thị Trưởng thì một mình ông ấy chịu à. Nên ông ấy bảo thôi, đừng kêu tôi như ngày xưa, kiểu ôngĐỗ Kiến Nhiễu là Đô Trưởng thì tôi không thích. Tôi là người của quần chúng, nhưng thực sự nó khôn bỏ mẹ luôn. Ông ấy đã từng ngồi trên xe này, đi taxi cùng bà vợ đi ăn đám cưới mà. Thời còn làm Phó Chủ Tịch cơ.”
Tôi gợi ý: Thế Phó Chủ Tịch mà không có xe à?
Giọng ông tài xề cao hẳn lên: “Có xe nhưng mà lúc đó họ đang muốn lên Chủ Tịch, họ đang muốn hạ Hoàng Viết Thanh (?) xuống, nên họ cần quái gì cái xe của ngày hôm đó. Thôi cứ đi xe bus hoặc xe trả tiền chứ không đi xe của công, vì đi việc tư, rồi người ta nói mình không liêm chính. Chơi thế mới là cao cơ. Còn tôi thì biết tỏng tòng tong ông ấy là đứa nào. Có điều bây giờ mình phải gọi bằng Ông. Họ đi ký hợp đồng nơi này nơi nọ. Mới đi Campuchia đó.”
Mình lại phải làm bộ ngây thơ: Hợp đồng gì vậy?
Ông tài xế nói chậm lại để dằn nỗi hằn học: “Thực sự chắc ông ta cũng chẳng biết hợp đồng gì vì bộ tham mưu của ông ấy lo... Nhưng mắt mũi ông ta lúc này cũng sáng láng hơn trước. Trán bóng lưỡng. Họ nguyên một famile mà. Bà vợ họ Trương, em ruột Trương Mỹ Hoa (Phó Chủ Tịch nước). Rồi ông Trương (gì) Hùng ấy là Trưởng Ban Tổ Chức Thành Uỷ. Ông thấy có phải nguyên famille của họ không? Cộng Sản đâu có phải vậy. Những người đã nằm xuống, đã đổ máu rồi, tôi mới tin những người đó là trung thành với dân. Cách Mạng là mang lại quyền lợi cho cả dân tộc chứ.” Bây giờ thì câu chuyện có vẻ dễ dàng hơn, tôi mở máy thu âm, lọai máy nằm lọt lòng bàn tay.
- Gia đình của ông có là Cách mạng không?
- Cha tôi thời chống Pháp là thương binh có được gì đâu. Tôi thương binh thời chống Mỹ có được gì đâu. Nói thời chống Mỹ thì không đúng, tôi thuộc thời chống Trung Quốc.
- Như thế ông đã đi Campuchia?
- Đúng, tôi đi chống bành trướng mà. Kinh khủng lắm ông ơi. May mắn mà tôi không chết. Sắp đến lượt tôi thì bọn nó chiếm được cái chốt cứ điểm đó. Ông tưởng tượng nó nướng cả một trung đoàn chỉ để chiếm một cái chốt trên một ngọn đồi, chỉ để cho báo chí đến chụp hình quay phim trong một tiếng đồng hồ, rồi buổi chiều để lại cho phe Khemer Đỏ chiếm lại. Cứ hết tiểu đội này lên bị hạ, đến tiểu đội kia, hết tiểu đoàn này đến tiểu đoàn kia, sau cùng cả trung đoàn còn chưa đến trăm người mới chiếm được một diện tích chưa đến vài trăm mét vuông. Nhưng lệnh Tướng phải chiếm cho bằng được để đưa phái đoàn báo chí đến. Người ta không coi sinh mạng của lính ra gì cả. Vậy mà bây giờ ông coi, làm quần quật chỉ đủ ăn thôi. Nhưng đó cũng còn may phước hơn nhiều người, họ muốn làm mà không có công việc làm. Những người ở vùng sâu, vùng xa hiện nay khổ cực lắm. Thậm chí tôi gặp những em bé 11, 12 tuổi mà không nghe biết đến mùi kem đánh răng. Ông tưởng tượng coi. Tôi đây này, tôi đã từng lái xe xuống khu gọi là khu sinh thái ở U Minh Thượng. Tôi từng mang kem đánh răng, bàn chải đánh răng cho các đứa bé ở đó, chúng dễ thương quá, chúng khổ quá. Buổi sáng chúng đâu có được ăn cái gì, đến trưa trưa chừng 10 giờ, 11 giờ bố mẹ đi bắt chuột đồng về, lúc đó mới được ăn cơm với chuột đồng. Sáng ăn cơm với chuột đồng, chiều ăn cơm với chuột đồng. Canh cũng nấu bằng thịt chuột đồng, kho cũng nấu bằng thịt chuột đồng. Có gì khác để ăn đâu. Nhìn hàm răng biết ngay bọn chúng không biết đánh răng là cái gì rồi. Toàn bợn với bợn thôi. Mình biết rằng ở vùng sâu, vùng xa dân mình khổ cỡ đó, thì một người cán bộ ăn nhậu... Đây này, tôi mới chở một cán bộ ở Sở Xây Dựng đây này, số ... đường ... đây này. Ông ta nói mời hai người khách đi ăn ở Shareton (Khách sạn Shareton ở Quận 1, Sài Gòn), ông nói mời đi ăn hào sống mà mang 10 triệu không biết có đủ hay không. Đúng, 10 triệu là một cái gì đó cho cả đời người dân bình thường, nhưng chỉ một buổi trưa mà không biết họ ăn cái gì vào trong họng của họ, hay họ uống cái gì vào trong họng của họ. Mà ông ta nói một cách thành thật, lo lắng thành thật. Ông tưởng tượng coi, 10 triệu cho một bữa trưa có 3 người... xem có quá đáng hay không.
Chưa hết đâu ông. Ông ta (ông khách đi xe taxi) còn nói chuyện trong điện thoại là con ông Giám Đốc Sở Xây Dựng (tên một tỉnh) đang muốn đi vào Sài Gòn học, giao cho một người bạn nào đó, mà còn nói rằng đây ta giao mối hàng xịn cho mày đó, mày được lo cho 2 đứa con của ông đó ăn học ở thành phố này. Ông thấy chưa, ông hiểu vì sao mà tôi uất ức nói chuyện như vậy. Ông có đọc báo không? Con của một Thứ Trưởng Bộ Thương Mại đó, nó sài điện thoại 100 triệu đồng trong một tháng. Nó đã đốt qua điện thoại 20 “căn nhà Tình Thương”, nếu nhà tình thương trị giá 5 triệu đồng một căn. Nó tiêu một ngày 10 triệu, như thế nó và khách của nó nuốt mỗi ngày 2 căn nhà tình thương. Đó chỉ là con của một thằng thứ trưởng thôi. Như thế “thằng thứ trưởng” nó sài cỡ nào, rồi Bộ trưởng, Phó Thủ Tướng, Thủ Tướng thì sao. Ông nghĩ đi! Tôi chỉ nói lên sự thật đau lòng của một đất nước đang hồi sinh ... Họ yêu cầu dân thắt lưng buộc bụng, nhưng họ có biết người dân đã thắt đến cỡ nào chưa. Tôi không nói chính trị chính em gì cả, chỉ nói lên sự thật của xã hội thôi.
Xe vượt qua mấy người đạp xe chở cồng kềnh các đồ phế liệu nhặt từ các thùng rác. Ông nói tiếp:
Đây này, bao nhiêu người đó, ông nhìn đi, họ từ các miền đi vô đây... Họ chỉ mong lấy được những gì thiên hạ bỏ đi để họ tận dụng kiếm cơm mà ăn. Nhìn đó mình mới thấy được chân giá trị một con người, sự lao động là như thế nào. Mình mới thấy những người tiêu pha bằng tiền của dân là phạm tội ác. Nếu có những người bỏ hết công sức, bỏ hết chất xám để mang lại cho nhân dân những cái gì đó, nếu họ có được hưởng đời sống thật giàu sang, thì tôi thấy họ rất xứng đáng, tôi không phàn nàn gì cả. Còn sống trên sự đau khổ của người khác thì... Ông có nhớ Lý Thường Kiệt ngày xưa nói cái gì? Là người làm tướng ở trên cao thì phải lo khổ trước cái lo khổ của người khác, sung sướng sau sự sung sướng của người khác ... Rồi chỉ tiêu của họ là những gì, tôi thấy có thằng bảo thế này: Tài khoản công ty mình còn 15, 17 triệu đô đó, mà không dùng vào việc gì cả, không hoạch định sản xuất gì cả, nếu để năm sau là mất, thành ra họ biết giá xe hơi năm tới lên, thế là học đi mua xe hơi, nhưng không mang về cơ quan. Họ mua bán trên giấy tờ, chờ năm sau bán lại, họ đầu cơ. Vậy mà họ báo cáo xử dụng đồng vốn có hiệu quả..., đạt chỉ tiêu này nọ...
Nói thế ông đừng giận tôi. Ông nghĩ chắc thằng này nó khổ lắm sao mà bất mãn. Tôi sống đầy đủ. Nhà tôi 4 người đều có công ăn việc làm. Xin lỗi ông, vợ tôi nó là công an đó. Vợ tôi cấp tá đó. Con tôi cũng làm việc này nọ. Gia đình tôi căn cơ, nề nếp. Nhưng tôi bất mãn về sự bất công chứ không phải bất mãn ông nào. Nhưng xã hội này nói mãi nó cũng thế ông à.
- Bây giờ có cách gì để thay đổi?
- Có chứ ạ. Có là chừng nào có những người thực sự muốn đóng góp cho đất nước, mà họ lên tham chính kìa. Học được giữ những chức vụ quan trọng kìa. Mà sao kẹt xe quá, mình nằm ngay con đường này mà không có con đường nào thoát cả (Đường Trương Minh Giảng cũ). Chắc là xe lửa mới đi qua. Cách đây 18, 19 năm có kế hoạch đưa xe lửa ra ngoại ô, nhưng, cơ chế mà ông. Cái cơ chế nó không cho người dân được hưởng cái gì cả. Thôi mình quay xe lại đi tìm đường khác vậy, đi đường kinh Nhiêu Lộc vậy...
Ông tài xế tìm cách thoát khỏi đám xe kẹt, rồi nói tiếp:
- Hồi nhỏ tôi cũng đi học Hội Việt Mỹ mấy năm, nhưng giải phóng nhanh quá làm tôi không học kịp. Hồi nhỏ tôi mê tiếng Anh lắm. Hồi đó có chương trình của cái Unicef gì đó, các thầy dậy tiếng Anh đó, cho họ đi vào vùng sâu, vùng xa dậy tiếng Anh miễn phí. Tôi mê lắm, theo học liền. Đây này, cái kinh Nhiêu Lộc này do một phụ nữ đứng làm giám đốc, họ đang tìm cách làm đẹp, làm tốt. Chắc là sau này họ sẽ làm lại một kinh này một lần nữa. Đây này, chúng ta vừa đi qua một cái cầu. Có 10 cái cầu trên một đoạn kinh 1 cây số rưỡi. Mỗi cầu trị giá một tỷ đồng. Cầu thấp lè tè, ghe suồng làm sao đi qua được mà họ dám ví kinh này như dòng sông Sein bên Pháp. Thay vì họ không tham ô tư túi thì chắc là làm được nhiều dòng sông Sein lắm.
- Tôi nghe nói bây giờ các hãng xe taxi cho tài xế mua xe riêng để hợp tác chạy, điều đó chắc lợi hơn cho các ông, phải không?
- Hồi đó tôi có dư chút đỉnh, mua một xe 4 chỗ của cái hãng này (ông tài xế chỉ vào một cái xe chạy phía trước, tôi không biết là hiệu xe gì). Tôi chỉ hùn có phân nửa thôi, nhưng sau tôi thấy bị o ép quá nên tôi bán, lấy vốn lại. Từ hai năm nay tôi làm muớn.
- Nhưng o ép như thế nào?
- Họ muốn giữ độc quyền làm chủ các xe. Thí dụ như nếu mình chạy cho người ta thì người ta coi trọng mình, còn nếu mình chạy cho mình thì họ tính đủ thứ tiền. Nếu mướn xe mỗi ngày tôi phải bỏ ra ba trăm mấy chục ngàn, nếu tôi làm chủ tôi cũng phải bỏ hai trăm mấy chục ngàn, trong khi tôi đã bỏ ra gần trăm triệu trả trước 30% tiền mua xe, mà xe hư làm sao thì mình phải bỏ tiền sửa. Bởi vậy tôi đâu muốn làm chủ nữa. Thành ra cuộc sống này có nhiều điều kỳ cục lắm.
Xe chạy qua một khu bán toàn quần áo, ông tài xế đổi đề tài:
- Cũng có hồi tôi định bán quần áo như thế này, nhưng tính lại thì không ích lợi gì cả. Ông tính coi, mình chiếm độ hai mét vỉa hè người ta mình phải trả tiền, nhưng khi công an bắt thì mình rán chịu. Mấy cái nhà này họ đâu có đăng ký kinh doanh, học đâu có gì phải lo. Còn mình phải lo từ trên xuống dưới cho địa phương thì mới được yên ổn làm ăn chứ. Nhưng chủ nhà vẫn thu tiền của mình và những người khác như thường. Ở cái đất nước nghèo có nhiều chuyện mà ở những đất nước giầu không có. Giống như nhà nghèo thì gặp đủ thứ chuyện. Như đậu xe tại mấy cái công viên này nè. Đậu xe một chút là có mấy thằng mặt rô đến thu tiền. Mấy thằng đó thu tiền vì nó cũng được bảo trợ chớ, cũng phải nộp tiền cho đâu đó chớ. Trong khi có bảng hiệu cho phép đậu xe, nhưng nó không cho đậu thì làm gì nó.
Xe đi qua đường Huyền Trân Công Chúa ngày xưa, con đường chạy phía sau dinh Độc Lập, ông tài xế hỏi:
- Chắc ông cũng rành mấy con đường này chớ. Hồi trước đây là đường mấy em đứng. Bây giờ không còn nữa, nhưng đâu có phải là hết các em đâu. Các em đi chỗ khác. Đâu có phải là triệt tiêu mà là xua đuổi người ta đi chỗ khác thôi. Chỗ này bây giờ các ông lớn cho phá hàng rào mở các quán này quán nọ, tráng nhựa quá đẹp, thì phải đuổi mấy em đi để còn làm ăn chớ.
Xe đến nơi. Tôi cảm ơn ông tài xế đã cho tôi biết thêm nhiều điều về cuộc sống Sài Gòn hiện nay. Lâu lắm mới gặp được một ông tài xế chịu nói, dám nói. Và quí vị có biết ông ta nói gì trước khi tôi xuống xe? “Ông anh thu máy được nhiều quá hé. Tôi lăn lộn nhiều nên cũng biết nhiều thứ máy móc này lắm. Nhưng bực quá nên tôi nói tưới, không sợ đứa nào cả, tôi chỉ nói sự thực thôi mà. Thôi cám ơn ông anh cho tiền boa nhiều quá nghe!”
Tuesday, January 27, 2009
Subscribe to:
Post Comments (Atom)
No comments:
Post a Comment